Hiệu quả của việc uống bổ sung vitamin D phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có thời điểm uống trong ngày và liều lượng. Vậy, nên uống vitamin D vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất?
Nên uống vitamin D vào thời điểm nào trong ngày?
Vitamin D là một loại vitamin có vai trò vô cùng quan trọng nhưng lại chỉ có mặt trong rất ít loại thực phẩm nên nếu chỉ dựa vào chế độ ăn uống thì sẽ rất khó cung cấp đủ lượng vitamin này cho cơ thể. Một nguồn vitamin D tự nhiên nữa là từ ánh nắng mặt trời. Khi tiếp xúc với ánh nắng, da sẽ tự tổng hợp vitamin D. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người bị thiếu hụt vitamin D do phần lớn thời gian đều ở trong nhà hoặc văn phòng và ít khi ra ngoài trời.
Vì thế nên các sản phẩm viên uống bổ sung vitamin D được sử dụng rất phổ biến trên thế giới.
Hiệu quả của việc uống bổ sung vitamin D phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có thời điểm uống trong ngày và liều lượng.
Vậy, nên uống vitamin D vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất?
Tại sao cần bổ sung vitamin D?
So với các loại vitamin khác như vitamin A, C, E hay vitamin K, vitamin D có phần đặc biệt hơn vì hoạt động giống như một loại hormone và được da tự tổng hợp khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể là điều rất cần thiết để có sức khỏe tốt vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin D giúp cải thiện chức năng miễn dịch, bảo vệ sức khỏe của xương, ngăn ngừa ung thư và còn mang lại nhiều lợi ích khác nữa. (1)
Tuy nhiên, chỉ có một số ít loại thực phẩm tự nhiên có chứa lượng vitamin D đáng kể nên rất khó đáp ứng nhu cầu hàng ngày nếu như không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Ở người lớn tuổi, người có da tối màu, người thừa cân/béo phì và người sống ở những nơi có ít nắng, nguy cơ thiếu hụt vitamin D sẽ còn cao hơn.
Thống kê cho thấy một tỷ lệ lớn dân số thế giới bị thiếu hụt loại vitamin quan trọng này.
Nếu như chế độ ăn uống không cung cấp đủ vitamin D và lại ít khi ra ngoài trời hoặc vào mùa đông thời tiết âm u, ít nắng thì cách dễ dàng và hiệu quả nhất để đáp ứng nhu cầu của cơ thể là uống bổ sung vitamin D.
Tóm tắt: Vitamin D được da tự tổng hợp khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có mặt trong một số rất ít loại thực phẩm tự nhiên. Uống bổ sung vitamin D là một cách hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của cơ thể và ngăn ngừa sự thiếu hụt.
Uống trong bữa ăn để tăng khả năng hấp thụ
Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo, có nghĩa là nó không hòa tan trong nước và được hấp thụ tốt nhất trong máu khi kết hợp với các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo.
Vì lý do này nên tốt nhất là uống vitamin D trong bữa ăn để tăng sự hấp thụ.
Theo một nghiên cứu được thực hiện ở 17 người, uống vitamin D vào bữa ăn chính trong ngày giúp làm tăng nồng độ vitamin D trong máu lên khoảng 50% chỉ sau 2 – 3 tháng. (2)
Một nghiên cứu khác ở 50 người lớn tuổi cho thấy việc uống vitamin D trong bữa ăn có nhiều chất béo làm tăng nồng độ vitamin D trong máu lên cao hơn 32% sau 12 tiếng so với bữa ăn không có chất béo. (3)
Quả bơ, các loại quả hạch (óc chó, hạnh nhân, macca…), các loại hạt (hạt hướng dương, hạt bí, hạt chia,…), các sản phẩm từ sữa nguyên kem và trứng là những nguồn chất béo lành mạnh giúp tăng cường sự hấp thụ vitamin D.
Tóm tắt: Các nghiên cứu chỉ ra rằng uống bổ sung vitamin D trong bữa ăn chính hoặc bữa ăn giàu chất béo có thể làm tăng đáng kể khả năng hấp thụ vitamin D.
Lợi ích khi uống vitamin D vào buổi sáng
Nhiều người có thói quen uống bổ sung các chất như vitamin D vào buổi sáng để đỡ phải mang theo khi đi làm và điều này cũng giúp ghi nhớ dễ dàng hơn vì nếu uống vào các thời điểm khác trong ngày thì sẽ rất dễ bị quên do công việc bận rộn, đặc biệt là khi còn uống bổ sung các chất khác.
Do đó, có thể uống vitamin D trong bữa sáng. Nếu hay quên thì hãy đặt hẹn giờ hoặc để hộp vitamin ở ngay trên bàn ăn để dễ nhớ hơn.
Tóm tắt: Uống vitamin D vào buổi sáng sẽ thuận tiện và dễ nhớ hơn là uống vào các thời điểm khác trong ngày.
Uống quá muộn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin D có thể tác động đến chất lượng giấc ngủ.
Cụ thể, một số nghiên cứu cho thấy nồng độ vitamin D trong máu thấp làm tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ, giảm chất lượng và thời lượng giấc ngủ. (4)
Tuy nhiên, một nghiên cứu nhỏ lại phát hiện ra rằng nồng độ vitamin D trong máu cao có thể làm giảm mức melatonin (hormone có vai trò điều hòa chu kỳ giấc ngủ) ở những người bị bệnh đa xơ cứng. (5)
Ngoài ra còn có một số báo cáo cho thấy rằng uống vitamin D vào buổi tối có thể can thiệp vào quá trình sản xuất melatonin và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ.
Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định chính xác điều này.
Tóm tắt: Thiếu hụt vitamin D có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ. Nhưng một số nghiên cứu lại cho thấy rằng uống vitamin D vào buổi tối cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ.
Thời điểm lý tưởng nhất để uống vitamin D
Uống vitamin D trong bữa ăn chính có thể tăng cường sự hấp thụ và tăng nồng độ trong máu hiệu quả hơn so với uống trước hoặc sau bữa ăn.
Hiện tại chưa có đủ nghiên cứu để kết luận uống vitamin D vào buổi tối hay buổi sáng sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nên uống vào bữa sáng hoặc bữa trưa, tránh uống vào bữa tối để không ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Tốt nhất vẫn nên tự mình thử và tìm ra thời điểm uống vitamin phù hợp nhất. Nếu sau vài lần uống vitamin D vào buổi tối và bị khó ngủ, mất ngủ thì nên uống sớm hơn trong ngày. Còn nếu không có vấn đề gì thì hoàn toàn có thể uống vào bất cứ thời điểm nào trong ngày mà bạn cảm thấy thuận tiện.
Điều quan trọng nhất vẫn là uống đều đặn hàng ngày để có được hiệu quả cao nhất.
Tóm tắt: Uống vitamin D trong bữa ăn có thể làm tăng khả năng hấp thụ nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về thời điểm uống cụ thể trong ngày. Tốt nhất là tự thử và tìm ra thời điểm uống thích hợp nhất với mình.
Tóm tắt bài viết
Uống bổ sung vitamin D là một cách hiệu quả để tăng lượng vitamin D trong cơ thể và duy trì sức khỏe tốt.
Uống vitamin D trong bữa ăn sẽ mang lại hiệu quả cao nhất vì đây là một loại vitamin tan trong chất béo.
Mặc dù chưa có khuyến nghị về thời điểm uống cụ thể trong ngày nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc uống vitamin D vào buổi tối có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ.