Khi bị cường tuyến cận giáp, một hoặc nhiều tuyến cận giáp hoạt động quá mức và tạo ra quá nhiều PTH. Điều này có thể là do khối u, phì đại tuyến cận giáp hoặc các vấn đề về cấu trúc khác của tuyến cận giáp.
Cường tuyến cận giáp: Triệu chứng, biến chứng và điều trị
Cường tuyến cận giáp là gì?
Cường tuyến cận giáp xảy ra khi các tuyến cận giáp tạo ra quá nhiều hormone tuyến cận giáp (parathyroid hormone – PTH). Tuyến cận giáp là 4 tuyến nội tiết có kích thước bằng hạt đậu nằm ở cổ, gần hoặc liền với mặt sau của tuyến giáp. Các tuyến nội tiết có chức năng sản xuất các hormone cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể.
Mặc dù có tên gần giống nhau và đều nằm ở vùng cổ nhưng tuyến cận giáp và tuyến giáp là những cơ quan khác nhau. Hormone tuyến cận giáp giúp điều hòa lượng canxi, vitamin D và phốt pho trong xương và máu.
Một số người bị cường tuyến cận giáp không gặp bất kỳ triệu chứng nào và không cần phải điều trị. Tuy nhiên, có những người lại gặp các triệu chứng nghiêm trọng và phải phẫu thuật.
Nguyên nhân gây cường tuyến cận giáp
Khi bị cường tuyến cận giáp, một hoặc nhiều tuyến cận giáp hoạt động quá mức và tạo ra quá nhiều PTH. Điều này có thể là do khối u, phì đại tuyến cận giáp hoặc các vấn đề về cấu trúc khác của tuyến cận giáp.
Khi nồng độ canxi ở mức quá thấp, các tuyến cận giáp sẽ tăng sản xuất PTH. Điều này khiến thận và ruột hấp thụ một lượng canxi lớn hơn. Cơ thể sẽ bắt đầu lấy nhiều canxi hơn từ xương. Sự sản xuất PTH sẽ trở lại bình thường khi nồng độ canxi tăng.
Các loại cường tuyến cận giáp
Có 3 loại cường tuyến cận giáp là cường tuyến cận giáp nguyên phát, cường tuyến cận giáp thứ phát và cường tuyến cận giáp tam phát.
Cường tuyến cận giáp nguyên phát
Loại này xảy ra khi có vấn đề với ít nhất một trong các tuyến cận giáp. Các nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề ở tuyến cận giáp là có khối u lành tính hình thành ở tuyến cận giáp và ít nhất 2 trong số 4 tuyến cận giáp bị phì đại. Trong một số ít trường hợp, tình trạng này xảy ra do có khối u ác tính ở tuyến cận giáp. Dưới đây là các yếu tố là tăng nguy cơ cường tuyến cận giáp nguyên phát:
- Bị các rối loạn di truyền ảnh hưởng đến một số tuyến của cơ thể, chẳng hạn như bệnh đa u tuyến nội tiết
- Có tiền sử thiếu canxi và vitamin D trong thời gian dài
- Đang trong thời gian xạ trị điều trị ung thư
- Đang trong thời gian dùng lithium – một loại thuốc chủ yếu được sử dụng để điều trị chứng rối loạn lưỡng cực
Cường tuyến cận giáp thứ phát
Loại này xảy ra khi mắc một bệnh lý khiến lượng canxi trong cơ thể giảm xuống mức thấp bất thường. Hầu hết các trường hợp cường tuyến cận giáp thứ phát là do suy thận mạn tính dẫn đến lượng vitamin D và canxi thấp.
Cường tuyến cận giáp tam phát
Loại này xảy ra khi các tuyến cận giáp tiếp tục tạo ra quá nhiều PTH sau khi nồng độ canxi đã trở lại bình thường. Cường tuyến cận giáp tam phát thường xảy ra ở những người mắc bệnh thận.
Các triệu chứng của cường tuyến cận giáp
Cường tuyến cận giáp có nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào loại cường tuyến cận giáp.
Triệu chứng cường tuyến cận giáp nguyên phát
Một số người bị cường tuyến cận giáp nguyên phát không có bất kỳ triệu chứng nào và nếu có thì các triệu chứng có thể nhẹ hoặc cũng có thể nặng. Các triệu chứng nhẹ gồm có:
- Mệt mỏi, không có sức lực
- Phiền muộn
- Nhức mỏi cơ thể
Các triệu chứng nặng hơn:
- Chán ăn
- Táo bón
- Nôn mửa
- Buồn nôn
- Khát liên tục
- Đi tiểu nhiều
- Đầu óc lú lẫn
- Suy giảm trí nhớ
- Sỏi thận
Triệu chứng cường tuyến cận giáp thứ phát
Loại cường tuyến cận giáp này có thể gây ra những bất thường ở xương, chẳng hạn như gãy xương, sưng đau khớp và biến dạng xương. Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gốc rễ mà cường tuyến cận giáp còn có các triệu chứng khác như suy thận mạn hoặc thiếu vitamin D trầm trọng.
Chẩn đoán cường tuyến cận giáp
Nếu xét nghiệm máu tổng quát cho thấy nồng độ canxi trong máu cao thì đó có thể là dấu hiệu của cường tuyến cận giáp. Để xác nhận chẩn đoán, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm khác.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu bổ sung sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác. Xét nghiệm máu được thực hiện để đo nồng độ PTH, nồng độ phosphatase kiềm và nồng độ phốt pho. Ở những người bị cường tuyến cận giáp, nồng độ PTH và phosphatase kiềm cao trong khi nồng độ phốt pho ở mức thấp.
Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu nhằm mục đích đo lượng canxi được đào thải ra ngoài, giúp xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng liệu nguyên nhân có phải là do các vấn đề về thận hay không.
Chụp X- quang
Có thể sẽ cần chụp X-quang ổ bụng để phát hiện các bất thường ở thận.
Điều trị cường tuyến cận giáp
Điều trị cường tuyến cận giáp nguyên phát
Có thể không cần điều trị nếu thận vẫn hoạt động tốt, nồng độ canxi chỉ hơi cao hoặc nếu mật độ xương bình thường. Trong những trường hợp này, người bệnh cần tái khám định kỳ một lần mỗi năm và xét nghiệm máu để đo nồng độ canxi 2 lần một năm.
Ngoài ra sẽ cần điều chỉnh lượng canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống, uống nhiều nước để giảm nguy cơ bị sỏi thận và tập thể dục thường xuyên để giúp xương chắc khỏe.
Nếu cần thiết phải điều trị thì thường sẽ phải làm phẫu thuật cắt bỏ các tuyến cận giáp phì đại hoặc khối u. Một số biến chứng có thể xảy ra là tổn thương dây thần kinh dây thanh đới và nồng độ canxi thấp trong thời gian dài nhưng những biến chứng này rất hiếm khi xảy ra.
Một phương pháp điều trị khác là dùng calcimimetic – một nhóm thuốc có hoạt động giống như canxi trong máu. Những loại thuốc này có tác dụng “đánh lừa” tuyến cận giáp tạo ra ít hormone PTH hơn. Bác sĩ thường kê calcimimetic trong những trường hợp phẫu thuật không khả thi hoặc không thành công.
Người bệnh có thể cần uống bisphosphonate để ngăn cơ thể lấy canxi từ xương và giảm nguy cơ loãng xương.
Ngoài ra, liệu pháp hormone thay thế cũng giúp xương giữ canxi. Phương pháp này có thể điều trị bệnh loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh nhưng nếu sử dụng trong thời gian dài thì sẽ có hại đến sức khỏe, chẳng hạn như tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và bệnh tim mạch.
Điều trị cường tuyến cận giáp thứ phát
Để điều trị cường tuyến cận giáp thứ phát thì sẽ cần đưa nồng độ PTH trở lại bình thường bằng cách điều trị nguyên nhân gốc rễ gây ra vấn đề. Các phương pháp điều trị gồm có uống vitamin D đối với những trường hợp bị thiếu hụt nghiêm trọng và uống canxi cùng với vitamin D đối với những người bị suy thận mạn. Ngoài ra cũng có thể cần dùng thuốc và lọc máu ngoài thận nếu bị suy thận mạn.
Các biến chứng của cường tuyến cận giáp
Cường tuyến cận giáp sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương với các triệu chứng phổ biến là dễ gãy xương và giảm chiều cao do gãy cột sống. Điều này xảy ra khi lượng PTH dư thừa khiến cho xương bị mất quá nhiều canxi và trở nên suy yếu. Loãng xương thường xảy ra khi cơ thể có quá nhiều canxi trong máu và không đủ canxi trong xương trong một thời gian dài.
Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương. Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu loãng xương bằng cách chụp X-quang xương hoặc đo mật độ xương. Phương pháp này đo nồng độ canxi và khoáng chất trong xương bằng các thiết bị chụp X-quang đặc biệt.
Cường tuyến cận giáp có chữa khỏi được không?
Phẫu thuật có thể chữa khỏi phần lớn các trường hợp cường tuyến cận giáp. Trong những trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và không cần điều trị thì có thể chỉ cần duy trì lối sống lành mạnh là đủ để kiểm soát các triệu chứng. Hãy nhớ uống nhiều nước và tập thể dục đều đặn. Ngoài ra, cần theo dõi lượng canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống.