Nếu bạn đã quen uống sữa hoặc các sản phẩm từ sữa mỗi ngày thì việc đột nhiên ngừng uống hoặc giảm lượng sữa có thể sẽ khó hơn bạn nghĩ. Giống như cà phê, việc đột ngột bỏ thói quen uống sữa cũng sẽ gây ra cảm giác thèm uống sữa thường trực.
Thèm uống sữa là dấu hiệu cho thấy điều gì?
Có nhiều lý do dẫn đến cảm giác này. Dưới đây là 9 lý do phổ biến nhất kèm theo cách khắc phục.
1. Do khát
Sữa có khoảng 87% nước. Đó là lý do tại sao uống một ly sữa mát có thể giúp làm dịu cơn khát một cách nhanh chóng. Nếu bạn cảm thấy thèm uống sữa thì đó có thể chỉ đơn giản là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị khát.
Cách giải quyết đơn giản là uống một ly nước lọc hoặc ăn các loại trái cây mọng nước. Táo, dưa hấu, lê, cam và các loại trái cây khác chứa tới 90% nước. Trái cây và sữa có hàm lượng carbohydrate (carb) tương đương nhưng trái cây tươi có chứa chất xơ, giúp làm chậm sự hấp thụ và kéo dài cảm giác no sau khi ăn. Trái cây tươi còn chứa chất chống oxy hóa, nhiều loại vitamin, khoáng chất và hóa chất thực vật (phytochemical) mà sữa không có.
2. Do đói
Sữa là một thức uống giàu dinh dưỡng nên uống sữa là một cách nhanh chóng và thuận tiện để làm giảm cơn đói. Sữa rất giàu protein và chất béo. Một ly sữa cung cấp hơn 8 gram protein và lên đến 7 gram chất béo. Nếu đã quen uống sữa vào mỗi bữa xế và đột nhiên bỏ thói quen này thì cảm giác thèm sữa có thể là do bạn đang bị đói.
Để duy trì cảm giác no lâu sau khi ăn và hạn chế bị đói giữa các bữa thì nên ăn các loại thực phẩm toàn phần (whole food), đặc biệt ăn nhiều thực phẩm giàu protein, chất xơ và chất béo tốt như thịt, cá, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, quả hạch, các loại đậu và rau củ quả.
3. Do thèm đường
Có thể thực chất là bạn đang thèm carb hoặc đường, chứ không phải là sữa. Một cốc sữa nguyên kem chứa khoảng 13 gram đường hay carb đơn giản (simple carbohydrate). Loại đường tự nhiên trong sữa là lactose (còn được gọi là đường sữa). Đây là thành phần tạo nên vị ngọt nhẹ cho sữa. Tỷ lệ lactose trong sữa là 8%.
Khi vào cơ thể, lactose được phân hủy thành glucose – một loại đường đơn giản hơn. Glucose là nguồn năng lượng chính cho mọi cơ quan, bao gồm cả não bộ. Loại carb đơn giản này còn giúp nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột, đặc biệt là Bifidobacterium và thúc đẩy sự sản xuất axit béo chuỗi ngắn.
Có thể hạn chế cảm giác thèm đường bằng cách chọn các nguồn carb lành mạnh thay cho sữa, chẳng hạn như bánh mì nguyên cám, yến mạch, khoai lang và trái cây tươi. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử 19 loại thực phẩm giúp giảm cảm giác thèm đường trong bài viết này.
4. Triệu chứng “cai nghiện”
Thường xuyên có cảm giác thèm sữa sau khi ngừng uống sữa có thể là một triệu chứng “cai nghiện”, giống như cảm giác thèm cà phê dai dẳng ở những người cai cà phê sau một thời gian dài uống liên tục. Nghiên cứu cho thấy rằng các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường sẽ kích hoạt hệ thần kinh tưởng thưởng trong não bộ. Vì lý do này nên sữa cũng là một loại thực phẩm có thể “gây nghiện”.
Mặc dù đường lactose trong sữa có độ ngọt chỉ bằng khoảng 20% so với đường mía nhưng vẫn có thể gây cảm giác thèm đường. Sữa còn là một nguồn chất béo tự nhiên dồi dào. Điều này cũng lý giải tại sao các sản phẩm từ sữa như kem giúp cải thiện tâm trạng và được nhiều người lựa chọn khi cảm thấy không vui.
5. Chưa quen với các loại sữa thay thế
Nhiều người phải kiêng sữa bò do không dung nạp lactose hoặc do dị ứng sữa và phải chuyển sang các loại sữa thực vật như sữa hạnh nhân hay sữa đậu nành.
Mặc dù có rất nhiều loại sữa có nguồn gốc thực vật trên thị trường nhưng có thể sẽ rất khó để tìm ra được một loại ưng ý. Dù cùng được gọi là “sữa” nhưng sữa thực vật có mùi vị và kết cấu không giống với sữa bò và sữa của các loài động vật khác. Sữa thực vật thường không ngậy béo và sánh đặc như sữa bò do chứa ít chất béo và protein hơn.
Nếu bắt buộc phải chuyển từ sữa bò sang sữa thực vật thì hãy thử thêm nửa thìa cà phê sữa dừa hoặc dầu MCT nhũ hóa vào các món cần dùng sữa, chẳng hạn như cà phê. Điều này giúp bổ sung lượng chất béo tốt, làm cho đồ uống trở nên ngậy hơn, sánh hơn và còn giúp nổi bọt tốt hơn.
