Metformin có thể gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin B12 – một loại vitamin đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và chức năng của não bộ nói riêng và hệ thần kinh nói chung.
Những người uống thuốc Metformin có thể cần bổ sung vitamin B12
Các nhà nghiên cứu cho biết metformin có thể làm giảm nồng độ vitamin B12 ở một số người mắc bệnh tiểu đường.
Những người bị tiểu đường và uống thuốc metformin được khuyến nghị xét nghiệm đo mức vitamin B12.
Metformin là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 nhưng có thể gây ra tổn thương thần kinh không thể hồi phục ở nhiều người.
Metformin, hay còn được gọi là Glucophage, là loại thuốc được kê cho hơn 120 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới. Thuốc này có cơ chế hoạt động là làm giảm lượng glucose được sản xuất bởi gan và đồng thời tăng độ nhạy insulin.
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi hai bệnh viện ở Vương quốc Anh đã xác nhận một vấn đề mà y tế thế giới đã lo ngại trong suốt nhiều năm. (1)
Metformin gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin B12 ở các mức độ khác nhau ở khoảng 10% trường hợp sử dụng loại thuốc này.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Tiến sĩ Kaenat Mulla và các đồng nghiệp tại Trung tâm Y tế Hucknall Road (Hucknall Road Medical Centre) ở Nottingham.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành làm xét nghiệm đo nồng độ vitamin B12 trong máu để đánh giá tình trạng thiếu ở những bệnh nhân nữ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đang điều trị bằng metformin.
Theo thông cáo báo chí từ nghiên cứu, 64% bệnh nhân chưa từng làm xét nghiệm đo nồng độ vitamin B12 trước đây và 9,6% bị thiếu hụt nhưng chỉ có 6,4% uống bổ sung vitamin B12 để khắc phục.
Tại sao vitamin B12 lại quan trọng?
Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và chức năng của não bộ nói riêng và hệ thần kinh nói chung.
Khi bị thiếu hụt vitamin B12 thì ngay cả những người kiểm soát tốt mức đường huyết cũng vẫn có thể bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng và vĩnh viễn.
Lý do là bởi vitamin B12 cần thiết cho sự hình thành và duy trì vỏ myelin – lớp mô mỡ bảo vệ hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên.
Trong thông cáo báo chí, các nhà nghiên cứu giải thích: “Tổn thương dây thần kinh ngoại biên (ví dụ như dây thần kinh ở mặt, tay chân, các cơ quan…) là một biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường, với nhiều triệu chứng khác nhau, từ tê bì, mất cảm giác cho đến đau đớn và có thể dẫn đến mất thăng bằng hay mất điều hòa vận động.”
Bệnh thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân tiểu đường
Bệnh thần kinh ngoại biên thường được cho là do việc kiểm soát mức đường huyết kém ở bệnh nhân tiểu đường nhưng trên thực tế đó có là thể là do tác dụng phụ của loại thuốc đang được sử dụng để điều trị bệnh.
Tiến sĩ Mulla giải thích: “Các hướng dẫn hiện tại của Hiệp hội Huyết học Anh (British Society of Haematology) khuyến cáo rằng chỉ nên làm xét nghiệm đo nồng độ vitamin B12 trong những trường hợp nghi ngờ thiếu hụt dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, một khi đã có các triệu chứng thì thường đã quá muộn và lúc này bệnh thần kinh ngoại biên đã ở giai đoạn không thể hồi phục được.”
Nhiều bác sĩ thậm chí còn kê metformin liều cao hơn để cải thiện lượng đường trong máu của bệnh nhân mà không biết rằng vấn đề là do tác dụng phụ của chính loại thuốc này.
Theo một nghiên cứu, 10% bệnh nhân dùng metformin bị thiếu vitamin B12 và đây là một tỷ lệ tương đối cao.
Điều gì xảy ra khi bị thiếu vitamin B12?
Theo Caroline Messer –một bác sĩ chuyên khoa Nội tiết ở bệnh viện Lenox Hill (New York, Mỹ), một khi tổn thương dây thần kinh đã xảy ra thì sẽ không thể đảo ngược được.
Tuy nhiên, sau khi vấn đề được phát hiện thì có thể ngăn các dây thần kinh bị tổn thương thêm bằng cách uống bổ sung vitamin B12.
Các dấu hiệu khi bị thiếu hụt vitamin B12 gồm có tiêu chảy (đây cũng là tác dụng phụ phổ biến nhất của metformin), táo bón, mệt mỏi, chán ăn, da xanh xao, lưỡi đỏ bị viêm và chảy máu chân răng.
Tình trạng thiếu hụt này có thể dẫn đến một số hậu quả như tổn thương thần kinh vĩnh viễn, suy giảm chức năng não, mất trí nhớ và vô sinh tạm thời ở phụ nữ.
Ở những người không bị bệnh tiểu đường, thiếu vitamin B12 không phải là một vấn đề phổ biến.
Bác sĩ Messer cho biết mặc dù metformin khiến cơ thể hấp thụ vitamin B12 kém nhưng chưa có giả thuyết thuyết phục nào giải thích tại sao metformin lại gây ra điều này.
Và tình trạng thiếu hụt không chỉ xảy ra ở những bệnh nhân dung nạp thuốc tốt mà còn xảy ra ở cả những người bị tiêu chảy và gặp các tác dụng phụ về tiêu hóa khác.
Có nên uống bổ sung vitamin B12?
Bác sĩ Messer khuyến nghị dùng viên uống bổ sung có thể khắc phục tình trạng thiếu hụt và ngăn ngừa dây thần kinh bị tổn thương thêm trong khi vẫn có thể điều trị bệnh tiểu đường bằng metformin.
Nồng độ vitamin B12 dao động trong khoảng 190 đến 900 nanogram trên mililit (ng/mL) được coi là bình thường nhưng các chuyên gia y tế khuyến nghị khi nồng độ giảm xuống dưới 300 ng/mL thì nên bổ sung.
“Những người đang dùng metformin nên làm xét nghiệm máu đo nồng độ vitamin B12 định kỳ hàng năm. Đối với những bệnh nhân có nồng độ trên 300 mg/mL thì không cần thiết phải uống bổ sung.” – bác sĩ Messer cho hay.
Tiến sĩ Mulla cũng đưa ra lời khuyên tương tự, rằng người bệnh không nên ngừng dùng metformin chỉ vì tác dụng phụ này.
“Metformin vẫn là loại thuốc hiệu quả nhất để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Mặc dù metformin có thể ảnh hưởng đến lượng vitamin B12 trong cơ thể nhưng điều đó không có nghĩa là phải ngừng thuốc mà chỉ cần theo dõi nồng độ vitamin B12 thường xuyên và uống bổ sung nếu thiếu hụt là sẽ có thể ngăn ngừa được các vấn đề không mong muốn.”