Các dấu hiệu thường gặp khi bị thiếu vitamin B1: ăn không ngon miệng, khó chịu, mệt mỏi, dễ cáu gắt, cảm giác châm chích….
11 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu vitamin B1
Vitamin B1 là gì?
Vitamin B1, hay thiamin, là một trong 8 loại vitamin nhóm B và cũng đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể.
Gần như tất cả các tế bào đều cần có vitamin B1 và giống như các loại vitamin B khác, vitamin B1 cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.
Cơ thể con người không thể tự sản xuất vitamin B1 mà phải hấp thụ từ thực phẩm, chẳng hạn như thịt, các loại hạt và ngũ cốc.
Tình trạng thiếu vitamin B1 xảy ra khá phổ biến. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thiếu vitamin B1 này gồm có:
- Uống nhiều rượu
- Tuổi tác cao
- Nhiễm HIV/AIDS
- Mắc bệnh tiểu đường
- Từng phẫu thuật giảm cân
- Lọc máu ngoài thận
- Sử dụng thuốc lợi tiểu liều cao
Nhiều người bị thiếu vitamin B1 mà không nhận ra vì một số triệu chứng không biểu hiện rõ và dễ bị bỏ qua.
Dưới đây là 11 dấu hiệu, triệu chứng thường gặp khi bị thiếu vitamin B1.
Các dấu hiệu thiếu vitamin B1
1. Ăn không ngon miệng
Một trong những dấu hiệu ban đầu phổ biến khi bị thiếu vitamin B1 là chán ăn.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin B1 đóng vai trò quan trọng đối với cảm giác thèm ăn và ngon miệng khi ăn.
Loại vitamin này tham gia kiểm soát hoạt động của vùng dưới đồi – khu vực chỉ đạo cảm giác no của não bộ.
Khi sự thiếu hụt vitamin B1 xảy ra, hoạt động của vùng dưới đồi bị thay đổi, khiến cho chúng ta cảm thấy no và không muốn ăn, ngay cả khi chưa ăn nhiều. Điều này dẫn đến chán ăn.
Một nghiên cứu đã cho những con chuột ăn ít vitamin B1 trong vòng 16 ngày và kết quả là sức ăn của chúng đã giảm đi đáng kể. Sau 22 ngày, tổng lượng thức ăn mà chuột tiêu thụ đã giảm 69 – 74%. (1)
Một nghiên cứu khác trên những con chuột được cho ăn chế độ ăn thiếu vitamin B1 cũng cho thấy lượng thức ăn giảm đi đáng kể.
Trong cả hai nghiên cứu, sức ăn của chuột đã nhanh chóng trở lại bình thường sau khi bổ sung vitamin B1.
Tóm tắt: Vitamin B1 đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cảm giác no. Một dấu hiệu thường gặp khi bị thiếu vitamin B1 là chán ăn.
2. Mệt mỏi
Tình trạng mệt mỏi do thiếu vitamin B1 có thể xảy ra từ từ hoặc đột ngột và có thể chuyển dần từ trạng thái thiếu năng lượng sang kiệt sức, tùy thuộc vào mức độ thiếu hụt.
Vì mệt mỏi là một hiện tượng thường gặp và xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nên rất dễ bị bỏ qua.
Do vitamin B1 có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi thức ăn thành năng lượng nên khi không có đủ chất dinh dưỡng này thì kết quả tất yếu là cơ thể sẽ trở nên uể oải, thiếu năng lượng và không muốn hoạt động.
Tóm tắt: Mệt mỏi, uể oải là một dấu hiệu phổ biến nhưng rất dễ bị bỏ qua của tình trạng thiếu vitamin B1.
3. Khó chịu, cáu kỉnh
Sự khó chịu, cáu kỉnh có thể xảy ra do nhiều vấn đề về thể chất và tâm lý khác nhau.
Đây cũng là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy lượng vitamin B1 trong cơ thể đang ở mức thấp, thường xảy ra trong vòng vài ngày hoặc vài tuần đầu tiên bị thiếu hụt.
