Các nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D và mức insulin.
Mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh tiểu đường tuýp 2
Một nghiên cứu gần đây được đăng trong Tạp chí European Journal of Endocrinology đã cho thấy rằng bổ sung vitamin D3 một cách đều đặn có thể cải thiện độ nhạy insulin ở những người mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh này. (1)
Đây là một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, so sánh với giả dược, được thực hiện ở 96 bệnh nhân. Trong đó những người tham gia được cho uống bổ sung 5.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày trong vòng 6 tháng.
Kết quả cho thấy, ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường hoặc mới được chẩn đoán bị tiểu đường tuýp 2, việc bổ sung vitamin D trong 6 tháng giúp làm tăng đáng kể độ nhạy insulin và chức năng tế bào ß (beta) ngoại vi, có nghĩa là vitamin D có thể làm chậm sự suy giảm trao đổi chất ở nhóm đối tượng này.
Tuy nhiên, nghiên cứu trước đây lại không tìm thấy bất cứ lợi ích nào của việc bổ sung vitamin D đối với độ nhạy insulin. (2)
Một nghiên cứu lớn đã được thực hiện nhằm đánh giá tác động của vitamin D đến độ nhạy và sự sản sinh insulin, trong đó những người tham gia được cho uống bổ sung 4.000 IU vitamin D trong gần 3 năm. Kết quả không mấy ấn tượng với sự chênh lệch chỉ ở mức 2% giữa nhóm bị tiểu đường tuýp 2 và nhóm không mắc bệnh. (3)
Thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi nói trên cho ra kết quả tích cực có thể là do tiêu chuẩn không chặt chẽ hoặc do liều lượng được tăng lên 5.000 IU mỗi ngày.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trong thử nghiệm này cho rằng các nghiên cứu trước đây không chứng minh được lợi ích của việc bổ sung vitamin D là do sự khác biệt về các yếu tố như chủng tộc, khả năng dung nạp glucose, liều lượng và thời gian bổ sung vitamin D trong quá trình nghiên cứu.
Mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh tiểu đường
Nồng độ vitamin D thấp là một vấn đề phổ biến ở cả những người bị bệnh tiểu đường và người khỏe mạnh trên toàn thế giới. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mức vitamin D thấp ở những người bị kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. (4)
Theo Jennifer Smith – một chuyên gia nghiên cứu về bệnh tiểu đường: “Nghiên cứu mới đây nhất đã cho thấy rằng khi được bổ sung vitamin D trước khi chẩn đoán hoặc ngay sau chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, cơ thể sẽ vẫn giữ được khả năng đáp ứng tốt ở cấp độ tế bào với insulin và điều này giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Bà Smith cũng cho biết thêm: “Việc bổ sung vitamin D còn giúp giữ cho các tế bào beta trong tuyến tụy (các tế bào tạo ra insulin) khỏe mạnh và hoạt động bình thường.”
Theo một nghiên cứu vào năm 2016 được công bố trên tạp chí Diabetes Care, tế bào beta đóng vai trò trung tâm trong quá trình sản xuất insulin. Rối loạn chức năng tế bào beta là nguyên nhân chính dẫn đến của bệnh tiểu đường tuýp 2 ở khoảng 60% ca bệnh được chẩn đoán. (5)
Trong 40% số trường hợp còn lại thì vấn đề có thể được khắc phục bằng những thay đổi lớn trong chế độ dinh dưỡng, tập thể dục và khối lượng cơ thể.
“Thông thường khi bệnh tiểu đường tuýp 2 tiến triển, bệnh nhân sẽ cần bắt đầu sử dụng insulin do số lượng tế bào beta giảm dần. Điều này có nghĩa là các loại thuốc uống kích thích cơ thể sản xuất insulin sẽ không còn hiệu quả nữa và lúc này sẽ cần phải chuyển sang tiêm insulin.”
Mặc dù theo nghiên cứu nói trên thì vitamin D có thể cải thiện đáng kể độ nhạy và mức độ sản sinh insulin nhưng vitamin này lại không ảnh hưởng nhiều đến mức đường huyết lúc đói và nồng độ HbA1c.
Vitamin D tác động thế nào đến nồng độ insulin?
