Kẽm còn có đặc tính chống viêm. Điều này giúp làm giảm tình trạng sưng đỏ và kích ứng do mụn trứng cá mức độ từ vừa đến nặng.
Tác dụng của kẽm trong trị mụn trứng cá và sẹo mụn
Kẽm và mụn trứng cá
Kẽm là một trong nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần. Vai trò chính của kẽm là giúp chống lại các tế bào có hại và bảo vệ hệ miễn dịch.
Nhờ đó mà kẽm được cho là giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và ngoài ra còn đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe làn da. Một trong những tác dụng được biết đến nhiều nhất của kẽm là giúp trị mụn trứng cá. Trên thực tế, kẽm là một trong những chất trị mụn được nghiên cứu nhiều nhất.
Nhưng kẽm có cơ chế trị mụn như thế nào? Nên uống hay nên bôi là tốt nhất và các sản phẩm bôi da chứa kẽm có tác dụng phụ gì hay không?
Tác dụng trị mụn của kẽm
Kẽm giúp cơ thể chống lại virus và vi khuẩn. Mặc dù hầu hết mọi người đều được cung cấp đủ lượng kẽm cần thiết từ chế độ ăn uống hàng ngày nhưng đôi khi, việc uống bổ sung kẽm trong thời gian ngắn sẽ có lợi trong một số trường hợp. Ví dụ, có thể uống kẽm để ngăn ngừa cảm lạnh hoặc tăng tốc độ khỏi bệnh.
Kẽm còn có đặc tính chống viêm. Điều này giúp làm giảm tình trạng sưng đỏ và kích ứng do mụn trứng cá mức độ từ vừa đến nặng. Thậm chí kẽm còn giúp hạn chế sẹo do mụn trứng cá.
Kẽm cũng được sử dụng cho các vấn đề về da khác như:
- Nám da
- Bệnh trứng cá đỏ (rosacea)
- Viêm da tiết bã
- Viêm da cơ địa (eczema)
Nên uống hay nên bôi?
Cách sử dụng kẽm để trị mụn trứng cá phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhìn chung, có nhiều nghiên cứu về việc nên dùng viên uống kẽm hay sử dụng các sản phẩm bôi da chứa kẽm để trị mụn và mỗi nghiên cứu lại cho ra những kết quả không giống nhau.
Một nghiên cứu vào năm 2012 đã báo cáo rằng viên uống kẽm có hiệu quả đối với các dạng mụn viêm và mụn trứng cá do vi khuẩn. (1) Một nghiên cứu khác được thực hiện trước đó chứng minh viên uống kẽm cũng có hiệu quả trị mụn trứng cá nhẹ. (2) Tuy nhiên, cả hai nghiên cứu đều cho thấy việc dùng viên uống bổ sung kẽm đi kèm với các tác dụng phụ như buồn nôn và nôn.
Sử dụng các sản phẩm bôi da chứa kẽm có ít tác dụng phụ hơn nhưng lại không hiệu quả như các sản phẩm viên uống. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các sản phẩm bôi da hoàn toàn không có tác dụng.
Ngoài đặc tính chống viêm, kẽm khi bôi trực tiếp lên da còn giúp loại bỏ vi khuẩn gây mụn trên da và giảm tiết dầu.
Tóm lại, việc nên uống hay nên bôi còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng mụn, loại da và thói quen ăn uống hiện tại. Tốt nhất nên đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn phương pháp phù hợp nhất với mình.
Cách sử dụng kẽm để trị mụn trứng cá
Cách sử dụng kẽm để trị mụn sẽ phụ thuộc vào loại mụn và mức độ nặng nhẹ.
Ví dụ, đối với mụn trứng cá nặng thì bổ sung kẽm từ chế độ ăn hoặc dùng viên uống sẽ hiệu quả hơn. Khi bị các dạng mụn nặng như mụn bọc và mụn nang thì các sản phẩm trị mụn không kê đơn thường không có tác dụng.
Nếu chỉ bị mụn trứng cá nhẹ như mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn sẩn và mụn mủ thì có thể chỉ cần dùng các sản phẩm bôi da có chứa kẽm là đủ.
Có thể phải dùng các sản phẩm bôi da lên đến 3 tháng mới có kết quả rõ rệt. Nếu sau thời gian này mà tình trạng da vẫn không cải thiện thì nên đi khám để được tư vấn dùng viên uống kẽm và các biện pháp trị mụn khác hiệu quả hơn. Các trường hợp mụn nặng có thể sẽ cần kết hợp cả các sản phẩm dạng uống và dạng bôi để điều trị.
Nhu cầu kẽm hàng ngày
Nhu cầu kẽm hàng ngày của mỗi người tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính.
Dưới đây là khuyến nghị về lượng kẽm cần cung cấp cho cơ thể. (3)
Đối với phụ nữ:
- Từ 9 đến 13 tuổi: 8 miligam (mg)
- Từ 14 đến 18 tuổi: 9 mg
- 14 đến 18 tuổi và đang mang thai: 12 mg
- 14 đến 18 tuổi và đang cho con bú: 13 mg
- Từ 18 tuổi trở lên: 8 mg
- Từ 18 tuổi trở lên và đang mang thai: 11 mg
- Từ 18 tuổi trở lên và đang cho con bú: 12 mg
Đối với nam giới:
- Từ 9 đến 13 tuổi: 8 mg
- Từ 14 đến 18 tuổi: 11 mg
- Từ 18 tuổi trở lên: 11 mg
Trước khi bắt đầu dùng viên uống kẽm để trị mụn thì nên theo dõi chế độ ăn uống, ghi lại các loại thực phẩm mình ăn trong mỗi bữa để ước tính lượng kẽm tiêu thụ hàng ngày. Cũng giống như các chất dinh dưỡng khác, cơ thể hấp thụ kẽm từ thực phẩm tự nhiên hiệu quả hơn là từ thực phẩm chức năng.
Dưới đây là một số loại thực phẩm giàu kẽm:
- Các loại đậu
- Các sản phẩm từ sữa
- Quả hạch như óc chó, hạt điều, hạnh nhân
- Hàu
- Thịt gia cầm
- Thịt đỏ
- Các loại ngũ cốc
Vấn đề có thể xảy ra khi bổ sung quá nhiều kẽm
Mặc dù kẽm là chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với cơ thể nhưng nếu bổ sung quá nhiều thì cũng sẽ không tốt.
Ở độ tuổi thiếu niên, lượng kẽm tối đa nên tiêu thụ mỗi ngày là 34 mg còn đối với người lớn, mức giới hạn này là 40 mg.
Việc bổ sung quá nhiều kẽm có thể gây ra những vấn đề như:
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Đau đầu
- Mất cảm giác ngon miệng khi ăn
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau bụng
Lượng kẽm quá cao thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol tốt (HDL cholesterol) trong máu.
Những người đang dùng thuốc lợi tiểu, thường xuyên bị nhiễm trùng hoặc bị viêm khớp dạng thấp có thể sẽ cần làm xét nghiệm định kỳ để theo dõi lượng kẽm.
Viên uống bổ sung kẽm
Chỉ nên uống bổ sung kẽm khi chế độ ăn uống không cung cấp đủ hoặc có vấn đề sức khỏe làm giảm khả năng hấp thụ kẽm. Ví dụ, khi mắc một số bệnh về tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh Crohn, khả năng hấp thụ kẽm từ thực phẩm sẽ kém đi và có thể cần dùng viên uống bổ sung để tránh bị thiếu hụt.
Viên uống kẽm sẽ không mang lại ích lợi gì nhiều cho những người không bị thiếu và việc nạp vào cơ thể lượng kẽm lớn hơn mức cần thiết sẽ gây ra các tác dụng phụ.
Có thể mua viên uống kẽm tại các hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Các sản phẩm này có thể chỉ chứa kẽm hoặc có cả các khoáng chất khác, chẳng hạn như canxi. Kẽm cũng là thành phần có trong một số loại viên uống vitamin tổng hợp.
Các dạng kẽm thường được sử dụng trong thực phẩm chức năng là kẽm axetat (zinc acetate), kẽm gluconat (zinc gluconate) và kẽm sunfat (zinc sulfate).
Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh dạng kẽm nào là hiệu quả nhất. Không nên sử dụng cùng lúc nhiều sản phẩm có chứa nhiều hơn một dạng kẽm vì điều này có thể dẫn đến quá liều.
Tác dụng phụ
Dùng viên uống kẽm quá liều có thể gây ra các tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa giống như khi ăn quá nhiều thực phẩm giàu kẽm. Việc thường xuyên bổ sung liều lượng kẽm quá lớn còn có thể gây tổn hại đến hệ thần kinh và gây ra các triệu chứng như yếu và tê ở tứ chi.
Ngoài ra, viên uống kẽm còn có thể tương tác với một số loại thuốc kê đơn, chẳng hạn như thuốc kháng sinh và thuốc điều trị các bệnh tự miễn.
Sản phẩm bôi da chứa kẽm
Nếu chỉ bị mụn trứng cá dạng nhẹ và chế độ ăn hàng ngày có đủ lượng kẽm thì có thể cân nhắc sử dụng các sản phẩm bôi da chứa kẽm. Tuy nhiên, khi bôi trên da thì kẽm thường không có hiệu quả đối với các dạng mụn trứng cá nặng như mụn bọc hay mụn nang.
Tất cả các sản phẩm bôi da đều có thể gây ra tác dụng phụ, đặc biệt là ở những người có da nhạy cảm. Do đó, trước khi dùng một sản phẩm mới cho mặt thì nên bôi thử lên những vùng khác trên cơ thể để thử phản ứng dị ứng.
Cách thử như sau:
- Chọn một vùng da nhỏ cách xa khuôn mặt, chẳng hạn như bên trong cánh tay.
- Thoa một lượng nhỏ sản phẩm và đợi từ vài tiếng đến 24 tiếng.
- Nếu không có vấn đề gì xảy ra thì có thể dùng cho mặt. Nếu có hiện tượng mẩn đỏ, phát ban, nổi mề đay hoặc nóng rát thì phải ngừng sử dụng ngay.
Phải luôn làm theo đúng hướng dẫn trên nhãn sản phẩm. Một số sản phẩm chỉ nên sử dụng cách ngày hoặc vài lần một tuần, ít nhất là trong thời gian đầu để da có thời gian thích nghi.
Tác dụng phụ
Giống như bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào, các sản phẩm bôi da chứa kẽm cũng có thể gây mẩn đỏ hoặc kích ứng. Thử sản phẩm lên vùng da bên trong cánh tay trước khi dùng cho mặt sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ này. Ngưng sử dụng ngay nếu nhận thấy da có những biểu hiện bất thường như mẩn đỏ, nổi mề, ngứa hoặc nóng rát.
Những người có da nhạy cảm sẽ dễ gặp phải tác dụng phụ hơn khi bôi các sản phẩm chứa kẽm. Sử dụng nhiều sản phẩm trị mụn cùng một lúc cũng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng tiêu cực.
Tóm tắt bài viết
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu có lợi cho cơ thể từ trong ra ngoài. Khoáng chất này thậm chí còn giúp cải thiện sức khỏe của cơ quan lớn nhất trên cơ thể, đó là làn da. Nhờ tác dụng kháng viêm nên kẽm có thể giúp trị mụn trứng cá và ngăn ngừa sẹo do mụn.
Khi bị mụn nặng thì tốt nhất nên đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn phương pháp trị mụn hiệu quả nhất. Tùy thuộc vào loại mụn và nguyên nhân bị mụn mà có thể bác sĩ sẽ kê viên uống bổ sung kẽm và kết hợp với các loại thuốc trị mụn khác.