Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua về dị ứng đậu phộng hay dị ứng hải sản nhưng bạn đã bao giờ nghe nói đến dị ứng sữa chua chưa?
Hiểu về tình trạng dị ứng sữa chua
Sữa chua là một sản phẩm được làm từ sữa lên và trên thực tế, dị ứng sữa là một trong những dạng dị ứng thực phẩm rất phổ biến mà chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Cần phân biệt dị ứng sữa và không dung nạp sữa (không dung nạp lactose). Một số người dù không dung nạp sữa nhưng lại không bị dị ứng khi ăn sữa chua. Mặc dù có các triệu chứng tương tự nhưng đây là hai vấn đề khác nhau. Nếu nhận thấy các hiện tượng bất thường khi ăn sữa chua hoặc các sản phẩm từ sữa khác thì nên đi khám để xác định vấn đề cụ thể.
Dị ứng sữa
Dị ứng là phản ứng của cơ thể với một loại protein nhất định trong thực phẩm mà cơ thể coi là mối đe dọa. Dị ứng sữa chua thực chất là dị ứng sữa.
Dị ứng sữa thường xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ. Ước tính có khoảng 2.5% trẻ dưới 3 tuổi bị dị ứng sữa và hầu hết đều tự khỏi khi lớn lên.
Các triệu chứng của phản ứng dị ứng thường xuất hiện trong vòng hai tiếng sau khi tiêu thụ sữa, gồm có:
- Nổi mẩn đỏ
- Sưng phù
- Ngứa ngáy
- Đau bụng
- Buồn nôn, nôn mửa
Trong một số trường hợp, dị ứng sữa có thể dẫn đến một phản ứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng gọi là sốc phản vệ. Những trường hợp này thường sẽ phải tiêm epinephrine.
Các phương pháp điều trị khi chỉ bị dị ứng sữa nhẹ là thuốc kháng histamine tác dụng ngắn, chẳng hạn như diphenhydramine hoặc thuốc kháng histamine tác dụng dài hơn, ví dụ như:
- cetirizine hydrochloride
- fexofenadine
- loratadine
Những người bị dị ứng sữa sẽ không thể ăn được sữa chua. Ngoài ra cũng phải tránh tất cả các sản phẩm từ sữa khác, chẳng hạn như sữa tươi, phô mai và kem.
Không dung nạp lactose
Một nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng giống như dị ứng khi uống sữa hay ăn sữa chua là do không dung nạp lactose. Tuy nhiên, không dung nạp lactose khác với dị ứng sữa. Dị ứng là một đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các protein có trong sữa. Không dung nạp lactose xảy ra khi ruột non không thể phân hủy lactose (một loại đường có trong sữa) một cách bình thường.
Khi uống sữa hoặc các sản phẩm từ sữa, vi khuẩn trong ruột sẽ lên men đường lactose. Các triệu chứng thường gặp của không dung nạp lactose gồm có:
- Đầy hơi, chướng bụng
- Đau bụng
- Tiêu chảy
Những triệu chứng này có thể xuất hiện trong vòng từ 30 phút đến vài tiếng sau khi tiêu thụ sữa.
Không dung nạp lactose là một vấn đề rất phổ biến, ước tính có khoảng 65% dân số thế giới gặp phải.
Ở những người không dung nạp lactose, cơ thể có thể dung nạp sữa chua tốt hơn so với sữa tươi hoặc kem. Lý do là vì sữa chua có ít đường lactose hơn hầu hết các sản phẩm từ sữa khác. Hơn nữa, cơ thể mỗi người phản ứng với sữa ở một mức độ khác nhau nên có người vẫn tiêu thụ được một lượng sữa nhỏ trong khi người khác lại phải kiêng hoàn toàn các sản phẩm từ sữa.
Sữa chua Hy Lạp chứa ít lactose hơn so với sữa chua thông thường vì một phần whey bị loại bỏ trong quá trình lọc. Sữa chua Hy Lạp là một trong những sản phẩm từ sữa dễ tiêu hóa nhất. Nhưng khi mua nên chọn những loại sữa chua mà thành phần không có “whey protein concentrate”. Đây là thành phần đôi khi được thêm vào để tăng hàm lượng protein nhưng đồng thời cũng sẽ làm tăng lượng lactose.
Trong một số trường hợp, chứng không dung nạp lactose cũng có thể được điều trị bằng cách uống thuốc có chứa enzyme lactase. Ngoài ra có thể chọn các loại sữa không chứa lactose, ví dụ như sữa hạt.
Các nguyên nhân khác
Một số người gặp phải các hiện tượng bất thường sau khi ăn sữa chua và nghĩ rằng đó là do phản ứng dị ứng nhưng trên thực tế là không phải. Hiện tượng chảy nước mắt hoặc nghẹt mũi có thể là phản ứng của cơ thể với histamine trong sữa chua.
Khi cơ thể tạo ra histamine, chất này có thể gây ra các triệu chứng giống như dị ứng. Histamine có mặt trong nhiều loại thực phẩm khác nhau như cá mòi, cá cơm, sữa chua và các loại thực phẩm lên men khác.
Các lựa chọn thay thế
Hiện nay đã có rất nhiều lựa chọn thay thế dành cho những người bị dị ứng sữa hay không dung nạp lactose, ví dụ như sữa hạt, sữa chua thực vật, bơ, phô mai chay,…
Khi nào cần đi khám?
Nếu nghi ngờ có thể mình bị dị ứng sữa thì nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác vấn đề. Có thể bạn bị dị ứng sữa hoặc cũng có thể là không dung nạp lactose. Cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn sau khi đã ngừng tiêu thụ sữa, đặc biệt là khi có các triệu chứng giống như sốc phản vệ, chẳng hạn như khó thở.