Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp khi bị thiếu đồng gồm có mệt mỏi và uể oải, thường xuyên mắc bệnh, xương yếu và dễ gãy, trí nhớ giảm sút, đi lại khó khăn, hay cảm thấy lạnh, da nhợt nhạt, tóc bạc sớm và giảm thị lực.
9 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu hụt đồng
Đồng là một khoáng chất thiết yếu có nhiều chức năng trong cơ thể, gồm có duy trì quá trình trao đổi chất, bảo vệ sức khỏe tim mạch, cần thiết cho chức năng miễn dịch, tham gia vào quá trình sản xuất collagen, giữ cho xương chắc khỏe và đảm bảo hoạt động bình thường của hệ thần kinh. Ngoài ra, đồng còn có đặc tính chống oxy hóa.
Mặc dù ngày nay rất ít người bị thiếu hụt đồng nhưng tình trạng này vẫn xảy ra.
Chế độ ăn uống có quá ít đồng dần dần sẽ dẫn đến thiếu hụt và gây hại đến sức khỏe.
Các nguyên nhân khác cũng có thể gây thiếu đồng là bệnh celiac, phẫu thuật đường tiêu hóa và bổ sung quá nhiều kẽm vì kẽm làm giảm sự hấp thụ đồng.
Dưới đây là 9 dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo cơ thể đang bị thiếu đồng.
Dấu hiệu thiếu hụt đồng
1. Mệt mỏi và suy nhược
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và thiếu hụt đồng là một trong số đó.
Đồng cần thiết cho sự hấp thụ chất sắt từ đường ruột. Do đó mà khi bị thiếu đồng, cơ thể sẽ hấp thụ ít sắt hơn. Điều này có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, khiến cho các mô trong cơ thể không được cung cấp đủ oxy và thiếu oxy sẽ gây mệt mỏi, uể oải.
Một số nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng thiếu hụt đồng có thể gây thiếu máu.
Ngoài ra, các tế bào sử dụng đồng để tạo ra adenosine triphosphate (ATP) – nguồn năng lượng chính của cơ thể. Điều này có nghĩa là sự thiếu hụt đồng sẽ ảnh hưởng đến mức năng lượng và đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi, không có sức lực.
Ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đồng sẽ giúp khắc phục tình trạng thiếu máu do thiếu đồng.
Tóm tắt: Thiếu đồng có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt hoặc ảnh hưởng đến sự sản xuất ATP và gây mệt mỏi. Có thể khắc phục tình trạng này bằng cách tăng lượng đồng trong chế độ ăn.
2. Dễ mắc bệnh
Nếu thường xuyên bị bệnh thì nguyên nhân rất có thể là do đang bị thiếu hụt đồng.
Đồng đóng vai trò quan trọng đối với chức năng của hệ miễn dịch.
Khi lượng đồng ở mức thấp, cơ thể sẽ khó tạo ra đủ tế bào miễn dịch. Điều này làm giảm đáng kể số lượng bạch cầu và do đó, khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể sẽ bị suy yếu.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu hụt đồng có thể làm giảm đáng kể sự sản xuất bạch cầu trung tính – các tế bào bạch cầu có chức năng như tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể.
Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đồng sẽ giúp phục hồi chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Tóm tắt: Thiếu đồng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và dẫn đến thường xuyên mắc bệnh. Có thể tăng cường chức năng miễn dịch bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu đồng.
3. Loãng xương
Loãng xương là tình trạng xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy.
Tình trạng này xảy ra phổ biến ở người cao tuổi và đôi khi nguyên nhân là do thiếu hụt đồng.
Một bản phân tích 8 nghiên cứu với tổng cộng hơn 2.100 người tham gia đã phát hiện ra rằng những người bị loãng xương có nồng độ đồng thấp hơn so với người có xương chắc khỏe. (1)
Đồng tham gia vào quá trình tạo ra các liên kết chéo bên trong xương. Những liên kết chéo này giúp giữ cho xương luôn chắc khỏe và không bị nứt gãy.
Ngoài ra, đồng còn thúc đẩy cơ thể sản sinh tế bào tạo xương – những tế bào có chức năng hình thành và duy trì cấu trúc xương.
Tóm tắt: Đồng tham gia vào các quá trình giúp củng cố cấu trúc xương. Thiếu hụt đồng có thể dẫn đến loãng xương – tình trạng xương xốp, yếu và dễ gãy.
4. Trí nhớ kém
Thiếu hụt đồng có thể khiến cho việc ghi nhớ và tiếp thu kiến thức trở nên khó khăn hơn.
Lý do là bởi đồng đóng vai trò quan trọng đối với chức năng và sự phát triển não bộ.
Đồng được sử dụng bởi các enzyme có chức năng cung cấp năng lượng cho não, hỗ trợ hệ thống phòng thủ của não và chuyển tiếp tín hiệu đến các bộ phận cơ thể.
