Bổ sung đủ lượng vitamin D và vitamin K là điều cần thiết để có sức khỏe tốt. Nhưng một số ý kiến cho rằng nếu thiếu vitamin K thì bổ sung vitamin D có thể gây hại. Điều này có đúng hay không?
Vitamin D có thể gây hại nếu không có vitamin K?
Vitamin D và vitamin K là gì?
Vitamin D và vitamin K là những vitamin tan trong chất béo.
Cả hai vitamin này đều có nhiều trong các loại thực phẩm giàu chất béo và sự hấp thụ vào máu sẽ được tăng cường khi tiêu thụ cùng với chất béo.
Thường được gọi là “vitamin ánh nắng”, vitamin D được cơ thể tự tổng hợp khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, vitamin D còn có nhiều trong các loại cá béo và dầu cá.
Một trong những chức năng chính của vitamin D là thúc đẩy sự hấp thụ canxi và duy trì nồng độ canxi ở mức khỏe mạnh trong máu. Sự thiếu hụt vitamin D có thể gây loãng xương.
Vitamin K có trong các loại rau xanh, các loại đậu và một số thực phẩm giàu chất béo, có nguồn gốc từ động vật, chẳng hạn như lòng đỏ trứng, gan và phô mai.
Vitamin K cần thiết cho quá trình đông máu và thúc đẩy sự tích tụ canxi trong xương, răng.
Tóm tắt: Vitamin D và vitamin K là những vitamin tan trong chất béo và đều có vai trò quan trọng trong cơ thể.
Vai trò của vitamin D và vitamin K
Vitamin D và vitamin K phối hợp cùng nhau trong quá trình chuyển hóa canxi. Cả hai đều đóng vai trò quan trọng.
Vai trò của vitamin D
Một trong những chức năng chính của vitamin D là duy trì đủ lượng canxi trong máu.
Vitamin D thực hiện điều này bằng cách:
- Cải thiện sự hấp thụ canxi: vitamin D giúp tăng cường sự hấp thụ canxi từ thực phẩm.
- Lấy canxi từ xương: khi cơ thể không được cung cấp đủ canxi, vitamin D sẽ duy trì nồng độ canxi trong máu bằng cách lấy từ nguồn cung cấp chính trong cơ thể, đó là xương.
Duy trì đủ lượng canxi trong máu là điều cần thiết. Mặc dù vai trò được biết đến nhiều nhất của canxi là giúp cho xương chắc khỏe nhưng khoáng chất này còn có nhiều chức năng quan trọng khác trong cơ thể.
Khi không có đủ canxi, cơ thể bắt buộc phải sử dụng canxi dự trữ trong xương và điều này có thể gây mất xương và loãng xương theo thời gian.
Vai trò của vitamin K
Như đã nói ở trên, vitamin D có vai trò duy trì nồng độ canxi trong máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Tuy nhiên, vitamin K mới là vitamin kiểm soát nơi mà canxi tích tụ.
Cụ thể, vitamin K:
- Thúc đẩy quá trình tích tụ canxi trong xương: vitamin K kích hoạt osteocalcin – một loại protein thúc đẩy sự tích tụ canxi trong xương và răng.
- Giảm vôi hóa mô mềm: vitamin K kích hoạt protein matrix GLA, ngăn canxi tích tụ trong các mô mềm, chẳng hạn như mô thận và mạch máu.
Đến nay mới chỉ có rất ít nghiên cứu có đối chứng được thực hiện trên người đánh giá tác động của việc uống bổ sung vitamin K đến sự vôi hóa mạch máu nhưng nhiều nghiên cứu hiện đang được tiến hành.
Vôi hóa mạch máu có thể dẫn đến nhiều bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim mạch và bệnh thận.
Tóm tắt: Một trong những chức năng chính của vitamin D là duy trì đủ lượng canxi trong máu. Vitamin K thúc đẩy sự tích tụ canxi trong xương, đồng thời giảm sự tích tụ canxi trong các mô mềm, ví dụ như mạch máu.
Có đúng là vitamin D sẽ gây hại nếu không có vitamin K?
Một số ý kiến lo ngại rằng lượng vitamin D cao có thể thúc đẩy quá trình vôi hóa mạch máu và làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch ở những người bị thiếu hụt vitamin K.
Lý do dẫn đến điều này là vì:
- Ngộ độc vitamin D gây tăng canxi huyết: một trong những vấn đề xảy ra khi nồng độ vitamin D trong máu tăng lên quá cao (ngộ độc vitamin D) là tăng canxi huyết – tình trạng lượng canxi trong máu tăng cao quá mức.
- Tăng canxi huyết dẫn đến vôi hóa mạch máu: khi bị tăng canxi huyết, nồng độ canxi và phốt pho trong máu cao đến mức canxi phốt phát (calcium phosphate) bắt đầu tích tụ trong niêm mạc của mạch máu.
- Vôi hóa mạch máu gây bệnh tim mạch: theo nhiều chuyên gia sức khỏe, vôi hóa mạch máu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mạch.
- Thiếu hụt vitamin K làm tăng nguy cơ vôi hóa mạch máu: các nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng nồng độ vitamin K thấp có thể làm tăng nguy cơ vôi hóa mạch máu.
- Bổ sung vitamin K liều cao có thể ngăn ngừa vôi hóa mạch máu ở động vật: một nghiên cứu được thực hiện trên những con chuột có nguy cơ cao bị vôi hóa mạch máu cho thấy bổ sung vitamin K2 liều cao có thể ngăn ngừa vấn đề này.
