Thuốc trị mỡ máu statin có thể tác động đến lượng vitamin D trong cơ thể
Statin là một nhóm thuốc được sử dụng cho những người có nồng độ cholesterol cao. Nhóm thuốc này tác động đến quá trình tạo ra cholesterol trong gan và từ đó giúp duy trì nồng độ LDL cholesterol (cholesterol xấu) ở mức khỏe mạnh.
Statin an toàn với hầu hết mọi người nhưng đôi khi có xảy ra tác dụng phụ, ví dụ như:
- Đau nhức và yếu cơ, có thể rất nghiêm trọng
- Gây hại đến gan, dẫn đến tăng men gan
- Tăng mức đường huyết hoặc tăng nguy cơ tiểu đường
Trong đó, đau nhức và yếu cơ là tác dụng phụ thường gặp nhất.
Những người có nguy cơ cao gặp phải tác dụng phụ khi dùng statin gồm có:
- Phụ nữ
- Người trên 70 tuổi
- Những người uống nhiều rượu
- Những người mắc bệnh tiểu đường
Tác dụng của vitamin D
Vitamin D có nhiều tác dụng khác nhau đối với sức khỏe.
Giảm nồng độ cholesterol
Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin D có thể giúp giảm mức cholesterol.
Trong một nghiên cứu vào năm2014, những phụ nữ đã mãn kinh được chia làm hai nhóm, một nhóm được cho dùng giả dược trong khi nhóm còn lại dùng viên uống bổ sung canxi và vitamin D3. (1)
Những phụ nữ dùng viên uống bổ sung có mức LDL cholesterol thấp hơn và nồng độ 25-hydroxyvitamin D3 (25OHD3) trong máu cao hơn so với nhóm dùng giả dược. 25-hydroxyvitamin D3 là một dạng vitamin D giúp làm tăng mức HDL cholesterol (cholesterol tốt) và giảm mức LDL cholesterol.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy những lợi ích của vitamin D trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch.
Theo một đánh giá tài liệu vào năm 2015, nồng độ vitamin D trong máu thấp làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch. Mặt khác, nồng độ vitamin D cao đem lại những lợi ích như giảm nồng độ triglyceride (một dạng chất béo) trong máu. (2)
Bảo vệ sức khỏe của xương
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và điều này giữ cho xương chắc khỏe. Vitamin D còn hỗ trợ sự chuyển động của các cơ và đóng vai trò quan trọng đối với chức năng não bộ.
Khi bị thiếu hụt vitamin D, xương sẽ trở nên giòn và tăng nguy cơ loãng xương trong tương lai.
Các tác dụng khác
Một số nghiên cứu còn cho thấy sự thiếu hụt vitamin D có thể gây tăng huyết áp, tiểu đường và xơ vữa động mạch.
Nghiên cứu khoa học về mối liên hệ giữa statin và vitamin D
Tác động của statin đến nồng độ vitamin D trong cơ thể
Các tác giả của một nghiên cứu vào năm 2011 đã chỉ ra rằng rosuvastatin (một loại thuốc trong nhóm statin) có thể làm tăng nồng độ 25OHD3 trong máu. Tuy nhiên, không phải nghiên cứu nào cũng cho thấy điều này. Trên thực tế đã có nghiên cứu khác chứng minh rosuvastatin chỉ ảnh hưởng rất ít đến nồng độ vitamin D. (3)
Một nghiên cứu lớn vào năm 2020 đã đánh giá tác động của statin đến lượng vitamin D trong cơ thể ở người lớn tuổi (với độ tuổi trung bình là 69.5 tuổi). Theo đó, những người dùng statin (bao gồm cả rosuvastatin) có nồng độ 25OHD3 và 25OHD trong máu cao hơn đáng kể so với những người không dùng statin. Chỉ số 25OHD cho biết nồng độ vitamin D tổng thể, bao gồm cả vitamin D2 và vitamin D3. (4)
Phân tích sâu hơn cho thấy rằng mức 25OHD của những người sử dụng statin và những người không sử dụng statin chỉ có sự khác biệt không đáng kể khi bổ sung ít nhất 400 IU vitamin D một ngày. Còn khi tiêu thụ dưới 400 IU vitamin D thì những người dùng statin có mức tăng 25OHD cao hơn so với người không dùng statin.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng nồng độ vitamin D trong cơ thể có thể thay đổi vì những yếu tố hoàn toàn không liên quan đến việc dùng thuốc statin. Ví dụ, nồng độ vitamin D có thể tăng hoặc giảm theo mức độ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Tác động của vitamin D đến thuốc statin
Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2016 đã kết luận rằng những người có mức vitamin D thấp có nguy cơ cao gặp phải các tác dụng phụ liên quan đến cơ khi dùng statin. Việc bổ sung vitamin D giúp làm tăng khả năng dung nạp statin. (5)
Một nghiên cứu vào năm 2017 đã đánh giá việc sử dụng statin ở những người nhiễm HIV và cũng kết luận rằng sự thiếu hụt vitamin D làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ liên quan đến cơ. (6)
Một nghiên cứu khác cũng được thực hiện ở những người nhiễm HIV cho thấy tình trạng thiếu hụt vitamin D làm giảm hiệu quả của rosuvastatin. (7)
Những ai có nguy cơ thiếu hụt vitamin D?
Bất cứ ai cũng có thể bị thiếu hụt vitamin D nhưng những người có nguy cơ cao hơn gồm có:
- Người trên 65 tuổi do càng về già thì khả năng sản xuất vitamin D của da càng kém
- Người có da tối màu do lượng sắc tố melanin cao gây cản trở quá trình tổng hợp vitamin D trong da
- Ít ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc luôn bôi kem chống nắng, mặc quần áo dài khi ra ngoài
- Đang mắc các bệnh về tiêu hóa như bệnh Crohn hoặc bệnh celiac. Các bệnh này làm giảm khả năng xử lý chất béo của cơ thể trong khi cơ thể lại cần chất béo để hấp thụ vitamin D.
Làm thế nào để tăng lượng vitamin D?
Trước tiên nên làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ vitamin D. Nếu như nồng độ vitamin D trong máu quá thấp thì sẽ cần bổ sung. Trong quá trình bổ sung cũng nên xét nghiệm lại để theo dõi.
Cách đơn giản và hiệu quả nhất để tăng lượng vitamin D cho cơ thể là để da tiếp xúc trực tiếp với nắng nhiều hơn. Tuy nhiên, không nên ra ngoài trời vào thời điểm nắng gắt trong ngày để tránh bị say nắng, cháy nắng và ung thư da. Thời điểm lý tưởng nhất để tắm nắng là từ 9 – 10 giờ sáng hoặc 3 – 4 giờ chiều. Mỗi lần chỉ cần 10 – 15 phút là đủ nhưng không nên bôi kem chống nắng (nếu cần thì chỉ bôi cho mặt) và để lộ càng nhiều da càng tốt. Những người có da tối màu sẽ cần phải tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài hơn để tạo ra đủ lượng vitamin D.
Nếu không thể ra ngoài nhiều thì có thể tăng cường vitamin D qua chế độ ăn uống với các loại thực phẩm giàu vitamin D như cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích,…), gan, dầu gan cá tuyết, lòng đỏ trứng, các loại sữa có bổ sung vitamin D,…
Còn nếu ít khi ra ngoài và chế độ ăn uống lại không cung cấp đủ vitamin D thì sẽ cần dùng các sản phẩm bổ sung vitamin D.