Duy trì chế độ ăn uống cân bằng là một trong những điều rất cần thiết để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể và có sức khỏe tốt. Việc bổ sung đủ dưỡng chất lại càng quan trọng hơn nữa trong thời gian mang thai, đặc biệt là 8 vitamin nhóm B. Các vitamin này có vai trò hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh.
Vai trò của vitamin B trong thời kỳ mang thai
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vitamin B giúp giữ cho cơ thể người mẹ khỏe mạnh và đảm bảo sự tăng trưởng, phát triển bình thường của thai nhi. Các vitamin này tham gia vào quá trình chuyển thức ăn thành năng lượng, giúp cho cơ thể khỏe khoắn và giảm cảm giác mệt mỏi cho người mẹ, nhất là trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba.
Mỗi một loại vitamin B đều mang lại các lợi ích lớn cho cả mẹ và thai nhi đang phát triển trong bụng.
Dưới đây là vai trò, lợi ích của từng loại vitamin nhóm B trong thai kỳ.
Vitamin B1 (thiamine)
Vitamin B1 (thiamine) đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí não của thai nhi. Phụ nữ mang thai cần khoảng 1,4 mg vitamin B1 mỗi ngày. Một số loại thực phẩm giàu vitamin B1 gồm có:
- Thịt lợn
- Cá
- Các loại đậu
- Các loại hạt
- Ngũ cốc
- Hải sản
Vitamin B2 (riboflavin)
Giống như tất cả các vitamin nhóm B khác, vitamin B2 (riboflavin) cũng là chất dinh dưỡng tan trong nước, có nghĩa là không được dự trữ trong cơ thể. Do đó phải cung cấp đủ vitamin này cho cơ thể hàng ngày.
Vitamin B2 có lợi cho sức khỏe của mắt và làn da. Phụ nữ mang thai nên tiêu thụ khoảng 1,4 mg vitamin B2 mỗi ngày trong khi đó, phụ nữ không mang thai chỉ cần 1,1 mg. Các loại thực phẩm gìau vitamin B2 gồm có:
- Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai…
- Thịt gà
- Cá
- Rau xanh
- Trứng
- Nội tạng
- Cá hồi
Vitamin B3 (niacin)
Vitamin B3 (niacin) có vai trò cải thiện tiêu hóa và chuyển hóa chất dinh dưỡng. Các bác sĩ khuyến nghị phụ nữ mang thai nên tiêu thụ 18 mg vitamin B3 mỗi ngày.
Vitamin B5 (axit pantothenic)
Vitamin B5 (axit pantothenic) giúp tạo ra nội tiết tố và làm giảm tình trạng chuột rút ở chân. Phụ nữ mang thai cần khoảng 6 mg vitamin B5 mỗi ngày.
Vitamin B6 (pyridoxine)
Vitamin B6 (pyridoxine) đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của thai nhi. Vitamin này còn cần thiết cho quá trình sản xuất norepinephrine và serotonin – hai chất dẫn truyền thần kinh quan trọng. Vitamin B6 giúp giảm hiện tượng buồn nôn và nôn khi mang thai.
Loại vitamin B này thường được bác sĩ khuyên dùng để giảm ốm nghén trong thời kỳ đầu mang thai, liều lượng là từ 25 đến 50 mg/lần và có thể uống đến 3 lần một ngày. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên dùng quá mức liều lượng này.
Một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B6:
- Thịt lợn
- Thịt gia cầm
- Một số loại cá
- Đậu phộng
- Đậu nành
- Chuối
- Yến mạch
- Các loại quả hạch
- Các loại đậu
Vitamin B7 (biotin)
Theo khuyến nghị của Viện Hàn Lâm Y khoa Mỹ, phụ nữ mang thai nên tiêu thụ 30 mcg vitamin B7 (biotin) mỗi ngày và phụ nữ đang cho con bú cần 35 mcg. Phụ nữ mang thai thường dễ bị thiếu hụt vitamin B7 nên cần ăn nhiều các thực phẩm giàu vitamin này, ví dụ như:
- Gan
- Lòng đỏ trứng
- Đậu phộng
- Sữa
- Cá hồi
- Thịt lợn
- Nấm
- Bông cải xanh
- Một số loại quả như bơ, chuối…
Vitamin B9 (axit folic)
Vitamin B9 (folate hay axit folic) được coi là loại vitamin B quan trọng nhất trong thai kỳ. Các chuyên gia khuyến nghị phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên bổ sung 400 mcg vitamin B9 mỗi ngày cả trước và sau khi mang thai.
Nhu cầu vitamin B9 sẽ tăng cao trong thời gian mang thai. Loại vitamin B này giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi, ví dụ như nứt đốt sống và các dị tật ống thần kinh khác. Vitamin B cũng rất cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu.
Phụ nữ mang thai nên lựa chọn các loại vitamin tổng hợp dành cho bà bầu có chứa ít nhất 600 mcg axit folic và ăn các loại thực phẩm giàu folate để đáp ứng đủ nhu cầu vitamin. Một số loại thực phẩm giàu folate gồm có:
- Cam
- Bưởi
- Rau xanh
- Bông cải xanh
- Măng tây
- Các loại quả hạch
- Các loại đậu
- Ngũ cốc
- Gan
Vitamin B12 (cobalamin)
Vitamin B12 (cobalamin) là chất dinh dưỡng cần thiết đối với hệ thần kinh. Vitamin nhóm B này có trong một số loại thực phẩm như:
- Sữa
- Thịt bò
- Thịt gà
- Gan
- Cá
- Các loại động vật có vỏ như hàu,
- Trứng
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
Lượng cobalamin mà phụ nữ mang thai cần tiêu thụ là khoảng 2,6 mcg mỗi ngày.
Bổ sung vitamin B12 cùng với vitamin B9 (cả hai thường có trong các loại vitamin tổng hợp dành cho bà bầu) sẽ giúp ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống và các dị tật khác xảy ra ở cột sống cũng như là hệ thần kinh trung ương.
Tóm tắt bài viết
Tóm lại, các vitamin nhóm B có những lợi ích dưới đây trong thai kỳ:
- Vitamin B1 (thiamine): đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí não của trẻ
- Vitamin B2 (riboflavin): cần thiết cho sức khỏe mắt và làn da
- Vitamin B3 (niacin): cải thiện tiêu hóa, giảm ốm nghén
- Vitamin B5 (axit pantothenic): giúp tạo ra các hormone thai kỳ và giảm chuột rút chân
- Vitamin B6 (pyridoxine): đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của trẻ
- Vitamin B7 (biotin): phụ nữ mang thai dễ bị thiếu hụt loại vitamin B này nên cần tăng cường bổ sung
- Vitamin B9 (axit folic): giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh
- Vitamin B12 (cobalamin): cần thiết cho sự phát triển bình thường của cột sống và hệ thần kinh trung ương
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai chỉ cần dùng viên uống vitamin tổng hợp dành cho bà bầu là đủ để cung cấp lượng vitamin B cần thiết cho cơ thể và cho thai nhi, không nên uống thêm vitamin B trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó cũng cần thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh để bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, từ đó đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.