Biotin có tác động như thế nào đến làn da và liệu việc uống biotin sẽ giúp cải thiện hay làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá cũng như là các vấn đề vềMặc dù có tác dụng duy trì làn da khỏe mạnh nhưng cũng có ý kiến cho rằng thường xuyên bổ sung biotin có thể gây nổi mụn trứng cá. Điều này có đúng hay không? da khác?
Biotin gây nổi mụn hay giúp trị mụn trứng cá?
Biotin là gì?
Vitamin B là một nhóm gồm có 8 loại vitamin tan trong nước, trong đó có vitamin B7, hay còn được gọi là biotin.
Biotin là chất dinh dưỡng cần thiết để có sức khỏe tốt và vì cơ thể không thể tự tạo ra nên cần phải tiêu thụ đủ biotin từ thực phẩm hoặc viên uống bổ sung hàng ngày.
Chất dinh dưỡng này từ lâu đã được biết đến là có vai trò quan trọng đối với làn da, mái tóc và móng. Biotin còn có một cái tên khác là vitamin H, có nguồn gốc từ các từ “haar” và “haut” trong tiếng Đức, có nghĩa là “tóc” và “da”.
Mặc dù có tác dụng duy trì làn da khỏe mạnh nhưng cũng có ý kiến cho rằng thường xuyên bổ sung biotin có thể gây nổi mụn trứng cá. Điều này có đúng hay không?
Tầm quan trọng của biotin
Biotin hay vitamin B7 là một phần quan trọng của một số enzyme cần thiết cho quá trình chuyển hóa chất béo, protein và carb. Do đó, loại vitamin này hỗ trợ tiêu hóa và giúp cơ thể sản sinh năng lượng. Cả hai chức năng này đều cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể con người.
Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng biotin còn đảm nhận những vai trò quan trọng trong biểu hiện gen và chức năng hệ thần kinh. (1)
Sự thiếu hụt biotin
Tình trạng thiếu biotin có thể xảy ra do chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng hoặc do khiếm khuyết về di truyền, gây cản trở khả năng hấp thụ biotin của cơ thể. Dù là do nguyên nhân nào thì sự thiếu hụt biotin cũng có thể góp phần dẫn đến một số bệnh lý viêm và vấn đề với hệ miễn dịch.
Mặc dù rất ít người bị thiếu biotin nhưng phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú sẽ có nguy cơ cao hơn do những thay đổi trong khả năng chuyển hóa biotin.
Một số dấu hiệu thường gặp khi cơ thể bị thiếu biotin gồm có:
- Rụng tóc nhiều, khiến tóc trở nên mỏng đi
- Nổi ban đỏ, đóng vảy quanh mắt, mũi hoặc khóe miệng
- Móng tay giòn, dễ gãy
- Lo âu, bồn chồn
- Mệt mỏi
- Co giật
Như vậy là sự thiếu hụt biotin ảnh hưởng đến cả da, tóc và móng. Qua đó có thể thấy biotin có vai trò như thế nào đối với những bộ phận này của cơ thể
Tóm tắt: Biotin đóng vai trò quan trọng trong biểu hiện gen, quá trình tiêu hóa và trao đổi chất. Một số dấu hiệu khi bị thiếu biotin là rụng tóc, phát ban tróc vảy trên da và móng tay giòn.
Tác động của biotin đến làn da
Việc uống bổ sung biotin được cho là có tác dụng giúp điều trị viêm da và cải thiện sức khỏe làn da. Tuy nhiên, chỉ có một số ít nghiên cứu cho thấy những lợi ích này và hầu hết các nghiên cứu đều được thực hiện ở trẻ sơ sinh.
Do đó, cần có thêm nghiên cứu để kiểm chứng tác dụng làm đẹp da của biotin ở người lớn, đặc biệt là những người không bị thiếu loại vitamin này.
Biotin và mụn trứng cá
Hiện tại mới chỉ có rất ít bằng chứng cho thấy uống biotin gây nổi mụn trứng cá.
Theo các bằng chứng thì biotin gây nổi mụn là vì chất này tác động đến cách mà cơ thể hấp thụ axit pantothenic hay vitamin B5.
Axit pantothenic có vai trò quan trọng đối với chức năng của lớp biểu bì – lớp ngoài cùng của da, có vai trò là hàng rào bảo vệ cho da. Ngoài ra, axit pantothenic còn có tác dụng làm mềm da, phục hồi da và là một thành phần quan trọng trong ngăn ngừa hoặc trị mụn trứng cá.
Biotin cản trở sự hấp thụ axit pantothenic vì cả hai chất này đều được cơ thể hấp thụ qua cùng một con đường.
Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng việc uống biotin hay sự thiếu hụt axit pantothenic gây mụn trứng cá. Thậm chí, nhiều nghiên cứu cho thấy uống biotin và axit pantothenic giúp điều trị vấn đề về da này.
Tóm tắt: Cần nghiên cứu thêm để xác định những lợi ích của biotin đối với sức khỏe làn da và tác động đến mụn trứng cá.
