Dầu dừa là một loại thực phẩm gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng dầu dừa là một loại dầu lành mạnh trong khi một số ý kiến khác lại khẳng định ăn nhiều dầu dừa có hại cho sức khỏe. Dầu dừa bị mang tiếng xấu chủ yếu là do chứa một lượng lớn chất béo bão hòa. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng chất béo bão hòa không đến mức tệ hại như nhiều người vẫn nghĩ.
Tại sao ăn dầu dừa tốt cho sức khỏe?
Vậy chính xác thì dầu dừa có tác động như thế nào đến sức khỏe và có nên ăn dầu dừa hay không?
Dầu dừa có thành phần chất béo đặc biệt
Dầu dừa không giống với hầu hết các loại dầu khác vì có chứa thành phần chất béo rất đặc biệt.
Khoảng 90% chất béo trong dầu dừa là chất béo bão hòa. Nhưng điểm đặc biệt nhất là hàm lượng axit lauric cao của loại dầu này. Axit lauric là một chất béo bão hòa, chiếm khoảng 40% tổng hàm lượng chất béo trong dầu dừa.
Điều này giúp dầu dừa có khả năng chống lại sự oxy hóa ở nhiệt độ cao. Vì thế nên dầu dừa rất thích hợp cho các phương pháp nấu ăn cần sử dụng nhiệt độ cao, chẳng hạn như chiên.
Dầu dừa tương đối giàu axit béo chuỗi trung bình, chứa khoảng 7% axit caprylic và 5% axit capric.
Những bệnh nhân động kinh thực hiện chế độ ăn Keto (ketogenic) thường sử dụng chất béo chuỗi trung bình để cơ thể bước vào trạng thái ketosis. Tuy nhiên, dầu dừa lại không phù hợp với chế độ ăn Keto vì kém hiệu quả trong việc thúc đẩy ketosis.
Mặc dù axit lauric thường được coi là một loại axit béo chuỗi trung bình nhưng các nhà khoa học hiện vẫn đang tranh luận về cách phân loại này.
Tóm tắt: Dầu dừa chứa một số loại chất béo bão hòa mà nhiều loại dầu khác không có, chẳng hạn như axit lauric và axit béo chuỗi trung bình.
Hàm lượng axit lauric trong dầu dừa
Axit lauric chiếm khoảng 40% tổng lượng chất béo trong dầu dừa trong khi hầu hết các loại dầu khác chỉ chứa một lượng nhỏ axit lauric, ngoại trừ dầu hạt cọ (chứa 47% axit lauric).
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về việc nên xếp axit lauric vào nhóm axit béo chuỗi dài hay axit béo chuỗi trung bình.
Mặc dù thường được coi là axit béo chuỗi trung bình nhưng axit lauric được cơ thể tiêu hóa và chuyển hóa theo cách khác với các axit béo chuỗi trung bình thực sự và hơn nữa, axit lauric lại có nhiều điểm giống với các axit béo chuỗi dài.
Các nghiên cứu cho thấy rằng axit lauric làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, nhưng điều này chủ yếu là do sự gia tăng lượng cholesterol gắn với lipoprotein mật độ cao (HDL).
Sự gia tăng HDL cholesterol không những không gây hại mà thậm chí còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. (1)
Tóm tắt: Dầu dừa đặc biệt giàu axit lauric – một loại chất béo bão hòa hiếm hoi có tác dụng cải thiện nồng độ cholesterol trong máu.
Dầu dừa giúp cải thiện lipid máu
Các nghiên cứu chỉ ra rằng thường xuyên ăn dầu dừa giúp cải thiện nồng độ lipid trong máu hay mỡ máu và nhờ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên lớn được thực hiện trên 91 người ở độ tuổi trung niên đã đánh giá tác động của việc ăn 50 gram dầu dừa, bơ động vật hoặc dầu ô liu siêu nguyên chất hàng ngày trong vòng một tháng.
Chế độ ăn có dầu dừa làm tăng đáng kể HDL cholesterol so với chế độ ăn có bơ động vật và dầu ô liu siêu nguyên chất.
Giống như dầu ô liu, dầu dừa cũng không làm tăng nồng độ LDL cholesterol trong máu.
Một nghiên cứu khác được thực hiện ở những phụ nữ bị béo bụng cho thấy rằng ăn dầu dừa làm tăng HDL cholesterol và giảm tỷ lệ LDL trên HDL, trong khi dầu đậu nành làm tăng cholesterol toàn phần và LDL cholesterol trong khi lại làm giảm HDL cholesterol. (2)
Những kết quả này có phần trái ngược với các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng dầu dừa làm tăng nồng độ LDL cholesterol nhiều hơn so với dầu cây rum (safflower oil) – một loại dầu chứa nhiều chất béo không bão hòa đa nhưng mức tăng lại thấp hơn so với bơ động vật.
Tóm lại, những nghiên cứu này chỉ ra rằng ăn dầu dừa có lợi cho bệnh tim mạch hơn so với một số nguồn chất béo bão hòa khác, chẳng hạn như bơ động vật và dầu đậu nành.
Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng chứng minh dầu dừa giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Tóm tắt: Các nghiên cứu cho thấy rằng dầu dừa làm tăng mức HDL cholesterol và điều này có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ăn dầu dừa giúp giảm cân
Có một số bằng chứng cho thấy ăn dầu dừa có thể giúp giảm cân.
Trong một nghiên cứu được thực hiện trên 40 phụ nữ bị béo bụng, dầu dừa làm giảm số đo vòng eo so với dầu đậu nành đồng thời cải thiện một số dấu hiệu sức khỏe khác. (3)
Một nghiên cứu khác được thực hiện trên 15 phụ nữ cho thấy ăn dầu dừa nguyên chất vào bữa sáng giúp làm giảm cảm giác thèm ăn trong ngày so với dầu ô liu siêu nguyên chất.
Những lợi ích này có thể là nhờ thành phần axit béo chuỗi trung bình trong dầu dừa. Do có những tác dụng như vậy nên ăn dầu dừa có thể giúp giảm nhẹ khối lượng cơ thể.
Mặc dù các kết quả nghiên cứu đều rất hứa hẹn nhưng số lượng nghiên cứu đến nay chưa có nhiều và một số nhà khoa học vẫn hoài nghi về tác dụng giảm cân của dầu dừa.
Tóm tắt: Một số nghiên cứu cho thấy ăn dầu dừa có thể làm giảm mỡ bụng và giảm cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, tác dụng giảm cân của dầu dừa vẫn đang gây tranh cãi và nếu có thì cân nặng cũng không giảm đáng kể.
Người ăn nhiều dừa có sức khỏe tốt
Nếu như chất béo trong dừa không lành mạnh thì những người ăn nhiều dừa chắc chắn sẽ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe.
Tuy nhiên, bằng chứng đã cho thấy rằng người dân sinh sống ở những nơi mà dừa là loại lương thực chính có sức khỏe tốt hơn nhiều so với con người hiện nay.
Ví dụ, chế độ ăn uống của người dân ở quần đảo Tokelau có hơn 50% tổng lượng calo đến từ dừa và họ là những người ăn nhiều chất béo bão hòa nhất trên thế giới. Tương tự, lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn của người dân đảo Kitava chiếm tới 17% tổng lượng calo và phần lớn chất béo bão hòa cũng đến từ dừa.
Người dân ở cả 2 khu vực này đều không mắc bệnh tim mạch và nhìn chung đều có sức khỏe rất tốt mặc dù lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn ở mức cao.
Tuy nhiên, họ cũng có lối sống lành mạnh, ăn nhiều hải sản, trái cây và gần như không ăn thực phẩm chế biến sẵn công nghiệp. Rất có thể đó mới là những lý do chính giúp họ có sức khỏe tốt và ít mắc bệnh chứ không phải chỉ là nhờ ăn nhiều dừa.
Hơn nữa, người dân ở Kitava và Tokelau chủ yếu uống nước dừa, ăn cùi dừa và kem dừa chứ không phải loại dầu dừa đã qua xử lý có bán trong siêu thị ngày nay.
Tuy vậy nhưng theo những nghiên cứu quan sát này thì chế độ ăn giàu chất béo bão hòa từ dừa có thể giúp con người sống khỏe mạnh.
Tất nhiên, để duy trì sức khỏe tốt thì không thể chỉ phụ thuộc vào một loại thực phẩm nào đó mà phải kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống với thói quen sinh hoạt lành mạnh.
Những lợi ích mà dầu dừa mang lại cũng tùy thuộc vào lối sống, hoạt động thể chất và những thực phẩm khác trong chế độ ăn. Nếu như có chế độ ăn uống không lành mạnh và lười vận động thì dù có ăn nhiều dầu dừa cũng không có ích lợi gì.
Tóm tắt: Bằng chứng đã cho thấy rằng việc thường xuyên ăn nhiều dừa không có bất kỳ tác hại nào cho sức khỏe. Để có sức khỏe tốt thì phải kết hợp điều chỉnh tổng thể chế độ ăn uống với thói quen sinh hoạt lành mạnh chứ không nên chỉ ăn nhiều một loại thực phẩm nào đó.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù các lợi ích của dầu dừa còn gây tranh cãi nhưng không có bằng chứng nào cho thấy việc ăn một lượng dầu dừa vừa phải sẽ gây hại đến sức khỏe.
Thậm chí, dầu dừa còn giúp cải thiện mức cholesterol nhưng cần nghiên cứu thêm về tác động của dầu dừa đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Phần lớn những lợi ích của dầu dừa được cho là nhờ hàm lượng axit lauric cao – một loại chất béo bão hòa hiếm có trong các loại thực phẩm khác.
Tóm lại, ăn dầu dừa không có hại và thậm chí còn giúp cải thiện sức khỏe nhưng cũng giống như tất cả các loại dầu khác, chỉ nên ăn dầu dừa ở mức độ vừa phải.
Xem thêm:
- 10 lợi ích của dầu dừa đối với sức khỏe
- Nên chọn dầu dừa tinh luyện hay dầu dừa nguyên chất?