Kefir và sữa chua đều là những sản phẩm lành mạnh mà mỗi người nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Phân biệt kefir và sữa chua
Kefir và sữa chua được làm như thế nào?
Sữa chua và kefir đều là những sản phẩm được làm từ sữa lên men. Kefir có dạng lỏng còn sữa chua có dạng đặc hơn nên thường được ăn bằng thìa.
Kefir được tạo ra bằng cách trộn sữa với nấm sữa kefir (hay còn là nấm tuyết Tây Tạng, nấm Tuyết Liên, hạt kefir…). Kefir có thể được sản xuất từ bất kỳ loại sữa nào như:
- Sữa động vật nguyên chất
- Sữa động vật ít béo
- Sữa đậu nành
- Sữa dừa
- Các loại sữa thực vật khác
Một số loại kefir còn được làm từ nước dừa.
Kefir thường được lên men trong 14 đến 18 tiếng ở nhiệt độ phòng.
Quá trình làm sữa chua cũng tương tự như kefir nhưng khác là thời gian lên men ngắn hơn (từ 2 đến 4 tiếng) và thường được ủ ở nhiệt độ cao hơn.
Giá trị dinh dưỡng
Cả kefir và sữa chua đều là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng như: (1)
- Protein
- Canxi
- Kali
- Phốt pho
Ngoài ra, kefir và sữa chua còn giàu vitamin A và các vitamin nhóm B như riboflavin, folate, biotin và vitamin B12.
Kefir thường chứa ít đường hơn một chút so với sữa chua nhưng hàm lượng đường thực tế còn phụ thuộc vào từng sản phẩm. Sự khác biệt lớn nhất về mặt dinh dưỡng giữa hai loại này là kefir chứa nhiều men vi sinh hay lợi khuẩn (probiotic) hơn sữa chua. Kefir chứa một số chủng lợi khuẩn mà sữa chua không có. Do đó, kefir mang lại lợi ích cải thiện sức khỏe đường ruột tốt hơn sữa chua.
Giá trị dinh dưỡng của sữa chua và kefir
Loại nào phù hợp hơn với người không dung nạp lactose?
Kefir thường được dung nạp tốt ở những người không dung nạp lactose. Các enzyme trong kefir có thể giúp phân hủy đường lactose. Một nghiên cứu nhỏ cho thấy rằng kefir có thể cải thiện quá trình tiêu hóa đường lactose ở những người không dung nạp lactose. (2) Tuy nhiên, những người bị vấn đề này vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thêm bất cứ món nào mới vào chế độ ăn uống.
Sữa chua có thể gây ra một số vấn đề như đau bụng, tiêu chảy ở những người không dung nạp lactose nhưng các loại sữa chua chứa nhiều men vi sinh có thể được dung nạp tốt hơn so với sữa nguyên chất.
Khác biệt về số lượng lợi khuẩn
Kefir chứa lượng lợi khuẩn nhiều gấp ba lần so với sữa chua với khoảng 12 chủng lợi khuẩn sống khác nhau và 15 đến 20 tỷ đơn vị hình thành khuẩn lạc (colony-forming units – CFU). Sữa chua có từ 1 đến 5 chủng lợi khuẩn và 6 tỷ CFU.
Lợi khuẩn mang lại những lợi ích như:
- Tăng cường chức năng miễn dịch
- Cải thiện hệ tiêu hóa
- Giúp cơ thể hấp thụ thức ăn và chất dinh dưỡng tốt hơn
- Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách bảo vệ cơ thể chống lại các loại vi khuẩn gây hại
Không phải loại sữa chua nào cũng đều chứa lợi khuẩn. Nên chọn mua những sản phẩm có ghi “chứa lợi khuẩn/men vi sinh/men sống” (probiotic/contains live cultures)
Tác hại
Hầu hết người lớn đều có thể dung nạp tốt kefir và sữa chua. Tuy nhiên, một số người gặp phải các vấn đề nhẹ sau khi ăn các loại thực phẩm chứa men vi sinh như kefir, ví dụ như đầy hơi, chướng bụng hoặc táo bón, đặc biệt là trong thời gian đầu mới thêm kefir vào chế độ ăn uống do lúc này cơ thể còn chưa thích nghi. Nếu các hiện tượng này vẫn tiếp diễn sau một vài ngày thì nên đi khám vì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Cách sử dụng
Bạn có thể ăn mình sữa chua hoặc trộn với các thành phần lành mạnh như trái cây tươi, mật ong và granola. Ngoài ra cũng có thể sử dụng sữa chua thay cho sốt kem hoặc mayonnaise trong một số món ăn như salad.
Có thể uống kefir trực tiếp giống như nước giải khát. Nếu như không thích vị chua của món này thì có thể trộn cùng với sinh tố trái cây tươi.
Tóm tắt bài viết
Kefir và sữa chua đều là những sản phẩm lành mạnh mà mỗi người nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày. Cho dù chọn kefir hay sữa chua thì khi mua cũng nên đọc kỹ nhãn sản phẩm và chọn loại có ít thành phần nhất có thể, không chứa hương liệu, đường và các chất phụ gia khác.