Thiếu đồng có thể góp phần gây ra các bệnh làm chậm sự phát triển của não hoặc ảnh hưởng đến khả năng học hỏi và ghi nhớ, chẳng hạn như bệnh Alzheimer.
Một nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh Alzheimer có lượng đồng trong não ít hơn tới 70% so với những người không mắc bệnh này. (2)
Tóm tắt: Đồng giúp đảm bảo chức năng và sự phát triển tối ưu của não bộ. Do đó, thiếu hụt đồng có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ và khả năng học hỏi.
5. Đi lại khó khăn
Những người bị thiếu đồng có thể sẽ gặp khó khăn khi đi lại.
Các enzyme trong cơ thể sử dụng đồng để duy trì chức năng bình thường của tủy sống. Một số enzyme giúp bao bọc và bảo vệ tủy sống, nhờ đó mà các tín hiệu có thể được chuyển tiếp giữa não bộ và các phần khác của cơ thể.
Thiếu hụt đồng có thể khiến các enzyme này hoạt động không hiệu quả và khiến cho tủy sống được bảo vệ kém. Điều này làm cho các tín hiệu không được chuyển tiếp một cách bình thường.
Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng thiếu đồng có thể làm giảm tới 56% sự bao bọc tủy sống.
Hoạt động đi lại được điều khiển bởi các tín hiệu giữa não và cơ thể. Tình trạng thiếu hụt đồng sẽ gây ảnh hưởng đến các tín hiệu này, dẫn đến mất khả năng phối hợp và đi lại không vững.
Tóm tắt: Đồng được sử dụng bởi các enzyme giúp duy trì hoạt động của hệ thần kinh, đảm bảo các tín hiệu được gửi đến và truyền đi từ não bộ một cách hiệu quả. Sự thiếu hụt đồng có thể ảnh hưởng đến những tín hiệu này, gây mất khả năng phối hợp hoặc đi lại không vững.
6. Chịu lạnh kém
Khi bị thiếu đồng, cơ thể sẽ dễ cảm thấy lạnh hơn.
Đồng, cùng với các khoáng chất khác như kẽm, giúp duy trì chức năng bình thường của tuyến giáp.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ hormone tuyến giáp T3 và T4 có liên quan chặt chẽ đến nồng độ đồng. Khi nồng độ đồng trong máu ở mức thấp, nồng độ các hormone tuyến giáp này cũng sẽ giảm. Và kết quả là tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả.
Tuyến giáp có vai trò kiểm soát sự trao đổi chất và sản sinh nhiệt nên nồng độ hormone tuyến giáp thấp sẽ khiến cơ thể dễ cảm thấy lạnh hơn.
Một nghiên cứu đã ước tính rằng hơn 80% những người có nồng độ hormone tuyến giáp thấp có triệu chứng là chịu lạnh kém.
Tóm tắt: Nồng độ đồng ảnh hưởng đến nồng độ hormone tuyến giáp. Các hormone này giúp kiểm soát quá trình trao đổi chất và thân nhiệt. Sự thiếu hụt đồng sẽ làm giảm hormone tuyến giáp và khiến cơ thể hay cảm thấy lạnh.
7. Da nhợt nhạt
Màu sắc của da được quyết định rất nhiều bởi sắc tố melanin.
Da sáng màu có lượng melanin ít hơn, kích thước cũng nhỏ hơn và nhẹ hơn so với da tối màu.
Đồng được sử dụng bởi các enzyme sản xuất melanin. Do đó, thiếu hụt đồng có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sắc tố này và khiến da trở nên nhợt nhạt.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu được thực hiện trên người để xác nhận tác động của tình trạng thiếu đồng đến màu sắc da.
Tóm tắt: Đồng được sử dụng bởi các enzyme tạo ra melanin – sắc tố quyết định màu da. Do đó, thiếu đồng có thể khiến da bị nhợt nhạt.
8. Tóc bạc sớm
Melanin cũng là sắc tố tạo nên màu tóc.
Vì đồng có ảnh hưởng đến sự hình thành melanin nên sự thiếu hụt đồng có thể khiến tóc bạc sớm. (3)
Mặc dù đã có một số nghiên cứu về tác động của tình trạng thiếu đồng đến sự hình thành sắc tố melanin nhưng gần như chưa có nghiên cứu nào về mối liên hệ cụ thể giữa thiếu hụt đồng và tóc bạc nên sẽ cần nhiều nghiên cứu trên người hơn nữa để làm rõ.
Tóm tắt: Giống như màu da, màu tóc cũng bị ảnh hưởng bởi sắc tố melanin và vì cơ thể cần đồng để sản xuất melanin nên thiếu đồng có thể khiến tóc bạc sớm.
9. Suy giảm thị lực
Suy giảm thị lực là một tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra khi bị thiếu hụt đồng trong thời gian dài.
