Đậu nành là một loại thực phẩm lành mạnh nhưng lại có ý kiến lo ngại rằng tiêu thụ nhiều thực phẩm làm từ đậu nành như đậu phụ hay sữa đậu nành sẽ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ. Một trong những lo ngại lớn nhất về đậu nành là nguy cư ung thư vú.
Uống sữa đậu nành có gây ung thư không?
Đậu nành được sử dụng làm nhiều loại thực phẩm khác nhau như đậu phụ, sữa đậu nành, tempeh, miso, sữa chua đậu nành, phô mai đậu nành, váng đậu,… Đậu nành còn được dùng làm một số loại đồ ăn chay giả thịt. Đậu nành là nguồn cung cấp protein thực vật dồi dào và đặc biệt lý tưởng cho những người theo chế độ ăn thuần chay.
Đậu nành có chứa isoflavone – một nhóm estrogen có nguồn gốc từ thực vật (phytoestrogen). Có hai loại isoflavone là genistein và daidzein. Isoflavone hoạt động giống như hormone estrogen trong cơ thể.
Estrogen là một loại hormone quan trọng đối với sự phát triển và duy trì các đặc điểm giới tính nữ cũng như chức năng sinh sản nhưng cũng có liên quan đến một số bệnh lý, chẳng hạn như ung thư vú. Đậu nành có chứa phytoestrogen và điều này khiến nhiều người lo ngại rằng ăn đậu nành sẽ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Ăn đậu nành có gây ung thư không?
Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa việc ăn đậu nành với sự gia tăng nguy cơ ung thư vú và các bệnh ung thư khác đều được thực hiện trên động vật thí nghiệm. Cơ thể con người chuyển hóa đậu nành theo một cách khác với loài gặm nhấm nên những phát hiện này có thể không đúng với con người, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS). (1)
Hơn nữa, các nghiên cứu đánh giá tác động của đậu nành đến sức khỏe con người không cho thấy khả năng gây hại.
Theo ACS, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ mối liên hệ giữa đậu nành và bệnh ung thư. Theo như những kết quả thu được hiện tại, đậu nành không làm tăng nguy cơ ung thư.
Thậm chí, một số nghiên cứu còn cho thấy đậu nành giúp làm giảm nguy cơ ung thư.
Một nghiên cứu được thực hiện ở Nhật Bản cho thấy rằng sự thay đổi mức hormone ở những nam giới ăn các sản phẩm làm từ đậu nành hàng ngày có thể giúp phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt. (2) Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy ăn đậu nành kết hợp với men vi sinh có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú ở chuột.
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đậu nành làm tăng hoặc giảm nguy cơ ung thư.
Thận trọng khi ăn đậu nành
Nhiều nghiên cứu đã đánh giá tác động của đậu nành đến sức khỏe tuyến giáp. Theo kết quả các nghiên cứu đến nay, đậu nành không gây ra bệnh tuyến giáp.
Tuy nhiên, những người đang dùng thuốc điều trị bệnh suy giáp nên hạn chế ăn đậu nành vì đậu nành có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Người bệnh nên tránh ăn đậu nành ít nhất 4 giờ sau khi uống thuốc. (3)
Lợi ích của đậu nành
Thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ xảy ra khi mức estrogen sụt giảm.
Vì isoflavone trong đậu nành hoạt động tương tự như estrogen trong cơ thể nên các hợp chất này được cho là có thể giúp làm giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, điều này là không có cơ sở.
Bằng chứng ban đầu cho thấy đậu nành thậm chí có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mặc dù tuyên bố này có phần hơi “phóng đại” nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thay các nguồn protein động vật bằng đậu nành có thể làm giảm mức LDL cholesterol hay cholesterol xấu.
Cuối cùng, một nghiên cứu vào năm 2017 đã chỉ ra rằng đậu nành có thể giúp ngăn ngừa và thậm chí cải thiện tình trạng loãng xương và nhờ đó giảm nguy cơ gãy xương.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng ăn đậu nành mang lại lợi ích cho phụ nữ sau mãn kinh và những người có mật độ xương thấp.