Mặc dù không được nhắc đến nhiều như các loại vitamin B khác nhưng vitamin B6 cũng là một chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng.
9 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu vitamin B6
Vitamin B6 là gì?
Vitamin B6, hay còn được gọi là pyridoxine, là 1 trong 8 loại vitamin nhóm B. Mặc dù được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1932 nhưng đến nay các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về loại vitamin này.
Ở hầu hết mọi người thì chế độ ăn uống hàng ngày có thể cung cấp đủ vitamin B6 nhưng nếu đang bị thiếu các loại vitamin B khác, chẳng hạn như vitamin B9 và vitamin B12 thì cũng sẽ có khả năng bị thiếu vitamin B6.
Thiếu vitamin B6 xảy ra phổ biến ở những người bị bệnh gan, thận, tiêu hóa hoặc bệnh tự miễn, cũng như là những người hút thuốc lá, béo phì, nghiện rượu và phụ nữ mang thai.
Trong cơ thể, vitamin B6 tham gia vào hơn 150 phản ứng enzyme. Những phản ứng này giúp cơ thể xử lý protein, carb và chất béo trong thức ăn. Vitamin B6 còn đóng vai trò quan trọng đối với chức năng của hệ thần kinh và hệ miễn dịch.
Gần đây, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vitamin B6 có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Điều này có nghĩa là vitamin B6 có thể giúp ngăn ngừa các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch và ung thư.
Dưới đây là 9 dấu hiệu và triệu chứng có thể gặp phải khi cơ thể bị thiếu vitamin B6.
Dấu hiệu thiếu vitamin B6
1. Phát ban da và bong tróc
Thiếu vitamin B6 là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da tiết bã.
Vấn đề về da này có thể xảy ra trên da đầu, mặt, cổ và phần trên của ngực. Viêm da tiết bã có triệu chứng là các mảng phát ban đỏ, bong tróc vảy trắng, ngứa và đôi khi còn bóng dầu.
Sự thiếu hụt vitamin B6 có thể gây phát ban da là bởi loại vitamin nhóm B này giúp tổng hợp collagen – một thành phần cần thiết cho làn da khỏe mạnh. Trong những trường hợp bị viêm da tiết bã do thiếu vitamin B6, vấn đề sẽ nhanh chóng cải thiện khi bổ sung đủ vitamin B6.
Ngoài dạng viên uống, người bị viêm da tiết bã có thể dùng các sản phẩm kem bôi có chứa vitamin B6 để điều trị các triệu chứng.
Tóm tắt: Phát ban, ngứa, da bóng nhờn và bong tróc là dấu hiệu phổ biến của tình trạng thiếu vitamin B6. Những triệu chứng này sẽ cải thiện nhanh chóng khi bổ sung vitamin B6.
2. Môi khô nứt nẻ
Thiếu hụt vitamin B6 có thể gây viêm môi với các biểu hiện là môi sưng tấy, đỏ và nứt nẻ. Các vết nứt có thể bị chảy máu và nhiễm trùng.
Tình trạng này gây đau đớn và cản trở các hoạt động thường ngày như ăn uống và nói chuyện.
Giống như viêm da tiết bã, viêm môi cũng sẽ tự khỏi khi cơ thể được cung cấp đủ vitamin B6, có thể là từ các loại thực phẩm hoặc viên uống bổ sung.
Ngoài vitamin B6, sự thiếu hụt vitamin B2 (riboflavin), vitamin B9 (folate), sắt và các chất dinh dưỡng khác cũng có thể khiến môi bị khô. Đây cũng là một hiện tượng thường xảy ra do tiếp xúc với ánh nắng, gió lạnh, thời tiết khô hanh và một số yếu tố bên ngoài khác.
Tóm tắt: Môi khô nứt nẻ có thể là biểu hiện của tình trạng thiếu vitamin B6. Vấn đề sẽ tự khỏi khi cơ thể được cung cấp đủ vitamin B6 từ thực phẩm hoặc viên uống bổ sung.
3. Lưỡi sưng tấy, nhẵn
Lưỡi sưng tấy, đỏ và nhẵn cũng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu hụt vitamin B6. Tình trạng này được gọi là viêm lưỡi.
