9 loại đồ uống thay thế cà phê dành cho những người không thích hoặc không thể uống cà phê.
9 lựa chọn thay thế cho cà phê
Cà phê là thức uống quen thuộc vào buổi sáng của nhiều người trong khi đối với một số người khác thì lượng caffeine cao trong cà phê (khoảng 95 mg trong mỗi cốc cỡ vừa) lại gây ra một số tác động tiêu cực như hồi hộp, bồn chồn, tim đập nhanh. Ở những người nhạy cảm với caffeine, cà phê còn có thể gây đau đầu và rối loạn tiêu hóa.
Nhiều người không uống cà phê chỉ đơn giản là vì không thích vị đắng của thức uống này.
Dưới đây là 9 loại đồ uống thay thế cho cà phê mà bạn có thể thử nếu không thể hoặc không thích uống cà phê.
1. Cà phê rau diếp xoăn
Giống như hạt cà phê, rễ rau diếp xoăn (chicory) có thể được rang, xay và ủ để tạo thành một loại đồ uống nóng có hương vị thơm ngon. Nó có vị rất giống cà phê nhưng hoàn toàn không chứa caffeine.
Rễ rau diếp xoăn có chứa rất nhiều inulin – một loại chất xơ hòa tan có lợi cho tiêu hóa và cải thiện sức khỏe đường ruột bằng cách thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi, đặc biệt là hai chủng vi khuẩn Bifidobacteria và Lactobacilli. (1)
Ngoài ra, các chất trong loài cây này còn kích thích túi mật sản xuất nhiều dịch mật hơn và điều này có lợi cho quá trình tiêu hóa chất béo.
Hiện nay đã có các sản phẩm rễ rau diếp xoăn được xay và rang sẵn nên rất dễ sử dụng. Chỉ cần pha giống như bột cà phê rang xay thông thường, có thể dùng phin kim loại, phin giấy hoặc máy pha cà phê. Tỷ lệ thường là 2 thìa bột pha với khoảng 180 ml nước hoặc điều chỉnh tùy theo sở thích.
Tuy nhiên, cần lưu ý rễ rau diếp xoăn có thể gây ra vấn đề về tiêu hóa ở một số người. Mặc dù inulin rất tốt cho sức khỏe nhưng chất xơ này đi kèm một số tác dụng phụ như đầy hơi và chướng bụng.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú không nên uống rễ rau diếp xoăn vì hiện chưa có nghiên cứu về tính an toàn trong những trường hợp này.
Tóm tắt: Rễ rau diếp xoăn có hương vị tương tự như cà phê nhưng không chứa caffeine và rất giàu chất xơ inulin nên có lợi cho tiêu hóa và giúp hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh.
2. Matcha
Matcha là một loại trà được làm bằng cách hấp, sấy khô và nghiền lá của cây trà (Camellia sinensis) thành bột mịn.
Các loại trà khác như trà đen (hồng trà) hay trà xanh được pha bằng cách ủ lá trà khô hoặc tươi trong nước nóng và bạn chỉ uống nước. Trong khi đó, bột matcha được hoàn tan vào trong nước nên bạn sẽ tiêu thụ gần như toàn bộ lá trà, nhờ đó mà cơ thể sẽ được cung cấp các chất chống oxy hóa với nồng độ cao hơn nhiều, đặc biệt là chất chống oxy hóa epigallocatechin gallate (EGCG). (2)
Nhiều lợi ích cho sức khỏe của trà matcha chính là nhờ EGCG. Ví dụ, các nghiên cứu quan sát cho thấy rằng uống trà matcha thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ cao huyết áp.
Loại trà này còn giúp ích cho việc giảm cân và giảm mỡ thừa, cũng như là giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Matcha có mùi thơm rất dễ chịu.
Cách pha trà matcha như sau:
- Cho 1 – 2 thìa cà phê bột matcha vào một chiếc bát.
- Thêm nước nóng (không dùng nước sôi), nhiệt độ nước khoảng 70 – 80°C.
- Khuấy từ từ cho đến khi bột tan hết, sau đó đánh đều cho đến khi nổi bọt nhẹ. Nếu có thể thì dùng chổi đánh trà (chasen) là tốt nhất.
- Có thể thêm sữa tươi để pha latte.
Do tiêu thụ gần như toàn bộ lá trà nên matcha thường có hàm lượng caffeine cao hơn so với trà xanh thông thường và đôi khi còn cao hơn cà phê. Lượng caffeine trong mỗi cốc matcha rơi vào khoảng 35 – 250 mg.
Tóm tắt: Trà matcha cung cấp nhiều chất chống oxy hóa có lợi. Tùy thuộc vào cách pha chế mà loại trà này có thể chứa nhiều caffeine hơn cả cà phê.
3. Sữa vàng
Sữa vàng (golden milk) là một loại thức uống có thể thay thế cho cà phê và không chứa caffeine.
Loại đồ uống này là sự kết hợp của sữa với các loại gia vị có tác dụng làm ấm và tiếp thêm năng lượng cho cơ thể như gừng, quế, nghệ và hạt tiêu đen. Ngoài ra còn có thể thêm các thành phần khác như bột bạch đậu khấu, vani và mật ong.
Ngoài tác dụng tạo cho đồ uống màu vàng đẹp mắt, nghệ còn có đặc tính chống viêm mạnh do chất curcumin.
Hạt tiêu đen giúp làm tăng khả năng hấp thụ curcumin cho cơ thể. Chất béo cũng có tác dụng này. Do đó, bạn nên sử dụng sữa nguyên kem thay vì sữa tách béo để pha loại đồ uống này.
Cách pha sữa vàng rất đơn giản, gồm có các bước như sau:
- Đổ 1 cốc (240 ml) sữa tươi nguyên kem vào một chiếc nồi, thêm 1/2 thìa cà phê bột nghệ, 1/4 thìa cà phê bột quế hoặc một miếng quế nhỏ, 1/8 thìa cà phê bột gừng hoặc gừng đập dập và một nhúm hạt tiêu đen. Có thể thêm mật ong nếu thích.
- Đun nóng trên lửa nhỏ đến vừa, khuấy liên tục để tránh bị cháy khét.
- Khi hỗn hợp sữa nóng thì bắc xuống, rót qua một chiếc rây để lọc bỏ bã và thưởng thức.
Tóm tắt: Sữa vàng là một loại thức uống thay thế cho cà phê không chứa caffeine, có tác dụng chống viêm nhờ các thành phần như nghệ và hạt tiêu đen.
4. Nước chanh
Không nhất thiết phải uống các loại đồ uống chứa caffeine như trà hay cà phê vào buổi sáng. Nước chanh cũng là một lựa chọn tuyệt vời để bắt đầu một ngày mới.
Nước chanh không chứa calo và caffeine nhưng lại cung cấp một lượng vitamin C dồi dào.
Là một chất chống oxy hóa, vitamin C đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch và có tác dụng bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. Đây là loại vitamin cần thiết để cơ thể sản sinh collagen – một loại protein tạo nên cấu trúc nền cho làn da, gân và dây chằng.
Chỉ một ly nước chanh – gồm có nước cốt của nửa quả chanh (1 thìa canh hoặc 15 ml) pha với 1 cốc nước lọc (240 ml) – là đã đáp ứng được 10% lượng tiêu thụ vitamin C khuyến nghị hàng ngày. (3)
Bạn cũng có thể thêm các loại trái cây và thảo mộc khác để tạo thêm hương vị cho nước chanh, ví dụ như dưa chuột, bạc hà, dưa hấu,… Tuy nhiên, tốt nhất không nên thêm đường.
Tóm tắt: Nước chanh là một loại thức uống cũng rất phù hợp uống vào buổi sáng, giúp cung cấp nước cho cơ thể và tăng cường chất chống oxy hóa.
5. Trà yerba mate
Yerba mate là một loại trà thảo mộc có chứa caffeine tự nhiên được làm từ lá và cành phơi khô của cây llex paraguriensis.
Nếu như bạn cần có caffeine để khởi đầu ngày mới một cách tỉnh táo và tràn đầy năng lượng nhưng lại không muốn uống cà phê thì trà yerba mate là một lựa chọn lý tưởng.
Một cốc (240 ml) trà yerba mate chứa khoảng 80 mg caffeine, tương đương hàm lượng caffeine trong một tách cà phê cỡ vừa.
Yerba mate còn chứa nhiều hợp chất thực vật có lợi và chất chống oxy hóa. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy loại thảo mộc này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn cả trà xanh. (4)
Ngoài ra, yerba mate chứa một số khoáng chất và vitamin, gồm có riboflavin, thiamine, phốt pho, sắt, canxi và vitamin C và E.
Trà yerba mate có vị hơi đắng. Bạn có thể mua lá và cành yerba mate khô rồi ủ trong nước nóng, lọc bã và uống hoặc cũng có thể mua các sản phẩm trà yerba mate túi lọc. Chỉ cần ngâm lá trà hoặc túi trà trong nước nóng khoảng 3 – 5 phút là có thể thưởng thức.
Mặc dù có lợi cho sức khỏe nhưng cũng không nên uống quá nhiều trà yerba mate. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng việc uống quá nhiều và quá thường xuyên (1 – 2 lít mỗi ngày) có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. (5)
Tóm tắt: Trà yerba mate cung cấp một lượng caffeine tương tự như cà phê và ngoài ra còn có các chất khác như riboflavin, thiamine, phốt pho, sắt, canxi, vitamin C và vitamin E. Yerba mate còn chứa nhiều chất chống oxy hóa.
6. Trà Chai
Trà Chai (chai tea) là một loại thức uống được làm từ trà đen (hồng trà) cùng với các loại thảo mộc và gia vị như quế, gừng, hạt tiêu, đinh hương, thảo quả,…
Mặc dù chứa ít caffeine hơn so với cà phê nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng trà đen cũng có tác dụng giúp cho tinh thần tỉnh táo và thư giãn.
Trà đen và trà xanh đều được làm từ lá của cây trà (Camellia sinensis) nhưng khác với trà xanh, trà đen trải qua một quá trình lên men và điều này làm thay đổi thành phần hóa học của lá trà. Cả hai loại đều có đặc tính chống oxy hóa mạnh.
Một số nghiên cứu quan sát đã cho thấy rằng thường xuyên uống trà đen giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Không chỉ mang lại những lợi ích lớn cho sức khỏe, trà Chai còn có hương vị đậm đà và mùi thơn dễ chịu từ các loại thảo mộc sẽ giúp cho tinh thần thoải mái, thư giãn.
Có rất nhiều công thức nấu trà Chai khác nhau và dưới đây là một trong những cách đơn giản nhất:
- Nghiền 4 hạt bạch đậu khấu, 4 nụ đinh hương và 2 hạt tiêu đen.
- Cho 2 cốc (475 ml) nước lọc vào nồi, một lát gừng, 1 thanh quế và các loại gia vị đã nghiền.
- Đun sôi và sau đó bắc xuống.
- Bỏ vào 2 túi trà đen và ngâm trong 10 phút.
- Lọc trà qua rây để bỏ bã và thưởng thức khi còn nóng.
Bạn cũng có thể thêm vào một cốc (240 ml) sữa tươi để dễ uống hơn.
Tóm tắt: Trà Chai là một loại trà đen được pha với các loại gia vị và thảo mộc với hương vị đậm đà, mùi thơm dễ chịu và chứa một lượng caffeine vừa phải. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng trà Chai có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
7. Trà Rooibos
Rooibos hay trà đỏ là một loại đồ uống không chứa caffeine có nguồn gốc từ Nam Phi.
Không giống như cà phê và các loại trà khác, trà rooibos có chứa một lượng nhỏ tannin – một chất chống oxy hóa có lợi nhưng lại gây cản trở sự hấp thụ sắt trong cơ thể.
Tuy nhiên, trà rooibos cung cấp một lượng lớn các chất chống oxy hóa khác.
Một nghiên cứu đã cho thấy trà rooibos có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và trong một nghiên cứu khác, loại trà này được chứng minh là có tác dụng giảm nguy cơ ung thư.
Trà rooibos có thời gian ủ dài hơn và việc ủ quá thời gian cũng không gây vị đắng như các loại trà khác. Trà rooibos có mùi giống như trái cây và vị hơi ngọt.
Cách pha trà rooibos là ủ lá trà trong nước nóng trong 10 phút, sau đó lọc và thưởng thức. Có thể thêm chanh và mật ong nếu thích.
Tóm tắt: Rooibos là một loại trà không chứa caffeine, có vị ngọt nhẹ và mùi trái cây. Loại trà này cung cấp nhiều chất chống oxy hóa và một lượng nhỏ tannin – một hợp chất gây cản trở sự hấp thụ sắt.
8. Giấm táo
Giấm táo được làm bằng cách nghiền táo rồi lên men bằng men và vi khuẩn.
Theo một số nghiên cứu, quá trình này tạo ra axit axetic – một hợp chất giúp làm tăng độ nhạy insulin và kiểm soát lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu cho thấy khi những người bị kháng insulin uống 20 gram (nửa muỗng canh) giấm táo trước bữa ăn thì mức tăng đường huyết đã giảm đi 64%. Tuy nhiên, điều này không diễn ra ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. (6)
Giấm táo còn có tác dụng duy trì cảm giác no sau bữa ăn và nhờ đó hỗ trợ giảm cân ở mức độ vừa phải.
Không nên uống giấm táo trực tiếp mà phải pha loãng với nước. Tỷ lệ là 1 – 2 thìa giấm táo pha với 1 cốc (240 ml) nước lọc, có thể thêm 1 – 2 thìa mật ong nếu thích nhưng không nên thêm đường.
Việc uống giấm táo nguyên chất mà không pha với nước sẽ gây hại. Giấm táo chứa 4 – 6% axit axetic, có thể gây tổn thương niêm mạc trong khoang miệng và cổ họng. Giấm táo còn có thể làm hỏng men răng nếu uống thường xuyên, vì vậy nên súc miệng với nước sau khi uống.
Tóm tắt: Giấm táo là một loại đồ uống không chứa caffeine có thể thay thế cho cà phê. Giấm táo giúp cải thiện độ nhạy insulin, kiểm soát lượng đường trong máu và thậm chí còn có công dụng hỗ trợ giảm cân.
9. Trà kombucha
Kombucha được làm bằng cách lên men trà đen với vi khuẩn, men và đường.
Quá trình lên men này tạo ra một hệ cộng sinh gồm có vi khuẩn và nấm men, được gọi là SCOBY (Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast).
Sau khi lên men, trà kombucha có chứa các vi khuẩn có lợi, axit axetic và chất chống oxy hóa – tất cả đều có lợi cho sức khỏe.
Các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm cho thấy rằng trà kombucha giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện nồng độ cholesterol và mức đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường. (7)
Không nên tự làm trà kombucha tại nhà vì thành phầm sẽ dễ bị nhiễm các mầm bệnh gây hại.
Tóm tắt: Kombucha là trà đen lên men có chứa lợi khuẩn, axit axetic và chất chống oxy hóa. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những lợi ích của loại trà này đối với sức khỏe, ví dụ như tăng cường miễn dịch và giảm nồng độ cholesterol.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù cà phê có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng không phải ai cũng uống được.
Còn có rất nhiều lựa chọn khác có thể thay thế cho cà phê, ví dụ như matcha, nước chanh, ttraf yerba mate, trà kombucha, giấm táo…. Một vài loại đồ uống trong số này thậm chí còn mang lại những lợi ích mà cà phê không có, chẳng hạn như các món có chứa thảo mộc và gia vị, chất chống oxy hóa, lợi khuẩn và axit axetic.