Cà phê là một trong những loại đồ uống gây nhiều tranh cãi nhất. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những lợi ích của cà phê đối với sức khỏe trong khi một số khác lại chỉ ra rằng cà phê gây hại.
Uống cà phê có thực sự gây ung thư không?
Thậm chí còn có nghiên cứu cho thấy uống cà phê làm tăng nguy cơ ung thư do sự hiện diện của một chất hóa học có tên là acrylamide trong loại đồ uống này.
Vậy chính xác thì acrylamide là gì? Có tác động như thế nào đến sức khỏe và có đúng là cà phê có thể gây ung thư không?
Kết quả nghiên cứu
Vào năm 2016, một nhóm chuyên gia thuộc Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tiến hành đánh giá mối liên hệ giữa cà phê và bệnh ung thư.
Sau khi tổng hợp hơn 1.000 nghiên cứu, các chuyên gia kết luận rằng chưa đủ bằng chứng thuyết phục để coi cà phê là chất gây ung thư. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống cà phê không liên quan gì đến nguy cơ ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú. (1)
Thậm chí, uống cà phê còn giúp làm giảm nguy cơ ung thư gan và ung thư nội mạc tử cung. Tác động của cà phê đến các bệnh ung thư khác vẫn chưa rõ ràng.
Một bản đánh giá lớn gồm nhiều nghiên cứu khác nhau được công bố vào năm 2017 đã không tìm thấy mối liên hệ đáng kể nào giữa việc uống cà phê và một số bệnh ung thư, gồm có ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy và ung thư vú. (2)
Ngoài ra, bản đánh giá này còn cho thấy uống cà phê giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, gồm có ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan và ung thư tế bào hắc tố.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện ở nam giới gần đây cho thấy uống cà phê không làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. (3)
Ngoài ra, theo một nghiên cứu khác thì uống cà phê không liên quan đến nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy ở những phụ nữ không hút thuốc lá. (4)
Hợp chất acrylamide trong cà phê
Acrylamide là một chất hóa học được sử dụng trong quy trình sản xuất nhựa, giấy và keo dãn.
Acrylamide được phân loại là một chất có thể góp phần gây ung thư dựa trên kết quả của các nghiên cứu thực hiện trên động vật.
Acrylamide còn có trong một số loại thực phẩm khi được nấu ở nhiệt độ cao, ví dụ như chiên hoặc nướng. Chất này hình thành trong hạt cà phê khi rang và ngoài ra còn có mặt trong một số loại thực phẩm khác như khoai tây chiênvà bánh quy.
Điều này dẫn đến mối lo ngại rằng uống cà phê có thể gây ung thư. Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu đều không tìm thấy mối liên hệ nào giữa lượng hình thành trong chế độ ăn uống và nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, gồm có ung thư tuyến tụy, ung thư biểu mô buồng trứng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư
Ngoài hợp chất acrylamide, các yếu tố khác liên quan đến cà phê, ví dụ như nhiệt độ khi pha và lượng caffeine cũng được cho là có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư.
Nhiệt độ cao
Một số nghiên cứu cho thấy việc thường xuyên uống các loại đồ uống nóng có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Tuy nhiên, theo IARC thì hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh điều này.
Lượng caffeine
Một trong những thành phần được biết đến nhiều nhất trong cà phê là caffeine. Đây chính là chất giúp tạo cảm giác tỉnh táo và giảm mệt mỏi sau khi uống cà phê. Hầu hết các nghiên cứu đến thời điểm hiện tại đều cho thấy rằng việc tiêu thụ caffeine không làm tăng nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu vào năm 2018 đã chỉ ra rằng cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine khác giúp làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung nhưng lại có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phụ nữ có cân nặng khỏe mạnh. (5) Theo một nghiên cứu khác được thực hiện tại Trung Quốc thì caffeine có thể làm giảm nguy cơ ung thư da không phải tế bào hắc tố. (6) Một bản phân tích tổng hợp đã không tìm thấy bất cứ mối liên hệ nào giữa caffeine và nguy cơ ung thư buồng trứng. (7)
Các lợi ích của cà phê
Cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một số nghiên cứu nêu trên đã cho thấy rằng cà phê thực sự có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Dưới đây là một số lợi ích khác của việc uống cà phê:
Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, cà phê chứa nhiều riboflavin (một loại vitamin B) và các chất chống oxy hóa khác.
Theo một nghiên cứu vào năm 2015, thường xuyên uống cà phê giúp giảm nguy cơ tử vong sớm nói chung cũng như là nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và thần kinh. (8)
Một bản đánh giá vào năm 2017 đã cho thấy rằng uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường tuýp 2, bệnh Parkinson và một số bệnh về gan. Ngòai ra, cà phê còn làm giảm nguy cơ tử vong do tất cả các bệnh tim mạch. (9)
Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy cả cà phê thông thường (chứa caffeine) và cà phê khử caffeine đều có tác dụng tạo sự tỉnh táo. Điều này có nghĩa là một số lợi ích của cà phê đến từ các thành phần khác ngoài caffeine. (10)
Vậy có nên uống cà phê không?
Như vậy là theo hầu hết các nghiên cứu cho đến nay thì uống cà phê không làm tăng nguy cơ ung thư. Thậm chí, uống cà phê còn có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư nhất định.
Mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa nhưng lượng acrylamide nhỏ trong chế độ ăn uống sẽ không gây hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nên hạn chế ăn các loại thực phẩm được nấu ở nhiệt độ cao, ví dụ như đồ chiên, nướng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh gồm chủ yếu các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây tươi và thịt nạc để có sức khỏe tốt.
Tóm tắt bài viết
Hầu hết các nghiên cứu đều đã chỉ ra rằng cà phê không làm tăng nguy cơ ung thư. Trên thực tế, thường xuyên uống cà phê còn có lợi cho sức khỏe.
Mặc dù cà phê có chứa acrylamide – một chất có khả năng gây ung thư nhưng chưa có bằng chứng nào chứng minh lượng acrylamide thấp trong chế độ ăn uống sẽ có hại đến sức khỏe.
Nếu bạn thường xuyên uống cà phê thì hoàn toàn có thể giữ thói quen này nhưng không nên uống quá nhiều. Theo khuyến nghị thì mỗi người chỉ nên uống từ 3 – 4 cốc cà phê hay tối đa 400 mg caffeine mỗi ngày.