Đồng được sử dụng bởi nhiều enzyme có chức năng duy trì hoạt động của hệ thần kinh. Điều này có nghĩa là thiếu hụt đồng có thể gây ra các vấn đề với hệ thần kinh, bao gồm cả suy giảm thị lực.
Suy giảm thị lực do thiếu đồng xảy ra phổ biến nhất ở những người đã từng phẫu thuật đường tiêu hóa, chẳng hạn như phẫu thuật nối tắt dạ dày. Lý do là bởi những ca phẫu thuật này có thể làm giảm khả năng hấp thụ đồng của cơ thể.
Trong khi một số bằng chứng cho thấy rằng tình trạng suy giảm thị lực do thiếu đồng có thể hồi phục thì các nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng thị lực vẫn không cải thiện dù đã bổ sung đồng.
Tóm tắt: Thiếu hụt đồng có thể gây suy giảm thị lực. Nguyên nhân là do đồng rất cần thiết cho chức năng của hệ thần kinh, bao gồm cả thị lực.
Thực phẩm chứa nhiều đồng
Thiếu hụt đồng là một vấn đề hiếm gặp vì rất nhiều loại thực phẩm có chứa một lượng lớn khoáng chất này mà cơ thể lại chỉ cần một lượng nhỏ đồng mỗi ngày. Lượng đồng khuyến nghị hàng ngày (RDI) là 0,9mg.
Dưới đây là các loại thực phẩm chứa nhiều đồng:
- Gan bò nấu chín (28 gram): đáp ứng 458% RDI
- Hàu nấu chín (6 con): 133% RDI
- Tôm hùm nấu chín (145g): 141% RDI
- Gan cừu nấu chín (28g): 99% RDI
- Mực nấu chín (85g): 90% RDI
- Sô cô la đen (100g): 88% RDI
- Yến mạch (156g): 49% RDI
- Mè (vừng) rang (28g): 35% RDI
- Hạt điều sống (28g): 31% RDI
- Hạt hướng dương rang (28g): 26% RDI
- Nấm nấu chín (1 chén 108 g): 16% RDI
- Hạnh nhân rang chín (28 g): 14% RDI
Chỉ cần ăn một vài loại thực phẩm trong số này mỗi ngày là đủ đáp ứng nhu cầu đồng của cơ thể.
Tóm tắt: Đồng có trong nhiều loại thực phẩm quen thuộc nên thiếu hụt đồng rất hiếm khi xảy ra. Ăn uống cân bằng, đa dạng thực phẩm sẽ giúp đáp ứng đủ lượng đồng khuyến nghị hàng ngày.
Tác hại khi bổ sung quá nhiều đồng
Mặc dù đồng là khoáng chất cần thiết để có sức khỏe tốt nhưng chỉ cần cung cấp một lượng nhỏ đồng cho cơ thể mỗi ngày. Giống như các khoáng chất khác, bổ sung quá nhiều đồng cũng có thể gây ngộ độc.
Ngộ độc đồng sẽ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng ngộ độc đồng gồm có:
- Buồn nôn
- Nôn, có thể nôn ra máu
- Tiêu chảy
- Đau bụng
- Đi ngoài phân đen
- Nhức đầu
- Khó thở
- Rối loạn nhịp tim
- Tụt huyết áp
- Hôn mê
- Da vàng
- Tổn thương thận
- Tổn thương gan
Tuy nhiên, chế độ ăn uống thông thường rất khó gây ngộ độc đồng. Điều này đa phần xảy ra do ăn uống thực phẩm và nước bị nhiễm đồng hoặc làm việc trong môi trường có lượng đồng cao.
Tóm tắt: Mặc dù ngộ độc đồng là vấn đề rất hiếm nhưng sẽ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ngộ độc đồng đa phần xảy ra do ăn thực phẩm và nước bị nhiễm đồng hoặc làm việc trong môi trường có nhiều đồng.
Tóm tắt bài viết
Thiếu đồng là vấn đề không phổ biến vì khoáng chất này có trong nhiều loại thực phẩm và cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ khoáng chất này mỗi ngày. Chỉ cần thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng là đủ đáp ứng nhu cầu đồng hàng ngày.
Tuy nhiên, nếu nhận thấy các dấu hiệu thiếu hụt đồng thì nên đi khám để làm xét nghiệm đo nồng độ đồng trong máu.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp khi bị thiếu đồng gồm có mệt mỏi và uể oải, thường xuyên mắc bệnh, xương yếu và dễ gãy, trí nhớ giảm sút, đi lại khó khăn, hay cảm thấy lạnh, da nhợt nhạt, tóc bạc sớm và giảm thị lực. Thông thường, chỉ cần bổ sung đủ đồng bằng cách ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đồng là sẽ có thể khắc phục các vấn đề này.