Bề mặt lưỡi trở nên nhẵn, bóng là do bị mất các gai lưỡi (nhú lưỡi). Viêm lưỡi sẽ gây đau và khó khăn cho việc nhai, nuốt, nói chuyện.
Nếu nguyên nhân gây viêm lưỡi là do thiếu vitamin B6 thì việc bổ sung loại vitamin này sẽ giúp điều trị vấn đề.
Thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác, ví dụ như vitamin B9 hay B12, cũng có thể dẫn đến tình trạng tương tự. Trong những trường hợp này thì sẽ phải bổ sung đủ tất cả các vitamin bị thiếu.
Tóm tắt: Lưỡi sưng đỏ và nhẵn bóng có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin B6 nhưng cũng có thể là do bị thiếu các chất dinh dưỡng khác, đặc biệt là vitamin B9 và B12.
4. Thay đổi tâm trạng
Sự thiếu hụt vitamin B6 có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và đôi khi là nguyên nhân góp phần gây ra buồn bã, lo âu, cáu kỉnh và tăng cảm giác đau.
Lý do là bởi vitamin B6 tham gia vào quá trình sản sinh ra một số chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn như serotonin và axit gamma-aminobutyric (GABA). Cả serotonin và GABA đều giúp kiểm soát cảm giác lo âu, chán nản và cảm giác đau.
Các thử nghiệm hiện vẫn đang được tiến hành để tìm hiểu vai trò của vitamin B6 trong việc ngăn ngừa và điều trị các vấn đề này.
Trong một nghiên cứu, bổ sung vitamin B6 giúp làm giảm các vấn đề về hành vi ở khoảng một nửa số người mắc chứng tự kỷ vì loại vitamin này giúp cơ thể tạo ra chất dẫn truyền thần kinh. (1)
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc bổ sung 50 – 80 mg vitamin B6 mỗi ngày có thể làm giảm các triệu chứng về cảm xúc, tinh thần của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), chẳng hạn như buồn bực, cáu gắt và lo âu. (2)
Lý do mà vitamin B6 có ích cho hội chứng tiền kinh nguyệt là bởi loại vitamin này thúc đẩy sự sản sinh serotonin – chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm trạng.
Tóm tắt: Những thay đổi về tâm trạng như cáu kỉnh, lo âu và buồn bã có thể xảy ra khi lượng vitamin B6 trong cơ thể ở mức thấp. Lý do là bởi vitamin B6 cần thiết cho quá trình sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh giúp kiểm soát tâm trạng.
5. Hệ miễn dịch yếu
Hệ miễn dịch khỏe mạnh là điều vô cùng cần thiết để ngăn ngừa bệnh tật. Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, bao gồm cả vitamin B6, có thể khiến cho hệ miễn dịch trở nên suy yếu.
Cụ thể, thiếu hụt vitamin B6 sẽ làm giảm sự sản sinh các kháng thể cần thiết để chống lại nhiễm trùng.
Thiếu vitamin B6 còn làm giảm lượng bạch cầu trong cơ thể, trong đó có cả tế bào T. Các tế bào này có vai trò điều hòa chức năng miễn dịch và giúp hệ miễn dịch hoạt động một cách bình thường.
Ngoài ra, vitamin B6 còn giúp cơ thể tạo ra interleukin-2 – một loại protein tham gia chỉ đạo hoạt động của bạch cầu.
Ở những người mắc các bệnh tự miễn (các bệnh do hệ miễn dịch tấn công chính tế bào trong cơ thể), vitamin B6 thường bị phân hủy nhanh hơn bình thường và điều này làm tăng nhu cầu vitamin B6 của cơ thể.
Tóm tắt: Khi không có đủ vitamin B6, cơ thể sẽ giảm sản sinh kháng thể, bạch cầu và các yếu tố miễn dịch khác. Điều này làm suy giảm khả năng ngăn ngừa bệnh tật.
6. Mệt mỏi, uể oải
Thiếu vitamin B6 có thể khiến cơ thể trở nên uể oải và mệt mỏi bất thường.
