Nồng độ sắt có lợi cho sức khỏe tim mạch nhưng lại làm tăng nguy cơ đột quỵ

Sắt là một khoáng chất cần thiết trong cơ thể con người. Sắt tham gia vào quá trình hình thành hồng cầu – các tế bào máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nồng độ sắt thấp hay thiếu sắt sẽ gây mệt mỏi và làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi nồng độ sắt quá cao?
Nồng độ sắt có lợi cho sức khỏe tim mạch nhưng lại làm tăng nguy cơ đột quỵNồng độ sắt có lợi cho sức khỏe tim mạch nhưng lại làm tăng nguy cơ đột quỵ

Ý chính trong bài

  • Bổ sung đủ sắt là điều rất quan trọng vì thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu và các vấn đề về tim mạch.
  • Nồng độ sắt cao giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch nhưng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Hầu hết mọi người đều không cần phải uống bổ sung sắt trừ khi được bác sĩ chỉ định.
  • Nên xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi nồng độ sắt.

Nghiên cứu gần đây của Đại học Hoàng gia London, được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (JAMA) và PLOS Medicine, đã cho thấy một số tác động tiêu cực của nồng độ sắt cao đến cơ thể. (1)

Quá nhiều sắt gây hại thế nào đến sức khỏe?

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thông tin của khoảng nửa triệu người từ UK Biobank – một kho lưu trữ dữ liệu di truyền dài hạn.

Tiến sĩ Dipender Gill – một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Dược phẩm và Trị liệu thuộc Đại học Hoàng gia London (Imperial College London), cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu tác động của những thay đổi về nồng độ sắt. Những thay đổi này được xác định bởi gen di truyền và không giống với sự thay đổi nồng độ sắt do các nguyên nhân khác.”

“Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy rằng nồng độ sắt cao giúp làm giảm nguy cơ thiếu máu nhưng lại có tác động tiêu cực đến sự hình thành một số loại cục máu đông và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da do vi khuẩn.”

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có nồng độ sắt cao tự nhiên có nguy cơ xơ vữa động mạch thấp hơn so với những người có nồng độ sắt thấp. Xơ vữa động mạch là một bệnh lý xảy ra do chất béo tích tụ làm tắc nghẽn động mạch và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng nồng độ sắt cao có thể gây hình thành cục máu đông do máu lưu thông chậm. Ngoài ra, nồng độ sắt cao còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da do vi khuẩn.

Tiến sĩ Gill cho biết: “Phát hiện về sự thu hẹp động mạch và hình thành cục máu đông đã phần nào được dự đoán trước bởi nghiên cứu trước đây của chúng tôi cho thấy rằng lượng sắt cao có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch nhưng lại làm tăng nguy cơ mắc một số loại đột quỵ.”

“Tuy nhiên, nồng độ sắt cao làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da do vi khuẩn lại là một phát hiện mới.”

Theo ông thì vẫn cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng chuyên sâu hơn nữa để xác nhận các tác động này. Ông cũng cho biết thêm rằng ông và nhóm của mình đang có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu trong tương lai.

“Chúng ta cần tìm hiểu cơ chế đằng sau tác động của nồng độ sắt cao đến cơ thể để có biện pháp phòng ngừa và điều trị.”

Làm thế nào để biết nồng độ sắt?

Theo tiến sĩ Len Horovitz – một bác sĩ tại Bệnh viện Lenox Hill (New York, Mỹ), nồng độ sắt cao không phải là điều bất thường. (2)

Ông cho hay: “Thừa sắt là một vấn đề tương đối phổ biến ở người dân Bắc Âu, đặc biệt là nam giới. Tình trạng này còn được gọi là bệnh ứ sắt hay quá tải sắt”. Ông nhận xét: “Nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London đã cho thấy một điều chưa từng được nhắc đến trong các nghiên cứu trước đây, đó là ảnh hưởng của yếu tố di truyền đến nồng độ sắt, chẳng hạn như chứng quá tải sắt di truyền.”

Như vậy là nồng độ sắt cao hay thấp đều gây hại đến sức khỏe. Vậy, làm thế nào để duy trì nồng độ sắt luôn ở mức khỏe mạnh?

Tiến sĩ Horovitz khuyến cáo không nên dùng viên uống bổ sung sắt trừ khi có chỉ định của bác sĩ. “Ví dụ, những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có kinh nguyệt có nguy cơ bị thiếu sắt hoặc thậm chí là thiếu máu do bị mất máu hàng tháng nên có thể cần uống bổ sung sắt.”

“Những người đang theo chế độ ăn uống đặc biệt, có quá ít thực phẩm chứa sắt cũng có thể cần uống sắt để tránh bị thiếu hụt. Tuy nhiên, hầu hết người khỏe mạnh đều không cần thiết phải bổ sung thêm sắt ngoài chế độ ăn và không nên dùng viên uống sắt.”

Có thể phát hiện tình trạng thiếu sắt từ một số triệu chứng như mệt mỏi, khó thở hay chóng mặt. Khi không có đủ sắt, số lượng hồng cầu trong máu sẽ giảm và các tế bào trong cơ thể không được cung cấp đủ oxy. Lúc này, tim và phổi phải làm việc nhiều hơn để tăng cường lưu thông máu. Do đó, khó thở là một triệu chứng phổ biến khi bị thiếu máu do thiếu sắt.

Tuy nhiên, nồng độ sắt cao hay thừa sắt lại không dễ phát hiện như thế. Đa phần, tình trạng thừa sắt chỉ được phát hiện khi xét nghiệm máu.

Tiến sĩ Horovitz cho biết: “Hầu hết các trường hợp thừa sắt đều được phát hiện khi xét nghiệm máu định kỳ hoặc khi người bệnh đi khám do có tiền sử gia đình mắc bệnh quá tải sắt.”

“Nồng độ sắt cao thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Do đó, xét nghiệm máu định kỳ là điều cần thiết để phát hiện vấn đề từ sớm.”

Nồng độ sắt thấp dễ phát hiện hơn nhiều so với nồng độ sắt cao. Nhưng dù là vấn đề nào thì cũng cần phải đi khám để làm xét nghiệm kiểm tra, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và có chỉ định điều trị cụ thể.

Có nhiều cách để duy trì lượng sắt trong cơ thể ở mức khỏe mạnh.

Tiến sĩ Dipender Gill cho biết: “Lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống cân bằng là những điều rất cần thiết để có sức khỏe tốt.”

“Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường nghi là do thiếu hoặc thừa sắt thì mọi người nên đi khám để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp điều trị thích hợp.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *