Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Và các nghiên cứu gần đây còn mới phát hiện ra rằng tình trạng thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến tăng cân.
Thiếu vitamin B12 có thể gây tăng cân
Vitamin B12, còn được gọi là cobalamin, là một loại vitamin tan trong nước, tham gia vào nhiều quá trình quan trọng khác nhau trong cơ thể.
Ví dụ, cơ thể sử dụng vitamin B12 để tạo ra DNA và sản xuất hồng cầu mới. Vitamin này còn cần thiết cho quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Vitamin B12 thậm chí còn tác động đến tâm trạng, trí nhớ và là chất dinh dưỡng giúp não và hệ thần kinh hoạt động một cách bình thường.
Do đó, sự thiếu hụt vitamin B12 có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Và các nghiên cứu gần đây còn mới phát hiện ra rằng tình trạng thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến tăng cân.
Các triệu chứng thiếu vitamin B12
Để hấp thụ vitamin B12 một cách hiệu quả, cơ thể chúng ta cần có dạ dày và ruột còn nguyên vẹn, tuyến tụy hoạt động tốt và đủ lượng yếu tố nội tại (IF) – một loại protein liên kết với vitamin B12 trong dạ dày.
Phụ nữ trưởng thành cần 2,4 mcg vitamin B12 mỗi ngày. Nhu cầu sẽ tăng lên 2,8 mcg mỗi ngày trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Nhu cầu vitamin B12 của nam giới trưởng thành là 2,6 mcg mỗi ngày. (1)
Lượng vitamin B12 dư thừa được dự trữ trong gan và chỉ một lượng nhỏ bị đào thải qua nước tiểu, mồ hôi hoặc phân mỗi ngày. Do những điều này và do cơ thể chỉ cần một lượng vitamin B12 rất nhỏ hàng ngày nên thường phải sau ít nhất một năm thường xuyên không tiêu thụ đủ vitamin B12 thì tình trạng thiếu hụt mới xảy ra. Tuy nhiên, một khi xảy ra và không được khắc phục thì sự thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.
Các dấu hiệu, triệu chứng thường gặp khi bị thiếu vitamin B12 gồm có:
- Mệt mỏi, uể oải
- Khó thở
- Tim đập nhanh
- Châm chích hoặc tê bì ở các chi
- Khả năng cân bằng kém
- Giảm khả năng tập trung
- Trí nhớ kém
- Mất phương hướng
- Thay đổi tính tình
- Dễ cáu gắt
- Mất ngủ
Những người dễ bị thiếu hụt vitamin B12 nhất gồm có người cao tuổi, người ăn chay, những người hút thuốc lá và người uống nhiều rượu.
Từng phẫu thuật đường ruột, suy tụy, tình trạng vi khuẩn ruột non phát triển quá mức (SIBO), nhiễm ký sinh trùng và một số bệnh tự miễn cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu vitamin B12.
Một số loại thuốc, ví dụ như metformin (thuốc trị tiểu đường tuýp 2), thuốc ức chế bơm proton và thuốc kháng axit có thể làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B12 từ thực phẩm và cũng có thể dẫn đến thiếu hụt.
Tóm tắt: Sự thiếu hụt vitamin B12 có nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau. Những người có nguy cơ bị thiếu vitamin B12 cao nhất gồm có người lớn tuổi, người ăn chay, người mắc một số bệnh lý hoặc đang dùng một số loại thuốc nhất định.
Thiếu hụt vitamin B12 và cân nặng
Mặc dù vitamin B12 tham gia vào nhiều quá trình trong cơ thể nhưng mới có rất ít bằng chứng cho thấy vitamin này có ảnh hưởng đến cân nặng (tăng cân hoặc giảm cân).
Hầu hết các bằng chứng cho thấy mối liên hệ này đều đến từ một vài nghiên cứu quan sát.
Ví dụ, theo một nghiên cứu thì những người thừa cân hoặc béo phì có lượng vitamin B12 trong cơ thể thấp hơn so với những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trong phạm vi “bình thường”. (2)
Một nghiên cứu khác đã quan sát thấy rằng những người uống bổ sung vitamin B12 đã tăng ít hơn từ 1,2 – 7,7 kg trong 10 năm so với những người không uống vitamin B12. (3)
Tuy nhiên, các nghiên cứu quan sát này đều không thể chứng minh liệu rằng thiếu vitamin B12 có phải là nguyên nhân gây tăng cân hay không.
Trên thực tế, một trong những biểu hiện của tình trạng thiếu vitamin B12 là chán ăn và điều này sẽ dẫn đến sụt cân thay vì tăng cân.
Tóm lại, các bằng chứng cho đến thời điểm hiện tại đều chưa đủ để chứng minh sự thiếu hụt vitamin B12 có tác động đáng kể đến cân nặng.
Tóm tắt: Mới có rất ít nghiên cứu cho thấy rằng tình trạng thiếu vitamin B12 gây tăng cân. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi có thể đưa ra kết luận chính xác.
Các cách bổ sung vitamin B12
Vitamin B12 chỉ có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật hoặc các loại thực phẩm chế biến sẵn có bổ sung vitamin, chẳng hạn như:
- Thịt và nội tạng, đặc biệt là các loại thịt đỏ như thịt bò và gan, cật
- Cá và hải sản, đặc biệt là nghêu, cá mòi, cá ngừ, cá hồ…
- Sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai và sữa chua
- Trứng, đặc biệt là lòng đỏ
- Các loại thực phẩm chế biến sẵn có bổ sung vitamin, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng, men dinh dưỡng và sữa hạt
Một cách để đáp ứng nhu cầu vitamin B12 hàng ngày của cơ thể khi chế độ ăn uống không cung cấp đủ là dùng viên uống bổ sung.
Các sản phẩm này đặc biệt có ích cho những người mà cơ thể không sản sinh đủ yếu tố nội tại (IF) – một loại protein giúp hấp thụ vitamin B12 dễ dàng hơn.
Ngoài ra, việc uống vitamin B12 còn cần thiết cho những nhóm đối tượng khác cũng có nguy cơ cao bị thiếu hụt vitamin B12.
Tóm tắt: Vitamin B12 có trong các loại thực phẩm tự nhiên có nguồn gốc động vật và các sản phẩm được bổ sung vitamin. Những người ăn ít hoặc không ăn các loại thực phẩm này và người có khả năng hấp thụ vitamin B12 kém có thể sẽ cần dùng viên uống bổ sung để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
Tóm tắt bài viết
Vitamin B12 là một loại vitamin tan trong nước mà cơ thể sử dụng cho nhiều quá trình khác nhau, gồm có sản sinh năng lượng và duy trì chức năng não bộ, hệ thần kinh.
Các cách để cung cấp vitamin B12 cho cơ thể là ăn nhiều thực phẩm tự nhiên có nguồn gốc động vật, thực phẩm chế biến sẵn được bổ sung vitamin B12 hoặc dùng viên uống bổ sung.
Những người bị thiếu vitamin B12 sẽ gặp phải nhiều vấn đề khác nhau nhưng tình trạng này không gây tăng cân.
Nếu đang bị tăng cân mà không rõ nguyên nhân thì nên đi khám để được chẩn đoán chính xác vấn đề. Tăng cân bất thường có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.