Thiếu hụt kẽm có thể dẫn đến suy giảm testosterone. Mặc dù vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao thiếu kẽm lại ảnh hưởng đến mức testosterone nhưng một trong các giả thuyết được đưa ra là khoáng chất này có tác động đến các tế bào sản xuất testosterone trong tinh hoàn.
Thiếu hụt kẽm có thể gây suy giảm testosterone
Testosterone và suy tuyến sinh dục
Testosterone là loại hormone (nội tiết tố) có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của nam giới. Hormone này chịu trách nhiệm duy trì ham muốn tình dục, cũng như là sức mạnh của cơ và xương. Lượng testosterone trong cơ thể đạt đỉnh vào giai đoạn đầu độ tuổi trưởng thành và sau đó bắt đầu giảm xuống do quá trình lão hóa tự nhiên.
Khi lượng testosterone giảm xuống dưới mức bình thường thì nam giới có thể gặp phải một tình trạng gọi là suy tuyến sinh dục. Nguyên nhân gây suy tuyến sinh dục có thể là do một số bệnh lý có thể điều trị được hoặc cũng có thể đơn giản là do thiếu hụt dinh dưỡng, ví dụ như kẽm.
Nếu có các dấu hiệu testosterone thấp thì nên đi khám để làm xét nghiệm đo nồng độ testosterone và tìm ra nguyên nhân.
Nguyên nhân và triệu chứng suy giảm testosterone
Lượng testosterone tự nhiên trong cơ thể giảm dần khi có tuổi nhưng testosterone cũng có thể giảm do những nguyên nhân như:
- Rối loạn di truyền
- Đang trong quá trình điều trị ung thư
- Chấn thương tinh hoàn
- Các bệnh lý ảnh hưởng đến tuyến yên hoặc vùng dưới đồi
- Mắc các bệnh lý viêm
- Bo phì
- Mắc bệnh ảnh hưởng đến các tuyến trong cơ thể
- Nhiễm HIV/AIDS
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Nếu suy giảm testosterone là do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn thì điều trị vấn đề đó sẽ giúp cải thiện các triệu chứng.
Bất kể nguyên nhân là gì, suy tuyến sinh dục đều sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi cùng với các triệu chứng khác như:
- Giảm khối lượng cơ
- Giảm ham muốn tình dục
- Bốc hỏa
- Khó tập trung
Nếu bất cứ triệu chứng nào trong số này đang làm gián đoạn cuộc sống thường ngày thì nên đi khám để được tư vấn các lựa chọn điều trị.
Kẽm và suy tuyến sinh dục
Kẽm là một khoáng chất cần thiết trong chế độ ăn uống. Cơ thể cần kẽm để hệ miễn dịch hoạt động bình thường và phân chia tế bào. Kẽm giúp các enzyme phân hủy thức ăn và xử lý các chất dinh dưỡng. Kẽm còn đóng vai trò quan trọng đối với chức năng của các enzyme xây dựng protein. Kẽm có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau như thịt, hải sản, các loại đậu, trứng, các loại hạt, ngũ cốc,… và cũng có thể tăng lượng kẽm bằng cách dùng viên uống bổ sung. Kẽm cũng là một thành phần có trong một số loại thuốc trị cảm lạnh nhưng không được dùng các loại thuốc này để bổ sung kẽm.
Thiếu hụt kẽm có thể dẫn đến suy giảm testosterone. Mặc dù vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao thiếu kẽm lại ảnh hưởng đến mức testosterone nhưng một trong các giả thuyết được đưa ra là khoáng chất này có tác động đến các tế bào sản xuất testosterone trong tinh hoàn.
Kết quả nghiên cứu
Hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của kẽm trong điều trị chứng suy tuyến sinh dục nhưng việc bổ sung kẽm với liều lượng hợp lý có thể giúp tăng lượng testosterone. Trong một nghiên cứu đánh giá tác dụng của viên uống magiê và kẽm, kết quả cho thấy rằng nồng độ testosterone tự do trong cơ thể tăng lên sau khi bổ sung 30 mg kẽm mỗi ngày. (1)
Tuy nhiên, việc uống bổ sung kẽm không phải khi nào cũng cần thiết. Một nghiên cứu khác đã chứng minh rằng viên uống kẽm không có tác dụng làm tăng mức testosterone ở những người mà chế độ ăn hàng ngày đã cung cấp đủ khoáng chất này. (2) Những người tham gia nghiên cứu được cho thực hiện chế độ ăn có lượng kẽm đáp ứng đủ mức tiêu thụ khuyến nghị và đồng thời dùng cả viên uống kẽm. Kết quả là lượng testosterone ở những người này không thay đổi.
Cơ thể cần bao nhiêu kẽm mỗi ngày?
Vì cơ thể con người không thể dự trữ kẽm nên cần phải bổ sung đủ lượng kẽm mỗi ngày. Nhu cầu kẽm hàng ngày ở nam giới trên 19 tuổi là 11 miligam (mg), còn ở phụ nữ là 8 mg. (3)
Một số loại thực phẩm có hàm lượng kẽm lớn gồm có:
- Hàu
- Các loại thịt đỏ như bò, thịt lợn
- Cua
- Các loại đậu
- Thịt gà
- Các sản phẩm từ sữa như sữa chua
- Các loại quả hạch như óc chó, hạt điều
Ngoài ra cũng có thể dùng viên uống kẽm nhưng việc bổ sung kẽm quá liều sẽ gây hại. Ở nam giới trưởng thành, tình trạng thừa kẽm sẽ xảy ra khi bổ sung quá 40 miligam/ngày. Các triệu chứng thừa kẽm gồm có:
- Buồn nôn
- Đau đầu
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
- Đau quặn bụng
Tình trạng thiếu kẽm hiện nay đã không còn phổ biến nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Những người có nguy cơ bị thiếu hụt kẽm gồm có người bị bệnh tiêu hóa, người theo chế độ ăn thuần chay, người nghiện rượu, những người bị thiếu máu hồng cầu hình liềm và người lớn tuổi.
Có nên bổ sung kẽm để điều trị suy giảm testosterone không?
Nếu nghi ngờ mình bị suy giảm testosterone thì không nên tự ý uống bổ sung kẽm mà trước tiên hãy đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác. Rất có thể nguyên nhân là do một bệnh lý tiềm ẩn cần điều trị chứ không phải do thiếu kẽm.