Nồng độ folate trong máu thấp có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, bệnh tim mạch, đột quỵ và thậm chí là cả một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều axit folic cũng có thể gây hại.
Điều gì xảy ra khi bổ sung quá nhiều axit folic?
Axit folic là gì?
Axit folic là dạng tổng hợp của vitamin B9 – một loại vitamin B đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành tế bào và DNA. Trong khi dạng tự nhiên của vitamin B9 (folate) có trong nhiều loại thực phẩm tươi như gan, đậu, rau xanh, cam chanh, chuối, quả bơ, bông cải xanh… thì axit folic chỉ có trong thực phẩm chức năng và được thêm vào một số loại thực phẩm chế biến sẵn như ngũ cốc ăn sáng hay nước ép trái cây đóng hộp.
Lượng tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày (RDI) của loại vitamin này là 400 mcg đối với người lớn. Phụ nữ mang thai cần tiêu thụ 600 mcg và phụ nữ đang cho con bú cần 500 mcg. (1)
Nồng độ folate trong máu thấp có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, bệnh tim mạch, đột quỵ và thậm chí là cả một số bệnh ung thư.
Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều axit folic cũng có thể gây hại.
Dưới đây là 4 vấn đề có thể phát sinh khi cơ thể bị thừa axit folic.
Dư thừa axit folic xảy ra như thế nào?
Cơ thể phân hủy, hấp thụ folate và axit folic theo các cách hơi khác nhau.
Ví dụ, gần như toàn bộ lượng folate mà chúng ta tiêu thụ từ thực phẩm sẽ bị phân hủy và chuyển thành dạng hoạt động trong ruột trước khi được hấp thụ vào máu.
Trong khi đó, chỉ có một tỷ lệ nhỏ axit folic trong thực phẩm chức năng hay thực phẩm có bổ sung axit folic được chuyển thành dạng hoạt động trong ruột.
Phần còn lại được chuyển đổi dưới sự trợ giúp của gan và các mô khác. Quá trình này diễn ra chậm chạp và kém hiệu quả.
Do đó, việc uống bổ sung axit folic có thể dẫn đến tình trạng tích tụ axit folic chưa chuyển hóa (unmetabolized folic acid – UMFA) trong máu. Điều này sẽ không xảy ra khi ăn các loại thực phẩm chứa folate.
Nồng độ axit folic chưa chuyển hóa trong máu ở mức cao có thể gây hại đến sức khỏe.
Tóm tắt: Cơ thể phân hủy và hấp thụ folate dễ dàng hơn axit folic. Bổ sung quá nhiều axit folic có thể làm tăng lượng axit folic chưa chuyển hóa trong máu và dẫn đến những tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Các tác hại khi bổ sung quá nhiều axit folic
1. Tình trạng thiếu vitamin B12 không được phát hiện
Bổ sung nhiều axit folic có thể khiến cho các dấu hiệu thiếu vitamin B12 không biểu hiện rõ.
Cơ thể sử dụng vitamin B12 để tạo ra hồng cầu và duy trì hoạt động bình thường của tim mạch, não bộ và hệ thần kinh.
Nếu không được điều trị, tình trạng thiếu vitamin B12 có thể làm suy giảm chức năng não và dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Những tổn thương này thường là không thể phục hồi. Do đó, sự thiếu hụt vitamin B12 cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
Cả folate và vitamin B12 đều được sử dụng cho một số quá trình, chức năng giống nhau trong cơ thể nên sự thiếu hụt một trong hai có thể gây nên các triệu chứng tương tự.
Một số bằng chứng cho thấy việc bổ sung axit folic có thể khiến cho các triệu chứng thiếu máu hồng cầu khổng lồ do thiếu vitamin B12 không biểu hiện rõ và dẫn đến hậu quả là tình trạng này tiếp tục diễn biến nặng mà không được phát hiện.
Do đó, khi gặp các dấu hiệu như suy nhược, mệt mỏi, khó tập trung và khó thở thì nên làm xét nghiệm đo nồng độ vitamin B12.
Tóm tắt: Việc bổ sung nhiều axit folic có thể khiến cho các triệu chứng thiếu hụt vitamin B12 không được phát hiện, dẫn đến tăng nguy cơ tổn thương não và hệ thần kinh.
2. Đẩy nhanh tốc độ suy giảm nhận thức khi có tuổi
Lượng axit folic trong cơ thể quá cao có thể làm tăng tốc độ suy giảm nhận thức do lão hóa, đặc biệt là ở những người có lượng vitamin B12 thấp.
Một nghiên cứu được thực hiện ở những người khỏe mạnh trên 60 tuổi đã chỉ ra mối liên hệ giữa nồng độ folate trong máu cao và tình trạng suy giảm nhận thức ở những người bị thiếu hụt vitamin B12. Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở những người có lượng vitamin B12 ở mức bình thường. (2)
Những người tham gia có nồng độ folate trong máu cao là do dùng viên uống bổ sung axit folic chứ không phải do ăn nhiều thực phẩm giàu folate tự nhiên.
Một nghiên cứu khác cho thấy những người có nồng độ folate trong máu cao nhưng nồng độ vitamin B12 thấp có nguy cơ bị suy giảm chức năng não cao hơn gấp 3,5 lần so với những người có các chỉ số này ở mức bình thường. (3)
Các tác giả nghiên cứu cảnh báo rằng việc bổ sung axit folic có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần ở người lớn tuổi bị thiếu vitamin B12.
Ngoài ra, nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc bổ sung quá nhiều axit folic với sự suy giảm nhận thức. (4)
Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi có thể đưa ra kết luận chính xác.
Tóm tắt: Việc bổ sung nhiều axit folic có thể đẩy nhanh tốc độ suy giảm nhận thức do lão hóa, đặc biệt là ở những người bị thiếu hụt vitamin B12.
3. Làm chậm sự phát triển trí não ở trẻ em
Bổ sung đủ folate trong thai kỳ là điều rất cần thiết cho sự phát triển não bộ của thai nhi và giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Do có rất nhiều phụ nữ không tiêu thụ đủ lượng folate theo khuyến nghị trong chế độ ăn hàng ngày nên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thường được khuyến khích uống bổ sung axit folic.
Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều axit folic lại có thể làm tăng tình trạng kháng insulin và làm chậm sự phát triển trí não ở trẻ.
Trong một nghiên cứu, những đứa trẻ 4 – 5 tuổi có mẹ bổ sung trên 1.000 mcg axit folic mỗi ngày khi mang thai (vượt quá giới hạn cho phép) đã đạt số điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra sự phát triển não bộ so với những trẻ có mẹ chỉ bổ sung 400 – 999 mcg axit folic mỗi ngày. (5)
Một nghiên cứu khác đã cho thấy nồng độ folate trong máu của người mẹ ở mức cao trong thời kỳ mang thai làm tăng nguy cơ kháng insulin ở trẻ em từ 9 – 13 tuổi. (6)
Mặc dù cần nghiên cứu thêm nhưng tốt nhất không nên uống bổ sung axit folic vượt quá liều lượng khuyến cáo hàng ngày (600 mcg) trong thời gian mang thai, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Tóm tắt: Uống bổ sung axit folic là điều cần thiết để tăng lượng folate trong thai kỳ nhưng liều lượng quá cao có thể làm tăng tình trạng kháng insulin và làm chậm sự phát triển não bộ ở trẻ em.
4. Tăng nguy cơ tái phát ung thư
Nghiên cứu cho thấy rằng việc duy trì lượng axit folic trong cơ thể ở mức bình thường có thể bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi ung thư. Tuy nhiên, khi các tế bào ung thư tiếp xúc với loại vitamin này thì chúng có thể phát triển hoặc lan rộng nhanh hơn. (7)
Mặc dù vậy nhưng các kết quả nghiên cứu còn chưa thống nhất. Trong khi một số nghiên cứu ghi nhận sự gia tăng nhẹ nguy cơ ung thư ở những người uống bổ sung axit folic thì hầu hết các nghiên cứu khác lại kết luận là không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc bổ sung axit folic và nguy cơ ung thư.
Có khả năng nguy cơ còn phụ thuộc vào loại ung thư và bệnh sử cá nhân.
Ví dụ, nghiên cứu cho thấy việc bổ sung trên 1.000 mcg axit folic mỗi ngày có thể làm tăng 1,7 – 6,4% nguy cơ tái phát ung thư ở những người trước đây từng mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư đại trực tràng. (8)
Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xác minh điều này.
Cần lưu ý, ăn nhiều thực phẩm giàu folate không làm tăng nguy cơ ung thư và thậm chí còn có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư.
Tóm tắt: Bổ sung quá nhiều axit folic có thể làm tăng khả năng phát triển và lan rộng của tế bào ung thư. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ tái phát bệnh ở những người có tiền sử ung thư.
Liều lượng khuyến nghị và tương tác thuốc
Axit folic là thành phần có trong hầu hết các sản phẩm viên uống vitamin tổng hợp, bao gồm cả vitamin dành cho bà bầu và vitamin B tổng hợp nhưng cũng có những loại thực phẩm chức năng chỉ chứa axit folic. Một số loại thực phẩm cũng được bổ sung thêm loại vitamin này trong quá trình sản xuất.
Viên uống axit folic thường được sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng thiếu hụt folate. Ngoài ra, phụ nữ mang thai hoặc những người đang có dự định mang thai cũng thường cần uống bổ sung axit folic để giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Lượng tiêu thụ khuyến nghị (RDI) của folate là 400 mcg mỗi ngày đối với hầu hết người lớn, 600 mcg mỗi ngày đối với phụ nữ mang thai và 500 mcg mỗi ngày đối với phụ nữ đang cho con bú. Liều lượng viên uống bổ sung thường dao động trong khoảng từ 400 – 800 mcg.
Có thể dễ dàng mua viên uống bổ sung axit folic mà không cần đơn của bác sĩ và các sản phẩm này đều an toàn khi dùng đúng liều lượng.
Tuy nhiên, viên uống axit folic có thể tương tác với một số loại thuốc kê đơn, chẳng hạn như thuốc chống co giật động kinh, thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp và thuốc điều trị nhiễm ký sinh trùng. Vì vậy, nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung axit folic.
Tóm tắt: Viên uống axit folic được sử dụng để giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh cũng như là ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng thiếu hụt folate. Các sản phẩm này đều an toàn khi dùng đúng liều lượng nhưng có thể tương tác với một số loại thuốc kê đơn.
Tóm tắt bài viết
Uống bổ sung axit folic là cách đơn giản, thuận tiện để tăng lượng folate cho cơ thể.
Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng dư thừa axit folic và gây ra một số tác động tiêu cực, ví dụ như chậm phát triển trí não ở trẻ em, không phát hiện được tình trạng thiếu vitamin B12, tăng tốc độ suy giảm nhận thức ở người cao tuổi và tăng nguy cơ tái phát ung thư. Trước khi bắt đầu uống axit folic nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn liều lượng thích hợp.