Hạ canxi máu có thể là do thiếu canxi hoặc lượng canxi lưu thông trong máu quá ít. Hầu hết các trường hợp hạ canxi máu đều có liên quan đến thiếu hụt magiê hoặc vitamin D.
Hạ canxi máu: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Hạ canxi máu là gì?
Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong huyết tương thấp hơn bình thường. Canxi có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể như:
- Tham gia vào sự truyền dẫn điện trong cơ thể.
- Cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ thần kinh. Các dây thần kinh cần canxi để truyền tín hiệu giữa não bộ và phần còn lại của cơ thể.
- Cần thiết cho hoạt động của các cơ.
- Giúp hình thành, phục hồi và duy trì xương chắc khỏe.
Hạ canxi máu có thể là do thiếu canxi hoặc lượng canxi lưu thông trong máu quá ít. Hầu hết các trường hợp hạ canxi máu đều có liên quan đến thiếu hụt magiê hoặc vitamin D.
Triệu chứng hạ canxi máu
Ở một số người, hạ canxi máu không có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào. Vì hạ canxi máu ảnh hưởng đến hệ thần kinh nên có thể gây co giật hoặc run chân tay ở trẻ sơ sinh. Các triệu chứng thường gặp của hạ canxi máu ở người lớn gồm có:
- Cứng cơ
- Co thắt cơ
- Dị cảm hoặc cảm giác châm chích ở tứ chi
- Các triệu chứng về thần kinh như lo âu, bồn chồn hoặc cáu kỉnh
- Giảm trí nhớ
- Tụt huyết áp
- Khó nói hoặc khó nuốt
- Mệt mỏi
- Bệnh parkinson
- Phù gai thị – tình trạng sưng phù đĩa thị
Trong những trường hợp nghiêm trọng, hạ canxi máu gây ra các triệu chứng như:
- Co giật
- Loạn nhịp tim
- Suy tim sung huyết
- Co thắt thanh quản
Các triệu chứng về lâu dài của hạ canxi máu gồm có:
- Da khô
- Móng tay giòn, dễ gãy
- Sỏi thận hoặc tích tụ canxi ở các cơ quan khác trong cơ thể
- Sa sút trí tuệ
- Đục thủy tinh thể
- Viêm da cơ địa hay bệnh chàm
Nguyên nhân gây hạ canxi máu
Nguyên nhân phổ biến nhất của hạ canxi máu là suy tuyến cận giáp, tình trạng mà tuyến cận giáp hoạt động kém và tiết ra ít hormone tuyến cận giáp (PTH) hơn bình thường. Nồng độ PTH thấp dẫn đến giảm lượng canxi trong cơ thể. Suy tuyến cận giáp có thể là do di truyền hoặc xảy ra sau khi phẫu thuật cắt tuyến giáp hoặc mắc ung thư đầu cổ.
Các nguyên nhân khác gây hạ canxi máu còn có:
- Chế độ ăn uống có quá ít canxi hoặc vitamin D
- Nhiễm trùng
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như phenytoin, phenobarbital và rifampin
- Căng thẳng, lo âu
- Tập thể dục cường độ cao
- Nồng độ magiê hoặc phốt phát bất thường
- Bệnh thận
- Tiêu chảy, táo bón hoặc các rối loạn đường ruột khác khiến cơ thể không thể hấp thụ canxi hiệu quả
- Truyền phốt phát hoặc canxi qua tĩnh mạch
- Ung thư đang di căn
- Trẻ sơ sinh có thể bị hạ canxi máu nếu mẹ mắc bệnh tiểu đường
Ai có nguy cơ bị hạ canxi máu?
Những người bị thiếu vitamin D hoặc thiếu magiê sẽ có nguy cơ bị hạ canxi máu cao hơn. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác còn có:
- Tiền sử rối loạn tiêu hóa
- Viêm tụy
- Suy thận
- Suy gan
- Rối loạn lo âu
Trẻ sơ sinh có nguy cơ hạ canxi máu cao hơn vì cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Nguy cơ càng tăng cao ở những trẻ có mẹ mắc bệnh tiểu đường.
Chẩn đoán hạ canxi máu
Bước đầu tiên là xét nghiệm máu để đo nồng độ canxi. Đồng thời, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để tìm các dấu hiệu hạ canxi máu ở tóc, da và cơ, sau đó kiểm tra các triệu chứng về thần kinh như sa sút trí tuệ, ảo giác, lú lẫn, cáu gắt và co giật.
Ngoài ra, đôi khi sẽ cần kiểm tra dấu hiệu Chvostek và Trousseau – cả hai đều có thể xảy ra khi bị hạ canxi máu. Dấu hiệu Chvostek là phản ứng co cơ vùng mặt khi chạm nhẹ lên dây thần kinh ở vùng má ngay trước tai. Dấu hiệu Trousseau là hiện tượng co thắt ở bàn tay hoặc bàn chân do thiếu máu cục bộ. Nếu có sự giật hoặc co cơ thì sẽ được coi là phản ứng dương tính với các thử nghiệm này và chỉ ra tình trạng tăng kích thích thần kinh cơ do hạ canxi máu.
Điều trị hạ canxi máu
Một số trường hợp hạ canxi máu tự khỏi mà không cần điều trị nhưng cũng có những trường hợp hạ canxi máu nghiêm trọng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bị hạ canxi máu cấp tính thì phương pháp điều trị thường là truyền canxi hoặc tiêm canxi qua đường tĩnh mạch. Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị khác như:
Điều chỉnh chế độ ăn hoặc dùng viên uống bổ sung
Nhiều trường hợp hạ canxi máu có thể dễ dàng điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn, ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, vitamin D hoặc magiê và/hoặc dùng viên uống bổ sung các chất dinh dưỡng này.
Tăng cường vitamin D
Cơ thể cần vitamin D để hấp thụ canxi nên tăng lượng vitamin D sẽ giúp tăng nồng độ canxi trong máu. Vitamin D được da tự tổng hợp khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nên hãy ra ngoài trời nhiều hơn để tăng cường vitamin D. Thời gian cần tiếp xúc với nắng để đáp ứng đủ nhu cầu canxi ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như màu da, vị trí địa lý, tuổi tác… Tuy nhiên, chỉ nên tắm nắng vài phút mỗi ngày vào những thời điểm nắng không quá gắt (9 – 10 giờ sáng hoặc 3 – 4 giờ chiều) và khi phải ở ngoài trời nắng trong thời gian dài thì vẫn phải sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da. Ngoài ra cũng có thể tăng lượng vitamin D cho cơ thể bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D như các loại cá béo (cá hồi, cá trích…), gan, lòng đỏ trứng, thịt đỏ, thực phẩm được bổ sung vitamin D như sữa.
Biến chứng của hạ canxi máu
Các triệu chứng hạ canxi máu thường sẽ cải thiện dần khi được điều trị bằng phương pháp thích hợp. Tình trạng này hiếm khi đe dọa đến tính mạng. Ở nhiều trường hợp, hạ canxi máu còn tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, những người bị hạ canxi máu mạn tính có thể phải dùng thuốc suốt đời.
Hạ canxi máu làm tăng nguy cơ loãng xương vì khi nồng độ canxi trong máu quá thấp, cơ thể sẽ bắt đầu lấy canxi từ xương và điều này làm giảm mật độ khoáng của xương. Ngoài ra, hạ canxi máu còn có thể dẫn đến các vấn đề khác như:
- Sỏi thận
- Suy thận
- Rối loạn nhịp tim
- Các vấn đề về thần kinh
Duy trì nồng độ canxi trong máu ở mức bình thường là điều rất cần thiết để ngăn ngừa các vấn đề này. Hãy ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, vitamin D và magiê. Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng này thì nên dùng thêm viên uống bổ sung.