Xét nghiệm canxi máu là xét nghiệm đo tổng lượng canxi trong máu. Xét nghiệm này là một phần của xét nghiệm máu định kỳ nhưng cũng có thể được thực hiện khi có triệu chứng của tăng canxi máu, hạ canxi máu hoặc một số vấn đề sức khỏe khác.
Khi nào cần xét nghiệm canxi máu?
Xét nghiệm canxi máu là gì?
Xét nghiệm canxi máu được thực hiện để đo tổng lượng canxi trong máu. Canxi là một trong những khoáng chất quan trọng nhất trong cơ thể. Phần lớn canxi trong cơ thể được dự trữ trong xương.
Cơ thể cần canxi để duy trì xương và răng chắc khỏe. Khoáng chất này còn cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh, tim mạch và các cơ. Vì canxi có vai trò rất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể nên cần phải duy trì nồng độ canxi trong phạm vi bình thường.
Một xét nghiệm máu khác để đo nồng độ canxi là xét nghiệm canxi ion hóa. Xét nghiệm này đo nồng độ canxi “tự do” trong máu. Canxi tự do là dạng canxi không liên kết với protein và anion trong cơ thể.
Ngoài xét nghiệm máu, đôi khi sẽ cần tiến hành cả xét nghiệm canxi trong nước tiểu.
Khi nào cần xét nghiệm canxi trong máu?
Xét nghiệm tổng lượng canxi trong máu thường là một phần của xét nghiệm máu thường quy.
Bác sĩ cũng sẽ chỉ định xét nghiệm này khi có các dấu hiệu của nồng độ canxi cao hoặc thấp.
Xét nghiệm canxi máu cũng được thực hiện khi có triệu chứng của các vấn đề sức khỏe như bệnh thận, bệnh tuyến cận giáp, ung thư hoặc thiếu hụt dinh dưỡng.
Chuẩn bị trước xét nghiệm
Người bệnh cần nhịn ăn và ngừng dùng một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nhất định trước khi xét nghiệm. Những loại thuốc này gồm có:
- Lithium
- Thuốc lợi tiểu thiazid
- Thuốc kháng axit có chứa canxi
- Viên uống bổ sung vitamin D
- Viên uống bổ sung canxi
Thông báo cho nhân viên y tế biết về các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng để được hướng dẫn trước khi làm xét nghiệm.
Ngoài ra, việc ăn uống quá nhiều thực phẩm hoặc đồ uống có chứa canxi có thể làm tăng nồng độ canxi trong máu và ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Xét nghiệm canxi máu được thực hiện như thế nào?
Để thực hiện xét nghiệm định lượng canxi máu, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch ở cánh tay. Sau khi sát khuẩn vị trí lấy máu, kim tiêm được đưa vào tĩnh mạch và rút một lượng máu nhỏ. Mẫu máu được bơm vào ống nghiệm chứa chất chống đông và đem đến phòng xét nghiệm để phân tích. Quá trình lấy máu chỉ mất khoảng vài phút và hoàn toàn không đau đớn mà chỉ hơi nhói một chút khi kim tiêm đâm qua da.
Rủi ro của xét nghiệm canxi máu
Quy trình lấy máu để làm xét nghiệm rất an toàn và hầu như không có rủi ro. Vị trí kim tiêm đâm vào da có thể bị đau và tím nhẹ nhưng sẽ tự hết nhanh chóng. Mặc dù có thể xảy ra một số vấn đề không mong muốn như nhiễm trùng, chảy nhiều máu hay bầm tím nặng nhưng đều vô cùng hiếm gặp.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm
Kết quả bình thường
Nồng độ canxi trong máu bình thường ở người lớn là từ 8,6 đến 10,2 miligam trên decilit (mg/dL).
Nồng độ canxi cao
Nồng độ canxi trong máu trên 10,2 mg/dL được coi là cao. Tình trạng này được gọi là tăng canxi máu.
Các triệu chứng thường gặp của tăng canxi máu gồm có:
- Mệt mỏi, suy nhược
- Buồn nôn, nôn mửa
- Chán ăn
- Đau bụng
- Đi tiểu nhiều
- Táo bón
- Thường xuyên cảm thấy khát
- Đau nhức xương
Các nguyên nhân có thể khiến nồng độ canxi trong máu tăng cao hơn bình thường:
- Cường tuyến cận giáp nguyên phát (tuyến cận giáp hoạt động quá mức) hoặc một số loại ung thư (đây là 2 nguyên nhân chiếm 80 đến 90% số trường hợp tăng canxi máu)
- Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
- Suy thận hoặc suy tuyến thượng thận
- Bệnh u hạt – tình trạng viêm xảy ra ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, dẫn đến hình thành các khối u nhỏ
- Nằm một chỗ trong thời gian dài
- Dùng các loại thuốc như lithium và thuốc lợi tiểu thiazid
- Bổ sung quá nhiều canxi hoặc vitamin D
Trong những trường hợp bị tăng canxi máu, bác sĩ sẽ xác định và điều trị nguyên nhân gốc rễ làm tăng nồng độ canxi.
Nồng độ canxi thấp
Nồng độ canxi trong máu dưới 8.6 mg/dL được coi là thấp. Tình trạng này được gọi là hạ canxi máu.
Thông thường, hạ canxi máu xảy ra khi mất quá nhiều canxi qua nước tiểu hoặc khi xương không giải phóng đủ canxi vào máu.
Các dấu hiệu cho thấy nồng độ canxi trong máu đang ở mức thấp gồm có:
- Chuột rút cơ
- Co thắt cơ ở bụng
- Châm chích ở ngón tay
- Rối loạn nhịp tim
Một số nguyên nhân gây hạ canxi máu:
- Suy tuyến cận giáp (tuyến cận giáp hoạt động kém)
- Suy thận
- Viêm tụy
- Hấp thụ canxi kém
- Dùng một số loại thuốc, gồm có corticoid, thuốc chống động kinh co giật và rifampin (một loại thuốc kháng sinh)
- Chế độ ăn không có đủ canxi hoặc vitamin D
- Nồng độ albumin trong máu thấp, có thể do thiếu hụt dinh dưỡng hoặc bệnh gan
Có thể điều trị tình trạng hạ canxi máu bằng cách uống bổ sung canxi và đôi khi cần bổ sung cả vitamin D. Nếu nguyên nhân gây hạ canxi máu là do một bệnh lý tiềm ẩn thì cần phải xác định và điều trị bệnh lý đó.
Tóm tắt bài viết
Xét nghiệm canxi máu là xét nghiệm đo tổng lượng canxi trong máu.
Xét nghiệm này là một phần của xét nghiệm máu định kỳ nhưng cũng có thể được thực hiện khi có triệu chứng của tăng canxi máu, hạ canxi máu hoặc một số vấn đề sức khỏe khác.
Có nhiều nguyên nhân khiến nồng độ canxi trong máu cao hoặc thấp hơn bình thường và trong đó có những nguyên nhân có thể điều trị được dễ dàng nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên cũng có những trường hợp cần đến các phương pháp điều trị phức tạp để giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến cho nồng độ canxi thay đổi bất thường. Khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ giải thích cụ thể và hướng dẫn các bước tiếp theo.