Dầu ô liu được biết đến với nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như làm giảm cholesterol và giúp cân bằng lượng đường trong máu. Ngoài ra, dầu ô liu còn một tác dụng ít người biết, đó là giúp trị táo bón.
Cách sử dụng dầu ô liu để giảm táo bón
Táo bón xảy ra khi phân di chuyển quá chậm qua đường ruột, dẫn đến chỉ đại tiện 2 lần hoặc ít hơn mỗi tuần trong khi tần suất đại tiện bình thường là một lần mỗi ngày, mặc dù cũng có người đi nhiều hơn (2 – 3 lần/ngày) và có người đi nhiều hơn (3 – 4 lần/tuần). Khi bị táo bón, phân trở nên cứng và khô nên khó đi qua ruột hơn. Ngoài đại tiện ít, chướng bụng và đau bụng cũng là những triệu chứng phổ biến của táo bón.
Nói chung, dầu ô liu có tác dụng nhuận tràng nhưng chỉ ở mức nhẹ. Tuy nhiên, dầu ô liu không có tác dụng phụ giống như một số loại thuốc nhuận tràng. Vì thế nên bổ sung loại dầu lành mạnh này vào chế độ ăn uống là một cách an toàn để phần nào làm giảm tình trạng táo bón.
Nguyên nhân gây táo bón
Táo bón có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và thông thường thì rất khó tìm ra nguyên nhân cụ thể. Nguyên nhân có thể đơn giản và dễ dàng khắc phục, chẳng hạn như như chế độ ăn uống không cân bằng hoặc cũng có thể là do các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng.
Các nguyên nhân gây táo bón phổ biến gồm có chế độ ăn ít chất xơ, uống ít nước và không tập thể dục thường xuyên. Thuốc an thần và thuốc điều trị cao huyết áp cũng có thể gây táo bón.
Táo bón cũng có thể là do các bệnh lý gây ra. Một số bệnh có thể gây táo bón là bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng. Trong nhiều trường hợp, táo bón nghiêm trọng có liên quan đến vấn đề ở đường tiêu hóa. Ví dụ, nứt hậu môn hoặc hẹp tắc đại tràng có thể gây táo bón.
Các vấn đề về thần kinh xảy ra ở các dây thần kinh xung quanh đại tràng và trực tràng, cũng như là các vấn đề ở cơ vùng chậu, cũng có thể gây ra tình trạng đại tiện khó.
Dầu ô liu là một loại dầu lành mạnh vì chủ yếu chứa chất béo không bão hòa đơn. Trong cơ thể, chất béo không bão hòa đơn có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Nhóm chất béo này còn có lợi cho việc giảm cân trong khi chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa lại góp phần gây tăng cân và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Cách trị táo bón bằng dầu ô liu
Trên thị trường có nhiều loại dầu ô liu. Dầu ô liu được phân loại dựa trên phương pháp sản xuất và thành phần. Dầu ô liu siêu nguyên chất (extra virgin olive oil) là loại tinh khiết và tự nhiên nhất vì quá trình sản xuất không sử dụng nhiệt và hóa chất.
Vì dầu ô liu không phải là một loại thuốc nên không có khuyến nghị tiêu chuẩn nào về việc sử dụng loại dầu này để trị táo bón.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Renal Nutrition, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng liều lượng dầu ô liu hàng ngày có thể giúp cải thiện hầu hết các triệu chứng táo bón ở những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo. Liều lượng ban đầu là 4ml và tăng lên khi cần thiết. (1)
Có thể thử pha một thìa dầu ô liu với một cốc nước cam hoặc một cốc sữa ấm. Hoặc cũng có thể sử dụng dầu ô liu làm nước sốt salad hay nguyên liệu trong các món ăn khác. Nếu bị táo bón mãn tính thì có thể rưới dầu ô liu trực tiếp lên các món ăn sau khi nấu chín để tăng lượng dầu trong chế độ ăn uống.
Tác hại của dầu ô liu
Hầu hết mọi người đều có thể dung nạp một lượng nhỏ dầu ô liu. Do loại dầu này có đặc tính nhuận tràng tự nhiên nên nếu ăn quá nhiều thì có thể sẽ dẫn đến tiêu chảy.
Dầu ô liu có nhiều calo. Một muỗng canh dầu ô liu có gần 120 calo. Nếu như đang phải kiểm soát lượng calo trong chế độ ăn thì cần phải tính cả lượng calo đến từ dầu ô liu.
Những người bị bệnh tiểu đường nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng dầu ô liu. Dầu ô liu có thể làm giảm mức đường huyết.
Rủi ro của việc dùng dầu ô liu để trị táo bón
Thêm một chút dầu ô liu vào các món ăn hoặc uống dầu ô liu là một cách an toàn để trị táo bón. Mặc dù dầu ô liu có thể gây dị ứng nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra. Ở những người không bị dị ứng thì biện pháp tự nhiên này không có bất kỳ rủi ro nào, chỉ có điều không giải quyết được triệt để tình trạng táo bón.
Nếu đã từng ăn dầu ô liu trước đây mà không gặp vấn đề gì thì có thể tăng lượng dầu trong chế độ ăn hoặc sử dụng dầu ô liu như một loại thuốc nhuận tràng. Bố mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi cho trẻ dùng dầu ô liu.
Các cách khác để trị táo bón
Nếu đã dùng dầu ô liu mà tình trạng táo bón không cải thiện thì có thể thử sử dụng thuốc nhuận tràng. Nhiều loại thuốc phát huy tác dụng chỉ trong vòng vài giờ sau khi uống.
Ngoài ra còn có các biện pháp trị táo bón khác như:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống (ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước…)
- Hoạt động thể chất thường xuyên
- Cố gắng đại tiện vào một khung giờ cố định hàng ngày
- Tạm dừng các loại thuốc hay thực phẩm chức năng gây táo bón
Nếu đã thử dùng dầu ô liu và các phương pháp kể trên mà vẫn bị táo bón thì nên đi khám, đặc biệt là khi không đi ngoài trong một tuần. Một số nguyên nhân gây táo bón, chẳng hạn như tắc hậu môn – trực tràng cần phẫu thuật để điều trị. Phải đi khám càng sớm càng tốt nếu bị táo bón kèm theo các dấu hiệu bất thường như đau đớn khi đại tiện hoặc phân có lẫn máu.
Ngăn ngừa táo bón
Dưới đây là các cách để ngăn ngừa táo bón:
- Nếu loại thuốc đang dùng có tác dụng phụ là táo bón thì hãy hỏi bác sĩ về việc đổi sang loại thuốc khác hoặc giảm liều.
- Ăn nhiều trái cây và rau xanh.
- Uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày để cung cấp đủ nước cho cơ thể. Thiếu nước cũng có thể gây táo bón.
- Hạn chế đồ uống có đường vì những loại đồ uống này chứa nhiều calo và có thể gây tăng cân. Béo phì hoặc thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ táo bón.
- Hoạt động thể chất thường xuyên. Có thể chỉ cần đi bộ nhưng nên thực hiện đều đặn hàng ngày. Hoạt động thể chất sẽ giúp cải thiện chức năng đường tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.