Nồng độ cholesterol trong máu cao là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhiều người cho rằng cần phải hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol vì những thực phẩm này sẽ làm tăng nồng độ cholesterol trong máu và dẫn đến bệnh tim mạch.
Ăn thực phẩm nhiều cholesterol có làm tăng cholesterol trong máu không?
Đúng là điều này đã được nghiên cứu khoa học chứng minh nhưng các nghiên cứu này đã được thực hiện từ cách đây 50 năm và theo các bằng chứng mới hiện nay thì cholesterol trong chế độ ăn không ảnh hưởng nhiều đến nồng độ cholesterol trong máu.
Cholesterol là gì?
Cholesterol là một loại chất béo dạng sáp, có tự nhiên trong cơ thể.
Nhắc đến cholesterol, đa số mọi người đều nghĩ ngay đến các tác hại đối với sức khỏe nhưng thật ra cholesterol rất cần thiết cho hoạt động của cơ thể.
Cholesterol là thành phần tạo nên lớp màng của mọi tế bào.
Cơ thể cần cholesterol để sản xuất hormone và vitamin D, cũng như là thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác. Nói một cách đơn giản, chúng ta sẽ không thể tồn tại nếu không có cholesterol.
Cơ thể con người có khả năng tự tạo ra phần lớn lượng cholesterol cần thiết nhưng cũng hấp thụ một lượng nhỏ từ một số loại thực phẩm, chẳng hạn như trứng, thịt và các sản phẩm từ sữa nguyên kem.
Tóm tắt: Cholesterol là một loại chất béo có dạng sáp mà con người cần để tồn tại. Cơ thể tạo ra cholesterol và hấp thụ một lượng nhỏ từ thức ăn.
Cholesterol và lipoprotein
“Cholesterol” được nhắc đến trong các bài viết về sức khỏe tim mạch thực chất là lipoprotein – cấu trúc mang cholesterol trong máu.
Lipoprotein được tạo nên từ chất béo (lipid) ở bên trong và protein ở bên ngoài.
Có một số loại lipoprotein nhưng hai loại có liên quan nhiều đến sức khỏe tim mạch là lipoprotein tỉ trọng thấp (low-density lipoprotein – LDL) và lipoprotein tỉ trọng cao (high-density lipoprotein – HDL).
Lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL)
LDL chiếm 60 – 70% tổng lượng lipoprotein trong máu và có chức năng mang cholesterol đi khắp cơ thể.
LDL được gọi là cholesterol xấu vì có thể gây xơ vữa động mạch – tình trạng tích tụ mảng bám trong lòng động mạch.
Nồng độ LDL cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trên thực tế, nồng độ LDL càng cao thì nguy cơ càng lớn.
LDL lại được chia thành nhiều loại khác nhau, chủ yếu được phân loại theo kích thước hạt, gồm có LDL hạt nhỏ, đậm đặc và LDL lớn.
Các nghiên cứu cho thấy rằng những người mà LDL trong máu chủ yếu là các hạt nhỏ, đậm đặc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn so với những người có nhiều LDL hạt lớn. (1)
Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ quan trọng nhất không phải là kích thước của các hạt LDL mà là số lượng hạt. Chỉ số cho biết số lượng hạt LDL là LDL-P.
Nói chung, số lượng hạt LDL càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.
Lipoprotein tỉ trọng cao (HDL)
Lipoprotein tỉ trọng cao (HDL) đưa cholesterol dư thừa khắp cơ thể trở lại gan – nơi mà cholesterol có thể được sử dụng hoặc bài tiết.
Một số bằng chứng chỉ ra rằng HDL giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng xơ vữa bên trong động mạch. (2)
HDL được gọi là cholesterol tốt vì cholesterol được vận chuyển bởi các hạt HDL có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tóm tắt: Lipoprotein là các hạt mang cholesterol đi khắp cơ thể. Nồng độ LDL cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trong khi nồng độ HDL cao lại làm giảm nguy cơ.
Cholesterol trong chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến cholesterol trong máu?
Lượng cholesterol trong chế độ ăn uống thực ra không ảnh hưởng nhiều đến nồng độ cholesterol trong máu.
Nhiều người cho rằng ăn thực phẩm giàu cholesterol sẽ làm tăng mức cholesterol trong máu. Điều này nghe thì có vẻ hợp lý nhưng thực ra nồng độ cholesterol trong máu không tăng dễ dàng như vậy.
Cơ thể chúng ta có cơ chế điều hòa nồng độ cholesterol trong máu bằng cách kiểm soát sự sản xuất cholesterol.
Cholesterol trong cơ thể được tạo ra bởi gan. Khi lượng cholesterol trong chế độ ăn uống giảm, gan sẽ tạo ra nhiều cholesterol hơn. Và ngược lại, khi chế độ ăn có nhiều cholesterol, gan sẽ tăng sản xuất cholesterol. Vì thế nên ở hầu hết mọi người, ăn thực phẩm giàu cholesterol sẽ không làm tăng nồng độ cholesterol trong máu. (3)
Tuy nhiên, ở một số người thì việc ăn thực phẩm có lượng cholesterol cao sẽ làm tăng mức cholesterol trong máu. Những người này bị một dạng rối loạn gọi là tăng phản ứng với cholesterol và chiếm khoảng 40% dân số. Đây là một rối loạn di truyền.
Ở những người bị tăng phản ứng với cholesterol, lượng cholesterol trong chế độ ăn khiến cho nồng độ LDL tăng nhẹ nhưng thường không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Lý do là bởi cholesterol từ thức ăn chỉ làm tăng số lượng LDL hạt lớn chứ không không làm thay đổi số lượng LDL hạt nhỏ, đậm đặc. Trên thực tế, những người có nhiều LDL hạt lớn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn.
Những người bị tăng phản ứng với cholesterol cũng dễ tăng nồng độ HDL, điều này giúp bù đắp cho sự gia tăng LDL vì cholesterol dư thừa sẽ được đưa trở lại gan và loại bỏ khỏi cơ thể.
Do đó, mặc dù nồng độ cholesterol trong máu tăng lên khi ăn nhiều thực phẩm giàu cholesterol nhưng tỷ lệ LDL trên HDL ở những người bị tăng phản ứng vẫn giữ nguyên và nguy cơ mắc bệnh tim mạch không thay đổi.
Tất nhiên, luôn có những trường hợp ngoại lệ. Một số người sẽ có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề sức khỏe khi ăn nhiều thực phẩm giàu cholesterol.
Tóm tắt: Hầu hết mọi người đều không bị tăng nồng độ cholesterol trong máu khi ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol vì cơ thể có cơ chế điều hòa sự sản xuất cholesterol trong gan và kiểm soát mức cholesterol trong máu.
Cholesterol trong chế độ ăn và bệnh tim mạch
Khác với suy nghĩ của nhiều người, bệnh tim mạch không chỉ là do cholesterol gây ra.
Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gồm có phản ứng viêm, stress oxy hóa, cao huyết áp và hút thuốc lá.
Mặc dù sức khỏe tim mạch phụ thuộc nhiều vào nồng độ lipoprotein nhưng lượng cholesterol trong chế độ ăn uống hầu như không ảnh hưởng gì đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, việc nấu các loại thực phẩm giàu cholesterol ở nhiệt độ cao có thể gây hình thành oxysterol.
Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng nồng độ oxysterol trong máu cao có thể góp phần dẫn đến bệnh tim mạch, nhưng cần có thêm bằng chứng trước khi đưa ra bất kỳ kết luận chính thức nào.
Nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa cholesterol trong chế độ ăn và bệnh tim mạch
Các nghiên cứu chất lượng cao đã chỉ ra rằng cholesterol trong chế độ ăn uống không liên quan đến sự tăng gia nguy cơ mắc bệnh tim mạch. (4)
Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về tác động của trứng đến sức khỏe tim mạch. Trứng là một trong những loại thực phẩm có lượng cholesterol cao nhất nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy rằng ăn trứng không làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Thậm chí, trứng còn giúp cải thiện nồng độ HDL và thay đổi đặc điểm các hạt LDL, nhờ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Một nghiên cứu đã so sánh tác động của trứng nguyên quả và sản phẩm thay thế trứng đến mức cholesterol. Các sản phẩm thay thế trứng (egg substitute) thường được làm từ lòng trắng trứng.
Theo đó, ở những người ăn 3 quả trứng mỗi ngày, số lượng hạt HDL đã tăng nhiều hơn và số lượng hạt LDL giảm rõ rệt hơn so với nhóm ăn sản phẩm thay thế trứng.
Tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý là ăn trứng có thể gây hại cho những người mắc bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên khi những bệnh nhân tiểu đường ăn trứng. (5)
Tóm tắt: Cholesterol trong chế độ ăn không ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol như trứng đã được chứng minh là an toàn và tốt cho sức khỏe.
Có cần kiêng thực phẩm giàu cholesterol không?
Đến nay vẫn có không ít người cho rằng ăn nhiều cholesterol là nguyên nhân gây bệnh tim mạch. Do đó, một trong những lời khuyên về chế độ ăn uống phổ biến là nên hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol để bảo vệ sức khỏe.
Tuy nhiên, các nghiên cứu được nhắc đến bên trên đã cho thấy rằng điều này là không đúng.
Trên thực tế, nhiều loại thực phẩm có lượng cholesterol cao được xếp vào danh sách những thực phẩm bổ dưỡng nhất trên hành tinh, chẳng hạn như thịt bò (đặc biệt là bò ăn cỏ), trứng, các sản phẩm từ sữa nguyên kem, dầu cá, động vật có vỏ, cá mòi và gan.
Nhiều loại thực phẩm trong số đó có chứa nhiều chất béo bão hòa. Các nghiên cứu cho thấy rằng thay thế chất béo bão hòa trong chế độ ăn bằng chất béo không bão hòa đa giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ tác động của chất béo bão hòa đến sức khỏe tim mạch.
Tóm tắt: Hầu hết mọi người đều không cần phải kiêng các loại thực phẩm giàu cholesterol. Đa số thực phẩm chứa nhiều cholesterol đều rất bổ dưỡng, gồm có trứng, dầu cá, cá mòi và gan.
Cách giảm cholesterol trong máu
Nồng độ cholesterol cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Có thể làm giảm nồng độ cholesterol trong máu bằng cách thực hiện một vài thay đổi đơn giản trong lối sống.
Ví dụ, giảm cân sẽ giúp cải thiện mức cholesterol cao ở những người thừa cân, béo phì.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng những người thừa cân, béo phì chỉ cần giảm từ 5 – 10% khối lượng cơ thể là đã có thể làm giảm mức cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, nhiều loại thực phẩm có thể giúp giảm cholesterol, chẳng hạn như quả bơ, các loại đậu, các loại hạt, thực phẩm làm từ đậu nành, trái cây và rau củ tươi.
Thêm những thực phẩm này vào chế độ ăn uống sẽ góp phần làm giảm cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động thể chất cũng rất quan trọng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện mức cholesterol và sức khỏe tim mạch.
Tóm tắt: Có thể giảm nồng độ cholesterol trong máu bằng cách áp dụng một số thay đổi trong lối sống. Giảm cân nếu thừa cân, tăng cường hoạt động thể chất và ăn uống lành mạnh đều giúp giảm cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tóm tắt bài viết
Nồng độ cholesterol trong máu cao là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, ở hầu hết mọi người thì cholesterol trong chế độ ăn hầu như không ảnh hưởng gì đến nồng độ cholesterol trong máu.
Các nghiên cứu đã cho thấy ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.