Độ pH hay nói cách khác là tính axit mạnh hay yếu của cà phê phụ thuộc vào một số yếu tố như quá trình rang hạt, cách pha chế và kích thước hạt sau khi xay.
Cà phê có tính axit hay tính kiềm?
Cà phê là một trong những loại đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới nhờ tác dụng giảm mệt mỏi, buồn ngủ và cải thiện sự tập trung.
Tất cả các loại đồ ăn, thức uống đều có một độ pH nhất định và điều này quyết định loại thực phẩm, đồ uống đó có tính kiềm hay tính axit. Cà phê cũng không phải ngoại lệ.
Vậy loại đồ uống nổi tiếng thế giới này có tính axit hay tính kiềm và tác động như thế nào đến sức khỏe?
Độ pH của cà phê
Tính axit hay kiềm của một chất được xác định bằng thang đo độ pH với giá trị từ 0 đến 14. Nếu độ pH rơi vào khoảng từ 0 đến 7 thì chất đó được coi là có tính axit còn nếu nằm trong khoảng từ 7 đến 14 thì được coi là có tính kiềm.
Hầu hết các loại cà phê đều có tính axit với độ pH trung bình từ 4.85 đến 5.10. (1)
Cà phê có chứa rất nhiều hợp chất khác nhau nhưng quá trình pha chế giải phóng ra 9 loại axit chính góp phần tạo nên hương vị đặc trưng của cà phê.
9 loại axit này gồm có (được liệt kê theo thứ tự nồng độ từ cao đến thấp): axit chlorogenic, axit quinic, axit citric, axit acetic, axit lactic, axit malic, axit phosphoric, axit linoleic và axit palmitic.
Tóm tắt: Quá trình pha cà phê giải phóng các axit từ bột cà phê. Loại đồ uống này có độ pH dao động trong khoảng từ 4.85 đến 5.10 nên có tính axit.
Các yếu tố ảnh hưởng đến độ pH của cà phê
Độ pH hay nói cách khác là tính axit mạnh hay yếu của cà phê phụ thuộc vào một số yếu tố dưới đây.
Quá trình rang
Một yếu tố chính quyết định tính axit của cà phê là quá trình rang hạt cà phê, gồm có thời gian và nhiệt độ.
Một nghiên cứu cho thấy hạt cà phê được rang càng lâu và nhiệt độ càng cao thì nồng độ axit chlorogenic càng thấp. (2)
Điều này có nghĩa là các loại cà phê rang nhạt (rang trong thời gian ngắn và có màu sáng) thường có tính axit mạnh hơn so với cà phê rang đậm.
Phương pháp pha chế
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến độ pH của cà phê là phương pháp pha chế.
Một nghiên cứu cho thấy cà phê lạnh (cold brew) có tính axit thấp hơn đáng kể so với cà phê pha bằng nước nóng truyền thống. (3)
Thời gian ủ cà phê cũng ảnh hưởng đến tính axit. Thời gian ủ càng ngắn thì thành phẩm sẽ có tính axit càng cao.
Kích thước hạt sau khi xay
Kích thước của bột cà phê sau khi xay cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ axit. Cà phê xay càng nhỏ thì lượng axit hòa vào nước trong khi pha sẽ càng nhiều và cho ra thành phẩm có tính axit càng mạnh.
Tóm tắt: Một số yếu tố ảnh hưởng đến tính axit của cà phê là thời gian, nhiệt độ rang, phương pháp pha chế và độ mịn của bột cà phê.
Tác động đến sức khỏe
Mặc dù tính axit của cà phê an toàn đối với hầu hết mọi người nhưng có thể làm trầm trọng thêm một số vấn đề sức khỏe, ví dụ như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày và hội chứng ruột kích thích. Tác động của cà phê đến những vấn đề này chủ yếu là do tính axit và tác dụng nhuận tràng nhẹ.
Ở người khỏe mạnh, cà phê sẽ không gây ra những vấn đề kể trên nhưng những người đang mắc bệnh nên tránh uống cà phê hoặc chọn các loại cà phê có tính axit thấp hơn.
Cách giảm tính axit của cà phê
Đối với một số người, tính axit của cà phê có thể gây hại đến sức khỏe. Dưới đây là một vài cách để giảm bớt tính axit:
- Chọn cà phê rang đậm thay vì cà phê rang nhạt
- Uống cà phê cold brew thay vì cà phê pha theo phương pháp truyền thống
- Tăng thời gian ủ cà phê
- Chọn bột cà phê có kích thước hạt lớn
- Ủ ở nhiệt độ thấp
Tóm tắt: Vì cà phê có tính axit nên có thể ảnh hưởng đến một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản và hội chứng ruột kích thích. Vì vậy, một số người không nên uống cà phê. Có nhiều cách để giảm bớt tính axit của cà phê, ví dụ như uống cà phê lạnh, tăng thời gian ủ cà phê hay ủ ở nhiệt độ thấp.
Tóm tắt bài viết
Vì có độ pH trung bình từ 4.85 đến 5.10 nên hầu hết các loại cà phê đều có tính axit khá cao.
Mặc dù điều này không gây ra vấn đề gì ở hầu hết người khỏe mạnh nhưng tính axit của cà phê có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản và hội chứng ruột kích thích.
Có một số phương pháp để giảm tính axit của cà phê, chẳng hạn như chọn cà phê cold brew, dùng bột cà phê rang đậm và có kích thước hạt lớn.