Hầu hết mọi người đều đã quá quen thuộc với dầu dừa. Loại dầu này được sử dụng phổ biến trong cả nấu ăn cũng như là chăm sóc da và tóc. Nhưng bơ dừa thì lại chưa được biết đến nhiều.
Dầu dừa và bơ dừa có gì khác nhau?
Hai sản phẩm này đều có dạng sáp rắn màu trắng đục khi ở nhiệt độ mát và đều có mùi thơm của dừa nhưng dầu dừa và bơ dừa có những đặc điểm khác nhau.
Điểm khác biệt giữa dầu dừa và bơ dừa
Dầu dừa được ép từ cùi dừa (cơm dừa). Dầu dừa có dạng rắn ở nhiệt độ mát (dưới 24 độ C) và trở thành dạng lỏng khi làm ấm. Loại dầu này có mùi thơm của dừa nhưng dầu dừa tinh luyện có mùi nhẹ hơn dầu dừa nguyên chất.
Bơ dừa được sản xuất bằng cách xay nhuyễn cùi dừa, bao gồm cả dầu. Thành phẩm có mùi dừa đậm và hương vị ngậy béo. Bơ dừa cũng có dạng rắn ở nhiệt độ mát và mềm ra khi làm ấm.
Ưu điểm của dầu dừa
- Phù hợp cho nấu ăn và có thể chịu được nhiệt độ từ trung bình đến cao.
- Có nhiều công dụng trong nấu nướng và làm đẹp.
- Có thể được sử dụng thay cho bơ và các loại dầu khác trong làm bánh.
Ưu điểm của bơ dừa
- Chứa chất xơ và một số chất dinh dưỡng khác
- Có thể được sử dụng trong nhiều món tráng miệng và làm bánh.
- Có thể dùng để dưỡng da
Giá trị dinh dưỡng của dầu dừa và bơ dừa
100% thành phần của dầu dừa là chất béo mà chủ yếu là chất béo bão hòa. Một thìa canh dầu dừa có khoảng 14 gram chất béo bão hòa.
Bơ dừa là cơm dừa xay nhuyễn nên cũng chứa chất béo bão hòa. Mỗi thìa canh bơ dừa chứa khoảng 10 gram chất béo bão hòa. Dầu dừa không có chất dinh dưỡng nào khác ngoài chất béo và tất nhiên không có chất xơ trong khi một thìa canh bơ dừa có khoảng 2 gram chất xơ.
Bơ dừa còn có các chất dinh dưỡng khác như protein, kali, magiê và sắt.
Dầu dừa và bơ dừa đều chứa nhiều calo. Cả hai đều cung cấp khoảng 110 đến 120 calo trong mỗi thìa canh.
Dầu dừa và bơ dừa có tốt cho sức khỏe không?
Hàm lượng chất béo bão hòa cao trong dầu dừa và bơ dừa vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cảnh báo rằng chế độ ăn có nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. (1)
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng chất béo bão hòa không gây hại cho sức khỏe. Theo các ý kiến này, loại chất béo bão hòa trong dừa và nhiều thực phẩm khác chủ yếu là axit lauric mà đây là loại axit béo lành mạnh giúp làm tăng cholesterol tốt và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.
Axit lauric chưa được nghiên cứu nhiều như các loại chất béo bão hòa khác nhưng một nghiên cứu đã chỉ ra rằng axit lauric có lợi cho nồng độ cholesterol trong máu. Nghiên cứu được thực hiện trên 32 nam giới và phụ nữ khỏe mạnh cho thấy ăn nhiều axit lauric giúp cải thiện nồng độ cholesterol tốt hơn so với ăn chất béo chuyển hóa (trans fat). (2)
Một bản phân tích tổng hợp vào năm 2010 cho thấy chất béo bão hòa không làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, điều này vẫn không khiến cho các tổ chức y tế lớn như Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ điều chỉnh lại khuyến cáo được đưa ra trước đây về chất béo bão hòa.
Nói chung, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ tác động của chất béo bão hòa đến tim mạch và sức khỏe tổng thể. Nhưng tác động của dầu dừa và bơ dừa đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có mức độ hoạt động và các loại thực phẩm khác trong chế độ ăn uống.
Công dụng làm đẹp của dầu dừa và bơ dừa
Nếu bạn e ngại thành phần hóa học trong các sản phẩm dưỡng da và muốn tìm các thành phần tự nhiên, lành tính thì có thể thử dùng dầu dừa hoặc bơ dừa. Axit béo trong dầu dừa và bơ dừa giúp dưỡng ẩm cho da, cải thiện tình trạng da khô bong tróc, giảm nếp nhăn và thậm chí là làm đều màu da.
