Nguyên nhân gây thèm cà phê có thể đơn giản là do thói quen hoặc do một số vấn đề như căng thẳng, thiếu máu, cai nghiện caffeine,…
Tại sao lại có cảm giác thèm cà phê?
Nguyên nhân gây cảm giác thèm cà phê
Cảm giác thèm cà phê thường là do thói quen và cơ thể bị phụ thuộc vào caffeine – một chất kích thích có trong cà phê.
Dưới đây là 6 nguyên nhân chính gây nên cảm giác này.
1. Thói quen uống cà phê
Cảm giác cà phê xảy ra ở những người có thói quen uống cà phê thường xuyên. Theo thời gian, cơ thể trở nên phụ thuộc vào chất caffeine và khi ngừng uống thì kết quả là sẽ cảm thấy thèm.
2. Đang bị căng thẳng
Căng thẳng ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây ra lo âu và mệt mỏi. Nhiều người thường tìm đến những chất như nicotine, rượu và caffeine để vực dậy tinh thần mỗi khi gặp khó khăn, căng thẳng. Dần dần, mỗi khi rơi vào những tình huống như vậy, cơ thể sẽ xuất hiện cảm giác thèm cà phê hoặc những chất tương tự.
3. Thiếu sắt
Khi bị thiếu máu do thiếu sắt (lượng chất sắt trong cơ thể thấp), cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi rã rời, chóng mặt, chân tay yếu và suy nhược. Và khi mệt mỏi, nhiều người lại có thói quen uống cà phê để lấy lại sự tỉnh táo và tăng mức năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, cà phê có chứa tannin – các hợp chất tự nhiên gây cản trở sự hấp thụ sắt. Mặc dù cà phê có thể giúp chúng ta tạm thời vượt qua cơn mệt mỏi nhưng về lâu dài, loại đồ uống này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu.
Khi vấn đề được khắc phục (lượng sắt trở về mức bình thường) thì tình trạng mệt mỏi sẽ cải thiện và cảm giác thèm cà phê có thể sẽ giảm.
Tuy nhiên, nếu tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng kéo dài và ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động hàng ngày thì cần đi khám. Đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
4. Hội chứng cai nghiện caffeine
Khi thường xuyên uống cà phê trong một thời gian dài và đột nhiên ngừng uống thì đa số mọi người đều sẽ trải qua hội chứng cai nghiện caffeine (caffeine withdrawal) với các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, thiếu tập trung, dễ cáu gắt,… và thường đi kèm với cảm giác thèm cà phê. Vì những triệu chứng này sẽ đỡ hoặc biến mất ngay sau khi tiêu thụ caffeine nhiều người lại uống cà phê để cảm thấy dễ chịu hơn. Đó là lý do tại sao cai cà phê là việc không hề đơn giản.
5. Do gen di truyền
Một nghiên cứu được thực hiện trên hàng nghìn người uống cà phê đã tìm ra 6 biến thể di truyền ảnh hưởng đến phản ứng của một người với caffeine. Những gen này còn phần nào quyết định một người có dễ bị nghiện cà phê hay không. Vì vậy, rất có thể cảm giác thèm cà phê thường xuyên của bạn là do được di truyền từ bố mẹ.
6. Phụ thuộc vào caffeine
Trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, “nghiện” được định nghĩa khác với “phụ thuộc”. Khi bị nghiện một thứ gì đó thì bạn sẽ vẫn phải tiếp tục sử dụng cho dù biết nó gây hại, ví dụ như khiến bạn bị bệnh hoặc ngăn cản các hoạt động bình thường hàng ngày. Mặc dù caffeine có thể gây nghiện nhưng điều này không phổ biến. Tuy nhiên, phụ thuộc vào caffeine lại là một vấn đề rất phổ biến mà bất cứ ai uống nhiều cà phê hay trà cùng đều có thể gặp phải. Sự phụ thuộc về thể chất xảy ra khi cơ thể đã quá quen với một chất và xuất hiện các triệu chứng khó chịu khi không có chất đó.
Cà phê giúp tỉnh táo như thế nào?
Cà phê chứa caffeine – một chất kích thích hệ thần kinh trung ương, giúp chúng ta cảm thấy tỉnh táo và minh mẫn hơn. Caffeine ngăn cản các thụ thể adenosine trong não bộ và làm thay đổi nồng độ một số chất dẫn truyền thần kinh, gồm có dopamine, adrenaline, serotonin và acetylcholine.