- Bổ sung vitamin K có thể làm giảm vôi hóa mạch máu ở người: một nghiên cứu được thực hiện ở người lớn tuổi cho thấy rằng việc bổ sung 500 mcg vitamin K1 mỗi ngày trong vòng 3 năm giúp làm giảm 6% nguy cơ vôi hóa mạch máu.
- Ăn nhiều vitamin K có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Những người có chế độ ăn uống giàu vitamin K2 có nguy cơ bị vôi hóa mạch máu và bệnh tim mạch thấp hơn.
Nói một cách đơn giản, ngộ độc vitamin D có thể gây ra vôi hóa mạch máu trong khi vitamin K lại giúp ngăn điều này xảy ra.
Tuy nhiên, cơ sở khoa học đằng sau điều này vẫn chưa thật sự chặt chẽ.
Mặc dù liều lượng vitamin D quá lớn có thể làm cho nồng độ canxi trong máu tăng cao đến mức nguy hiểm và gây vôi hóa mạch máu nhưng vẫn chưa rõ liệu liều lượng vitamin D thấp hơn có gây hại về lâu dài hay không.
Vào năm 2007, một chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra rằng vitamin D liều cao có thể làm giảm lượng vitamin K trong cơ thể và dẫn đến thiếu hụt vitamin K. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xác nhận điều này. (1)
Chưa có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh rằng lượng vitamin D ở mức vừa đủ sẽ gây hại nếu không bổ sung đủ vitamin K. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn tiến hành và sẽ sớm có kết quả.
Tóm tắt: Một số bằng chứng cho thấy lượng vitamin D quá lớn có thể gây hại cho cơ thể nếu không có đủ vitamin K. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu lượng vitamin D thấp hơn có gây ra các tác hại tương tự hay không.
Làm thế nào để bổ sung đủ vitamin K?
Vitamin K có nhiều dạng khác nhau và thường được chia thành hai nhóm:
- Vitamin K1 (phylloquinone): đây là dạng phổ biến nhất của vitamin K, có trong các loại thực phẩm nguồn gốc từ thực vật, đặc biệt là các loại rau xanh như cải xoăn và cải bó xôi.
- Vitamin K2 (menaquinone): đây là dạng ít gặp hơn trong thực phẩm, chủ yếu có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và thực phẩm lên men, ví dụ như natto.
Vitamin K2 là một nhóm hợp chất lớn, gồm có menaquinone-4 (MK-4) và menaquinone-7 (MK-7).
- MK-4: có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, ví dụ như gan, mỡ, lòng đỏ trứng và phô mai.
- MK-7: hình thành trong quá trình lên men thực phẩm bằng vi khuẩn và có trong các loại thực phẩm lên men, ví dụ như natto, miso… MK-7 còn được tạo ra bởi vi khuẩn đường ruột.
Các khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng hiện tại không phân biệt vitamin K1 và vitamin K2. Đối với người từ 19 tuổi trở lên, lượng tiêu thụ vitamin K khuyến nghị là 90 mcg/ngày đối với phụ nữ và 120 mcg/ngày đối với nam giới. (2)
Một số loại thực phẩm giàu vitamin K1: (3)
Thực phẩm | Lượng vitamin K trong một bát nhỏ |
Cải xoăn (kale) | 1.062 mcg |
Cải rổ (collard green) | 1.059 mcg |
Cải bó xôi (spinach) | 889 mcg |
Cải củ | 529 mcg |
Bông cải xanh | 220 mcg |
Bắp cải mini | 218 mcg |
Một số loại thực phẩm giàu vitamin K2: (4)
Thực phẩm | Lượng vitamin K trong 100g |
Natto (đậu nành lên men) | 1.062 mcg |
Xúc xích | 383 mcg |
Phô mai cứng | 76 mcg |
Thịt lợn | 75 mcg |
Thịt gà (đùi) | 60 mcg |
Phô mai mềm | 57 mcg |
Lòng đỏ trứng | 32 mcg |
Thêm các loại thực phẩm này vào bữa ăn hàng ngày sẽ giúp đáp ứng đủ nhu cầu vitamin K của cơ thể. Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ thì có thể dùng viên uống bổ sung vitamin K.
Vì vitamin K tan trong chất béo nên việc tiêu thụ cùng với các loại thực phẩm giàu chất béo sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ.
Ví dụ, có thể thêm một chút dầu hoặc mỡ vào xào cùng rau hoặc uống vitamin K trong bữa ăn có chứa chất béo.
Nhiều loại thực phẩm giàu vitamin K2 cũng có hàm lượng chất béo lớn, ví dụ như phô mai, lòng đỏ trứng và thịt lợn.
Không được uống bổ sung vitamin K liều cao mà không có sự cho phép bác sĩ vì vitamin này có thể tương tác với một số loại thuốc.
Tóm tắt: Vitamin K1 có nhiều trong các loại rau xanh như cải xoăn và cải bó xôi. Vitamin K2 có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, chẳng hạn như gan, trứng, phô mai và các loại thực phẩm lên men như natto.
Tóm tắt bài viết
Các nhà khoa học hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các chức năng của vitamin D, vitamin K và cách mà hai vitamin này tương tác với nhau.
Vitamin K có lợi cho sức khỏe tim mạch và xương, nhưng vẫn chưa rõ liệu việc bổ sung vitamin D liều cao có gây hại nếu thiếu vitamin K hay không.
Tuy nhiên, cả vitamin D và vitamin K đều là những vitamin quan trọng đối với sức khỏe nên cần bổ sung đủ cho cơ thể mỗi ngày.