6. Do thiếu vitamin và khoáng chất
Sữa là một loại thực phẩm hoàn chỉnh vì có chứa 18 trong số 22 loại vitamin và khoáng chất thiết yếu. Vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin A, vitamin B, canxi, magiê và kẽm là những chất dinh dưỡng mà cơ thể con người không thể tự tạo ra mà phải hấp thụ từ thực phẩm.
Thèm uống sữa hay các sản phẩm từ sữa có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu một hoặc một vài dưỡng chất này. Nên tăng cường ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Nếu như còn có các dấu hiệu thiếu hụt dinh dưỡng khác như mệt mỏi, hoa mắt, rụng tóc, da khô, móng giòn, dễ gãy, lưỡi đỏ, loét miệng… thì nên đi khám để làm xét nghiệm kiểm tra và được hướng dẫn bổ sung dinh dưỡng một cách thích hợp.
7. Do vừa ăn cay
Uống sữa giúp làm dịu cảm giác nóng rát do ăn cay hiệu quả hơn nhiều so với nước. Nguyên nhân gây ra cảm giác này là do chất capsaicin trong ớt. Do có chứa nhiều chất béo nên sữa giúp làm giảm tác động của capsaicin tốt hơn nước và các loại đồ uống khác.
Nếu đang phải kiêng sữa hoặc giảm uống sữa thì nên hạn chế ăn đồ cay để tránh cảm giác thèm sữa hoặc có thể uống sữa hạt. Sữa hạt cũng chứa chất béo tự nhiên. Uống một ít sữa hạnh nhân, sữa dừa, sữa hạt điều hoặc sữa đậu nành cũng sẽ giúp làm dịu cảm giác khó chịu trong miệng khi ăn đồ cay.
8. Do bị ợ nóng
Ợ nóng, trào ngược dạ dày – thực quản hoặc viêm loét dạ dày tá tràng là những vấn đề phổ biến ở đường tiêu hóa. Những vấn đề này có thể gây nóng rát, khó chịu và khó tiêu. Nhiều người có thói quen uống sữa mỗi khi bị ợ nóng hoặc nóng rát do viêm loét. Sở dĩ sữa có thể làm dịu các triệu chứng này là bởi sữa tạo thành một lớp phủ lên niêm mạc dạ dày và ruột, ngăn cách niêm mạc với axit dạ dày. Tuy nhiên, tác dụng này chỉ là tạm thời.
Trên thực tế, sữa có thể làm cho các triệu chứng của vấn đề về tiêu hóa trở nên nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là vì sữa làm cho dạ dày tiết ra nhiều axit hơn và làm giãn cơ vòng thực quản – bộ phận có chức năng ngăn axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
Nếu đang gặp các triệu chứng bất thường về tiêu hóa thì cần đi khám để chẩn đoán bệnh chính xác và có biện pháp điều trị. Có thể sẽ cần dùng các loại thuốc như thuốc kháng axit, men vi sinh hoặc thuốc kháng sinh. Trong một số trường hợp, thiếu axit dạ dày là nguyên nhân gây ra các triệu chứng và cần điều trị bằng cách bổ sung axit clohydric. Ngoài ra, nên điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, chẳng hạn như ăn nhiều chất xơ hơn và giảm lượng chất béo.
9. Do đã quen uống sữa
Khi chúng ta ăn hoặc uống một thứ gì đó hàng ngày thì cơ thể và não bộ sẽ quen với việc đó. Và khi ngừng ăn, chúng ta sẽ cảm thấy thèm dù không thực sự đói hay khát. Tuy nhiên, cơn thèm thường chỉ kéo dài khoảng 3 – 5 phút. Hãy đi làm một việc khác để quên đi cảm giác thèm sữa hoặc thay bằng các lựa chọn lành mạnh hơn, ví dụ như sữa thực vật, nước ép trái cây tươi hoặc trà.
Tóm tắt bài viết
Giống như tất cả các thay đổi về lối sống khác, hãy thực hiện từng bước nhỏ và đều đặn mỗi ngày để hình thành một thói quen lành mạnh mới. Hãy duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và thêm những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng khác khi loại bỏ bất kỳ loại thực phẩm nào, chẳng hạn như sữa.
Có nhiều lý do gây cảm giác thèm sữa khi mới bắt đầu ngừng uống sữa, ví dụ như do đói, do khát, thèm đường, thiếu dinh dưỡng hoặc do đã quen uống sữa hàng ngày. Dù là lý do nào thì cũng đều có cách khắc phục.
Nếu có dấu hiệu thiếu vitamin hoặc khoáng chất thì nên xét nghiệm máu để phát hiện chính xác vấn đề và có biện pháp bổ sung.
Thay thế sữa bò bằng một loại sữa thực vật, thức uống hoặc đồ ăn khác có thể giúp giảm cảm giác thèm. Nếu phải kiêng sữa bò do không dung nạp hoặc dị ứng thì có thể thử các loại sữa khác như sữa dê, sữa hạt hoặc sữa không chứa lactose. Hãy thử nhiều loại sữa khác nhau để tìm ra loại mà bạn thích nhất và không gây phản ứng tiêu cực.