Tình trạng thiếu vitamin B12 xảy ra khá phổ biến và có nhiều biểu hiện khác nhau, ví dụ như da nhợt nhạt, mệt mỏi, khó thở, cảm giác châm chích ở bàn tay, bàn chân, viêm loét miệng, suy giảm thị lực và thay đổi tâm trạng.
9 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu vitamin B12
Vitamin B12 là gì?
Vitamin B12, hay còn được gọi là cobalamin, là một vitamin tan trong nước.
Vitamin nhóm B này đóng vai trò thiết yếu trong quá trình hình thành hồng cầu và trình tự gen DNA, đồng thời góp phần duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh.
Vitamin B12 có tự nhiên trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, gồm có thịt gia súc, gia cầm, cá, trứng và sữa. Ngoài ra, chất dinh dưỡng này cũng được tổng hợp và thêm vào một số sản phẩm chế biến sẵn như bánh mì, ngũ cốc và sữa thực vật.
Tình trạng thiếu vitamin B12 xảy ra rất phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu hụt là những người không ăn hoặc ăn quá ít thực phẩm chứa vitamin B12 hoặc cơ thể không thể hấp thụ chất dinh dưỡng này từ thực phẩm, cụ thể là gồm có:
- Người cao tuổi
- Những người đã phẫu thuật cắt bỏ phần ruột có chức năng hấp thụ vitamin B12
- Những người đang dùng thuốc metformin để điều trị bệnh tiểu đường
- Những người theo chế độ ăn thuần chay
- Những người dùng thuốc kháng axit kéo dài để điều trị chứng ợ nóng hay trào ngược dạ dày
Thông thường, phải sau một thời gian dài không tiêu thụ đủ vitamin B12 (có thể lên đến vài năm) thì các dấu hiệu, triệu chứng thiếu hụt mới xuất hiện và việc chẩn đoán lại tương đương phức tạp. Tình trạng thiếu vitamin B12 đôi khi bị nhầm lẫn với thiếu vitamin B9 (folate).
Lượng vitamin B12 trong cơ thể ở mức thấp sẽ làm giảm lượng vitamin B9. Tuy nhiên, lúc này nếu bổ sung mình vitamin B9 thì sẽ chỉ có thể tạm thời làm giảm đi các triệu chứng thiếu hụt vitamin B12 chứ không khắc phục được vấn đề.
Dưới đây là 9 dấu hiệu thường gặp khi bị thiếu vitamin B12.
Các dấu hiệu thiếu vitamin B12
1. Da nhợt nhạt hoặc vàng da
Khi bị thiếu vitamin B12, da thường trở nên nhợt nhạt hoặc da và lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự thiếu hụt vitamin B12 gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu trong cơ thể.
Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành trình tự gen DNA mà đây lại là điều cần thiết để cơ thể tạo ra hồng cầu. Nếu không có vitamin B12, các chỉ dẫn cho sự hình thành tế bào sẽ không hoàn thiện và các tế bào không thể phân chia.
Điều này gây ra một dạng thiếu máu gọi là thiếu máu hồng cầu khổng lồ – tình trạng mà tủy xương sản sinh ra hồng cầu lớn hơn bình thường và dễ vỡ.
Vì những hồng cầu này có kích thước quá lớn nên không thể đi ra khỏi tủy xương và vào hệ tuần hoàn. Do đó, trong máu sẽ không có đủ số lượng hồng cầu và dẫn đến da trở nên nhợt nhạt.
Không chỉ có kích thước lớn, các hồng cầu còn yếu hơn bình thường, có nghĩa là nhiều hồng cầu bị vỡ hơn và điều này gây ra tình trạng dư thừa bilirubin.
Bilirubin là một chất có màu hơi đỏ hoặc nâu, được tạo ra bởi gan khi các tế bào máu bị vỡ.
Lượng bilirubin tăng cao sẽ khiến cho da và tròng trắng mắt chuyển màu vàng.
Tóm tắt: Da nhợt nhạt hoặc vàng da là một trong những biểu hiện của tình trạng thiếu vitamin B12.
2. Mệt mỏi, uể oải
Mệt mỏi là các triệu chứng phổ biến của tình trạng thiếu hụt vitamin B12.
Nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng này cũng là do cơ thể không có đủ vitamin B12 để tạo ra hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
Kết quả là các tế bào của cơ thể không được cung cấp đủ oxy, điều này gây ra cảm giác uể oải, không có sức lực.
Ở người cao tuổi, dạng thiếu máu này thường là do một bệnh tự miễn gọi là thiếu máu ác tính.
Ở những người bị thiếu máu ác tính, cơ thể không sản xuất đủ yếu tố nội tại – một loại protein quan trọng.
Yếu tố nội tại là chất cần thiết để ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin B12 vì loại protein này liên kết với vitamin B12 trong ruột để cơ thể có thể hấp thụ.
Tóm tắt: Khi bị thiếu vitamin B12, cơ thể không thể sản xuất đủ hồng cầu để vận chuyển oxy đến các tế bào một cách hiệu quả. Điều này gây ra hiện tượng mệt mỏi, uể oải.
3. Cảm giác châm chích
Một trong những vấn đề nghiêm trọng có thể phát sinh do bị thiếu vitamin B12 trong thời gian dài là tổn thương thần kinh.
Lý do là bởi vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa tạo ra myelin – một loại chất béo bao quanh dây thần kinh, có chức năng như một lớp bảo vệ và cách nhiệt.
Nếu không có vitamin B12, quá trình tạo ra myelin không thể diễn ra bình thường và điều này ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh.
Một dấu hiệu thường gặp của tình trạng này là dị cảm hay cảm giác châm chích ở bàn tay hoặc bàn chân, giống như cảm giác có nhiều đầu kim cùng đâm vào da.
Các triệu chứng liên quan đến thần kinh do thiếu vitamin B12 thường xảy ra kèm với thiếu máu. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy khoảng 28% người có các triệu chứng về thần kinh do thiếu vitamin B12 không hề có bất kỳ dấu hiệu thiếu máu nào. (1)
Ngoài ra, cảm giác châm chích cũng là một dấu hiệu phổ biến của nhiều vấn đề khác nên nếu chỉ có dấu hiệu này thì đó thường không phải là do thiếu hụt vitamin B12.
Tóm tắt: Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất myelin – một loại chất béo giúp bảo vệ dây thần kinh và rất cần thiết đối với chức năng hệ thần kinh. Một dấu hiệu phổ biến của tổn thương dây thần kinh do thiếu vitamin B12 là cảm giác châm chích.
4. Giảm khả năng vận động
Nếu không được khắc phục, tình trạng tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12 có thể gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể.
Sự thiếu hụt vitamin B12 thậm chí còn có thể làm giảm khả năng giữ thăng bằng và phối hợp các chi, dẫn đến dễ té ngã.
Triệu chứng này thường xảy ra ở người cao tuổi vì những người trên 60 tuổi dễ bị thiếu vitamin B12 hơn. Khi bổ sung đủ vitamin B12, khả năng vận động sẽ được cải thiện.
Ngoài ra, triệu chứng này có thể xuất hiện ở cả những người trẻ tuổi bị thiếu vitamin B12 trầm trọng và không được điều trị trong thời gian dài.
Tóm tắt: Tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12 trầm trọng, kéo dài có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng và gây ra những thay đổi đến khả năng vận động.
5. Viêm lưỡi và loét miệng
Viêm lưỡi có biểu hiện là đau đớn, lưỡi có màu đỏ và sưng tấy.
Tình trạng viêm còn khiến cho bề mặt lưỡi trở nên nhẵn bóng vì các gai lưỡi (hay nhú lưỡi) bị giãn ra và biến mất.
Không chỉ gây đau đớn, viêm lưỡi còn ảnh hưởng đến vị giác và khả năng nói chuyện.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm lưỡi với dải tổn thương dài, thẳng trên bề mặt lưỡi là một trong những dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin B12. (2)
Ngoài ra, một số người bị thiếu vitamin nhóm B này còn gặp phải các triệu chứng khác ở vùng miệng, chẳng hạn như loét miệng, cảm giác châm chích ở lưỡi hoặc cảm giác nóng và ngứa bên trong khoang miệng.
Tóm tắt: Một trong những dấu hiệu có thể xuất hiện khi bị thiếu vitamin B12 là lưỡi đỏ và sưng. Sự thiếu hụt vitamin B12 còn có thể gây ra các triệu chứng khác ở khoang miệng như loét miệng.
6. Khó thở và chóng mặt
Một hiện tượng thường gặp khi bị thiếu máu do thiếu vitamin B12 là khó thở và chóng mặt, đặc biệt là khi vận động mạnh.
