Dị ứng là phản ứng của hệ miễn dịch với các chất trong môi trường như phấn hoa, bào tử nấm mốc hoặc lông động vật. Vì nhiều loại thuốc trị dị ứng đi kèm với tác dụng phụ như buồn ngủ, buồn nôn, chóng mặt hay khô miệng nên ngày càng có nhiều người tìm đến các biện pháp điều trị thay thế, ví dụ như bổ sung kẽm.
Kẽm có thể điều trị dị ứng?
Kẽm là một khoáng chất hỗ trợ hệ miễn dịch và rất cần thiết cho sự trao đổi chất trong cơ thể. Ngoài tham gia vào quá trình chữa lành vết thương, kẽm còn có vai trò rất quan trọng đối với khứu giác và vị giác.
Kẽm và dị ứng
Một bản phân tích gồm có 62 nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng sự thiếu hụt một số chất dinh dưỡng, bao gồm cả kẽm, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và dị ứng.
Kẽm và bệnh hen suyễn
Một bài viết đăng trên Báo cáo Nhi khoa (Pediatric Reports) vào năm 2016 đã chỉ ra rằng việc uống bổ sung kẽm kết hợp với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn hen suyễn ở trẻ em.
Tuy nhiên, bổ sung kẽm không giúp rút ngắn các cơn hen. Mặc dù chưa có bằng chứng lâm sàng, nhưng bệnh hen suyễn thường có liên quan đến dị ứng. Vì vậy, kẽm có thể là một chất góp phần làm giảm dị ứng.
Kẽm và viêm da cơ địa
Một nghiên cứu vào năm 2012 về viêm da cơ địa (hay còn gọi là bệnh chàm, eczema) cho thấy những người bị bệnh này có lượng kẽm trong cơ thể thấp hơn đáng kể so với những người không mắc bệnh.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa lượng kẽm và viêm da cơ địa nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Nhu cầu kẽm hàng ngày
Giống như các chất dinh dưỡng khác, nhu cầu kẽm hàng ngày thay đổi tùy theo độ tuổi và giới tính.
Nhu cầu kẽm hàng ngày ở nam giới từ 14 tuổi trở lên là 11 mg và ở phụ nữ từ 19 tuổi trở lên là 8 mg. Đối với phụ nữ mang thai từ 19 tuổi trở lên, nhu cầu kẽm hàng ngày là 11 mg.
Thực phẩm giàu kẽm
Một số loại thực phẩm giàu kẽm gồm có:
- Động vật có vỏ, chẳng hạn như hàu, cua, tôm
- Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn
- Thịt gà
- Các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa tươi và sữa chua
- Các loại hạt như hạt điều và hạnh nhân
Kẽm trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có tính sinh khả dụng thấp hơn so với kẽm trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Tính sinh khả dụng có nghĩa là tỷ lệ kẽm được cơ thể hấp thụ và đi vào máu. Vì thế nên những người theo chế độ ăn dựa trên thực vật, chẳng hạn như ăn thuần chay, sẽ cần tiêu thụ nhiều kẽm hơn hoặc dùng thêm viên uống bổ sung kẽm để tránh bị thiếu hụt.
Tóm tắt bài viết
Kẽm là một khoáng chất vi lượng quan trọng trong cơ thể. Ngoài tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch, tổng hợp protein và chữa lành vết thương, kẽm còn là một chất góp phần làm giảm phản ứng dị ứng.
Ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm là cách an toàn để tăng lượng khoáng chất này cho cơ thể nhưng phải thận trọng khi dùng viên uống bổ sung kẽm. Việc bổ sung quá nhiều kẽm có thể dẫn đến thừa kẽm với các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy và đau đầu. Viên uống kẽm còn có thể tương tác với một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh và thuốc lợi tiểu.