Caffeine không chỉ tác động đến hệ thần kinh và giúp chúng ta tỉnh táo mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan, hệ thống khác trong cơ thể.
Caffeine có tác động thế nào đến cơ thể?
Rất nhiều người có thói quen uống một cốc cà phê vào buổi sáng để bắt đầu một ngày mới tỉnh táo, tràn đầy năng lượng hoặc uống vào đầu giờ chiều để giảm buồn ngủ, mệt mỏi. Sở dĩ cà phê có tác dụng này là nhờ chứa caffeine – một chất kích thích thần kinh. Tuy nhiên, caffeine không chỉ tác động đến hệ thần kinh và giúp chúng ta tỉnh táo mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan, hệ thống khác trong cơ thể.
Caffeine là gì?
Caffeine là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương thuộc nhóm methylxanthine. Đó là chất kích thích thần kinh được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới.
Bản thân caffeine không có giá trị dinh dưỡng và không có mùi vị. Không chỉ có cà phê, caffeine còn có mặt trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống khác như trà, chocolate, nước ngọt, nước tăng lực,… Một số loại thuốc cũng có chứa caffeine.
Sau khi vào cơ thể, caffeine sẽ tạo ra một số thay đổi. Khi tiêu thụ ở mức vừa phải, caffeine sẽ giúp chúng ta cảm thấy tỉnh táo, khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng hơn nhưng nếu tiêu thụ nhiều thì chất này sẽ gây ra một số hiện tượng như hồi hộp, tim đập nhanh, mất ngủ, dễ cáu gắt,… Và nếu lạm dụng thì sẽ bị phụ thuộc và gặp phải các vấn đề như đau đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi, mất tập trung, mệt mỏi khi ngừng tiêu thụ caffeine. 400 mg mỗi ngày là mức tiêu thụ caffeine an toàn đối với hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh. Lượng caffeine này tương đương 3 – 4 cốc cà phê cỡ vừa.
Khi tiêu thụ cùng một lượng caffeine hàng ngày thì cơ thể sẽ phát triển khả năng thích nghi (dung nạp) và các tác động của chất này sẽ giảm dần. Các yếu tố khác như tuổi tác, khối lượng cơ thể và tình trạng sức khỏe tổng thể cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng dung nạp caffeine. Nếu như đã quen uống cà phê hoặc các loại đồ uống chứa caffeine và muốn giảm lượng tiêu thụ thì nên giảm một cách từ từ.
Tác động đến hệ thần kinh trung ương
Caffeine là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Khi đến não bộ, tác động rõ rệt của chất này là tạo cảm giác tỉnh táo. Bạn sẽ cảm thấy đỡ buồn ngủ và giảm mệt mỏi. Vì vậy nên caffeine là một thành phần phổ biến trong các loại thuốc điều trị hoặc kiểm soát chứng buồn ngủ, đau đầu và đau nửa đầu.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người thường xuyên uống cà phê có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ thấp hơn, đồng thời thói quen uống cà phê còn giúp làm giảm 45% nguy cơ tự tử. Chỉ có cà phê có chỉ số octane cao mới mang lại những lợi ích này. Cà phê khử caffeine sẽ không có tác dụng. Mặc dù cà phê được coi là một thức uống tốt cho sức khỏe nhưng giống như hầu hết các loại thực phẩm và đồ uống khác, lạm dụng cà phê cũng sẽ gây hại.
Ví dụ, tiêu thụ nhiều caffeine có thể gây cảm giác bồn chồn, hồi hộp, tim đập nhanh, thở gấp, run tay, mất ngủ, tăng huyết áp,…
Mặc dù ít khi xảy ra nhưng tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn như:
- Đầu óc lú lẫn
- Ảo giác
- Nôn mửa
Trong một số trường hợp, quá liều caffeine còn có thể dẫn đến tử vong do co giật. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi tiêu thụ một lượng caffeine rất lớn, thường là trong nước tăng lực hoặc các loại thuốc, ví dụ như thuốc giảm cân.
Việc ngừng đột ngột caffeine cũng sẽ gây ra vấn đề. Nguyên nhân là do sau một thời gian, các mạch máu trong não đã quen với tác động của caffeine nên khi đột nhiên không có caffeine thì sẽ bị đau đầu. Các hiện tượng tiêu cực khi ngừng tiêu thụ caffeine được gọi là hội chứng cai nghiện caffeine.
Một số triệu chứng của hội chứng cai nghiện caffeine là:
- Đau đầu
- Lo âu
- Dễ cáu gắt
- Mệt mỏi
- Buồn ngủ
- Kém tập trung
- Run chân tay
Hệ tiêu hóa và bài tiết
Caffeine làm tăng lượng axit trong dạ dày và có thể gây ra chứng ợ nóng hoặc cảm giác khó chịu ở dạ dày. Caffeine không được lưu trữ trong cơ thể mà được xử lý trong gan và đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Đây là lý do tại sao chúng ta thường đi tiểu nhiều hơn sau khi uống cà phê.
Những người có vấn đề về dạ dày, chẳng hạn như chứng trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm loét dạ dày nên cẩn thận khi uống cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine khác.
Hệ tuần hoàn và hô hấp
Caffeine được hấp thụ từ dạ dày. Nồng độ caffeine trong máu đạt mức cao nhất trong vòng 1 – 2 tiếng sau khi uống.
Caffeine có thể làm cho huyết áp tăng lên trong một khoảng thời gian ngắn. Hiện tượng này xảy ra là do sự gia tăng nồng độ adrenaline hoặc caffeine gây ức chế tạm thời hoạt động của hormone vốn có chức năng làm giãn động mạch. Ở hầu hết mọi người, caffeine không ảnh hưởng lâu dài đến huyết áp nhưng đối với những người bị rối loạn nhịp tim thì caffeine có thể khiến tim phải hoạt động nhiều hơn. Những người bị cao huyết áp hoặc các vấn đề liên quan đến tim mạch nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc uống cà phê, trà và các loại đồ uống chứa caffeine khác.
Tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể làm tăng nhịp tim hoặc tim đập không đều và khó thở. Trong một số trường hợp hiếm gặp, quá liều caffeine còn có thể dẫn đến tử vong do co giật hoặc rối loạn nhịp tim.
Hệ xương khớp
Khi tồn tại trong cơ thể ở lượng lớn, caffeine có thể gây cản trở sự hấp thụ và chuyển hóa canxi. Điều này có thể góp phần dẫn đến loãng xương. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều caffeine còn có thể gây co giật cơ.
Việc ngừng caffeine đột ngột có thể gây đau nhức cơ.
Chức năng sinh sản
Ở phụ nữ mang thai, caffeine lưu thông trong máu và đi qua nhau thai vào bào thai. Vì là một chất kích thích nên caffeine có thể khiến nhịp tim và sự trao đổi chất của thai nhi tăng lên. Quá nhiều caffeine cũng có thể khiến thai nhi chậm phát triển và tăng nguy cơ sảy thai. Mặc dù phụ nữ có thai vẫn có thể uống cà phê nhưng tốt nhất nên hạn chế một cách tối đa.
Theo các chuyên gia, phụ nữ chỉ nên tiêu thụ tối đa 200 miligam caffeine mỗi ngày trong thời gian đang mang thai hoặc khi đang cố gắng thụ thai. Có một số bằng chứng cho thấy rằng tiêu thụ nhiều caffeine có thể gây cản trở quá trình sản xuất và chuyển hóa estrogen cần thiết cho sự thụ thai.