Nguyên nhân là do cơ thể không có đủ số lượng hồng cầu cần thiết để vận chuyển oxy đến các tế bào.
Tuy nhiên, khó thở và chóng mặt cũng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề, bệnh lý khác. Do đó, khi nhận thấy những biểu hiện bất thường này thì nên đi khám để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp điều trị.
Tóm tắt: Thiếu máu do thiếu vitamin B12 có thể gây khó thở và chóng mặt. Điều này xảy ra do cơ thể không có đủ hồng cầu để vận chuyển oxy đến các tế bào.
7. Giảm thị lực
Một triệu chứng của tình trạng thiếu hụt vitamin B12 là mắt mờ hoặc các thay đổi khác về thị lực.
Điều này xảy ra do sự thiếu hụt vitamin B12 gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, bao gồm cả dây thần kinh thị giác.
Tổn thương có thể làm gián đoạn tín hiệu thần kinh truyền từ mắt đến não và dẫn đến suy giảm thị lực.
Thông thường, thị lực sẽ trở về bình thường khi cơ thể được bổ sung đủ vitamin B12.
Tóm tắt: Trong một số trường hợp, tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12 có thể xảy ra ở dây thần kinh thị giác. Điều này dẫn đến mắt mờ hoặc các dạng rối loạn thị lực khác.
8. Thay đổi tâm trạng và trí nhớ kém
Những người bị thiếu vitamin B12 thường trải qua một số thay đổi về tâm trạng, cảm xúc.
Nghiên cứu đã chứng minh lượng vitamin B12 thấp có thể dẫn đến các dạng rối loạn cảm xúc và các vấn đề với não bộ, ví dụ như trầm cảm và sa sút trí tuệ. (3)
Một trong những giả thuyết được đưa ra để lý giải cho mối liên hệ này là lượng homocysteine cao do thiếu vitamin B12 gây tổn thương mô não và cản trở các tín hiệu đến và đi từ não bộ, điều này dẫn đến thay đổi tâm trạng.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng ở những người bị thiếu hụt, việc bổ sung vitamin B12 có thể cải thiện trạng thái tinh thần.
Tuy nhiên, những thay đổi về tâm trạng và các vấn đề như sa sút trí tuệ hay trầm cảm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, cần nghiên cứu thêm để làm rõ tác dụng của việc bổ sung vitamin B12 đối với những vấn đề này.
Nếu bị thiếu hụt, việc bổ sung vitamin B12 đúng là có thể giúp cải thiện tâm trạng nhưng cách này không thể thay thế cho các phương pháp đã được khoa học kiểm chứng trong điều trị trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ.
Tóm tắt: Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến tâm trạng chán nản hoặc các vấn đề do suy giảm chức năng não bộ, chẳng hạn như sa sút trí tuệ.
9. Thân nhiệt tăng
Một dấu hiệu rất hiếm gặp nhưng có thể xảy ra khi bị thiếu hụt vitamin B12 là nhiệt độ cơ thể tăng cao.
Hiện vẫn chưa lý giải được nguyên nhân gây ra điều này nhưng trên thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp hạ sốt nhờ bổ sung vitamin B12. (4)
Tuy nhiên, thân nhiệt tăng cao đa phần là do vấn đề về sức khỏe chứ rất hiếm khi là do thiếu vitamin B12.
Tóm tắt: Trong một số ít trường hợp, sự thiếu hụt vitamin B12 có thể làm tăng thân nhiệt.
Tóm tắt bài viết
Tình trạng thiếu vitamin B12 xảy ra khá phổ biến và có nhiều biểu hiện khác nhau, ví dụ như da nhợt nhạt, mệt mỏi, khó thở, cảm giác châm chích ở bàn tay, bàn chân, viêm loét miệng, suy giảm thị lực và thay đổi tâm trạng.
Nếu có nguy cơ thiếu vitamn B12 cao và nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên thì nên đi khám để làm xét nghiệm đo lượng vitamin B12 trong cơ thể.
Hầu hết mọi người đều có thể dễ dàng ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin B12 bằng cách ăn đủ thực phẩm giàu chất dinh dưỡng này, ví dụ như thịt, cá, trứng và sữa. Tuy nhiên, khi đã bị thiếu hụt thì có thể sẽ cần uống bổ sung hoặc tiêm vitamin B12.