Những người bị bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis) sẽ cần bổ sung nhiều vitamin D hơn so với những người không bị bệnh này.
Hướng dẫn bổ sung vitamin D cho người bị bệnh đa xơ cứng
Vitamin D là một loại vitamin quan trọng đối với cơ thể và có các vai trò như:
- Duy trì cấu trúc xương và răng chắc khỏe
- Hỗ trợ điều chỉnh tâm trạng
- Hỗ trợ giảm cân
Ngoài ra, vitamin này còn có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis) hoặc thậm chí làm giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng càng ở gần xích đạo thì nguy cơ mắc đa xơ cứng càng thấp và tuổi khởi phát bệnh càng cao. (1)
Mặt khác, người dân ở các nước cách xa xích đạo dễ bị thiếu hụt vitamin D hơn do ít ánh nắng và nguy cơ đa xơ cứng cũng cao hơn.
Vai trò của vitamin D đối với bệnh đa xơ cứng
Vitamin D là một loại vitamin cần thiết cho tất cả mọi người. Những người bị bệnh đa xơ cứng càng phải chú ý hơn đến nồng độ vitamin D trong máu và bổ sung nếu bị thiếu hụt.
Tiến sĩ Brian Steingo – một chuyên gia nghiên cứu về Thần kinh học của nhóm nghiên cứu Sunrise Medical Group – cho biết thiếu hụt vitamin D sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng (điều này xảy ra ở cả những trẻ sơ sinh có mẹ bị thiếu hụt vitamin D trong thời gian mang bầu) và ở những người đã bị đa xơ cứng thì sự thiếu hụt vitamin D có thể làm cho các triệu chứng thêm trầm trọng hơn. (2)
Theo Hiệp hội Đa xơ cứng Quốc gia Hoa Kỳ (National Multiple Sclerosis Society), một số nghiên cứu đã phát hiện rằng nồng độ vitamin D thấp làm tăng tần suất các đợt bùng phát triệu chứng đa xơ cứng, tăng nguy cơ hình thành các vùng tổn thương mới ở não hoặc tủy sống. (3)
Các nhà nghiên cứu và bác sĩ còn nhận thấy rằng nồng độ vitamin D trong máu thấp làm gia tăng mức độ giới hạn vận động ở người bị đa xơ cứng.
Theo tiến sĩ Michael Sy – nhà thần kinh học tại UC Irvine Health: “Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân đa xơ cứng bị thiếu hụt vitamin D có nguy cơ tái phát và bệnh tiến triển nặng cao hơn.” (4)
Bệnh đa xơ cứng còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và việc bổ sung vitamin D có thể giúp tăng cường sức khỏe của xương, làm giảm các yếu tố nguy cơ liên quan đến căn bẹnh này.
Tóm tắt: Sự thiếu hụt vitamin D còn có thể khiến cho các triệu chứng của bệnh đa xơ cứng trở nên nghiêm trọng hơn, làm tăng tần suất các đợt bùng phát triệu chứng, khiến bệnh tiến triển nhanh hơn và dẫn đến hình thành các tổn thương mới ở não hoặc tủy sống
Mức vitamin D tối ưu đối với người bị đa xơ cứng
Vì các nghiên cứu về mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh đa xơ cứng còn tương đối mới và số lượng còn hạn chế nên chưa có câu trả lời chính xác về mức vitamin D tối ưu. Mặc dù vậy nhưng theo nhiều chuyên gia thì những người bị đa xơ cứng sẽ cần nhiều vitamin D hơn so với những người không bị đa xơ cứng.
Người bị bệnh này sẽ rất khó bổ sung đủ lượng vitamin D cần thiết từ ánh nắng mặt trời và chế độ ăn uống mà thường phải dùng thêm các sản phẩm bổ sung để đạt được mức nồng độ vitamin D khuyến nghị.
Một điều rất quan trọng là trước tiên phải làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ vitamin D trong máu.
Tiến sĩ Steingo cho biết ở người khỏe mạnh, nồng độ vitamin D bình thường dao động trong khoảng từ 30 đến 100 nanogram trên mililit (ng/mL). Đối với những người bị đa xơ cứng thì cần phải cố gắng đạt đến mức 70 – 80 ng/mL. (5)
Theo tiến sĩ Rob Raponi – một chuyên gia trong lĩnh vực điều trị bệnh bằng các phương pháp tự nhiên, phần lớn mọi người rất khó duy trì đủ vitamin D quanh năm nếu không dùng sản phẩm bổ sung.
Ông cho biết thêm: “Mức vitamin D tối ưu đối với người bị đa xơ cứng không được dưới 90 ng/mL và nếu có thể thì nên có gắng đạt đến mức 125 ng/mL.”
Tóm tắt: Hiện tại vẫn chưa có đủ nghiên cứu để xác định chính xác mức vitamin D tối ưu đối với người bị đa xơ cứng. Tuy nhiên, các chuyên gia thống nhất rằng người bị bệnh này cần nhiều vitamin D hơn so với người khỏe mạnh.
Tầm quan trọng của xét nghiệm đo nồng độ vitamin D
Trước khi bổ sung vitamin D thì nên làm xét nghiệm máu để đo nồng độ vitamin D. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn liều lượng bổ sung thích hợp.
Tiến sĩ David Mattson – một nhà thần kinh học tại Đại học Y Indiana – nói rằng nếu một người có mức vitamin D thấp tại thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng thì tình trạng bệnh thường sẽ nặng hơn.
“Vì thế, các bác sĩ cần cho bệnh nhân làm xét nghiệm máu đo nồng độ vitamin D sau khi chẩn đoán bệnh và chỉ định bổ sung nếu bị thiếu hụt.” ông chia sẻ.
Lượng vitamin D cần bổ sung sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như:
- Chế độ ăn uống
- Nồng độ vitamin D máu hiện tại
- Có đang dùng các loại thuốc hay thực phẩm chức năng khác chứa vitamin D hay không
Vì vitamin D tan trong chất béo nên việc dùng liều cao trong thời gian dài có thể gây tích tụ độc tố.
Tiến sĩ Mattson khuyến nghị nên xét nghiệm kiểm tra nồng độ vitamin D trong máu trước khi uống bổ sung và xét nghiệm lại một lần nữa sau 3 tháng.
Khi nồng độ vitamin D tăng đến mức khuyến nghị thì cần giảm liều để duy trì và tránh xảy ra tình trạng dư thừa vitamin D.
Các nguồn bổ sung vitamin D
Lượng vitamin D cần bổ sung đối với người từ 1 – 70 tuổi là 600 IU mỗi ngày và đối với người trên 70 tuổi là 800 IU mỗi ngày.
Theo tiến sĩ Mattson, người bị đa xơ cứng sẽ cần 1.000 đến 2.000 IU vitamin D/ngày, ngay cả khi nồng độ vitamin ở mức bình thường, để giảm thiểu các triệu chứng bệnh và ngăn bệnh tiến triển nặng.
“Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy bị thiếu hụt vitamin D thì nên bổ sung 2.000 IU mỗi ngày. Một số bác sĩ còn chỉ định bệnh nhân bổ sung 50.000 IU mỗi tuần cho đến khi lượng vitamin D trong cơ thể trở về mức bình thường, sau đó có thể giảm liều để duy trì.” – ông cho biết.
Một số loại thực phẩm giàu vitamin D gồm có:
- Cá béo (cá hồi, cá trích, cá mòi,…)
- Gan
- Dầu gan cá tuyết
- Nấm
- Lòng đỏ trứng
Một cách nữa để bổ sung vitamin D cho cơ thể là tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nhưng ở những người bị đa xơ cứng thì chế độ ăn uống hàng ngày hay ánh nắng thường không đáp ứng đủ nhu cầu vitamin D nên việc dùng sản phẩm bổ sung là điều cần thiết.
Tiến sĩ Rob Raponi cho biết: “Nên chọn các sản phẩm vitamin D3 vì hiệu quả làm tăng lượng vitamin D trong cơ thể sẽ cao hơn so với vitamin D2.”