Trị mụn bằng vitamin B
Mặc dù biotin được cho là gây nổi mụn trứng cá nhưng một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng loại vitamin nhóm B này có thể cải thiện mụn không viêm (comedonal acne), gồm có mụn đầu đen và mụn đầu trắng. Nguyên nhân gây hình thành loại mụn này là do lỗ chân lông bị bít tắc.
Ngoài ra, biotin còn đặc biệt hữu ích trong việc kiểm soát tình trạng bong tróc da và giảm kích ứng do mụn.
Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần được thực hiện ở những người bị mụn trứng cá nhẹ đến vừa cho thấy rằng việc sử dụng cả kem bôi da và viên uống chứa biotin cùng các vitamin khác giúp giảm mụn đáng kể. (2)
Mặc dù nghiên cứu này cho thấy tiềm năng của biotin trong trị mụn trứng cá nhưng cần lưu ý, kết quả có được có thể không phải do mình biotin vì phương pháp điều trị được sử dụng còn có cả các loại vitamin và chất dinh dưỡng khác.
Ngoài biotin, vitamin B5 cũng là một loại vitamin nhóm B được nghiên cứu nhiều trong điều trị mụn trứng cá.
Ví dụ, trong một nghiên cứu kéo dài 12 tuần ở 41 người lớn bị mụn trứng cá nhẹ đến vừa, các nhà nghiên cứu quan sát thấy rằng mức độ tổn thương do viêm đã giảm đáng kể ở những người uống bổ sung vitamin B5 so với nhóm dùng giả dược. (3)
Hiện tại chưa có khuyến nghị chính thức nào về liều lượng biotin và vitamin B5 để trị mụn trứng cá nên tốt nhất nên đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn.
Tóm tắt: Cả biotin và vitamin B5 (hay còn được gọi là axit pantothenic) đều là những thành phần tiềm năng trong điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên chưa có khuyến nghị chính thức về liều lượng.
Các tác dụng phụ của viên uống biotin
Miễn là sử dụng đúng liều lượng thì viên uống biotin sẽ không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, đôi khi việc uống bổ sung biotin có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn dưới đây.
Ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
Vào năm 2017, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra thông báo về khả năng các sản phẩm viên uống biotin có thể can thiệp vào một số phương pháp xét nghiệm và dẫn đến kết quả không chính xác. (4)
Do đó, nếu như đang uống biotin thì cần thông báo cho nhân viên y tế trước khi tiến hành xét nghiệm.
Tương tác với một số loại thuốc
Viên uống biotin có thể ảnh hưởng đến khả năng xử lý một số loại thuốc của gan.
Mặt khác, một số loại thuốc có thể làm tăng mức độ phân hủy biotin trong cơ thể và giảm sự hấp thụ trong ruột, dẫn đến làm giảm lượng biotin.
Một trong những loại thuốc đó là thuốc chống co giật được sử dụng để điều trị chứng động kinh, ví dụ như:
- carbamazepine
- primidone
- phenytoin
- phenobarbital
Giảm sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khác
Cơ thể con người hấp thụ biotin và các chất dinh dưỡng khác như axit alpha lipoic và vitamin B5 qua cùng một con đường. Điều này có nghĩa là việc uống bổ sung các chất này cùng với nhau sẽ làm giảm sự hấp thụ của một trong hai.
Ngoài ra, avidin – loại protein có trong lòng trắng trứng sống – có khả năng liên kết với biotin trong ruột non và làm giảm sự hấp thụ loại vitamin này. Do đó, việc ăn nhiều lòng trắng trứng sống hoặc chưa nấu chín kỹ có thể gây thiếu hụt biotin.
Tóm tắt: Nói chung, nếu sử dụng liều lượng vừa phải thì viên uống biotin không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng đôi khi có thể xảy ra các tác dụng phụ nhẹ như tương tác với một số loại thuốc, giảm hấp thụ các vitamin khác và kết quả xét nghiệm không chính xác.
Tóm tắt bài viết
Biotin là một loại vitamin tan trong nước thiết yếu mà cơ thể không thể tự tạo ra. Do đó, cần phải tiêu thụ đủ lượng chất dinh dưỡng này thông qua chế độ ăn uống hoặc dùng thực phẩm chức năng để đảm bảo quá trình trao đổi chất, sự tăng trưởng và phát triển tối ưu.
Sự thiếu hụt biotin sẽ ảnh hưởng đến tóc, móng và da, thậm chí còn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như trầm cảm và co giật.
Mặc dù uống bổ sung biotin là điều cần thiết để tránh bị thiếu hụt khi chế độ ăn không cung cấp đủ nhưng viên uống biotin lại được cho là có thể gây nổi mụn trứng cá hoặc làm cho tình trạng mụn hiện tại trở nên nặng hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng biotin và các vitamin nhóm B khác có tác dụng trị mụn.
Nếu có ý định uống biotin hay các loại vitamin khác để trị mụn trứng cá thì trước tiên nên đi khám bác sĩ da liễu để được hướng dẫn liều lượng an toàn. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi uống biotin là giảm hấp thụ các chất dinh dưỡng khác, tương tác với một số loại thuốc và ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm.