Theo nhiều nghiên cứu, những lo ngại về vấn đề sạm da, cháy nắng hay ung thư da đang khiến mọi người ngày càng ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và điều này có thể dẫn đến sự thiếu hụt vitamin D.
Tiếp xúc quá ít với ánh nắng có thể gây hại đến sức khỏe
Đúng là tia cực tím trong ánh nắng mặt trời gây tổn hại đến làn da của chúng ta nhưng việc tiếp xúc với nắng quá ít cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
David G. Hoel – một giáo sư tại Đại học Y Nam Carolina (Mỹ) đã giải thích rằng những vấn đề do ánh nắng gây ra mà chúng ta vẫn thường được nghe, chẳng hạn như ung thư da, chỉ xảy ra khi bị cháy nắng hoặc phơi nắng quá nhiều.
Theo ông, “Mọi người cần nhận thức đúng về ánh nắng. Ánh nắng mặt trời rất cần thiết cho sự sống và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe chứ không chỉ toàn gây hại. Mỗi người nên tiếp xúc với nắng một cách vừa phải mỗi ngày, không nên tránh né quá mức”.
Ánh nắng mặt trời – nguồn cung cấp vitamin D
Giáo sư Hoel đã có một bài đánh giá tổng hợp nhiều nghiên cứu được đăng trên tạp chí Dermato-Endocrinology, trong đó nhấn mạnh rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tiếp xúc với ánh nắng ở mức độ vừa phải là điều tốt cho sức khỏe. (1)
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tổng hợp đủ lượng vitamin D cần thiết. Vitamin D có vai trò hỗ trợ sự hấp thụ canxi và phốt pho, đây là những khoáng chất rất quan trọng cho sức khỏe xương.
Các nghiên cứu trong bản đánh giá đã chỉ ra nhiều lợi ích khác của việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ngoài tổng hợp vitamin D, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, thoái hóa điểm vàng, bệnh đa xơ cứng và tiểu đường.
Nhìn chung, theo các tác giả nghiên cứu thì mỗi người nên để da tiếp xúc trực tiếp với nắng trong một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày để đạt được nồng độ vitamin D trong máu ở mức khuyến nghị là 30 ng/mL hoặc cao hơn một chút vào mùa có nhiều nắng. Chỉ cần tắm nắng vài phút vào khoảng thời gian thích hợp mỗi ngày là đủ đáp ứng nhu cầu vitamin D của cơ thể mà không gây hại cho da.
Nhu cầu vitamin D ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành là 600 đơn vị quốc tế (IU) mỗi ngày. Trẻ dưới 1 tuổi cần 400 IU vitamin D mỗi ngày trong khi người trên 71 tuổi cần 800 IU.
Ý kiến khác
Orit Markowitz – bác sĩ và cũng là trợ lý giáo sư da liễu tại Trường Y Icahn thuộc Bệnh viện Mount Sinai ở New York (Mỹ) cho biết bà không đồng ý với ý kiến của giáo sư Hoel rằng nên tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để bổ sung vitamin D.
Bác sĩ Markowitz lưu ý rằng Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD) không khuyến nghị bổ sung vitamin D bằng cách tắm nắng vì tia cực tím từ ánh nắng có thể dẫn đến ung thư da.
Ung thư da là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất với số ca mắc mới ngày càng tăng.
Bác sĩ Markowitz cho biết: “Hầu hết các bác sĩ da liễu đều khuyến khích bổ sung vitamin D bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu loại vitamin này hoặc dùng viên uống vitamin D.”
Bảo vệ da khi tiếp xúc với nắng
Vậy, tóm lại có đúng là chúng ta đang tiếp xúc quá ít với ánh nắng mặt trời không?
Cách tốt nhất để trả lời câu hỏi này là kiểm tra nồng độ vitamin D trong cơ thể.
Theo Marianne Berwick, giáo sư tại Đại học New Mexico (Mỹ) và đồng tác giả của nghiên cứu được nhắc đến ở phần đầu bài viết: “Mọi người không nên quá “sợ hãi” việc phải tiếp xúc với ánh nắng nhưng không nên tiếp xúc quá nhiều và hãy có biện pháp bảo vệ da khi ở ngoài nắng quá lâu.”
Khi chỉ số tia cực tím (UV) trên 3 thì nên bắt đầu có biện pháp bảo vệ da, chẳng hạn như ở trong bóng râm, mặc áo dài tay và không ở dưới nắng quá lâu.
“Có thể bôi kem chống nắng và thông thường chỉ cần các sản phẩm có chỉ số SPF 30 là đủ.”
Trong bản báo cáo nghiên cứu, giáo sư Berwick khuyên mọi người không nên lạm dụng viên uống bổ sung vitamin D và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách vừa phải vẫn là cách tốt nhất để cung cấp vitamin D cho cơ thể.”