Vitamin C có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu nên sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh gút và giảm các cơn gút cấp. Vậy nhờ đâu mà vitamin C lại có tác dụng này? Và tại sao giảm nồng độ axit uric là giúp ích cho người mắc bệnh gút?
Vitamin C có thể hỗ trợ điều trị bệnh gút?
Vitamin C có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu nên sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh gút và giảm các cơn gút cấp. Vậy nhờ đâu mà vitamin C lại có tác dụng này? Và tại sao giảm nồng độ axit uric là giúp ích cho người mắc bệnh gút?
Bệnh gút là gì?
Bệnh gút là một loại dạng viêm khớp, xảy ra do tăng axit uric máu – tình trạng mà cơ thể có quá nhiều axit uric.
Axit uric được tạo ra khi cơ thể phân hủy purin – một chất có tự nhiên trong cơ thể và có trong cả các loại thực phẩm. Nồng độ axit uric trong máu quá cao sẽ dẫn đến sự hình thành các tinh thể muối urat (monosodium urate), tích tụ trong khớp và gây đau đớn.
Khi bị bệnh gút, sẽ có các giai đoạn triệu chứng bùng phát, được gọi là các cơn gút cấp và sau đó là giai đoạn hầu như không có triệu chứng,
Các cơn gút cấp thường xảy ra đột ngột và có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần.
Giai đoạn không có triệu chứng có thể kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm.
Hiện tại chưa có cách chữa khỏi bệnh gút nhưng có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và dùng thuốc.
Tại sao giảm axit uric trong máu lại giảm triệu chứng bệnh gút?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nguyên nhân gây bệnh gút là do cơ thể có quá nhiều axit uric và dẫn đến tích tụ tinh thể muối urat trong các khớp xương. Vì lý do này nên bất cứ điều gì làm giảm lượng axit uric trong cơ thể đều sẽ có tác động tích cực đến bệnh gút.
Vitamin C có tác động thế nào đến nồng độ axit uric?
Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin C có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu, nhờ đó làm giảm nguy cơ bị gút và tần suất xảy ra các cơn gút cấp ở những người đã mắc bệnh.
Một nghiên cứu trên gần 47.000 nam giới trong khoảng thời gian 20 năm cho thấy rằng những người uống bổ sung vitamin C có nguy cơ mắc bệnh gút thấp hơn 44%. (1)
Một nghiên cứu vào năm 2008 trên gần 1.400 nam giới đã chỉ ra rằng những người có chế độ ăn giàu vitamin C nhất có nồng độ axit uric trong máu thấp hơn đáng kể so với những người ăn ít nhất. (2)
Một bản phân tích tổng hợp gồm có 13 nghiên cứu khác nhau đã cho thấy rằng uống bổ sung vitamin C trong thời gian 30 ngày giúp làm giảm đáng kể axit uric trong máu. (3)
Chế độ ăn khi bị bệnh gút
Theo Viện nghiên cứu Quốc gia về Bệnh cơ xương khớp và Da liễu Hoa Kỳ (National Institute of Arthritis and Musculoskeletal and Skin Diseases), có thể giảm thiếu nguy cơ xảy ra các cơn gút cấp bằng cách hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều purin, chẳng hạn như:
- Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và thịt dê
- Các loại hải sản
- Nội tạng như tim, gan, cật
- Nước hầm xương
Bên cạnh việc tránh các loại thực phẩm có hàm lượng purin cao, người mắc bệnh gút nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, ví dụ như:
- Các loại rau xanh
- Dưa lưới
- Bông cải xanh
- Bông cải trắng
- Cam,quýt, bưởi
- Ổi
- Kiwi
- Ớt chuông
- Dâu tây
Xem thêm: Top 20 thực phẩm giàu vitamin C
Theo CDC, cà phê cũng có thể giúp làm làm giảm nguy cơ bùng phát triệu chứng bệnh gút nhưng nên uống cà phê đen và càng ít thêm đường càng tốt.
Người bị bệnh gút không nên uống bia rượu và những loại đồ uống chứa nhiều đường.
Tóm tắt bài viết
Tăng axit uric máu – tình trạng có quá nhiều axit uric trong cơ thể – là nguyên nhân gây ra bệnh gút.
Các nghiên cứu cho thấy rằng vitamin C có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu nên loại vitamin này sẽ có lợi cho những người mắc bệnh gút. Ngoài dùng thuốc, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống, gồm có giảm tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều purin và tăng lượng vitamin C để giảm tần suất xảy ra cơn gút cấp và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.