Vitamin E là một chất dinh dưỡng có nhiều vai trò quan trọng, ví dụ như chống oxy hóa, cải thiện sức khỏe não bộ, tim mạch, thị lực và da. Thiếu hụt vitamin E có thể gây ra nhiều vấn đề như đi lại, vận động khó khăn, suy giảm thị lực, sức đề kháng kém, dễ ốm và thiếu máu tán huyết.
Thiếu vitamin E: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục
Tại sao vitamin E lại quan trọng?
Vitamin E là một loại vitamin tan trong chất béo. Đây là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với thị lực, chức năng sinh sản, sức khỏe tim mạch, não bộ và làn da. Vitamin E còn có đặc tính chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa là những chất có khả năng bảo vệ tế bào trong cơ thể khỏi tác động của gốc tự do – các phân tử không ổn định được tạo ra khi cơ thể phân hủy thức ăn hoặc tiếp xúc với các chất độc hại, ví dụ như khói thuốc và bức xạ. Gốc tự do góp phần gây ra nhiều bệnh tật, ví dụ như bệnh tim mạch và ung thư.
Vitamin E có tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm và còn được thêm vào một số sản phẩm chế biến sẵn. Do đó, thiếu hụt vitamin E là vấn đề hiếm khi xảy ra ở người khỏe mạnh.
Các dấu hiệu thiếu vitamin E
Hãy đi khám nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi là do thiếu hụt vitamin E và đang mắc các bệnh ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất béo của cơ thể. Vì vitamin E tan trong chất béo nên hệ tiêu hóa cần có chất béo để hấp thụ vitamin E một cách hiệu quả.
Một số dấu hiệu thường gặp khi bị thiếu vitamin E gồm có:
- Yếu cơ: Vitamin E rất cần thiết cho hệ thần kinh trung ương. Đây là một trong những chất chống oxy hóa chính của cơ thể và sự thiếu hụt vitamin E có thể gây stress oxy hóa, dẫn đến yếu cơ.
- Khó khăn trong phối hợp các chi và đi lại: Sự thiếu hụt vitamin E có thể khiến tế bào thần kinh Purkinje bị hỏng và mất khả năng truyền tín hiệu. Điều này gây khó khăn cho việc cử động, đi lại. Đây là dấu hiệu khi bị thiếu hụt vitamin E nghiêm trọng.
- Tê và châm chích: Các dây thần kinh bị tổn hại sẽ không thể truyền tín hiệu một cách chính xác, dẫn đến những cảm giác bất thường như tê và châm chích, được gọi chung là bệnh thần kinh ngoại biên.
- Suy giảm thị lực: Thiếu vitamin E có thể làm suy yếu các thụ thể ánh sáng trong võng mạc và các tế bào khác trong mắt. Điều này khiến cho thị lực giảm dần theo thời gian.
- Sức đề kháng yếu: Một số nghiên cứu cho thấy rằng tình trạng thiếu vitamin E có thể ức chế các tế bào miễn dịch và làm suy giảm khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể.
Ngoài ra, thiếu vitamin E còn có thể gây thiếu máu tán huyết – một dạng thiếu máu, trong đó các hồng cầu bị vỡ. Trẻ sinh non thiếu vitamin E có nguy cơ cao mắc phải chứng rối loạn nghiêm trọng này.
Khi đi khám, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng này là do thiếu vitamin E hay do một bệnh lý tiềm ẩn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hiện nay, thiếu vitamin E là vấn đề tương đối hiếm gặp và chỉ chủ yếu xảy ra ở những người đang mắc một số bệnh lý nhất định. Những bệnh này khiến cơ thể không thể hấp thụ chất béo cũng như là các chất dinh dưỡng tan trong chất béo, ví dụ như vitamin E.
Các bệnh có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin E gồm có:
- Viêm tụy mạn
- Ứ mật
- Bệnh xơ nang
- Xơ gan mật tiên phát
- Bệnh Crohn
- Hội chứng ruột ngắn
Trong một số trường hợp, thiếu hụt vitamin E là kết quả của một bệnh di truyền hiếm gặp gọi là mất điều hòa (ataxia). Bệnh này ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh và làm giảm khả năng kiểm soát, phối hợp hoạt động của các cơ. Bệnh này thường xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 15.
Tình trạng thiếu hụt vitamin E cũng thường xảy ra ở trẻ sinh non có cân nặng khi sinh thấp. Lý do là bởi đường tiêu hóa chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho sự hấp thụ chất béo và vitamin E.
Cách khắc phục thiếu hụt vitamin E
Mặc dù có thể tăng lượng vitamin E cho cơ thể bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống nhưng đôi khi bác sĩ sẽ chỉ định uống bổ sung, thậm chí là phải dùng liều cao để khắc phục tình trạng thiếu hụt.
Thực phẩm
Vitamin E có trong nhiều loại thực phẩm:
- Các loại hạt và quả hạch, chẳng hạn như hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ, hạt hướng dương, đậu phộng…
- Các loại ngũ cốc
- Dầu thực vật như dầu ô-liu, dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu đậu nành
- Các loại rau xanh
- Bí ngô
- Ớt chuông
- Trứng
- Quả kiwi
- Xoài
Viên uống bổ sung
Mặc dù dùng viên uống bổ sung là một cách phổ biến để tăng lượng vitamin và khoáng chất cho cơ thể nhưng nên thận trọng khi bổ sung vitamin E bằng cách này.
Chỉ nên dùng viên uống bổ sung vitamin E sau khi được chẩn đoán bị thiếu hụt và phải tuân thủ liều lượng mà bác sĩ đưa ra. Các sản phẩm bổ sung vitamin E có thể gây ra tác dụng phụ nên nếu không bị thiếu hụt thì chỉ nên cung cấp vitamin E cho cơ thể từ thực phẩm.
Uống bổ sung quá nhiều vitamin E có thể gây ra các vấn đề như:
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Đau quặn bụng
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Nhìn mờ
- Phát ban
- Rối loạn chức năng sinh dục
- Tăng nồng độ creatine trong nước tiểu (creatin niệu)
Sử dụng liều càng lớn thì nguy cơ xảy ra tác dụng phụ càng cao. Ngoài ra, có ý kiến lo ngại rằng những người có sức khỏe yếu nếu uống vitamin E liều cao sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn.
Ngoài ra, vitamin E còn có thể ảnh hưởng đến một số bệnh lý. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy rằng việc uống bổ sung vitamin E có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và nguy cơ tử vong ở những người có tiền sử bệnh tim nặng, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Những người đang có các vấn đề, bệnh lý dưới đây cần thông báo với bác sĩ trước khi bổ sung vitamin E:
- Thiếu vitamin K
- Viêm võng mạc sắc tố (một bệnh về mắt trong đó võng mạc bị tổn thương)
- Rối loạn đông máu
- Bệnh tiểu đường
- Tiền sử bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trước đây
- Ung thư đầu cổ
- Bệnh gan
Việc bổ sung vitamin E có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nên nếu sắp tới cần phẫu thuật thì hãy ngừng uống vitamin E trước 2 tuần.
Vitamin E có thể tương tác với một số loại thuốc, ví dụ như:
- Thuốc alkyl hóa và kháng sinh chống ung thư: vitamin liều cao E có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc hóa trị này.
- Thuốc chống đông máu và thuốc kháng tiểu cầu: uống vitamin E trong thời gian dùng các loại thuốc này sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc và làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Chất nền cytochrome P450 3A4 (CYP3A4): thận trọng khi uống vitamin E cùng với các loại thuốc chịu sự tác động của các enzyme này, chẳng hạn như omeprazole.
- Statin và niacin: uống vitamin E trong thời gian dùng statin hoặc niacin (các loại thuốc hạ cholesterol) có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
- Vitamin K: bổ sung vitamin E cùng với vitamin K có thể làm giảm tác dụng của vitamin K.
Một số loại viên uống bổ sung chỉ chứa một dạng vitamin E duy nhất trong khi cơ thể lại cần nhiều dạng khác nhau. Do đó, vẫn nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Nhiều sản phẩm viên uống bổ sung có chứa liều lượng vitamin E cao hơn so với mức cần thiết nên phải hết sức chú ý khi chọn mua.
Cần bao nhiêu vitamin E mỗi ngày?
Người lớn và trẻ em từ 14 tuổi trở lên cần 15 miligram (mg) vitamin E mỗi ngày.
Trẻ dưới 14 tuổi cần ít vitamin E hơn:
- Từ 1 đến 3 tuổi: 6 mg/ngày
- Từ 4 đến 8 tuổi: 7 mg/ngày
- Từ 9 đến 13 tuổi: 11 mg/ngày
Nhu cầu vitamin E hàng ngày của phụ nữ đang cho con bú là 19 mg.
Chỉ cần ăn một vài loại thực phẩm giàu vitamin E mỗi ngày là đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Tóm tắt bài viết
Vitamin E là một chất dinh dưỡng có nhiều vai trò quan trọng, ví dụ như chống oxy hóa, cải thiện sức khỏe não bộ, tim mạch, thị lực và da. Thiếu hụt vitamin E có thể gây ra nhiều vấn đề như đi lại, vận động khó khăn, suy giảm thị lực, sức đề kháng kém, dễ ốm và thiếu máu tán huyết. Tùy vào mức độ thiếu hụt mà có thể khắc phục bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin E hoặc dùng viên uống bổ sung. Nếu không được điều trị, tình trạng thiếu hụt vitamin E sẽ ngày càng trở nên trầm trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.