Kết quả của một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy rằng uống 1.800 miligram (mg) EPA kết hợp với liều 4mg statin mỗi ngày giúp làm giảm đáng kể mảng xơ vữa do tích tụ cholesterol trong động mạch, hiệu quả cao hơn so với khi chỉ dùng statin.
Uống omega-3 có thể giúp tăng hiệu quả của statin
Statin là gì?
Statin là loại thuốc có tác dụng can thiệp vào quá trình sản xuất cholesterol trong gan. Loại thuốc này giúp làm giảm nồng độ cholesterol lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL cholesterol) và triglyceride, ngoài ra còn có đặc tính chống viêm.
LDL là một loại cholesterol gây hại do có thể tạo thành mảng xơ vữa trên thành bên trong động mạch. Các mảng xơ vữa này có thể bị bong ra và gây hình thành cục máu đông. Cục máu đông cản trở sự lưu thông máu đến não và dẫn đến đột quỵ. Nếu cục máu đông chặn sự lưu thông máu đến tim thì sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Không phải loại cholesterol đều gây hại. Cơ thể chúng ta cần một lượng cholesterol nhất định để sản xuất các hormone quan trọng và tiêu hóa thức ăn. Cholesterol lipoprotein tỉ trọng cao (HDL cholesterol) được gọi là cholesterol tốt vì giúp loại bỏ một phần LDL cholesterol trong máu. Nồng độ LDL cholesterol quá cao có thể gây tắc nghẽn động mạch. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch.
Có nhiều loại thuốc statin khác nhau. Giống như tất cả các loại thuốc khác, hiệu quả của statin ở mỗi người là không giống nhau. Nếu dùng loại thuốc không hiệu quả thì sẽ không thể kiểm soát được mức cholesterol và cần đổi sang một loại khác hiệu quả hơn.
Để xác định loại thuốc và liều lượng phù hợp thì sẽ cần phải thử qua nhiều loại. Đa số mọi người khi dùng statin thường bắt đầu với liều lượng được khuyến nghị và nếu gặp tác dụng phụ thì sẽ giảm liều hoặc đổi sang một loại khác.
Axit béo omega-3 là gì?
Omega-3 là một nhóm axit béo thiết yếu, có nghĩa là cơ thể rất cần omega-3 nhưng lại không thể tự sản xuất mà phải lấy từ chế độ ăn uống. Nghiên cứu cho thấy rằng thường xuyên ăn thực phẩm giàu axit béo omega-3 giúp cải thiện mức cholesterol, giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim và tăng cường sức khỏe tim mạch. (1)
Có nhiều loại omega-3 và hai loại chính là axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). Theo khuyến nghị, người lớn cần tối thiểu 0,25 gram EPA và DHA hàng ngày và không quá 2 gram nếu không có chỉ định của bác sĩ do bổ sung quá nhiều omega-3 có thể gây loãng máu. Axit alpha-linolenic (ALA) cũng là một loại omega-3 chính trong chế độ ăn uống. ALA có trong một số loại dầu thực vật, quả hạch và hạt chứa. ALA có thể được chuyển hóa thành EPA và DHA trong cơ thể. Theo Văn phòng Quản lý Thực phẩm chức năng Hoa Kỳ, lượng ALA khuyến nghị hàng ngày đối với phụ nữ trưởng thành không mang thai là 1,1 gram và đối với nam giới là 1,6 gram. (2)
Omega-3 giúp tăng hiệu quả của statin
Statin là loại thuốc đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch. Axit béo omega-3 cũng mang lại các lợi ích tương tự.
Kết quả của một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy rằng uống 1.800 miligram (mg) EPA kết hợp với liều 4mg statin mỗi ngày giúp làm giảm đáng kể mảng xơ vữa do tích tụ cholesterol trong động mạch, hiệu quả cao hơn so với khi chỉ dùng statin. (3)
Phương pháp điều trị kết hợp axit béo omega-3 và statin này có lợi cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm về tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch của omega-3 và statin.
Những ai cần dùng statin?
Statin là thuốc kê đơn. Dựa trên tình trạng bện cụ thể mà bác sĩ sẽ quyết định người bệnh có nên điều trị bằng statin hay không cũng như là loại và liều lượng phù hợp.
Statin thường được dùng cho những người có nồng độ LDL cholesterol ở mức trung bình đến cao hoặc có các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch khác, chẳng hạn như:
- Có tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc vấn đề tim mạch khác
- Mắc bệnh tiểu đường
- Cholesterole trong máu cao
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị sử dụng statin cho những người:
- Có nồng độ LDL cholesterol trong khoảng 70 – 189 mg/dL và bị bệnh tiểu đường.
- Nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trong vòng 10 năm tới là 7,5% hoặc cao hơn.
- Người lớn có nồng độ LDL cholesterol là 190mg/dL
- Cao huyết áp, béo phì và hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bất kể nồng độ cholesterol cao hay thấp.
Cách bổ sung omega-3
Một cách rất phổ biến để bổ sung axit béo omega-3 cho cơ thể là dùng thực phẩm chức năng, chẳng hạn như dầu cá hay dầu tảo. Loại axit béo này còn có nhiều trong một số loại thực phẩm tự nhiên như:
- Các loại cá béo nước lạnh như cá hồi và cá ngừ
- Quả hạch như óc chó
- Các loại hạt như hạt chia, hạt lanh
- Dầu thực vật
- Rau xanh
Omega-3 còn được thêm vào một số sản phẩm sữa
Ăn cá hai lần mỗi tuần hoặc thường xuyên ăn các loại thực phẩm giàu omega-3 như hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, rau xanh và trứng sẽ cung cấp đủ lượng omega-3 cần thiết cho cơ thể.
Nếu chế độ ăn uống không đáp ứng đủ lượng omega-3 thì nên cân nhắc dùng thực phẩm chức năng để bổ sung.
Khi nào nên đi khám?
Nên khám sức khỏe định kỳ và làm xét nghiệm đo nồng độ cholesterol trong máu. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ LDL cholesterol ở mức cao thì có thể bác sĩ sẽ kê statin để kiểm soát mức cholesterol.
Nếu hiện đang dùng statin và gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào, chẳng hạn như cứng cơ, đau đầu hoặc chóng mặt thì cần thông báo ngay cho bác sĩ. Có thể sẽ cần thay đổi loại hoặc liều lượng thuốc để khắc phục vấn đề. Việc xét nghiệm máu định kỳ cũng sẽ cho biết loại thuốc đang dùng có hiệu quả hay không.
Khi đi khám nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Nếu có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ tư vấn các cách để cải thiện sức khỏe tim mạch và làm giảm nguy cơ.