Mới đầu, tình trạng thiếu canxi không biểu hiện triệu chứng vì cơ thể duy trì nồng độ canxi trong máu bằng cách lấy canxi trực tiếp từ xương. Tuy nhiên, lượng canxi thấp trong thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Thiếu canxi (hạ canxi máu): Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Thế nào là thiếu canxi
Canxi là một khoáng chất quan trọng. Cơ thể cần có canxi để giữ cho xương và răng chắc khỏe. Canxi cũng cần thiết cho hoạt động bình thường của tim và các cơ. Việc thường xuyên không bổ sung đủ khoáng chất này sẽ dẫn đến các vấn đề như:
- Loãng xương
- Thiếu xương
- Thiếu canxi hay hạ canxi máu
Trẻ nhỏ không được cung cấp đủ canxi sẽ không thể phát triển chiều cao tối đa.
Do đó, hàng ngày cần phải đáp ứng đủ nhu cầu canxi của cơ thể bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, dùng viên uống bổ sung canxi hoặc vitamin tổng hợp chứa canxi..
Nguyên nhân gây thiếu canxi
Nguy cơ thiếu canxi tăng cao khi về già. Sự thiếu hụt này có thể là do nhiều nguyên nhân như:
- Chế độ ăn uống quá ít canxi trong thời gian dài
- Khả năng hấp thụ canxi kém
- Dùng các loại thuốc gây cản trở sự hấp thụ canxi
- Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là ở phụ nữ
- Một số yếu tố di truyền
Nhu cầu canxi hàng ngày thay đổi theo độ tuổi và giới tính.
Ở trẻ nhỏ và người dưới 18 tuổi, lượng canxi khuyến nghị hàng ngày đối với nam và nữ là như nhau nhưng kể từ sau 18 tuổi, nam giới và phụ nữ có nhu cầu canxi khác nhau. Dưới đây là lượng canxi khuyến nghị hàng ngày đối với từng nhóm tuổi: (1)
- 0 – 6 tháng tuổi: 200 mg/ngày
- 7 – 12 tháng tuổi: 260 mg/ngày
- 1 – 3 tuổi: 700 mg/ngày
- 4 – 8 tuổi: 1.000 mg
- 9 – 18 tuổi: 1.300 mg
- Nam giới: 19 – 30 tuổi: 1.000 mg
- Nam giới 31 – 50 tuổi: 1.000 mg
- Nam giới 51 – 70 tuổi: 1.000 mg
- Nam giới từ 71 tuổi trở lên: 1.200 mg
- Phụ nữ 19 – 30 tuổi: 1.000 mg
- Phụ nữ 31 – 50 tuổi: 1.000 mg
- Phụ nữ 51 – 70 tuổi: 1.200 mg
- Phụ nữ 71 tuổi trở lên : 1.200 mg
Nhu cầu canxi của phụ nữ tăng cao sớm hơn nam giới, bắt đầu từ tuổi trung niên. Việc đáp ứng đủ nhu cầu canxi là điều đặc biệt quan trọng khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh.
Trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ cần nhiều canxi hơn để phòng ngừa loãng xương và các bệnh do thiếu canxi khác. Sự suy giảm hormone estrogen trong thời kỳ mãn kinh khiến xương của phụ nữ bị yếu đi nhanh hơn.
Bệnh suy tuyến cận giáp cũng có thể dẫn đến thiếu canxi. Cơ thể của những người bị bệnh lý này không tạo ra đủ hormone tuyến cận giáp để kiểm soát lượng canxi trong máu.
Nguyên nhân gây thiếu canxi còn có thể là do suy dinh dưỡng và hấp thu kém. Suy dinh dưỡng là tình trạng mà cơ thể không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, còn hấp thu kém là khi cơ thể không thể hấp thụ các vitamin và khoáng chất từ thực phẩm một cách hiệu quả. Ngoài ra, các nguyên nhân khác dẫn đến thiếu canxi gồm có:
- Thiếu vitamin D, khiến cơ thể khó hấp thụ canxi
- Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như phenytoin, phenobarbital, rifampin, corticoid và các loại thuốc điều trị tăng canxi máu
- Viêm tụy
- Tăng magiê máu và hạ magiê máu
- Tăng phốt phát máu
- Sốc nhiễm khuẩn
- Truyền thể tích máu lớn
- Suy thận
- Dùng một số loại thuốc hóa trị
- “Hội chứng xương đói”, xảy ra sau phẫu thuật điều trị cường tuyến cận giáp
- Cắt mô tuyến cận giáp trong quá trình phẫu thuật cắt tuyến giáp
Khi cơ thể không được cung cấp đủ canxi trong 1, 2 ngày thì sẽ chưa bị thiếu canxi ngay nhưng vẫn nên cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu canxi hàng ngày vì cơ thể sẽ nhanh chóng sử dụng hết lượng canxi hấp thụ được. Những người ăn chay thuần có nguy cơ thiếu canxi cao vì không uống sữa và các sản phẩm từ sữa mà đây lại là những nguồn thực phẩm giàu canxi nhất.
Mới đầu, tình trạng thiếu canxi không biểu hiện triệu chứng vì cơ thể duy trì nồng độ canxi trong máu bằng cách lấy canxi trực tiếp từ xương. Tuy nhiên, lượng canxi thấp trong thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Các triệu chứng thiếu canxi
Thiếu canxi giai đoạn đầu thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ xuất hiện khi tình trạng thiếu hụt trở nên trầm trọng hơn.
Các triệu chứng thường gặp khi bị thiếu canxi gồm có:
- Lú lẫn, trí nhớ kém
- Co thắt cơ, chuột rút
- Tê và châm chích ở bàn tay, bàn chân, mặt
- Buồn bã
- Ảo giác
- Móng yếu và dễ gãy
- Dễ gãy xương
Sự thiếu hụt canxi có thể ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của cơ thể, khiến cho móng tay, mòng chân yếu, tóc mọc chậm và da mỏng, dễ tổn thương.
Canxi đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải phóng chất dẫn truyền thần kinh và co cơ. Vì vậy, sự thiếu hụt canxi có thể gây co giật ở những người vốn khỏe mạnh.
Nếu nhận thấy các triệu chứng về thần kinh như trí nhớ kém, tê và châm chích, ảo giác hoặc co giật thì hãy đi khám càng sớm càng tốt.
Chẩn đoán thiếu canxi
Cần đi khám khi có các dấu hiệu thiếu canxi. Bác sĩ sẽ đánh giá bệnh sử cá nhân và hỏi về tiền sử gia đình bị thiếu canxi hoặc loãng xương.
Nếu nghi ngờ thiếu canxi, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ canxi. Xét nghiệm máu sẽ cho biết nồng độ canxi tổng, nồng độ albumin và nồng độ canxi ion hóa hay canxi “tự do”. Albumin là một loại protein liên kết với canxi và có chức năng vận chuyển canxi trong máu. Nồng độ canxi trong máu thấp là dấu hiệu chỉ ra tình trạng thiếu canxi.
Nồng độ canxi bình thường ở người lớn dao động từ 8,8 đến 10,4 miligam trên decilit (mg/dL). (2) Nếu nồng độ canxi dưới 8,8 mg/dL thì có khả năng đang bị thiếu canxi. Trẻ nhỏ và trẻ trong độ tuổi vị thành niên thường có nồng độ canxi trong máu cao hơn người lớn.
Hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh
Ở những trẻ sơ sinh bị hạ canxi máu, tình trạng này xảy ra ngay sau khi sinh, thường là trong vòng 2 ngày đầu tiên. Tuy nhiên, đôi khi hạ canxi máu khởi phát muộn, có thể sau 3 ngày hoặc muộn hơn.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh là nhẹ cân và mẹ mắc bệnh tiểu đường. Hạ canxi máu khởi phát muộn thường là do uống sữa bò hoặc sữa công thức có quá nhiều phốt phát.
Các triệu chứng của hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh gồm có:
- Quấy khóc
- Không chịu ăn
- Dễ giật mình
- Co giật
- Ngưng thở hoặc nhịp thở chậm, có biểu hiện khó thở, thở mạnh
- Trẻ kém linh hoạt, lờ đờ, chậm chạp
- Nhịp tim nhanh hơn bình thường
- Rụng tóc thành hình vành khăn ở sau gáy
Hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh cũng được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu để kiểm tra tổng nồng độ canxi hoặc nồng độ canxi ion hóa. Ngoài ra cần xét nghiệm đường huyết để xem các triệu chứng có phải do hạ đường huyết hay không.
Phương pháp điều trị thường là tiêm canxi gluconat qua đường tĩnh mạch, sau đó bổ sung canxi qua đường uống trong vài ngày.
Điều trị thiếu canxi
Thiếu canxi là vấn đề dễ điều trị. Thông thường chỉ cần tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu canxi là đủ để khắc phục sự thiếu hụt.
Không nên tự ý uống canxi để điều trị thiếu canxi. Việc uống bổ sung khi không cần thiết hoặc dùng quá liều có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như sỏi thận.
Thực phẩm chức năng bổ sung canxi thường chứa 1 trong 3 dạng canxi là:
- Canxi cacbonat: đây là dạng có giá rẻ nhất và chứa hàm lượng canxi nguyên tố cao nhất
- Canxi citrat: dạng dễ hấp thu nhất
- Canxi photphat: dạng này cũng dễ hấp thu và không gây táo bón
Ngoài viên nén, thực phẩm chức năng bổ sung canxi còn có dạng lỏng và dạng viên nhai.
Một số loại thuốc có thể tương tác với thực phẩm chức năng bổ sung canxi và gây ra tác động tiêu cực. Các loại thuốc này gồm có:
- Thuốc chẹn beta để điều trị bệnh tim mạch như atenolol: có thể làm giảm khả năng hấp thu canxi nếu dùng trong vòng 2 giờ sau khi uống canxi
- Thuốc kháng axit có chứa nhôm: có thể làm tăng nồng độ nhôm trong máu, khiến cho canxi trong thể đi vào xương và quay trở lại máu, làm tăng nồng độ canxi trong máu
- Thuốc cô lập axit mật để giảm cholesterol như colestipol: có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi và tăng bài tiết canxi qua nước tiểu
- Estrogen: có thể góp phần làm tăng nồng độ canxi trong máu
- Digoxin: nồng độ canxi cao có thể làm tăng độc tính của digoxin
- Thuốc lợi tiểu: có thể làm tăng nồng độ canxi (hydrochlorothiazide) hoặc giảm nồng độ canxi trong máu (furosemide)
- Một số loại kháng sinh như fluoroquinolone và tetracycline: uống canxi sẽ làm giảm sự hấp thụ các loại kháng sinh này
Đôi khi, ăn nhiều thực phẩm giàu canxi hay dùng thực phẩm chức năng cũng không đủ để điều trị tình trạng thiếu canxi. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định tiêm canxi để đưa nồng độ canxi về mức bình thường.
Các triệu chứng thiếu hụt sẽ bắt đầu có cải thiện trong vòng vài tuần sau điều trị. Các trường hợp thiếu canxi trầm trọng sẽ được theo dõi trong khoảng từ 1 đến 3 tháng.
Các vấn đề có thể phát sinh do thiếu canxi
Các vấn đề có thể phát sinh do thiếu canxi gồm có tổn thương mắt, rối loạn nhịp tim và loãng xương.
Loãng xương có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Khuyết tật
- Gãy cột sống hoặc gãy các xương khác
- Đi lại khó khăn
Nếu không được điều trị, thiếu canxi thậm chí còn có thể gây tử vong.
Phòng ngừa thiếu canxi
Có thể dễ dàng ngăn ngừa tình trạng thiếu canxi bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu canxi trong bữa ăn hàng ngày.
Cần lưu ý, một số loại thực phẩm giàu canxi, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa, cũng có thể chứa nhiều chất béo bão hòa (saturated fat) và chất béo chuyển hóa (trans fat). Nên chọn các loại thực phẩm có ít hoặc không có chất béo để giảm nguy cơ cholesterol cao và bệnh tim mạch.
250 ml sữa tươi hoặc 180 gram sữa chua có thể đáp ứng từ 1/4 đến 1/3 lượng canxi khuyến nghị hàng ngày. Một số loại thực phẩm giàu canxi khác gồm có:
Thực phẩm |
Kích thước khẩu phần | Lượng canxi trong mỗi khẩu phần |
Mặc dù đáp ứng đủ nhu cầu canxi của cơ thể là rất quan trọng nhưng cũng không nên tiêu thụ quá nhiều. Giới hạn trên đối với canxi (lượng canxi tối đa được phép tiêu thụ trong một ngày) ở từng độ tuổi như sau:
- 2.500 mg mỗi ngày đối với người từ 19 đến 50 tuổi
- 2.000 mg mỗi ngày đối với người từ 51 tuổi trở lên
Một lựa chọn nữa để bổ sung canxi cho cơ thể là dùng viên uống vitamin tổng hợp. Tuy nhiên, vitamin tổng hợp có thể không đáp ứng được 100% nhu cầu canxi nên vẫn cần phải đảm bảo đủ lượng canxi trong chế độ ăn.
Vitamin D
Bổ sung đủ vitamin D cũng rất quan trọng vì vitamin này làm tăng tốc độ canxi được hấp thụ vào máu.
Để cơ thể có được đủ canxi thì cần tăng lượng vitamin D bằng cách tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng mặt trời vì làn da tổng hợp vitamin D dưới tác động của tia cực tím (UV) trong ánh nắng. Ngoài ra, nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D như:
- Các loại cá béo như cá hồi, cá mòi và cá ngừ
- Thực phẩm được bổ sung vitamin D như nước cam đóng hộp, sữa và ngũ cốc ăn sáng
- Nấm mọc tự nhiên
- Trứng
- Một số sản phẩm từ sữa mặc dù có chứa vitamin D nhưng lại cũng nhiều chất béo bão hòa nên cần cẩn thận khi lựa chọn.
Thay đổi lối sống
Ngoài bổ sung đủ canxi và vitamin D, một số thay đổi về lối sống dưới đây cũng giúp tăng cường sức khỏe xương:
- Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Tập thể dục thường xuyên
- Không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu