Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh được biết đến với công dụng chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào da và có thể giúp trị mụn trứng cá.
Vitamin C có tác dụng trị mụn trứng cá không?
Mụn trứng cá là một vấn đề về da xảy ra do lỗ chân lông bị bít tắc, gây hình thành các vết sưng đỏ, đau, có đầu trắng hoặc đầu đen. Đây là vấn đề rất phổ biến ở độ tuổi dậy thì nhưng cũng có thể xảy ra ở cả người trưởng thành.
Hiện nay có rất nhiều sản phẩm dưỡng da và các loại thuốc uống, thuốc bôi có tác dụng trị mụn trứng cá. Không ít sản phẩm trong số này có chứa thành phần vitamin C.
Vậy, liệu vitamin C có thực sự có tác dụng trị mụn trứng cá hay không? Hãy cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Lợi ích của vitamin C đối với làn da
Còn có tên khác là axit ascorbic, vitamin C là một loại vitamin tan trong nước có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, bao gồm cả làn da. Cơ thể người không thể tự tạo ra vitamin C mà phải bổ sung từ các loại thực phẩm.
Vitamin C còn là một chất chống oxy hóa mạnh có khả năng trung hòa các gốc tự do – những phân tử không ổn định có thể gây tổn hại các tế bào trong cơ thể và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh mãn tính. (1)
Da bị ảnh hưởng bởi các gốc tự do do tiếp xúc với cả môi trường bên trong lẫn bên ngoài. Ngoài ra, các yếu tố khác như chế độ ăn uống, căng thẳng, hút thuốc lá, tia cực tím (tia UV) và chất gây ô nhiễm đều ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da.
Lớp biểu bì (lớp ngoài cùng của da) chứa hàm lượng lớn vitamin C. Chất dinh dưỡng này đóng một vai trò quan trọng đối với khả năng bảo vệ, tự chữa lành và tái tạo tế bào da mới.
Vì mụn trứng cá là một vấn đề xảy ra do phản ứng viêm trong da và có thể trở nên nặng hơn do các tác nhân từ môi trường nên vitamin C có thể hỗ trợ điều trị mụn.
Tóm tắt: Vitamin C là một loại vitamin tan trong nước, hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh với vai trò bảo vệ làn da và các tế bào khác trong cơ thể khỏi tác hại của gốc tự do.
Tác dụng của vitamin C đối với mụn trứng cá
Như đã nói ở trên, nguyên nhân gây mụn trứng cá là do lỗ chân lông bị tắc nghẽn và bị viêm. Tình trạng này dẫn đến hình thành các vết sưng đỏ, đau và có thể chứa mủ bên trong.
Sau khi xẹp, mụn trứng cá thường để lại các vết thâm hoặc sẹo. Nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin C có thể khắc phục các vấn đề này.
Cần lưu ý, mặc dù ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C là điều rất có lợi cho sức khỏe tổng thể cũng như là sức khỏe của làn da nhưng chưa có nghiên cứu nào chứng minh vitamin C trong chế độ ăn uống có thể trị được mụn trứng cá. Theo các nghiên cứu thì chỉ khi bôi trực tiếp lên da, vitamin C mới phát huy tác dụng này.
Giảm sưng viêm
Tuổi tác, di truyền và nội tiết tố là những yếu tố nguy cơ của mụn trứng cá. Hơn nữa, mụn trứng cá thường hình thành do sự phát triển quá mức của một loại vi khuẩn tồn tại trong da là Propionibacterium acnes (P. acnes) hay còn có tên khác là Cutibacterium acnes (C. acnes).
Vì vitamin C có khả năng chống viêm nên sẽ giúp làm giảm sưng đỏ ở vị trí bị mụn trứng cá. Nhờ đó mà loại vitamin này còn có thể làm giảm mức độ tổn thương do mụn.
Trong một nghiên cứu kéo dài 12 tuần ở 50 người, 61% người tham gia được cho sử dụng kem dưỡng da có chứa 5% natri ascorbyl phosphate (một dạng vitamin C ổn định, được tạo ra bằng cách pha trộn axit ascorbic với một số thành phần khác). Ở những người này, mức độ tổn thương da do mụn có sự cải thiện đáng kể so với nhóm không sử dụng SAP. (2)
Trong một nghiên cứu nhỏ hơn, kéo dài 8 tuần ở 30 người, những người sử dụng kem bôi da có chứa 5% SAP đã giảm 48,8% tổn thương do mụn trứng cá. Hơn nữa, những người sử dụng kết hợp cả SAP và retinol 2% (một dẫn xuất của vitamin A) đã giảm 63,1% tổn thương da do mụn. (3)
Mặc dù những kết quả này đều đầy hứa hẹn nhưng vẫn cần thêm các nghiên cứu quy mô lớn và chuyên sâu hơn để khẳng định lợi ích của vitamin C.
Giảm sẹo mụn
Sau khi bị mụn trứng cá, da cần thời gian để lành lại. Nếu quá trình này diễn ra không thuận lợi thì sẽ hình thành sẹo.
Sẹo là vấn đề thường gặp sau khi bị mụn trứng cá nặng hay mụn bọc nhưng cũng có thể xảy ra ở cả những người chỉ bị mụn nhẹ. Mụn trứng cá kéo dài, di truyền và các tác động từ bên ngoài, ví dụ như thói quen nặn mụn sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sẹo sau mụn.
Có ba loại sẹo mụn chính là sẹo lõm, sẹo phì đại và sẹo lồi.
Sẹo lõm là do sự mất mô da và collagen, dẫn đến hình thành các vết lõm nhỏ trên da. Cả sẹo phì đại và sẹo lồi đều là do sự sản sinh collagen quá mức và kết quả là sự xuất hiện của các vết sẹo cứng, nhô lên trên bề mặt da.
Vitamin C có thể làm giảm sẹo mụn nhờ khả năng tăng cường sự tổng hợp collagen – một loại protein tạo nên cấu trúc của da và có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, sự đàn hồi của làn da. Do đó, vitamin C có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành tổn thương da do mụn trứng cá.
Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần ở 30 người đã nhận thấy tình trạng sẹo mụn có sự cải thiện ở mức độ vừa sau khi sử dụng phương pháp lăn kim (lăn các đầu kim rất nhỏ trên da để thúc đẩy quá trình tự chữa lành và tăng sản xuất collagen) kết hợp với kem bôi chứa 15% vitamin C mỗi tuần. (4)
Tuy nhiên, vitamin C và phương pháp lăn kim không phù hợp với các trường hợp bị sẹo phì đại và sẹo lồi vì nguyên nhân gây ra hai loại sẹo này là do cơ thể sản sinh quá nhiều collagen.
Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh vitamin C trong chế độ ăn uống có thể làm giảm sẹo mụn nhưng lượng vitamin C này có thể làm tăng sự sản xuất collagen tự nhiên trong cơ thể và vẫn có lợi cho sức khỏe tổng thể của làn da.
Giảm thâm sau mụn
Ngoài sẹo, thâm cũng là một vấn đề phổ biến sau khi bị mụn trứng cá. Nguyên nhân là do sự tích tụ sắc tố ở vùng bị tổn thương, được gọi là tăng sắc tố. Đây là một hiện tượng vô hại và còn xảy ra khi tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời hoặc các dạng tổn thương khác.
Bôi vitamin C lên da có thể làm giảm tăng sắc tố da vì vitamin này tác động đến enzyme tyrosinase (một enzyme chịu trách nhiệm sản xuất melanin – một loại sắc tố da).
Ngoài ra, vitamin C còn có tác dụng làm sáng và làm mờ các đốm thâm mà không làm thay đổi màu da tự nhiên.
Một số nghiên cứu trên người đã kết hợp vitamin C dạng bôi với công nghệ điện chuyển ion (iontophoresis) và nhận thấy tình trạng tăng sắc tố da có sự cải thiện đáng kể. (5)
Mặc dù phương pháp này có nhiều hứa hẹn nhưng sở dĩ có được kết quả như vậy là vì công nghệ điện chuyển ion giúp tăng sự hấp thụ vitamin C vào da, có nghĩa là nếu chỉ bôi vitamin C thì sẽ không có tác dụng.
Hơn nữa, hầu hết các nghiên cứu đều sử dụng vitamin C kết hợp với các thành phần chống tăng sắc tố khác như axit alpha hydroxyl (AHA) nên rất khó để xác định hiệu quả của vitamin C. Do đó, vẫn cần nghiên cứu thêm.
Tóm tắt: Bôi trực tiếp vitamin C lên da có thể giúp giảm tình trạng sưng viêm, thâm và sẹo do mụn trứng cá. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng cần phải kết hợp vitamin C với các thành phần hoặc phương pháp điều trị khác thì mới có hiệu quả cao.
Cách trị mụn bằng vitamin C
Mặc dù có rất nhiều loại thực phẩm giàu vitamin C và cũng có thể tăng cường vitamin này cho cơ thể bằng cách dùng viên uống bổ sung nhưng nếu cần trị mụn trứng cá, thâm sẹo sau mụn hay để cải thiện các vấn đề về da khác thì các sản phẩm chăm sóc da dạng bôi có chứa thành phần vitamin C sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Hiện tại chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh vitamin C trong chế độ ăn uống hay thực phẩm chức năng có tác dụng giảm mụn hoặc thâm sẹo do mụn.
Thực phẩm và viên uống bổ sung
Có nhiều loại trái cây và rau củ giàu vitamin C, chẳng hạn như ớt chuông, dâu tây, cà chua, bông cải xanh, các loại rau lá xanh và trái cây họ cam quýt. Nếu chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đủ vitamin C thì hoàn toàn có thể dùng các sản phẩm viên uống bổ sung.
Do đó, không khó để đáp ứng nhu cầu vitamin C hàng ngày của cơ thể.
Vì vitamin C tan trong nước nên cơ thể sẽ loại bỏ lượng vitamin dư thừa qua nước tiểu.
Sản phẩm dưỡng da
Vitamin C là thành phần có trong nhiều sản phẩm dưỡng da, chẳng hạn như serum, mặt nạ, lotion và kem dưỡng.
Mặc dù L-ascorbic acid là dạng mạnh nhất của vitamin C nhưng cũng kém ổn định nhất và rất nhanh hỏng. Vì thế, các loại serum chứa dạng vitamin C này thường có hạn sử dụng ngắn.
Do đó, hầu hết sản phẩm dưỡng da hiện nay đều sử dụng các dạng vitamin C ổn định hơn. Tuy nhiên, mới chỉ có một vài nghiên cứu trên người đánh giá tác động của các dạng vitamin C này đến mụn trứng cá nên chưa rõ liệu có mang lại hiệu quả được như L-ascorbic acid hay không.
Nhiều loại serum vitamin C còn có chứa các chất chống oxy hóa khác như vitamin E để tăng độ ổn định và tác dụng cho sản phẩm.
Để có được kết quả tốt nhất thì hãy sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và khi nhận thấy sản phẩm đã hết hạn hoặc chuyển màu thì phải bỏ ngay.
Nếu hiện đang sử dụng bất kỳ loại thuốc trị mụn dạng bôi hoặc uống nào thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi bắt đầu dùng sản phẩm dưỡng da có chứa vitamin C.
Tóm tắt: Mặc dù vitamin C có mặt trong nhiều loại thực phẩm và viên uống bổ sung nhưng bằng chứng khoa học cho thấy chỉ khi bôi trên da thì vitamin này mới có tác dụng giảm mụn trứng cá và thâm sẹo sau mụn.
Tóm tắt bài viết
Mụn trứng cá là một trong những vấn đề về da phổ biến nhất trên thế giới.
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh được biết đến với công dụng chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào da và có thể giúp trị mụn trứng cá.
Các sản phẩm dưỡng da có chứa vitamin C có thể cải thiện tình trạng tăng sắc tố và giảm viêm do mụn. Tuy nhiên, nếu bị mụn trứng cá nặng thì nên đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn phương pháp điều trị.
Mặc dù chưa có nghiên cứu nào cho thấy rằng vitamin C trong chế độ ăn uống có tác động đến mụn trứng cá nhưng vẫn cần phải ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C mỗi ngày để hỗ trợ cơ thể tổng hợp collagen, chữa lành vết thương và tăng cường sức khỏe tổng thể.