Mới có rất ít nghiên cứu khoa học về tác dụng của dầu dừa và bơ dừa trong chăm sóc da nhưng hai sản phẩm này được cho là mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho làn da. Trên thực tế, dầu và bơ dừa được nhiều người sử dụng thay cho kem dưỡng da, kem cạo râu, dầu tắm, dầu mát-xa, son dưỡng môi, chất bôi trơn, dầu tẩy trang, tẩy tế bào chết và thậm chí còn được thoa lên những vùng da bị mẩn đỏ hay tổn thương để làm dịu và phục hồi da.
Dầu dừa và bơ dừa có thể gây dị ứng hoặc kích ứng nên hãy bôi thử một ít lên vùng da nhỏ để kiểm tra phản ứng da trước khi sử dụng.
Dùng dầu dừa và bơ dừa trong nấu ăn
Dầu dừa chủ yếu được dùng làm dầu ăn. Dầu dừa tinh luyện có điểm bốc khói cao nên phù hợp với các phương pháp nấu nướng ở nhiệt độ cao như chiên và áp chảo. Dầu dừa nguyên chất (virgin oil) và đặc biệt nguyên chất (extra virgin oil) có điểm bốc khói thấp hơn và chỉ nên dùng khi nấu ăn ở nhiệt độ dưới 177 độ C.
Dầu dừa có thể thay thế cho mỡ, bơ động vật và dầu thực vật trong làm bánh. Tuy nhiên, không giống như nhiều loại dầu khác có mùi nhẹ hoặc không mùi, dầu dừa nguyên chất có mùi dừa đặc trưng nên sẽ ảnh hưởng đến mùi vị của món ăn. Dầu dừa tinh chế có mùi dừa nhẹ hơn hoặc không mùi nếu được khử mùi kỹ.
Bơ dừa có vị ngậy béo nên có thể được dùng để phết bánh mì giống như bơ đậu phộng hay bơ động vật. Ngoài ra còn có thể đun chảy bơ dừa và trộn cùng sinh tố, trái cây tươi, sữa chua hay yến mạch. Bơ dừa là một lựa chọn thay thế cho bơ động vật và các loại dầu thực vật trong các công thức làm bánh kẹo không cần dùng nhiệt nhưng giống như dầu dừa nguyên chất, việc sử dụng bơ dừa cũng sẽ làm cho món ăn có mùi dừa.
Bơ dừa dễ cháy nên không phù hợp với các phương pháp nấu ăn cần nấu trên lửa trung bình đến lớn hoặc nấu trong thời gian dài.
Lưu ý khi chọn mua và bảo quản bơ dừa, dầu dừa
Dưới đây là một số lưu ý khi chọn mua dầu dừa:
- Dầu dừa nguyên chất và siêu nguyên chất là những loại dầu ít qua xử lý nhất sau khi ép nên giữ lại được nhiều thành phần có lợi hơn so với dầu dừa tinh luyện.
- Dầu dừa tinh luyện được ép từ cơm dừa khô và trải qua nhiều bước xử lý sau khi ép. Loại dầu dừa này chỉ có mùi dừa nhẹ hoặc không mùi và có điểm bốc khói cao hơn nên phù hợp dùng cho nấu ăn hơn nhưng lại không có nhiều lợi ích như dầu dừa nguyên chất và siêu nguyên chất.
Nếu như không muốn làm thay đổi mùi vị của món ăn hoặc cần nấu ăn ở nhiệt độ cao thì nên chọn dầu dừa tinh luyện không hydro hóa (nonhydrogenated refined coconut oil) vì quy trình xử lý dầu sau khi ép không sử dụng dung môi hóa học hay dung dịch kiềm giống như dầu dừa tinh luyện thông thường.
Cả bơ dừa và dầu dừa đều có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng. Bơ dừa thường có một lớp dầu ở trên giống như bơ đậu phộng tự nhiên nên phải khuấy đều trước khi sử dụng.
Tóm tắt bài viết
Dầu dừa và bơ dừa giống nhau về kết cấu và đặc điểm đông đặc, tan chảy nhưng lại có sự khác biệt về mùi vị, công dụng, điểm bốc khói khi nấu ăn và giá trị dinh dưỡng. Dầu dừa có thể dùng cho các phương pháp nấu ăn cần nhiệt độ cao như chiên và nướng trong khi bơ dừa chỉ phù hợp với các món ăn không cần nấu hoặc nấu trên lửa nhỏ trong thời gian ngắn.
Dầu dừa và bơ dừa đều có nhiều calo và chất béo bão hòa nên chỉ ăn ở mức độ vừa phải.