Những trẻ sơ sinh bị bệnh beriberi – một bệnh lý do thiếu vitamin B1 – thường có biểu hiện là quấy khóc.
Tóm tắt: Hay cáu gắt có thể là dấu hiệu đầu tiên của sự thiếu hụt vitamin B1, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.
4. Giảm phản xạ
Sự thiếu hụt vitamin B1 có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh vận động.
Nếu không được điều trị, tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B1 có thể dẫn đến những thay đổi về khả năng phản xạ.
Giảm hoặc không có phản xạ đầu gối, mắt cá chân và cơ tay sau (cơ tam đầu) là những biểu hiện có thể xảy ra khi cơ thể không có đủ vitamin B1, đặc biệt là những trường hợp bị thiếu hụt trầm trọng. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự phối hợp các chi và khả năng vận động.
Trẻ nhỏ có nguy cơ gặp phải triệu chứng này cao hơn so với người lớn.
Tóm tắt: Thiếu hụt vitamin B1 có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh vận động và dẫn đến giảm hoặc mất phản xạ.
5. Cảm giác châm chích ở tay và chân
Cảm giác ngứa ran, châm chích hay nóng ấm ở tay và chân được gọi chung là dị cảm và có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu vitamin B1.
Các dây thần kinh ngoại biên đến cánh tay và chân phụ thuộc rất nhiều vào vitamin B1. Do đó mà sự thiếu hụt loại vitamin này có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh ngoại biên và dị cảm.
Những cảm giác bất thường này đa phần xảy ra trong thời gian đầu bị thiếu vitamin B1.
Tóm tắt: Vitamin B1 có vai trò quan trọng đối với các dây thần kinh trong cơ thể. Sự thiếu hụt vitamin B1 có thể gây ra chứng dị cảm.
6. Yếu cơ
Yếu cơ nói chung không phải là hiện tượng hiếm gặp nhưng thường khó xác định được nguyên nhân.
Hầu hết mọi người đều từng bị yếu cơ tạm thời ít nhất 1, 2 lần. Tuy nhiên, tình trạng yếu cơ kéo dài mà không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin B1.
Đây là một triệu chứng mà rất nhiều người bị thiếu vitamin B1 gặp phải.
Trong những trường hợp này, tình trạng yếu cơ thường được cải thiện đáng kể sau khi bổ sung vitamin B1.
Tóm tắt: Yếu cơ, đặc biệt là ở bắp tay và chân, có thể xảy ra do bị thiếu vitamin B1.
7. Mắt mờ
Thiếu hụt vitamin B1 là một trong nhiều nguyên nhân gây mờ mắt.
Thiếu vitamin B1 nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác và làm giảm hoặc thậm chí mất thị lực.
Thông thường, thị lực sẽ được cải thiện sau khi bổ sung vitamin B1.
Tóm tắt: Thiếu vitamin B1 có thể gây tổn hại dây thần kinh thị giác, dẫn đến mờ mắt hoặc mất thị lực.
8. Buồn nôn và nôn
Mặc dù ít gặp nhưng tình trạng thiếu vitamin B1 có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn và đau bụng. Nôn xảy ra phổ biến hơn ở trẻ nhỏ.
Các triệu chứng này đều khỏi sau khi bổ sung vitamin B1.
Tóm tắt: Trong một số ít trường hợp, thiếu vitamin B1 gây ra các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn hoặc đau bụng.
9. Thay đổi nhịp tim
Nhịp tim là số lần tim đập trong một phút.
Nhịp tim có thể bị ảnh hưởng bởi lượng vitamin B1 trong máu. Khi không có đủ vitamin B1, tim có thể đập chậm hơn bình thường.
Trong các nghiên cứu trên chuột, những con chuột được cho ăn ít vitamin B1 có nhịp tim giảm rõ rệt.
Nhịp tim chậm bất thường do thiếu vitamin B1 có thể gây mệt mỏi, chóng mặt và tăng nguy cơ ngất xỉu.
Tóm tắt: Thiếu vitamin B1 có thể làm giảm nhịp tim, dẫn đến mệt mỏi và chóng mặt.
10. Khó thở
Do tình trạng thiếu vitamin B1 ảnh hưởng đến chức năng tim nên sẽ xảy ra hiện tượng khó thở, đặc biệt là khi vận động mạnh.
Nguyên nhân là bởi sự thiếu hụt vitamin B1 trầm trọng đôi khi có thể dẫn đến suy tim – tình trạng mà tim bơm máu kém hiệu quả. Điều này dẫn đến tích tụ dịch trong phổi và gây khó thở.
Tuy nhiên, khó thở cũng có thể là do nhiều nguyên nhân khác gây ra và nếu thường xuyên bị khó thở thì cần đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời. Khó thở do thiếu vitamin B1 thường đi kèm với các dấu hiệu khác.
Tóm tắt: Thiếu vitamin B1 trầm trọng có thể gây suy tim, dẫn đến tích tụ dịch trong phổi và khó thở.
11. Mê sảng
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu hụt vitamin B1 có thể gây mê sảng.
Mê sảng là một tình trạng nghiêm trọng dẫn đến lú lẫn, giảm nhận thức và mất khả năng suy nghĩ rõ ràng.
Thiếu vitamin B1 trầm trọng có thể dẫn đến hội chứng Wernicke-Korsakoff – một tình trạng gồm có hai dạng tổn thương não có liên quan chặt chẽ với nhau.
Các triệu chứng của hội chứng Wernicke-Korsakoff thường gồm có mê sảng, suy giảm trí nhớ, lú lẫn và ảo giác.
Hội chứng Wernicke-Korsakoff thường xảy ra ở những người bị thiếu vitamin B1 do uống quá nhiều rượu. Tuy nhiên, sự thiếu hụt vitamin B1 cũng là vấn đề phổ biến ở người cao tuổi và có thể góp phần gây mê sảng.
Tóm tắt: Thiếu vitamin B1 có thể gây mê sảng và dẫn đến hội chứng Wernicke-Korsakoff, đặc biệt là những trường hợp thiếu vitamin B1 do nghiện rượu.
Thực phẩm giàu vitamin B1
Có thể dễ dàng ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin B1 bằng cách duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh gồm có các loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng này.
Lượng vitamin B1 cần tiêu thụ hàng ngày là 1,2 mg đối với nam giới và 1,1 mg đối với phụ nữ. (2)
Dưới đây là một số loại thực phẩm chứa vitamin B1:
- Thịt lợn, bò, gà
- Cá
- Trứng
- Gan và các loại nội tạng
- Các loại hạt như hạt hướng dương, hạt lanh
- Một số loại rau củ như bí, măng tây, khoai, súp lơ, nấm…
- Các loại đậu như đậu đen, đậu cô ve, đậu xanh, đậu nành…
- Các loại quả hạch như hồ đào, hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ cười…
- Gạo và các loại ngũ cốc
Vì vitamin B1 có mặt trong hầu hết mọi loại thực phẩm nên chỉ cần có chế độ ăn uống đa dạng là có thể đáp ứng đủ nhu cầu vitamin B1 của cơ thể mà không cần phải uống bổ sung.
Tóm tắt: Vitamin B1 có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, chẳng hạn như thịt, cá, trứng, ngũ cốc, rau củ, các loại hạt và các loại đậu . Lượng vitamin B1 được khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày là 1,2 mg đối với nam giới và 1,1 mg đối với phụ nữ.
Tóm tắt bài viết
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu vitamin B1 là nghiện rượu và tuổi tác cao. Có nhiều dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu vitamin B1 nhưng thường không đặc hiệu nên rất khó phát hiện. Các dấu hiệu thường gặp là mệt mỏi, chán ăn, dễ cáu gắt, cảm giác châm chích ở bàn tay hoặc bàn chân, yếu cơ, mắt mờ… Đa phần các triệu chứng này đều sẽ tự hết khi cơ thể được bổ sung vitamin B1.