Caffeine cũng có một số tác động tiêu cực đến sức khỏe. Có ý kiến cho rằng caffeine có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu.
Caffeine trong cà phê có thể gây ra cảm giác lo âu
Caffeine là một chất kích thích thần kinh có trong nhiều loại đồ uống khác nhau và được tiêu thụ rộng rãi nhất trên khắp thế giới. Chất này giúp tỉnh táo, giảm mệt mỏi và thậm chí việc tiêu thụ thường xuyên còn làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh.
Tuy nhiên, caffeine cũng có một số tác động tiêu cực đến sức khỏe. Có ý kiến cho rằng caffeine có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu.
Tác động của caffeine đến sức khỏe tâm thần
Nghiên cứu đã chỉ ra có một mối liên hệ giữa việc tiêu thụ caffeine và sức khỏe tâm thần.
Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn tâm thần (DSM – 5) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) đã liệt kê 4 chứng rối loạn liên quan đến caffeine, gồm có:
- Say cà phê
- Cai nghiện caffeine
- Các rối loạn liên quan đến caffeine không xác định
- Các rối loạn khác do caffeine gây ra (rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ)
Một nghiên cứu vào năm 2008 đã chỉ ra rằng cơ chế mà caffeine làm tăng sự tỉnh táo là ngăn cản adenosine (chất hóa học trong não bộ gây ra cảm thấy uể oải, mệt mỏi) và đồng thời kích hoạt sự giải phóng adrenalin – một hormone có tác dụng tăng mức năng lượng. (1)
Lượng caffeine tiêu thụ càng nhiều thì những tác động này càng mạnh và việc tiêu thụ một lượng lớn caffeine có thể dẫn đến chứng lo âu.
Mặc dù caffeine mang lại một số lợi ích về mặt tinh thần nhưng tiêu thụ liều cao có thể gây ra các triệu chứng lo âu, đặc biệt là ở những người vốn đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn hoảng sợ (panic disorder) hay rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder).
Một nghiên cứu vào năm 2005 đã cho thấy rằng tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể dẫn đến những triệu chứng tương tự như các vấn đề về tâm thần, ví dụ như rối loạn giấc ngủ, bồn chồn, lo âu, dễ cáu gắt và các triệu chứng loạn thần. (2)
Triệu chứng lo âu và triệu chứng do tiêu thụ nhiều caffeine
Theo Đại học Y Harvard, việc tiêu thụ nhiều caffeine có thể gây ra một số hiện tượng tương tự như các triệu chứng lo lắng, ví dụ như:
- Lo lắng
- Hồi hộp, bồn chồn
- Khó ngủ
- Tim đập nhanh
- Các vấn đề về dạ dày – ruột
Hội chứng cai nghiện caffeine
Khi đã quen uống cà phê hoặc các loại đồ uống chứa caffeine khác và đột ngột dừng lại thì cơ thể thường sẽ có một số hiện tượng khó chịu, được gọi chung là hội chứng cai nghiện caffeine:
- Đau đầu
- Lo âu
- Mệt mỏi
- Tinh thần chán nản
- Khó tập trung
- Run chân tay
- Cáu gắt
Cai nghiện caffeine không nguy hiểm như khi cai nghiện opioid nhưng cũng khá khó khăn và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Nên cắt giảm lượng cà phê dần dần thay vì ngừng đột ngột và uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên.
Lượng caffeine trong một số loại đồ uống
Dưới đây là lượng caffeine trong một số loại đồ uống phổ biến:
- 240 ml cà phê khử caffeine chứa 3 – 12 mg caffeine
- 240 ml cà phê đen chứa 100 – 200 mg caffeine
- 240 ml trà đen (hồng trà) chứa 25 – 110 mg caffeine
- 240 ml trà xanh chứa 30 – 50 mg caffeine
- 240 ml trà yerba mate (một loại trà thảo mộc) chứa 65 – 130 mg caffeine
- 355 ml nước ngọt có ga chứa 37 – 55 mg caffeine
- 355 ml nước tăng lực chứa 107 – 120 mg caffeine
Mức tiêu thụ caffeine an toàn
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), 400 miligam caffeine mỗi ngày, tương đương với khoảng 4 cốc cà phê là mức tiêu thụ an toàn đối với người trưởng thành khỏe mạnh.
Khi mức tiêu thụ lên đến 1.200 mg thì caffeine có thể gây ra các tác động tiêu cực, chẳng hạn như co giật.
Tuy nhiên, lượng caffeine mà mỗi người có thể tiêu thụ là khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nhạy cảm của cơ thể với tác động của caffeine và tốc độ chuyển hóa.
Ngoài ra, hiệu quả của một số loại thuốc có thể bị ảnh hưởng bởi caffeine nên cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc uống cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine khác.
Tóm tắt bài viết
Caffeine có thể gây ra hoặc làm cho chứng lo âu trở nên nặng hơn. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người thì việc tiêu thụ một lượng caffeine vừa phải sẽ không gây hại gì và thậm chí còn có lợi cho sức khỏe.
Việc ngừng tiêu thụ caffeine một cách đột ngột có thể dẫn đến hội chứng cai nghiện caffeine với các triệu chứng khó chịu và một trong số đó là cảm giác lo âu, bồn chồn.
Nếu như cảm thấy tình trạng lo âu ngày càng trầm trọng khi uống cà phê thì nên cắt giảm bớt hoặc ngừng uống hoàn toàn nhưng hãy giảm một cách từ từ.