Đa số mọi người đều được cung cấp đủ lượng sắt từ chế độ ăn. Tuy nhiên, một số người cần phải uống bổ sung sắt để điều trị hoặc ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt.
10 lý do cần uống bổ sung sắt
Sắt là một khoáng chất rất quan trọng đối với sức khỏe. Tất cả các tế bào đều chứa một lượng sắt nhất định nhưng phần lớn sắt trong cơ thể tập trung trong hồng cầu. Hồng cầu là các tế bào máu có chức năng vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan và mô khắp cơ thể. Sắt có vai trò tạo năng lượng từ các chất dinh dưỡng và ngoài ra còn tham gia vào quá trình truyền xung thần kinh – các tín hiệu điều phối hoạt động của các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Khi nạp vào nhiều sắt hơn mức cần thiết thì lượng sắt thừa sẽ được dự trữ để cơ thể sử dụng sau này. Đa số mọi người đều được cung cấp đủ lượng sắt từ chế độ ăn. Tuy nhiên, một số người cần phải uống bổ sung sắt để điều trị hoặc ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt.
Dưới đây là 10 lý do cần uống bổ sung sắt phổ biến nhất.
Các lý do cần uống bổ sung sắt
Điều trị thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi cơ thể không có đủ lượng sắt trong hồng cầu. Khi không có đủ sắt, hồng cầu không thể mang oxy một cách hiệu quả đến các tế bào và mô. Các triệu chứng thường gặp của thiếu máu do thiếu sắt gồm có:
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Chóng mặt, hoa mắt
- Khó tập trung
- Khó thở, hụt hơi
- Giảm tập trung
- Đánh trống ngực
Thiếu máu do thiếu sắt là dạng thiếu máu phổ biến nhất. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu do thiếu sắt là:
- Kinh nguyệt, đặc biệt là kinh nguyệt kéo dài hoặc ra nhiều (rong kinh)
- Bệnh viêm loét dạ dày
- Ung thư đường tiêu hóa
- Mất máu do chấn thương hoặc hiến máu
- Xuất huyết tiêu hóa do sử dụng các loại thuốc như aspirin và ibuprofen trong thời gian dài
Mang thai
Phụ nữ từ 19 – 50 tuổi, không mang thai hoặc cho con bú cần 15 đến 18 mg sắt mỗi ngày. Phụ nữ đang mang thai cần nhiều sắt hơn. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), lượng sắt khuyến nghị hàng ngày đối với phụ nữ mang thai là 27 mg. Mặc dù nhiều loại vitamin tổng hợp dành cho bà bầu có chứa cả chất sắt nhưng không được tự ý tăng liều lượng sử dụng để bổ sung thêm sắt vì làm vậy sẽ khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều các vitamin khác và có thể gây hại đến thai nhi. Nếu cần tăng lượng sắt thì hãy hỏi bác sĩ về việc dùng thêm chế phẩm bổ sung sắt.
Trẻ sinh non
Thai nhi hấp thụ sắt từ cơ thể người mẹ và tạo thành một “kho dự trữ sắt” nhỏ trong cơ thể bé. Lượng sắt dự trữ này được sử dụng trong 6 tháng đầu sau khi chào đời. Khi trẻ được 6 tháng tuổi, cha mẹ nên thêm các loại thực phẩm có bổ sung sắt vào chế độ ăn của con. Các bác sĩ nhi khoa khuyến nghị nên sử dụng sữa công thức có chứa chất sắt cho những trẻ bú bình. Đối với những trẻ sinh non, do thời gian nằm trong bụng mẹ ngắn hơn trẻ sinh đủ tháng nên không có đủ lượng sắt dự trữ và có thể cần dùng chế phẩm bổ sung. Tuy nhiên, không được tự ý cho trẻ uống sắt mà phải đưa trẻ đi khám bác sĩ trước.
Rong kinh
Kinh nguyệt hàng tháng sẽ làm giảm lượng sắt trong cơ thể. Đó là lý do tại sao phụ nữ có nguy cơ thiếu máu cao hơn nam giới. Nguy cơ thiếu máu còn tăng cao hơn nữa ở những phụ nữ bị rong kinh (kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài).
