Có nhiều cách được cho là có thể giúp làm giảm triệu chứng và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng khi mắc bệnh này, một trong số đó là bổ sung vitamin C.
Tác dụng của vitamin C đối với người mắc Covid-19
Covid-19 là gì?
Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm do SARS-CoV-2 (một chủng virus corona mới được phát hiện) gây ra. Bệnh này có các triệu chứng điển hình là ho khan, sốt, mệt mỏi, khó thở, đau họng và ngoài ra còn các triệu chứng khác ít phổ biến hơn như đau nhức cơ thể, đau mắt đỏ, đau đầu, mất vị giác, khứu giác… Các triệu chứng này có mức độ từ nhẹ đến nặng, tùy từng người. Người khỏe mạnh khi bị nhiễm Covid-19 có thể khỏi bệnh mà không cần đến các phương pháp điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, ở người lớn tuổi và những người có bệnh lý nền, Covid-19 có thể tiến triển nặng và dẫn đến tử vong. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị Covid-19.
Tuy nhiên, có nhiều cách được cho là có thể giúp làm giảm triệu chứng và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng khi mắc bệnh này, một trong số đó là bổ sung vitamin C.
Các bác sĩ và nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu tác động của việc tiêm truyền vitamin C liều cao vào tĩnh mạch đến nguy cơ và các triệu chứng Covid-19.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về những lợi ích mà vitamin C đem lại và liệu rằng vitamin này có thực sự giúp ích trong việc ngăn ngừa và điều trị Covid-19 hay không?
Vitamin C là gì?
Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu với nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Đây là một chất chống oxy hóa mạnh, có nghĩa là vitamin C có khả năng trung hòa các gốc tự do (những phân tử không ổn định trong cơ thể) và giúp ngăn ngừa hoặc phục hồi tổn thương tế bào do các phân tử này gây ra.
Vitamin C còn tham gia vào nhiều quá trình sinh hóa và một số quá trình trong đó có liên quan đến chức năng miễn dịch.
Nhu cầu vitamin C khuyến nghị hàng ngày là 90 mg, nhưng phụ nữ đang cho con bú cần 120 mg và những người hút thuốc lá cần 125 mg vitamin C mỗi ngày. (1)
Có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu vitamin C cho cơ thể qua chế độ ăn uống bằng cách ăn nhiều trái cây và rau củ tươi. Ví dụ, một quả cam cỡ vừa có thể đáp ứng 77% nhu cầu vitamin C khuyến nghị và 1 bát (khoảng 160 gram) bông cải xanh nấu chín có thể đáp ứng 112%. (2)
Vitamin C và chức năng miễn dịch
Vitamin C là một chất dinh dưỡng có tác động lớn đến hệ miễn dịch. Đặc tính chống oxy hóa của vitamin này có thể làm giảm phản ứng viêm và cải thiện chức năng miễn dịch.
Vitamin C còn có lợi cho làn da nhờ tác dụng thúc đẩy sự sản sinh collagen, giúp da khỏe mạnh hơn và tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Vitamin C trong da còn giúp đẩy nhanh tốc độ lành vết thương.
Vitamin C có lợi cho hoạt động của các thực bào – các tế bào miễn dịch có khả năng “nuốt” vi khuẩn có hại và các phân tử khác trong cơ thể.
Ngoài ra, vitamin C còn có khả năng thúc đẩy sự phát triển và lan rộng của các tế bào lympho – một loại tế bào miễn dịch giúp làm tăng số lượng kháng thể trong máu. Kháng thể là một loại protein mà cơ thể tự tạo ra để tấn công các chất lạ hoặc vi sinh vật gây hại.
Trong các nghiên cứu về tác động của vitamin C đến virus cảm lạnh, mặc dù vitamin này không có tác dụng phòng bệnh nhưng lại có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và giúp cho người bệnh nhanh hồi phục hơn. (3)
Ngoài ra còn có một số nghiên cứu được thực hiện trên động vật và nghiên cứu trường hợp (case study) ở người cho thấy rằng vitamin C liều cao hoặc tiêm truyền vitamin C có thể làm giảm mức độ viêm phổi trong các trường hợp bị bệnh hô hấp nghiêm trọng do virus H1N1 hoặc các loại virus khác gây ra. (4)
Tuy nhiên, liều lượng vitamin C được sử dụng trong nghiên cứu cao hơn nhiều so với nhu cầu vitamin C khuyến nghị và đến thời điểm này vẫn chưa có đủ bằng chứng chứng minh tác dụng của việc sử dụng vitamin C liều cao đối với bệnh viêm phổi. Không nên tự ý bổ sung vitamin C liều cao, kể cả bằng đường uống vì điều này có thể gây ra các vấn đề không mong muốn, ví dụ như tiêu chảy, buồn nôn, nôn…
Tóm tắt: Vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng có trong nhiều loại trái cây và rau củ, có tác dụng rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh. Một số nghiên cứu cho thấy vitamin C liều cao có thể làm giảm viêm phổi nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.
Tác dụng của vitamin C đối với người nhiễm Covid-19
Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Chinese Journal of Infection Diseases (Tạp chí về Bệnh truyền nhiễm Trung Quốc), Hiệp hội Y tế Thượng Hải đã xác nhận việc sử dụng vitamin C liều cao như một phương pháp điều trị cho những người mắc Covid-19. (5)
Các chuyên gia khuyến nghị truyền vitamin C liều cao qua đường tĩnh mạch để cải thiện chức năng phổi, nhờ đó có thể giúp bệnh nhân không phải thở máy hoặc các thiết bị hỗ trợ sự sống khác.
Ngoài ra, một bản đánh giá vào năm 2019 đã cho thấy rằng bổ sung vitamin C liều cao qua đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch đều giúp ích cho những bệnh nhân phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Cụ thể, vitamin C liều cao giúp làm giảm 8% thời gian nằm viện và 18,2% thời gian phải thở máy.
Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc cũng đã đăng ký một thử nghiệm lâm sàng để đánh giá thêm về hiệu quả của việc truyền vitamin C ở những người phải nhập viện do nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, bổ sung vitamin C vẫn chưa được coi là một phần tiêu chuẩn trong phác đồ điều trị Covid-19 vì hiện chưa có đủ nghiên cứu chứng minh lợi ích của việc này.
Mặc dù phương pháp truyền vitamin C liều cao vào tĩnh mạch hiện đang được thử nghiệm để kiểm chứng tác dụng cải thiện chức năng phổi ở những người bị Covid-19 nhưng không có bằng chứng nào cho thấy bổ sung vitamin C liều cao có thể giúp điều trị bệnh. Trên thực tế, việc đưa một lượng lớn vitamin C vào cơ thể có thể gây ra các tác dụng phụ như tiêu chảy.
Tóm tắt: Theo nhiều chuyên gia y tế, có thể truyền vitamin C liều cao vào tĩnh mạch để cải thiện chức năng phổi ở những bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, hiệu quả của vitamin C hiện vẫn đang được thử nghiệm. Chưa có bằng chứng xác minh tác dụng của việc uống bổ sung vitamin C đến bệnh Covid-19.
Có cần uống vitamin C không?
Hiện tại chưa có bất kỳ khuyến nghị chính thức nào về việc uống bổ sung vitamin C để ngăn ngừa Covid-19.
Mặc dù vitamin C có thể giúp rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của các đợt cảm lạnh nhưng không có gì đảm bảo vitamin này cũng mang lại tác dụng tương tự đối với chủng virus corona gây bệnh Covid-19.
Ngoài ra, vitamin C là một loại vitamin tan trong nước nên lượng vitamin dư thừa sẽ không được dự trữ trong cơ thể mà sẽ bị đào thải qua nước tiểu. Điều này có nghĩa là cho dù uống nhiều vitamin C thì cơ thể cũng không thể không hấp thụ được hết.
Uống bổ sung vitamin C liều cao thậm chí còn có thể gây tiêu chảy vì lượng vitamin C lớn khiến cơ thể lấy nước ra khỏi tế bào và chuyển vào đường tiêu hóa.
Hơn nữa, mặc dù một số nghiên cứu cho thấy kết quả khả quan về tác dụng của vitamin C trong điều trị Covid-19 nhưng liều lượng được sử dụng trong quá trình thử nghiệm đều ở mức rất cao và được tiêm truyền qua đường tĩnh mạch chứ không phải đường uống. Ngoài ra, vitamin C liều cao cũng chỉ được sử dụng trong những trường hợp nghiêm trọng đến mức phải nhập viện.
Tốt nhất vẫn nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau củ. Chỉ cần như vậy là đủ để cung cấp lượng vitamin C mà cơ thể cần cũng như là nhiều chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa khác.
Lưu ý khi uống bổ sung vitamin C
Nếu muốn uống vitamin C thì phải chọn những sản phẩm chất lượng và dùng liều vừa đủ.
Theo khuyến nghị, lượng vitamin C tối đa mà một người khỏe mạnh có thể uống bổ sung hàng ngày là 2.000 mg. (6) Nếu uống nhiều hơn mức này thì có thể xảy ra các tác dụng phụ.
Hầu hết các sản phẩm bổ sung vitamin C đều có liều hàng ngày dao động trong khoảng 250 – 1.000 mg nên sẽ rất dễ uống quá nhiều nếu như không cẩn thận. Cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ đúng liều lượng khuyến nghị.
Vitamin C có thể làm giảm hiệu quả của quá trình hóa trị, xạ trị và thuốc hạ cholesterol.
Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống bổ sung vitamin C để được hướng dẫn cụ thể.
Tóm tắt: Không có bằng chứng nào cho thấy uống bổ sung vitamin C có thể ngăn ngừa Covid-19. Trên thực tế, khi uống quá nhiều, lượng vitamin C thừa sẽ bị đào thải qua nước tiểu. Nếu muốn bổ sung thì cần chọn những sản phẩm chất lượng và không uống quá 2.000 mg mỗi ngày.
Tóm tắt bài viết
Vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với chức năng của hệ miễn dịch.
Theo một báo cáo được công bố bởi Hiệp hội Y tế Thượng Hải, truyền vitamin C liều cao qua đường tĩnh mạch có thể cải thiện chức năng phổi ở những bệnh nhân nhập viện do mắc Covid-19.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy bổ sung vitamin C qua đường uống sẽ giúp điều trị hoặc ngăn ngừa Covid-19.
Để đáp ứng nhu cầu vitamin C của cơ thể và tăng cường chức năng miễn dịch thì nên ăn nhiều loại trái cây và rau củ giàu vitamin này trong bữa ăn hàng ngày.
Đến nay, các cách hiệu quả nhất để phòng ngừa Covid-19 vẫn là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, giữ khoảng cách với người khác và tiêm vắc-xin.