Có 8 loại vitamin B và mỗi loại đều đảm nhận những chức năng quan trọng trong cơ thể. Thiếu hụt bất kỳ loại vitamin nào trong số này đều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các dấu hiệu, triệu chứng thiếu vitamin B
Vitamin B là gì?
Vitamin B là một nhóm gồm 8 loại vitamin, mỗi loại lại đảm nhận những chức năng riêng biệt. Những vitamin này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự sản sinh và hoạt động của các tế bào cũng như là mức năng lượng của cơ thể.
Tình trạng thiếu hụt vitamin B gây ra nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại vitamin B mà cơ thể đang bị thiếu.
Vitamin B có trong rất nhiều loại thực phẩm và chỉ cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng là có thể đáp ứng đủ nhu cầu vitamin và các dưỡng chất cần thiết khác của cơ thể. Nhưng nếu chế độ ăn không có đủ vitamin B thì có thể phải dùng thêm viên uống bổ sung.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về các loại vitamin B phổ biến nhất, gồm có vai trò đối với cơ thể, các dấu hiệu khi bị thiếu hụt và các nguồn thực phẩm.
Ai có nguy cơ thiếu vitamin B?
Một số nhóm đối tượng nhất định, chẳng hạn như người cao tuổi và phụ nữ mang thai, có nguy cơ thiếu vitamin B cao hơn do cơ thể cần nhiều vitamin B hơn bình thường.
Một số bệnh lý, chẳng hạn như bệnh Crohn, bệnh Celiac, HIV, rối loạn sử dụng rượu… làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B của cơ thể và làm tăng nguy cơ thiếu hụt.
Tình trạng thiếu vitamin B có nhiều biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào loại vitamin B cụ thể đang bị thiếu.
Thiếu hụt vitamin B có thể chỉ gây ra triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, khô da hoặc các triệu chứng nặng hơn như lú lẫn, giảm thị lực, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch.
Biện pháp để khắc phục tình trạng thiếu vitamin B là dùng viên uống bổ sung hoặc tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu vitamin B.
Tóm tắt: Người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người đang mắc một số bệnh nhất định sẽ có nguy cơ cao bị thiếu vitamin B.
Vitamin B12
Vitamin B12, hay còn được gọi là cobalamin, là chất dinh dưỡng quan trọng đối với hệ thần kinh. Vitamin B này còn cần thiết cho sự tăng trưởng và sản sinh hồng cầu.
Các dấu hiệu thiếu vitamin B12
Tình trạng thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến sự gián đoạn trong hệ thần kinh và hệ tuần hoàn.
Thiếu hụt vitamin B12 có thể gây thiếu máu hồng cầu khổng lồ – tình trạng tủy xương sản sinh ra hồng cầu có kích thước lớn, có hình dạng và hoạt động không bình thường.
Các vấn đề về thần kinh như sa sút trí tuệ, hoang tưởng, trầm cảm và thay đổi hành vi có thể xảy ra do thiếu vitamin B12. Đôi khi, thiếu vitamin B12 gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn, không thể hồi phục.
Các dấu hiệu, triệu chứng thường gặp khi bị thiếu vitamin B12:
- Mệt mỏi, suy nhược
- Táo bón
- Ăn không ngon miệng
- Sụt cân
- Tê và chân chích ở bàn tay và bàn chân
- Mất cân bằng
- Lú lẫn
- Trí nhớ kém
- Loét miệng hoặc lưỡi
Thực phẩm giàu vitamin B12
Vitamin B12 có chủ yếu trong thịt và các sản phẩm từ sữa nên những người theo chế độ ăn chay có nguy cơ bị thiếu hụt loại vitamin này. Tuy nhiên, vẫn có những lựa chọn thực phẩm thay thế để bổ sung vitamin B12 cho cơ thể.
Những người ăn chay bán phần nên ăn thêm nhiều sữa, các sản phẩm từ sữa và trứng. Một số nguồn cung cấp vitamin B12 cho những người ăn thuần chay gồm có các loại thực phẩm được bổ sung thêm vitamin B, ví dụ như ngũ cốc ăn sáng hay men dinh dưỡng (nutritional yeast).
Một số loại thực phẩm giàu vitamin B12:
- Gan
- Các loại động vật có vỏ như sò, hàu…
- Thịt
- Cá
- Trứng
- Sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua
Tóm tắt: Thiếu vitamin B12 là vấn đề tương đối phổ biến. Điều này có thể gây thiếu máu, mệt mỏi và các vấn đề về thần kinh.
Vitamin B6
Vitamin B6, hay còn được gọi là pyridoxine, giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Vitamin nhóm B này còn có vai trò tăng cường chức năng miễn dịch và giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng.
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần vitamin B6 để giúp não bộ của thai nhi/trẻ sơ sinh phát triển bình thường.
Các dấu hiệu thiếu vitamin B6
Không bổ sung đủ vitamin B6 có thể dẫn đến thiếu máu và các vấn đề về da, chẳng hạn như phát ban, ngứa ngáy hoặc nứt xung quanh miệng.
Thiếu hụt vitamin B6 còn có các triệu chứng khác như:
- Lo âu, bồn chồn
- Buồn nôn
- Sức đề kháng yếu, dễ bị nhiễm trùng
- Viêm da
- Loét lưỡi
- Mệt mỏi
- Châm chích ở bàn chân, bàn tay
Thực phẩm giàu vitamin B6
Một số loại thực phẩm giàu vitamin B6:
- Thịt lợn
- Thịt gia cầm
- Cá
- Nội tạng, ví dụ như gan
- Khoai tây và các loại rau củ nhiều tinh bột khác
- Trái cây, trừ trái cây họ cam quýt
- Đậu phộng
- Đậu nành
- Yến mạch
Tóm tắt: Các triệu chứng thiếu vitamin B6 gồm có thiếu máu và các vấn đề trên da, chẳng hạn như phát ban, ngứa ngáy và nứt quanh miệng.
Vitamin B1 và B2
Vitamin B1 còn được gọi là thiamin và vitamin B2 còn được gọi là riboflavin.
Các vitamin B này giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Vitamin B1 có lợi cho hệ thần kinh và vitamin B2 giúp duy trì thị lực.
Các dấu hiệu thiếu vitamin B1 hoặc vitamin B2
Vì vitamin B1 và vitamin B2 có tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm và còn được bổ sung thêm vào một số sản phẩm, chẳng hạn như sữa và ngũ cốc nên tình trạng thiếu hụt các vitamin này là không phổ biến.
Tuy nhiên, nguy cơ thiếu vitamin B1 hoặc vitamin B2 sẽ tăng cao ở những người lạm dụng rượu bia với các biểu hiện thường gặp là đầu óc lú lẫn và xuất hiện các vết nứt dọc hai bên miệng.
Thực phẩm giàu vitamin B1 và vitamin B2
Một số nguồn cung cấp vitamin B1 chính trong chế độ ăn gồm có:
- Các loại ngũ cốc
- Thịt lợn, thịt bò
- Cá
- Gan
- Các loại đậu, ví dụ như đậu đen và đậu nành
- Các loại hạt và quả hạch như hạnh nhân, hồ đào, óc chó…
- Bông cải xanh
- Khoai tây
- Trứng
Các loại thực phẩm giàu vitamin B2:
- Trứng
- Nội tạng, ví dụ như gan, tim, cật
- Thịt bò và thịt lợn nạc
- Ức gà
- Cá hồi
- Sữa ít béo, sữa chua, phô mai
- Các loại rau như bông cải xanh, rau cải
- Ngũ cốc
- Các loại hạt
Tóm tắt: Tình trạng thiếu hụt vitamin B1 và B2 thường xảy ra ở những người nghiện rượu với các dấu hiệu thường gặp là đầu óc lú lẫn và nứt dọc hai bên miệng.
Vitamin B3
Vitamin B3, hay còn được gọi là niacin, cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Vitamin này còn hỗ trợ hệ tiêu hóa và tạo cảm giác ngon miệng khi ăn. Vitamin B3 có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của tế bào.
Các dấu hiệu thiếu vitamin B3
Thiếu vitamin B3 có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn và đau bụng. Tình trạng thiếu hụt trầm trọng còn có thể dẫn đến rối loạn tâm thần và bệnh Pellagra với các triệu chứng như:
- Da khô ráp, chuyển sang màu đỏ hoặc nâu khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Lưỡi có màu đỏ tươi
- Nôn mửa
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Tính tình thay đổi, trở nên hung hăng, hoang tưởng hoặc có suy nghĩ tự tử
- Ảo giác
Thực phẩm giàu vitamin B3
Một số loại thực phẩm giàu vitamin B3 gồm có:
- Thịt gia cầm, thịt bò, thịt lợn và cá
- Gan
- Một số loại hạt
- Các loại đậu và ngũ cốc
- Quả bơ
- Nấm
- Khoai tây
Tóm tắt: Sự thiếu hụt vitamin B3 thường gây ảnh hưởng đến tiêu hóa và nếu nghiêm trọng thì còn có thể dẫn đến bệnh Pellagra.
Vitamin B9
Vitamin B9 còn được gọi là folate hay axit folic. Folate là dạng tự nhiên trong thực phẩm còn axit folic là dạng tổng hợp, thường có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn hay viên uống bổ sung.
Giống như hầu hết các loại vitamin B khác, vitamin B9 cũng có vai trò thúc đẩy sự phát triển hồng cầu. Vitamin B này còn giúp làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh khi được bổ sung trong thai kỳ.
Các dấu hiệu thiếu vitamin B9
Tình trạng thiếu vitamin B9 thường có các dấu hiệu, triệu chứng như:
- Thiếu máu hồng cầu khổng lồ, gây suy nhược cơ thể
- Mệt mỏi
- Giảm tập trung
- Cáu gắt
- Đau đầu
- Tim đập nhanh
- Khó thở
- Loét miệng
- Thay đổi màu da, tóc hoặc móng tay
Nếu phụ nữ mang thai không bổ sung đủ folate thì trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ bị dị tật ống thần kinh, chẳng hạn như nứt đốt sống.
Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều axit folic trong thời kỳ mang thai cũng có thể gây ra các vấn đề về thần kinh ở trẻ.
Thực phẩm giàu vitamin B9
Các loại thực phẩm giàu vitamin B9:
- Gan
- Hải sản
- Trứng
- Măng tây
- Bông cải xanh
- Các loại rau lá xanh đậm, ví dụ như rau cải
- Cam và các loại trái cây họ cam quýt khác
- Đậu phộng
- Hạt hướng dương và các loại hạt khác
- Các loại đậu như đậu Hà Lan
Tóm tắt: Thiếu hụt vitamin B9 có thể gây ra các vấn đề như thiếu máu, tim đập nhanh, mệt mỏi, đau đầu, cáu gắt, giảm tập trung… Đây là loại vitamin đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai.
Làm thế nào để tránh bị thiếu vitamin B?
Hầu hết mọi người đều không cần phải uống bổ sung vitamin B.
Có rất nhiều loại thực phẩm tự nhiên chứa nhiều vitamin nhóm B nên chỉ cần có chế độ ăn uống đa dạng là đủ để có được lượng vitamin cần thiết. Nên cố gắng ăn nhiều các loại thịt, các loại hạt, hoa quả và rau củ tươi.
Nếu như không ăn thịt, trứng hoặc sữa thì vẫn có thể cung cấp vitamin B12 cho cơ thể từ các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật được bổ sung thêm vitamin này, ví dụ như ngũ cốc ăn sáng hay men dinh dưỡng để tránh bị thiếu hụt.
Chỉ khi chế độ ăn hàng ngày không có đủ vitamin B hoặc đang mắc các bệnh lý gây thiếu vitamin B thì mới phải dùng đến viên uống bổ sung. Ở phụ nữ đang mang thai hoặc người trên 50 tuổi thì khả năng phải uống bổ sung sẽ cao hơn. Tốt nhất nên đi khám để làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ vitamin B trước khi bổ sung.
Nguy cơ dư thừa hay ngộ độc vitamin B thường thấp hơn so với các chất dinh dưỡng khác vì vitamin B tan trong nước. Tuy nhiên, viên uống bổ sung vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ, tương tác với các loại thuốc đang dùng hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe nếu dùng liều quá cao trong thời gian dài.
Tóm tắt bài viết
Có 8 loại vitamin B và mỗi loại đều đảm nhận những chức năng quan trọng trong cơ thể. Thiếu hụt bất kỳ loại vitamin nào trong số này đều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tình trạng thiếu vitamin B có nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng tùy vào loại vitamin cụ thể mà cơ thể đang bị thiếu.
Tuy nhiên, có thể dễ dàng ngăn ngừa thiếu hụt vitamin B và các chất dinh dưỡng khác bằng cách duy trì một chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng gồm có các loại thịt nạc, ngũ cốc, trái cây và rau củ tươi.