Bà Smith cho biết vitamin D có thể tác động tích cực đến khả năng tiết insulin của cơ thể và điều này cũng đã được chỉ ra trong một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. (6)
Vitamin D đi vào tế bào beta và tương tác với một số loại thụ thể, chúng liên kết với nhau và về cơ bản sẽ kích hoạt gen insulin, từ đó làm tăng sự tổng hợp insulin.
Ở những người bị bệnh tiểu đường, cơ thể thường sẽ tiêu diệt dần các tế bào beta và việc bỏ sung vitamin D có thể giúp các tế bào này tồn tại bằng cách can thiệp vào hoạt động của cytokine – một loại protein được sản xuất bởi hệ miễn dịch.
Vitamin D cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh khả năng sử dụng canxi của cơ thể. Và canxi là một khoáng chất cần thiết cho sự sản sinh insulin. Thiếu hụt vitamin D sẽ làm suy giảm khả năng kiểm soát nồng độ canxi của cơ thể và điều này sẽ làm giảm khả năng sản xuất insulin.
Vitamin D cải thiện độ nhạy insulin bằng cách nào?
Vitamin D kích thích các thụ thể ảnh hưởng đến độ nhạy insulin. Thông qua một quá trình sinh lý phức tạp, sự tương tác và liên kết với các thụ thể này sẽ làm tăng số lượng thụ thể insulin có trong cơ thể.
Vitamin D còn giúp cải thiện độ nhạy insulin bằng cách kích hoạt các thụ thể khác giúp điều chỉnh sự chuyển hóa axit béo trong cơ và mỡ trong cơ thể.
Giống như tác động của vitamin D đến sự sản xuất canxi và insulin, sự hiện diện của canxi cũng rất cần thiết cho phản ứng của cả cơ và chất béo đối với insulin, điều này cho phép cơ thể hấp thu insulin và glucose. Nếu không có canxi, quá trình này sẽ không thể xảy ra. Và khi không có vitamin D thì cơ thể sẽ không thể hấp thụ canxi.
Người bị tiểu đường có cần bổ sung vitamin D không?
Mặc dù kết quả nghiên cứu rất tích cực nhưng, một số chuyên gia về bệnh tiểu đường vẫn nghi ngờ về tác dụng cải thiện độ nhạy insulin và kích thích sản xuất insulin của vitamin D.
Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra rủi ro của việc bổ sung quá nhiều vitamin D.
Theo bà Smith, mặc dù vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi nhưng quá nhiều canxi cũng không tốt.
Bà Smith cho biết: “Cả những người mắc và không mắc bẹnh tiểu đường đều nên thận trọng khi bổ sung vitamin D. Liều lượng khuyến nghị là 400 IU mỗi ngày nhưng đối với những người mắc bệnh tiểu đường thì liều lượng an toàn để duy trì mức vitamin D tối ưu là 1.000 đến 2.000 IU mỗi ngày.”
Đối với những trường hợp mà kết quả xét nghiệm máu cho thấy bị thiếu vitamin D thì có thể dùng liều cao hơn – 4.000 IU mỗi ngày hoặc 50.000 IU mỗi tuần nhưng chỉ nên bổ sung trong thời gian ngắn để cải thiện mức vitamin D.
Lý do là bởi uống vitamin D liều cao trong thời gian dài có thể dẫn đến một số tác dụng phụ đáng lo ngại, đặc biệt là ở những người có nồng độ canxi trong máu cao.
Nồng độ canxi trong máu quá cao, được gọi là “tăng canxi huyết” có thể làm yếu xương, gây hình thành sỏi thận và cản trở các chức năng cơ bản của tim cũng như là não bộ.
Tình trạng dư thừa vitamin D và canxi còn có thể khiến cho các vấn đề sức khỏe khác trở nên trầm trọng hơn, trong đó có bệnh thận – một bệnh thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Đối với những người đang có một số vấn đề sức khỏe nhất định, ví dụ như nhiễm nấm Histoplasma, suy tuyến cận giáp, ung thư hạch, bệnh thận, u hạt, bệnh lao,… thì việc bổ sung vitamin D liều cao cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Vitamin này còn có thể tương tác với một số loại thuốc nên nếu đang dùng thuốc thì cần làm xét nghiệm máu và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin D. Không nên tự ý mua và uống vitamin D. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn có cần bổ sung vitamin D hay không và nếu có thì liều lượng bao nhiêu là hợp lý.