Nguyên nhân là vì vitamin B6 là chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo ra hemoglobin – một loại protein trong hồng cầu (tế bào máu có nhiệm vụ mang oxy đi khắp cơ thể).
Tình trạng mà các tế bào không nhận được đủ oxy do cơ thể có quá ít hemoglobin được gọi là thiếu máu. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất khi bị thiếu máu là mệt mỏi, thiếu năng lượng.
Trong một nghiên cứu được thực hiện ở những người bị thiếu máu do thiếu vitamin B6, việc bổ sung vitamin B6 dạng pyridoxine hydrochloride (HCl) không có tác dụng cải thiện vấn đề nhưng ở những người được bổ sung dạng vitamin B6 hoạt động mạnh nhất là pyridoxal 5’-phosphate (PLP) thì các triệu chứng thiếu máu được cải thiện nhanh chóng. (3)
Ngoài thiếu máu, thiếu hụt vitamin B6 còn ảnh hưởng đến quá trình sản sinh melatonin – loại hormone rất cần thiết để có giấc ngủ ngon và đây cũng có thể là nguyên nhân gây mệt mỏi, uể oải.
Tóm tắt: Vitamin B6 là chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể tạo ra hồng cầu. Sự thiếu hụt vitamin B6 có thể dẫn đến thiếu máu hoặc giảm chất lượng giấc ngủ và cả hai điều này đều gây ra tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng.
7. Châm chích và đau ở bàn tay, bàn chân
Sự thiếu hụt vitamin B6 có thể gây ra một dạng tổn thương thần kinh được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên.
Các triệu chứng gồm có nóng, đau nhói và châm chích ở cánh tay, cẳng chân, bàn tay và bàn chân.
Tổn thương thần kinh có thể gây ảnh hưởng đến khả năng cử động tay chân, giữ thăng bằng và di chuyển.
Ngoài ra, việc bổ sung dạng vitamin B6 không hoạt động (pyridoxine HCl) cũng có thể gây ra bệnh thần kinh. Nguyên nhân là vì lượng lớn pyridoxine HCl có thể cạnh tranh và ngăn cản dạng hoạt động PLP của vitamin B6 trong cơ thể.
Các vấn đề về thần kinh do thiếu vitamin B6 sẽ khỏi khi cơ thể được bổ sung đủ vitamin này. Tuy nhiên, các vấn đề về thần kinh do bổ sung vitamin B6 quá liều sẽ khó điều trị hơn.
Tóm tắt: Cảm giác nóng, đau nhói và châm chích ở tay, chân có thể do sự thiếu hụt vitamin B6 gây tổn thương thần kinh. Điều này cũng có thể xảy ra khi bổ sung quá nhiều vitamin B6
8. Co giật
Co giật xảy ra vì nhiều nguyên nhân nhau, trong đó có cả thiếu hụt vitamin B6.
Khi không có đủ vitamin B6, cơ thể sẽ không tạo ra đủ lượng GABA – chất dẫn truyền thần kinh có chức năng làm dịu và điều này có thể khiến cho não bộ bị kích thích quá mức, dẫn đến co giật.
Thiếu hụt vitamin B6 là một trong những nguyên nhân gây co giật ở trẻ sơ sinh. Các trường hợp đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1950 khi các loại sữa công thức không có đủ vitamin B6.
Co giật do thiếu vitamin B6 cũng có thể xảy ra ở người lớn, chủ yếu là phụ nữ mang thai, người nghiện rượu, người đang mắc bệnh gan hoặc đang dùng một số loại thuốc (do tương tác thuốc).
Khắc phục tình trạng thiếu hụt sẽ giúp chấm dứt các cơn co giật.
Tóm tắt: Co giật là vấn đề có thể xảy ra khi lượng vitamin B6 trong cơ thể quá thấp. Mặc dù co giật do thiếu vitamin B6 chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh nhưng người lớn cũng có thể gặp phải.
9. Homocysteine tăng cao
Homocysteine là một sản phẩm phụ được tạo ra trong quá trình tiêu hóa protein.
Thiếu vitamin B6, cũng như là vitamin B9 và B12, có thể khiến cho nồng độ homocysteine trong máu tăng cao bất thường vì đây là những loại vitamin B giúp cơ thể xử lý homocysteine.
Lượng homocysteine tăng cao sẽ làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh, dẫn đến tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, đặc biệt là bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh Alzheimer.
Có thể kiểm tra nồng độ homocysteine bằng phương pháp xét nghiệm máu đơn giản. Nếu nồng độ ở mức cao thì có thể giảm xuống bằng cách bổ sung vitamin B6, B9 và B12.
Các yếu tố khác, chẳng hạn như chế độ ăn uống và thói quen vận động thể chất, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh kể trên và cũng cần điều chỉnh để ngăn ngừa bệnh tật.
Tóm tắt: Sự thiếu hụt vitamin B6, B9 và B12 đều có thể làm tăng lượng homocysteine, điều này làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh, dẫn đến tăng nguy cơ mắc một số bệnh.
Thực phẩm giàu vitamin B6
Cơ thể con người không thể dự trữ nhiều vitamin B6. Do đó, để tránh bị thiếu hụt thì hàng ngày đều phải tiêu thụ đủ lượng vitamin nhóm B này.
Điều này không khó vì vitamin B6 có trong rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, cả thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và nguồn gốc từ thực vật. Ngoài ra, vitamin B6 cũng được thêm vào một số sản phẩm chế biến sẵn như ngũ cốc ăn sáng hay thanh dinh dưỡng (nutrition bar).
Lượng tiêu thụ khuyến nghị (RDI) đối với vitamin B6 ở người lớn không mang thai là 1,7 mg mỗi ngày.
Dưới đây là một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B6 tự nhiên:
Thực phẩm | Khẩu phần | % RDI |
Thịt thăn lợn | 85g | 33% |
Ức gà bỏ da | 85g | 26% |
Cá hồi đánh bắt tự nhiên | 85g | 24% |
Chuối | 01 quả cỡ vừa (~120g) | 22% |
Khoai tây | 01 củ cỡ nhỏ (~140g) | 21% |
Hạt dẻ cười | 28g | 18% |
Ớt chuông đỏ | 92g | 16% |
Mận khô | 33g | 14% |
Bắp cải mini | 80g | 15% |
Hạt hướng dương | 28g | 11% |
Quả bơ | Nửa quả (khoảng 70g) | 11% |
Các dạng vitamin B6 trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, viên uống và thực phẩm chế biến sẵn được bổ sung vitamin thường được hấp thu tốt hơn so với dạng vitamin B6 trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
Nếu chỉ ăn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật thì sẽ cần tiêu thụ nhiều vitamin B6 hơn để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể và ngăn ngừa thiếu hụt.
Tóm tắt: Có thể dễ dàng cung cấp đủ vitamin B6 cho cơ thể bằng một chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng. Vitamin nhóm B này có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, ví dụ như thịt lợn, thịt gia cầm, cá, rau củ, trái cây, quả hạch, hạt và các loại đậu.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù không được nhắc đến nhiều như các loại vitamin B khác nhưng vitamin B6 cũng là một chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng.
Các dấu hiệu thường gặp khi cơ thể bị thiếu vitamin B6 gồm có phát ban da, nứt nẻ môi, lưỡi sưng đỏ và bề mặt nhẵn, thay đổi tâm trạng, suy giảm miễn dịch, mệt mỏi, đau thần kinh, co giật và nồng độ homocysteine tăng cao.
Nếu nghi ngờ mình bị thiếu vitamin B6 thì nên đi khám để làm xét nghiệm kiểm tra và có hướng dẫn cách khắc phục.
Có thể dễ dàng ngăn ngừa thiếu hụt vitamin B6 bằng một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều nhóm thực phẩm khác nhau như các loại trái cây, rau củ, các loại hạt, thịt và cá.
Tuy nhiên, nếu chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đủ vitamin B6 thì sẽ cần uống bổ sung.
Các sản phẩm bổ sung thường chứa một trong hai dạng vitamin B6 là pyridoxine HCl hoặc PLP nhưng pyridoxine HCl phổ biến hơn và thường có giá thấp hơn PLP.