Tập luyện cường độ cao
Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ, các vận động viên nữ có nguy cơ thiếu sắt cao hơn. Mặc dù chưa rõ lý do nhưng các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng các vận động viên cần nhiều hồng cầu hơn để vận chuyển oxy trong cơ thể trong quá trình tập luyện. Những người thường xuyên tập luyện cường độ cao và đang có các dấu hiệu thiết sắt nên đi khám để chẩn đoán sớm vấn đề và được hướng dẫn uống bổ sung sắt.
Bị mất máu thường xuyên
Những người bị mất máu quá nhiều thường phải uống bổ sung sắt. Một số ví dụ là người hiến máu thường xuyên và những người bị xuất huyết tiêu hóa. Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa có thể là do thuốc hoặc các bệnh lý như viêm loét và ung thư. Những người có nguy cơ thiếu sắt không nên hiến máu thường xuyên.
Chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo cũng là một trong những lý do cần bổ sung thêm sắt. Thận có chức năng sản xuất erythropoietin – một hormone báo cho cơ thể tạo ra hồng cầu. Nếu thận không hoạt động tốt thì có thể dẫn đến thiếu máu. Ngoài ra, cơ thể bị mất một lượng máu nhỏ trong quá trình chạy thận nhân tạo và chế độ ăn uống trong thời gian điều trị cũng thường có hàm lượng sắt thấp. Một số loại thuốc mà những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo có thể làm giảm lượng sắt hoặc cản trở khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.
Đang dùng các loại thuốc làm giảm lượng sắt
Một số loại thuốc có thể gây cản trở khả năng hấp thụ sắt hoặc làm giảm lượng sắt trong cơ thể, ví dụ như:
- Quinolone – một nhóm thuốc kháng sinh, gồm có ciprofloxacin và levofloxacin
- Tetracycline
- Ranitidine và omeprazole – thuốc điều trị viêm loét dạ dày, ợ chua và một số vấn đề khác ở đường tiêu hóa
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (thuốc ức chế ACE) – thuốc điều trị bệnh cao huyết áp
- Colestipol và cholestyramin – các thuốc giảm LDL cholesterol
Nếu đang sử dụng một trong các loại thuốc và lo ngại về nguy cơ thiếu máu thì nên nói chuyện với bác sĩ. Không được tự ý ngừng dùng thuốc.
Người bị rối loạn tăng động giảm chú ý
Một nghiên cứu vào năm 2014 đã cho thấy rằng chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể làm tăng nguy cơ thiếu sắt. Sau khi kiểm tra nồng độ sắt, ferritin, vitamin D, magiê, canxi và phốt pho trong máu, các nhà nghiên cứu nhận thấy những trẻ em bị tăng động giảm chú ý có nồng độ sắt và ferritin thấp hơn so với những trẻ không bị chứng bệnh này. Ferritin là protein dự trữ sắt bên trong tế bào để cơ thể sử dụng sau này.
Bị ho do thuốc ức chế ACE
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin hay thuốc ức chế ACE được sử dụng để điều trị các bệnh như:
- Bệnh tim mạch
- Cao huyết áp
- Bệnh tiểu đường tuýp 2
- Bệnh thận nhẹ
Thuốc ức chế ACE thậm chí còn giúp ngăn ngừa bệnh thận ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Một trong các tác dụng phụ thường gặp của thuốc này là ho khan. Theo một nghiên cứu, việc uống bổ sung 200 mg sắt sulfat mỗi ngày, ít nhất 2 giờ sau khi uống thuốc ức chế ACE, sẽ giúp giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ này. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng uống sắt làm tăng lượng oxit nitric trong máu. Oxit nitric giúp giảm ho do thuốc ức chế ACE.
Lưu ý khi uống bổ sung sắt
Hầu hết mọi người đều đáp ứng tốt với các chế phẩm bổ sung sắt đường uống mà phổ biến nhất là dạng viên nang. Tuy nhiên, những người có nồng độ sắt quá thấp có thể cần phải tiêm truyền sắt qua đường tĩnh mạch. Tốt nhất nên uống sắt khi bụng đói vì thức ăn có thể làm giảm sự hấp thụ sắt trong đường ruột. Uống sắt cùng với một loại đồ uống nhiều vitamin C như nước cam, chanh sẽ giúp cơ thể hấp thụ sắt hiệu quả hơn nhưng lưu ý, điều này có thể gây ra các triệu chứng khó chịu ở những người có vấn đề về tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản. Uống bổ sung sắt theo đúng liều lượng khuyến nghị. Bổ sung sắt quá liều có thể gây ngộ độc, đặc biệt là ở trẻ em, và gây hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể.