Nếu không được khắc phục, sự thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh hoặc thiếu máu ác tính – tình trạng xảy ra khi cơ thể không có đủ vitamin B12 để sản xuất hồng cầu. Tiêm vitamin B12 là một cách phổ biến để ngăn ngừa hoặc điều trị sự thiếu hụt.
Khi nào cần tiêm vitamin B12?
Cung cấp đủ vitamin cho cơ thể là điều rất cần thiết.
Và khi chế độ ăn uống hàng ngày bị thiếu hụt thì sẽ phải dùng đến các sản phẩm bổ sung.
Ngoài dạng viên uống giống như các chất dinh dưỡng khác, nhiều vitamin nhóm B, bao gồm cả vitamin B12, có cả dạng tiêm.
Tiêm vitamin B12 được cho là có tác dụng cải thiện mức năng lượng, chức năng não bộ và giảm cân.
Vậy liệu rằng tiêm vitamin B12 có thật sự mang lại những lợi ích này hay không? Những ai cần tiêm? Có những rủi ro như thế nào?
Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Vitamin B12 là gì?
Vitamin B12 là một loại vitamin tan trong nước, còn được gọi là cobalamin.
Vitamin này đóng vai trò quan trọng đối với chức năng não bộ, sự sản xuất DNA và hồng cầu.
Về mặt hóa học, vitamin B12 có thể tồn tại ở một số dạng khác nhau nhưng tất cả đều chứa coban khoáng (mineral cobalt).
Vitamin B12 có thể được dự trữ trong gan trong một thời gian dài nên thông thường phải sau một vài năm thì tình trạng thiếu hụt mới xảy ra.
Tóm tắt: Vitamin B12 là một loại vitamin tan trong nước, đóng vai trò quan trọng đối với chức năng não và sự sản xuất hồng cầu.
Những người có nguy cơ thiếu vitamin B12
Khuyến nghị về lượng vitamin B12 mà mỗi người nên tiêu thụ hàng ngày (RDI) là 6 microgam.
Tình trạng thiếu vitamin B12 xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là ở những người theo chế độ ăn chay.
Trên thực tế, ước tính có tới 90% những người theo chế độ ăn này bị thiếu vitamin B12. (1)
Lý do là bởi vitamin B12 chỉ tồn tại tự nhiên trong thực phẩm nguồn gốc động vật.
Tuy nhiên, những người ăn chay không phải là nhóm đối tượng duy nhất bị thiếu vitamin B12. Cho dù chế độ ăn hàng ngày có đủ vitamin B12 nhưng cơ thể không thể hấp thụ tốt thì cũng vẫn sẽ bị thiếu hụt.
Không giống như các loại vitamin khác, khả năng hấp thụ vitamin B12 phụ thuộc vào một loại protein được sản xuất trong dạ dày, được gọi là yếu tố nội tại (IF).
Yếu tố nội tại liên kết với vitamin B12 để chất dinh dưỡng này có thể hấp thụ vào máu. Do đó, khi cơ thể không sản xuất đủ yếu tố nội tại thì sẽ dễ bị thiếu vitamin B12.
Nguy cơ thiếu hụt đặc biệt cao ở người cao tuổi vì khả năng hấp thụ vitamin B12 sẽ giảm dần theo thời gian.
Ngoài ra còn có những yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ thiếu vitamin B12, ví dụ như từng phẫu thuật đường ruột, bao gồm cả phẫu thuật giảm cân và mắc các bệnh tiêu hóa (chẳng hạn như bệnh Crohn hay bệnh celiac).
Tóm tắt: Những người có nguy cơ thiếu vitamin B12 cao nhất là những người ăn chay do chế độ ăn không có các nhóm thực phẩm chứa vitamin này. Tình trạng thiếu hụt cũng có thể xảy ra ở người cao tuổi, người đang mắc các bệnh tiêu hóa hay từng phẫu thuật giảm cân do khả năng hấp thụ vitamin B12 của cơ thể bị suy giảm.
Hiệu quả của phương pháp tiêm vitamin B12
Nếu không được khắc phục, sự thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh hoặc thiếu máu ác tính – tình trạng xảy ra khi cơ thể không có đủ vitamin B12 để sản xuất hồng cầu.
Tiêm vitamin B12 là một cách phổ biến để ngăn ngừa hoặc điều trị sự thiếu hụt. Người bị thiếu vitamin B12 thường được tiêm hydroxocobalamin hoặc cyanocobalamin và có thể tiêm bắp hoặc tiêm thịt. Những chất này giúp làm tăng nồng độ vitamin B12 trong máu và ngăn ngừa/đảo ngược tình trạng thiếu hụt rất hiệu quả.
Tóm tắt: Tiêm là giải pháp rất hiệu quả để tăng nồng độ vitamin B12 trong máu cho những người bị thiếu hụt.
Thiếu vitamin B12 gây hại như thế nào đến cơ thể?
Do vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong cơ thể nên tình trạng thiếu hụt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Trên thực tế, nồng độ vitamin B12 trong máu ở mức thấp có thể dẫn đến một số vấn đề dưới đây.
Giảm chức năng não bộ
Mức vitamin B12 thấp có thể làm suy giảm chức năng não bộ.
Hai bản đánh giá gần đây cho thấy có mối liên hệ giữa nồng độ vitamin B12 trong máu thấp và chứng sa sút trí tuệ. (2)
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu còn chưa thống nhất và việc bổ sung vitamin B12 không giúp cải thiện chức năng não bộ ở những người có chức năng não bình thường.
Trầm cảm
Thiếu vitamin B12 được cho là có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Tuy nhiên, một bản đánh giá cho thấy bổ sung vitamin B12 không làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm.
Mặc dù vậy nhưng có nghiên cứu lại chỉ ra rằng bổ sung vitamin này lâu dài có thể giúp ngăn ngừa tái phát trầm cảm. (3)
Hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chất lượng cao về chủ đề này. Cần nghiên cứu thêm để xác định mối liên hệ giữa vitamin B12 và chứng trầm cảm.
Loãng xương
Loãng xương là tình trạng giảm khối lượng xương, dẫn đến xương yếu, giòn và tăng nguy cơ gãy xương.
Nồng độ vitamin B12 trong máu thấp có thể làm giảm khối lượng xương. (4)
Do đó, có ý kiến cho rằng bổ sung vitamin B12 có thể làm giảm nguy cơ loãng xương. Tuy nhiên, các nghiên cứu về chủ đề này cho ra nhiều kết quả khác nhau.
Thoái hóa điểm vàng do lão hóa
Thoái hóa điểm vàng do lão hóa là tình trạng mất dần thị lực trung tâm, thường xảy ra ở cả hai mắt.
Ở những người từ 50 tuổi trở lên, tiêu thụ đủ vitamin B12 là điều rất quan trọng để duy trì thị lực tốt và ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng.
Trong một nghiên cứu lớn, 5.200 phụ nữ được cho uống 1.000 mcg vitamin B12 mỗi ngày cùng với axit folic (vitamin B9) và các loại vitamin B khác. (5)
7 năm sau, kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ thoái hóa điểm vàng do lão hóa giảm hơn 35% ở những phụ nữ bổ sung vitamin B12.
Mặc dù nếu chỉ bổ sung vitamin B12 thì chưa chắc sẽ có được hiệu quả cao như vậy nhưng qua nghiên cứu này có thể thấy rằng việc bổ sung đủ vitamin B12 là điều rất quan trọng.
Gần đây, việc tiêm truyền vitamin B12 đã trở nên phổ biến ở cả những người khỏe mạnh không bị thiếu hụt vì nhiều người cho rằng phương pháp này giúp tăng mức năng lượng, hỗ trợ giảm cân và cải thiện tâm trạng.
Tuy nhiên, mới chỉ có rất ít bằng chứng chứng minh cho những lợi ích này.
Tóm tắt: Cung cấp đủ vitamin B12 cho cơ thể là điều rất cần thiết đối với chức năng não bộ, sức khỏe tâm thần, cấu trúc xương và thị lực. Tuy nhiên, việc tiêm vitamin B12 có thể sẽ không đem lại lợi ích gì cho những người không bị thiếu hụt.
Rủi ro và tác dụng phụ khi tiêm vitamin B12
Tiêm vitamin B12 rất an toàn và không có tác dụng phụ nào nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, người được tiêm gặp phải tác dụng phụ do phản ứng dị ứng hoặc nhạy cảm. Nếu nhận thấy bất kỳ hiện tượng bất thường nào sau tiêm thì cần đến bệnh viện ngay.
Tóm tắt: Tiêm vitamin B12 rất an toàn nhưng đôi khi có thể xảy ra phản ứng dị ứng.
Các cách khác để bổ sung vitamin B12
Vitamin B12 có tự nhiên trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và một số sản phẩm cũng được bổ sung thêm vitamin này trong quá trình sản xuất, ví dụ như ngũ cốc ăn sáng hay các loại sữa hạt.
Một số loại thực phẩm đặc biệt giàu vitamin B12 gồm có:
- Gan: 75 gram cung cấp 881% RDI (lượng tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày)
- Cật: 75 gram cung cấp 311% RDI
- Cá hồi tươi: 75 gram cung cấp 61% RDI
- Thịt bò: 75 gram cung cấp 40% RDI
- Trứng: 2 quả trứng cỡ lớn cung cấp 25% RDI
- Sữa: 1 cốc (250 ml) cung cấp 20% RDI
- Thịt gà: 75 gram cung cấp 3% RDI
Đối với một số người, việc đáp ứng đủ nhu cầu vitamin B12 hàng ngày là điều không đơn giản, đặc biệt là những người theo chế độ ăn chay.
Trong những trường hợp này thì có thể sẽ cần bổ sung vitamin B12 qua đường uống hoặc tiêm.
Nhiều bằng chứng cho thấy ở hầu hết mọi người thì việc dùng viên uống vitamin B12 cũng mang lại hiệu quả làm tăng nồng độ vitamin trong máu tương đương với phương pháp tiêm.
Những người ăn chay được khuyến khích bổ sung ít nhất 10 mcg vitamin B12 mỗi ngày hoặc tiêm ít nhất một lần mỗi tuần, mỗi lần 2.000 mcg.
Tóm tắt: Có nhiều loại thực phẩm nguồn gốc động vật chứa nhiều vitamin B12. Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ vitamin B12 thì có thể bổ sung qua đường uống hoặc tiêm. Hiệu quả của hai cách này là tương đương nhau.
Vậy có nên tiêm vitamin B12 không?
Nếu có một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều loại thực phẩm giàu vitamin B12 thì không cần thiết phải bổ sung thêm.
Đa số mọi người đều được cung cấp đủ vitamin B12 từ thực phẩm. Tuy nhiên, những người có nguy cơ thiếu hụt sẽ cần phải bổ sung.
Có thể lựa chọn dùng viên uống hoặc tiêm vitamin B12 đều được vì hai cách này cho hiệu quả ngang nhau.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia dinh dưỡng thì chỉ nên tiêm khi đã dùng viên uống bổ sung mà không hiệu quả hoặc có các triệu chứng thiếu hụt nghiêm trọng.