Biotin là một loại vitamin được biết đến nhiều nhất với công dụng thúc đẩy mọc tóc. Vì thế nên các sản phẩm viên uống bổ sung biotin đang ngày càng được sử dụng phổ biến, đặc biệt là ở những nam giới bị hói hoặc chỉ đơn giản là muốn ngăn rụng tóc và có mái tóc dày hơn.
Bổ sung biotin có phải giải pháp trị hói ở nam giới?
Nhưng cụ thể thì biotin có vai trò như thế nào đối với sức khỏe của mái tóc và liệu việc bổ sung loại vitamin này có thực sự giúp mọc tóc hay không.
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số kết quả nghiên cứu về tác dụng kích thích mọc tóc, trị hói của biotin ở nam giới và một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi uống bổ sung biotin.
Biotin là gì?
Biotin, hay vitamin B7, là một loại vitamin tan trong nước thuộc nhóm vitamin B.
Biotin tham gia vào nhiều chức năng chuyển hóa trong cơ thể, đặc biệt là quá trình chuyển đổi thức ăn thành năng lượng.
Hơn nữa, loại vitamin này còn rất cần thiết cho sức khỏe của làn da, mái tóc và móng. Biotin còn được gọi là vitamin H, viết tắt của “Haar und Haut” – một từ tiếng Đức có nghĩa là “tóc và da”.
Biotin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như lòng đỏ trứng, gan, súp lơ, nấm, đậu nành và các loại đậu khác, các loại hạt như hạnh nhân và ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài chế độ ăn, một cách nữa để tăng lượng biotin cho cơ thể là dùng thực phẩm chức năng. Các sản phẩm này có thể chỉ chứa mình biotin hoặc kết hợp cùng các vitamin và khoáng chất khác.
Ngoài ra, biotin còn được sản xuất tự nhiên trong cơ thể bạn bởi vi khuẩn đường ruột.
Tóm tắt: Biotin là một loại vitamin tan trong nước, thuộc nhóm vitamin B. Loại vitamin này đảm nhiệm nhiều chức năng trong cơ thể và nổi tiếng với vai trò đối với sức khỏe của mái tóc và làn da.
Thiếu hụt biotin
Thiếu biotin là vấn đề rất ít người gặp phải vì chất dinh dưỡng này có mặt trong nhiều loại thực phẩm và còn được tạo ra bởi vi khuẩn đường ruột.
Tuy nhiên, một số nhóm dân số có nguy cơ thiếu biotin cao hơn bình thường, chẳng hạn như trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, những người uống quá nhiều rượu và những người bị thiếu biotinidase – một loại enzyme giúp giải phóng biotin tự do vào cơ thể.
Thường xuyên ăn lòng trắng trứng sống cũng có thể dẫn đến thiếu hụt biotin. Nguyên nhân là do lòng trắng sống có chứa avidin – một loại protein ngăn cản sự hấp thụ biotin. Do đó, cần phải nấu chín trứng trước khi ăn.
Các dấu hiệu của sự thiếu hụt biotin gồm có rụng tóc, phát ban đỏ và đóng vảy quanh miệng, mắt và mũi. Thiếu biotin còn có thể gây co giật, viêm da, móng giòn, các vấn đề thần kinh như lo âu, bồn chồn, ảo giác và dị cảm (châm chích) ở các chi.
Tóm tắt: Sự thiếu hụt biotin rất hiếm khi xảy ra ở những người khỏe mạnh vì chất dinh dưỡng này có trong nhiều loại thực phẩm và còn được sản xuất trong cơ thể. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai, trẻ em, những người nghiện rượu và những người bị thiếu enzyme biotinidase có nguy cơ thiếu biotin cao hơn.
Biotin có thật sự kích thích mọc tóc không?
Nhiều người cho rằng bổ sung biotin sẽ giúp kích thích mọc tóc nhưng tác dụng này hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Kích thích mọc tóc
Biotin đóng vai trò quan trọng đối với sự mọc tóc vì loại vitamin này tham gia vào quá trình tổng hợp keratin. Keratin là loại protein chính cấu tạo nên tóc và góp phần giữ cho mái tóc chắc khỏe.
Lượng biotin trong cơ thể quá thấp có thể khiến tóc mọc chậm và rụng tóc. Tuy nhiên, ở những người mà chế độ ăn đã có đủ hàm lượng biotin thì việc dùng thêm viên uống bổ sung sẽ không giúp ích gì nhiều.
Hiện nay có vô số sản phẩm viên uống biotin khác nhau với công dụng thúc đẩy mọc tóc nhưng mới chỉ có rất ít nghiên cứu quy mô lớn chứng minh điều này.
Trong một nghiên cứu vào năm 2017, việc uống bổ sung biotin đã được chứng minh là giúp tăng sự mọc tóc ở những người bị thiếu hụt. Tuy nhiên, các tác giả đã kết luận rằng đối với những người không bị thiếu biotin thì việc dùng viên uống bổ sung sẽ không có tác dụng. (1)
Ngoài ra cũng không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy việc uống biotin thúc đẩy sự mọc tóc.
Trị hói đầu ở nam giới
Hói đầu ở nam giới, hay chứng rụng tóc do nội tiết tố nam (male androgenetic alopecia), là một dạng rụng tóc phổ biến, trong đó tóc bị rụng nhiều ở vùng trán và trên thái dương, theo thời gian đường chân tóc tạo thành hình chữ M trước trán.
Trong một đánh giá vào năm 2019, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những nam giới bị chứng rụng tóc do nội tiết tố có lượng biotin thấp hơn một chút so với những người không bị rụng tóc. Tuy nhiên, sự khác biệt này không đủ lớn để kết luận mối liên hệ trực tiếp giữa biotin và chứng rụng tóc. (2)
Mặc dù đã có một số nghiên cứu ở phụ nữ nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu lâm sàng nào về việc bổ sung biotin và tình trạng rụng tóc ở nam giới.
Một thử nghiệm được thực hiện ở 30 phụ nữ bị rụng tóc nhiều đã cho thấy rằng việc dùng viên uống bổ sung protein có nguồn gốc từ da cá có chứa cả biotin giúp cải thiện đáng kể sự mọc tóc và số lượng tóc sau 90 ngày. (3)
Mặc dù đầy hứa hẹn nhưng kết quả chưa đủ thuyết phục vì không rõ những người tham gia có bị thiếu hụt biotin và liệu việc bổ sung biotin có mang lại hiệu quả tương tự ở nam giới hay không.
Ngoài ra, viên uống được sử dụng trong nghiên cứu này còn chứa các chất dinh dưỡng khác cũng có tác dụng thúc đẩy sự mọc tóc như axit amin, kẽm và vitamin C nên rất có thể kết quả có được không phải là nhờ biotin.
Do đó, có khả năng là việc uống biotin sẽ chỉ tạo nên sự khác biệt ở những người bị thiếu hụt biotin.
Nếu bị rụng tóc quá nhiều thì nên đi khám để kiểm tra xem đó có phải dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào hay không.
Tóm tắt: Mới chỉ có rất ít nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung biotin hỗ trợ sự mọc tóc và hơn nữa, điều này chỉ diễn ra ở những người đang bị thiếu hụt biotin.
Lưu ý khi dùng viên uống biotin
Giống như các loại vitamin nhóm B khác, biotin cũng tan trong nước nên lượng vitamin thừa sẽ được đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Vì thế nên rất khó xảy ra tình trạng lượng biotin trong cơ thể tăng quá cao. Việc uống bổ sung biotin nhìn chung không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nghiêm trọng nào đến sức khỏe nhưng đôi khi có thể xảy ra một số vấn đề không mong muốn.
Ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
Viên uống biotin có thể ảnh hưởng đến một số xét nghiệm chẩn đoán sử dụng công nghệ biotin-streptavidin và điều này sẽ dẫn đến kết quả không chính xác.
Công nghệ này thường được sử dụng trong các xét nghiệm đo lượng vitamin D, hormone và chức năng tuyến giáp. Trên thực tế, các nghiên cứu đã cho thấy là biotin có thể can thiệp vào việc chẩn đoán bệnh Graves và suy giáp. (4)
Lượng biotin trong cơ thể quá cao còn có thể làm sai lệch kết quả khi xét nghiệm đo nồng độ troponin – phương pháp được sử dụng để phát hiện cơn nhồi máu cơ tim, điều này dẫn đến điều trị chậm trễ và thậm chí là tử vong.
Do đó, nếu đang dùng viên uống biotin thì phải thông báo cho nhân viên y tế trước khi thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào.
Tương tác thuốc
Biotin có thể tương tác với một số loại thuốc. Ví dụ, các loại thuốc chống co giật như carbamazepine, phenytoin, primidone và phenobarbital có thể làm giảm lượng vitamin này trong cơ thể.
Mặc dù biotin không có nhiều tương tác thuốc nhưng nếu như đang dùng bất kỳ loại thuốc nào thì tốt nhất vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống biotin.
Tóm tắt: Lượng biotin cao có thể gây cản trở một số phương pháp xét nghiệm chẩn đoán và dẫn đến kết quả không chuẩn xác. Ngoài ra, biotin còn có thể tương tác với thuốc nên cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống bổ sung loại vitamin này.
Tóm tắt bài viết
Biotin hay vitamin B7 là một loại vitamin nhóm B được biết đến với những lợi ích đối với mái tóc, làn da và móng tay, móng chân.
Mặc dù rụng tóc là một trong những dấu hiệu thường gặp khi cơ thể bị thiếu biotin nhưng chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh việc uống bổ sung biotin có tác dụng kích thích mọc tóc và trị hói đầu, đặc biệt là ở nam giới. Phần lớn dân số đều có đủ lượng biotin vì loại vitamin này có trong nhiều loại thực phẩm và còn được tạo ra bởi vi khuẩn trong đường ruột. Ở những người không bị thiếu hụt, việc bổ sung thêm biotin bằng cách dùng thực phẩm chức năng sẽ không mang lại lợi ích gì nhiều cho mái tóc.
Do đó, để có mái tóc dày và chắc khỏe hơn thì tốt nhất vẫn nên ăn nhiều thực phẩm giàu biotin thay vì dùng viên uống bổ sung.