Các lợi ích của cà phê đối với sức khỏe
Nhiều người nghĩ rằng uống cà phê có hại nhưng trên thực tế, loại đồ uống này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Các nghiên cứu cho thấy rằng caffeine trong cà phê có thể hỗ trợ điều trị chứng đau nửa đầu và các dạng đau đầu khác. Nhiều loại thuốc điều trị đau nửa đầu có chứa thành phần caffeine kết hợp với các chất giảm đau. Caffeine từ lâu đã được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới như một phương thuốc chữa đau đầu tự nhiên. Chất này có thể được dùng một mình hoặc kết hợp với các chất khác. (1)
Cà phê còn chứa polyphenol – nhóm hợp chất tự nhiên có trong các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật như trái cây, rau củ, các loại hạt. Nghiên cứu cho thấy rằng polyphenol có đặc tính chống oxy hóa mạnh gíup tăng cường hệ miễn dịch. (2) Hợp chất polyphenol trong cà phê còn giúp ngăn ngừa các bệnh như:
- Ung thư
- Bệnh tim mạch
- Bệnh tiểu đường
- Loãng xương
- Bệnh Alzheimer
- Bệnh Parkinson
- Cao huyết áp
- Béo phì
- Trầm cảm
Tác hại của cà phê
Mặc dù đã được khoa học chứng minh là có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cà phê cũng có một số tác hại mà chủ yếu là do caffeine. Trong khi nhiều nghiên cứu cho thấy cà phê giúp phòng ngừa bệnh tim mạch thì một số lại chỉ ra rằng việc uống nhiều cà phê sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp và mắc bệnh tim mạch. Đây là một chủ đề còn gây nhiều tranh cãi và cần thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để xác định tác động của cà phê đến sức khỏe tim mạch.
Tiêu thụ caffeine thường xuyên có thể làm tăng nồng độ cholesterol và giảm lượng vitamin B trong cơ thể. Về ngắn hạn, việc uống cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine khác có thể gây ra một số vấn đề như:
- Run tay
- Lo âu, hồi hộp
- Tăng axit dạ dày
- Tim đập nhanh hoặc rối loạn nhịp tim
- Chóng mặt
- Mất nước
- Đau đầu
- Mất ngủ
Làm thế nào để đối phó với cơn thèm cà phê?
Khi cảm thấy thèm cà phê, nhiều người nghĩ rằng mình đã bị nghiện caffeine nhưng thực ra chỉ đang bị phụ thuộc. Việc khắc phục vấn đề này không phải điều quá khó khăn. Hội chứng cai nghiện caffeine không kéo dài và cơ thể sẽ quen với việc không được cung cấp caffeine sau một thời gian ngắn. Sau vài tuần không uống cà phê, mức độ dung nạp caffeine sẽ giảm đi. Có nghĩa là bạn sẽ chỉ cần uống ít là đủ để cảm thấy tỉnh táo.
Dưới đây là 3 cách để giảm lượng tiêu thụ hoặc bỏ thói quen uống cà phê.
Để hội chứng cai nghiện caffeine tự qua đi
Các triệu chứng của hội chứng cai nghiện caffeine có thể gây khó chịu nhưng thường không ảnh hưởng đến sức khỏe. Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng, tùy cơ địa mỗi người. Ở một số người, hội chứng cai nghiện caffeine nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được các hoạt động thường ngày, ví dụ như làm việc hay lái xe.
Một số triệu chứng thường gặp gồm có:
- Đau đầu
- Mệt mỏi, uể oải
- Cáu gắt
- Khó tập trung
Quá trình cai caffeine thường bắt đầu từ 12 đến 24 tiếng sau khi uống cốc cà phê cuối cùng. Các triệu chứng đạt đỉnh sau 1 đến 2 ngày không có caffeine nhưng có thể kéo dài đến 7 – 9 ngày. Một số người phải trải qua các cơn đau đầu và các triệu chứng khó chịu khác trong thời gian lên đến 21 ngày nhưng điều này hiếm khi xảy ra.
Giảm dần lượng cà phê
Có thể tránh hoặc giảm bớt các triệu chứng cai nghiện caffeine bằng cách giảm từ từ lượng cà phê thay vì ngừng đột ngột. Ví dụ, nếu bạn thường tiêu thụ 300 mg caffeine/ngày thì mỗi ngày hãy giảm 25 mg.
Hoặc giảm từ 2 cốc cà phê/ngày xuống còn 1 cốc và thay cà phê bằng trà. Dưới đây là lượng caffeine có trong một số loại đồ uống phổ biến:
- Một cốc cà phê 240 ml: 95 – 200 mg caffeine
- Một lon coca 350ml: 35 – 45 mg caffeine
- Nước tăng lực 240 ml: 70 – 100 mg caffeine
- Một cốc trà 240 ml: 14 – 60 mg caffeine
Thay đổi thói quen hàng ngày
Một số thay đổi trong thói quen hàng ngày cũng có thể giúp bạn dần bỏ được cà phê:
- Thay cà phê thông thường bằng cà phê khử caffeine (decaf coffee) vào buổi sáng.
- Chuyển sang uống nước ép rau củ quả sau bữa sáng.
- Uống trà thay cho cà phê khi đi vào quán
- Chợp mắt một chút vào buổi trưa để không phải uống cà phê vào đầu giờ chiều
- Ngủ sớm vào buổi tối và ngủ đủ giấc
Tóm tắt bài viết
Nguyên nhân gây thèm cà phê có thể đơn giản là do thói quen hoặc do một số vấn đề như căng thẳng, thiếu máu, cai nghiện caffeine,…
Mặc dù có thể nghiện caffeine nhưng điều này là rất hiếm. Thay vào đó, sự phụ thuộc về thể chất hoặc hội chứng cai nghiện caffeine thường là lý do dẫn đến cảm giác thèm.
Một số cách để khắc phục điều này là dừng uống cà phê và cố gắng vượt qua các triệu chứng khó chịu của hội chứng cai nghiện cà phê, giảm dần lượng cà phê hoặc thay đổi một số thói quen thường ngày.