Thiếu vitamin C ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể và có thể gây ra nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau.
15 dấu hiệu thiếu vitamin C
Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu với rất nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể. Tuy nhiên, thiếu vitamin C đang là một vấn đề mà khá nhiều người gặp phải. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin C là chế độ ăn ít ăn rau củ quả tươi, uống nhiều rượu, biếng ăn, hút thuốc lá và phải lọc máu ngoài thận.
Thiếu vitamin C ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể và có thể gây ra nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau. Dưới đây là 15 dấu hiệu phổ biến nhất.
Dấu hiệu thiếu vitamin C
1. Da sần sùi, nổi sẩn
Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất collagen – một loại protein có nhiều trong các mô liên kết như mô da, tóc, khớp, xương và mạch máu.
Nồng độ vitamin C thấp trong cơ thể có thể gây ra một vấn đề về da gọi là dày sừng nang lông.
Đây là tình trạng mà da trở nên sần sùi, thô ráp, nổi sẩn nhỏ ở vị trí các lỗ chân lông, khiến bề mặt da trông như da gà, thường là ở mặt sau của bắp tay, đùi hoặc mông. Nguyên nhân là do sự tích tụ của keratin bên trong lỗ chân lông.
Dày sừng nang lông do thiếu vitamin C thường xảy ra sau 3 – 5 tháng cơ thể không được cung cấp đủ vitamin C và thường sẽ tự khỏi sau khi được bổ sung. (1)
Tuy nhiên còn có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khác gây dày sừng nang lông nên không phải lúc nào đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt vitamin C. Trong những trường hợp này, bổ sung vitamin C sẽ không có tác dụng.
Tóm tắt: Thiếu vitamin C có thể gây dày sừng nang lông ở cánh tay, đùi hoặc mông và thông thường chỉ cần bổ sung vitamin C là vấn đề này sẽ hết. Tuy nhiên, dày sừng nang lông còn có thể là do những nguyên nhân khác gây ra.
2. Lông tóc xoắn bất thường
Thiếu vitamin C có thể khiến tóc và lông có hình dạng gập hoặc xoắn bất thường do những khiếm khuyết trong cấu trúc protein của lông/tóc.
Đây là một trong những dấu hiệu nhận biết của tình trạng thiếu hụt vitamin C nhưng nhiều người không nhận thấy vì những sợi lông/tóc này thường bị gãy hoặc rụng.
Lông và tóc thường sẽ mọc bình thường trở lại trong vòng một tháng sau khi cơ thể được bổ sung vitamin C.
Tóm tắt: Tóc và lông uốn gập hoặc xoắn bất thường là một trong những dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin C nhưng thường khó phát hiện vì những sợi tóc và lông này dễ bị rụng.
3. Nang lông đỏ
Các nang lông trên bề mặt da chứa nhiều mạch máu nhỏ cung cấp máu và chất dinh dưỡng cho khu vực này.
Khi cơ thể bị thiếu vitamin C, các mạch máu nhỏ này sẽ trở nên mỏng manh và dễ bị vỡ, dẫn đến sự xuất hiện các đốm nhỏ màu đỏ tươi ở xung quanh nang lông.
Hiện tượng này được gọi là xuất huyết quanh nang lông và một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu vitamin C trầm trọng.
Thông thường các nang lông sẽ trở lại bình thường sau khoảng 2 tuần uống bổ sung vitamin C. (2)
Tóm tắt: Nang lông chứa nhiều mạch máu nhỏ và các mạch máu này có thể bị vỡ khi cơ thể thiếu hụt vitamin C, gây hình thành ra các đốm màu đỏ tươi xung quanh nang lông.
4. Móng tay lõm hình thìa và có đốm đỏ
Móng tay hình thìa là hiện tượng móng bị lõm xuống và thường mỏng,dễ gãy.
Tình trạng này thường xảy ra khi bị thiếu máu do thiếu sắt nhưng cũng có thể là dấu hiệu của thiếu hụt vitamin C.
Móng tay cũng có thể xuất hiện các đốm hoặc đường màu đỏ, được gọi là xuất huyết mảnh vụn do sự thiếu hụt vitamin C khiến cho các mạch máu suy yếu và dễ bị vỡ.
Tóm tắt: Thiếu vitamin C có thể khiến móng tay lõm hình thìa và xuất hiện các đường hoặc đốm đỏ bên dưới móng do vỡ mạch máu.
5. Da khô
Làn da khỏe mạnh có chứa một lượng lớn vitamin C, đặc biệt là ở lớp biểu bì hay lớp ngoài cùng của da.
Vitamin C có vai trò bảo vệ da khỏi tác hại của quá trình oxy hóa do ánh nắng mặt trời và tiếp xúc với các chất có hại trong không khí như khói thuốc lá hay khí thải.
Vitamin C còn thúc đẩy quá trình sản xuất collagen, giúp da luôn căng mịn và tươi tắn.
Khi cơ thể có đủ vitamin C, da sẽ khỏe mạnh và thiếu hụt vitamin C sẽ khiến cho da trở nên khô ráp, nhăn nheo và dễ tổn thương.
Mặc dù da khô là một dấu hiệu của thiếu vitamin C nhưng cũng có thể do nguyên nhân khác gây ra nên không thể chỉ dựa vào vấn đề này để chẩn đoán thiếu hụt vitamin C.
Tóm tắt: Lượng vitamin C trong cơ thể quá ít có thể khiến da bị khô, dễ tổn thương khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các chất gây hại trong môi trường.
6. Dễ bị bầm tím
Vết bầm tím hình thành khi các mạch máu dưới da bị vỡ và máu rò rỉ vào vùng mô xung quanh.
Dễ bị bầm tím là một dấu hiệu phổ biến của sự thiếu hụt vitamin C vì lượng collagen thấp khiến mạch máu suy yếu và dễ vỡ.
Các vết bầm tím do thiếu vitamin C có thể lan rộng tạo thành một mảng lớn hoặc xuất hiện dưới dạng các chấm nhỏ màu xanh tím dưới da.
Dễ bị bầm tím thường là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất và xuất hiện đầu tiên khi bị thiếu hụt vitamin C.
Tóm tắt: Thiếu vitamin C làm suy yếu mạch máu và dễ bị bầm tím. Đây thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của sự thiếu hụt vitamin C.
7. Vết thương lâu lành
Vì thiếu hụt vitamin C làm chậm tốc độ sản sinh collagen nên sẽ khiến vết thương lâu lành hơn.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị loét chân mãn tính có tỷ lệ thiếu vitamin C cao hơn đáng kể so với những người không bị loét chân. (3)
Trong những trường hợp thiếu vitamin C nghiêm trọng, vết thương cũ thậm chí còn có thể mở lại và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Vết thương lâu lành là một trong những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị thiếu hụt vitamin C trầm trọng và thường chỉ xảy ra khi bị thiếu vitamin C trong nhiều tháng liên tiếp.
Tóm tắt: Thiếu vitamin C cản trở sự hình thành mô và khiến cho vết thương chậm lành. Đây là một dấu hiệu của thiếu hụt vitamin C trầm trọng và thường xuất hiện sau các dấu hiệu, triệu chứng khác.
8. Sưng đau khớp
Vì các khớp xương chứa nhiều mô liên kết giàu collagen nên cũng có thể bị ảnh hưởng khi cơ thể thiếu vitamin C.
Thiếu vitamin C có thể gây đau nhức và sưng khớp, nhiều trường hợp còn nghiêm trọng đến mức đi lại khó khăn.
Chảy máu khớp cũng có thể xảy ra ở những người bị thiếu vitamin C. Tình trạng này khiến cho các khớp xương càng bị sưng và đau nhức dữ dội.
Tuy nhiên, cả hai triệu chứng này đều có thể được khắc phục bằng cách bổ sung vitamin C và thường cải thiện trong vòng một tuần.
Tóm tắt: Thiếu vitamin C có thể gây sưng đau khớp. Các trường hợp nghiêm trọng còn có thể bị chảy máu khớp. Tình trạng này thường khỏi sau khi bổ sung vitamin C.
9. Xương yếu
Thiếu vitamin C cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của xương. Lượng vitamin C trong cơ thể quá thấp có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cấu trúc xương. Do đó, sự thiếu hụt có thể làm tăng tốc độ mất xương. (4)
Thiếu vitamin C ảnh hưởng nhiều nhất đến xương của trẻ nhỏ vì ở độ tuổi này, xương vẫn đang hình thành và phát triển.
Tóm tắt: Vitamin C rất quan trọng đối với sự hình thành xương và sự thiếu hụt vitamin C có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.
10. Chảy máu chân răng và rụng răng
Nướu (lợi) đỏ, sưng và chảy máu là một dấu hiệu phổ biến của tình trạng thiếu vitamin C.
Nếu không có đủ vitamin C, mô nướu sẽ trở nên yếu và bị viêm, các mạch máu cũng dễ chảy máu hơn.
Khi bị thiếu vitamin C trầm trọng, nướu răng còn có thể chuyển màu tím và hoại tử.
Cuối cùng, răng có thể bị rụng do nướu không khỏe mạnh và ngà răng yếu.
Tóm tắt: Nướu răng sưng đỏ, chảy máu là dấu hiệu phổ biến của tình trạng thiếu vitamin C. Sự thiếu hụt nghiêm trọng thậm chí còn có thể dẫn đến mất răng.
11. Sức đề kháng kém
Các nghiên cứu cho thấy rằng vitamin C tích tụ bên trong tế bào miễn dịch và giúp các tế bào này chống lại nhiễm trùng, tiêu diệt các mầm bệnh. (5)
Thiếu vitamin C có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả các bệnh nghiêm trọng như viêm phổi.
Trên thực tế, nhiều người bị bệnh scorbut (scurvy) – một bệnh do thiếu vitamin C – đã tử vong vì bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch hoạt động kém.
Tóm tắt: Vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với chức năng hệ miễn dịch. Mức vitamin C thấp có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và sự thiếu hụt nghiêm trọng có thể gây tử vong do các bệnh nhiễm trùng.
12. Thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu vitamin C và thiếu máu do thiếu sắt thường xảy ra cùng nhau.
Các dấu hiệu của thiếu máu do thiếu sắt gồm có da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, khó thở khi vận động, da và tóc khô, đau đầu và móng tay lõm hình thìa.
Mức vitamin C thấp sẽ làm giảm khả năng hấp thụ sắt từ các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình chuyển hóa sắt, do đó góp phần gây thiếu máu do thiếu sắt.
Thiếu vitamin C còn làm tăng nguy cơ máu khó đông và điều này cũng có thể dẫn đến thiếu máu.
Nếu các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt tiếp diễn trong một thời gian dài mà không rõ nguyên nhân thì nên đi làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ vitamin C.
Tóm tắt: Thiếu vitamin C có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt do làm giảm sự hấp thu sắt từ thực phẩm và gây chảy máu khó cầm.
13. Mệt mỏi và dễ cáu gắt
Hai trong số những dấu hiệu thường xuất hiện sớm nhất khi bị thiếu hụt vitamin C là mệt mỏi và dễ cáu gắt.
Những dấu hiệu này thậm chí còn có thể xuất hiện từ trước khi tình trạng thiếu hụt toàn diện xảy ra.
Mặc dù vậy nhưng thường thì triệu chứng mệt mỏi và khó chịu sẽ hết chỉ trong vòng vài ngày sau khi bổ sung đủ lượng vitamin C hoặc thậm chí là chỉ trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu uống vitamin C liều cao.
Tóm tắt: Mệt mỏi và cáu gắt có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cơ thể đang bị thiếu vitamin C và thường sẽ nhanh chóng biến mất khi được cung cấp đủ lượng vitamin C cần thiết.
14. Tăng cân không rõ nguyên nhân
Vitamin C có thể giúp ngăn ngừa béo phì bằng cách điều chỉnh sự giải phóng chất béo từ các tế bào mỡ, làm giảm nồng độ hormone stress cortisol và giảm phản ứng viêm trong cơ thể.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức vitamin C thấp có thể góp phần làm tăng tích mỡ thừa, đặc biệt là mỡ ở vùng bụng, ngay cả ở những người có cân nặng bình thường. (6)
Mặc dù nhiều mỡ thừa không phải lúc nào cũng là dấu hiệu chỉ ra sự thiếu hụt vitamin C nhưng nếu có chế độ ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục mà cân nặng vẫn không giảm hoặc thậm chí bị tăng cân thì có thể là do cơ thể không có đủ vitamin C.
Tóm tắt: Lượng vitamin C thấp có thể làm tăng sự tích mỡ trong cơ thể nhưng nguyên nhân cũng có thể là do chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc lười vận động.
15. Viêm mãn tính và stress oxy hóa
Vitamin C là một trong những chất chống oxy hóa quan trọng nhất của cơ thể.
Vitamin này có khả năng trung hòa các gốc tự do gây ra stress oxy hóa và phản ứng viêm, nhờ đó ngăn ngừa tổn thương tế bào.
Stress oxy hóa và phản ứng viêm là hai yếu tố dẫn đến nhiều bệnh mãn tính, gồm có bệnh tim mạch và tiểu đường nên việc làm giảm các yếu tố này sẽ có lợi cho sức khỏe.
Việc tiêu thụ quá ít vitamin C sẽ làm tăng mức độ phản ứng viêm và stress oxy hóa, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Trong một nghiên cứu, những người có nồng độ vitamin C trong máu thấp nhất có nguy cơ suy tim trong vòng 15 năm cao hơn gần 40% so với những người có nồng độ vitamin C trong máu ở mức cao nhất.
Tóm tắt: Bổ sung đủ các chất chống oxy hóa như vitamin C sẽ làm giảm phản ứng viêm và stress oxy hóa, nhờ đó giúp bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa nhiều bệnh tật.
Thực phẩm giàu vitamin C
Theo khuyến nghị, lượng vitamin C mà mỗi người cần bổ sung hàng ngày là 90 mg đối với nam giới và 75 mg đối với phụ nữ. (7)
Những người hút thuốc nên bổ sung thêm 35 mg mỗi ngày vì các chất trong thuốc lá làm giảm sự hấp thụ và làm tăng nhu cầu vitamin C của cơ thể.
Chỉ cần một lượng nhỏ vitamin C (10 mg mỗi ngày) là đủ để ngăn ngừa bệnh scorbut. Lượng vitamin C này tương đương với một thìa ớt chuông cắt nhỏ hoặc nước cốt của nửa quả chanh.
Dưới đây là một số nguồn vitamin C lớn nhất trong chế độ ăn và khả năng đáp ứng lượng tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày (RDI) của một chén thực phẩm:
- Quả sơ ri: 2.740% RDI
- Ổi: 628% RDI
- Ớt chuông đỏ: 317% RDI
- Quả kiwi: 273% RDI
- Quả vải: 226% RDI
- Chanh: 187% RDI
- Cam: 160% RDI
- Dâu tây: 149% RDI
- Đu đủ: 144% RDI
- Bông cải xanh: 135% RDI
- Mùi tây: 133% RDI
Vitamin C rất dễ bị phân hủy khi tiếp xúc với nhiệt độ cao nên trái cây và các loại rau củ có thể ăn sống sẽ cung cấp nhiều vitamin C hơn so với các loại cần nấu chín.
Vì cơ thể không dự trữ được nhiều vitamin C nên hãy ăn rau củ quả tươi mỗi ngày.
Nếu chế độ ăn không có đủ vitamin C thì có thể dùng viên uống bổ sung nhưng uống quá 2.000 mg mỗi ngày có thể gây đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và làm tăng nguy cơ sỏi thận (sỏi canxi oxalat) ở nam giới.
Ngoài ra, liều vượt quá 250 mg mỗi ngày có thể gây cản trở quá trình xét nghiệm phát hiện máu trong phân hoặc dạ dày. Do đó, nên ngừng uống vitamin C 2 tuần trước khi làm xét nghiệm.
Tóm tắt: Trái cây và rau củ tươi là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào và sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt nếu ăn hàng ngày. Ngoài ra có thể dùng viên uống bổ sung vitamin C nhưng phải chú ý liều lượng.
Tóm tắt bài viết
Vì cơ thể người không thể tự tạo ra và dự trữ nhiều vitamin C nên phải bổ sung hàng ngày từ chế độ ăn hoặc thực phẩm chức năng để tránh bị thiếu hụt. Tốt nhất là nên ăn nhiều các loại trái cây và rau củ tươi giàu vitamin C.
Thiếu vitamin C có nhiều dấu hiệu khác nhau và hầu hết đều liên quan đến sự giảm sản sinh collagen hoặc nồng độ chất chống oxy hóa thấp.
Một số dấu hiệu thường xuất hiện đầu tiên gồm có mệt mỏi, nướu răng sưng đỏ, dễ bầm tím và chảy máu, sưng đau khớp và dày sừng nang lông.
Khi bị thiếu hụt vitamin C nghiêm trọng, xương có thể trở nên yếu, giòn, móng tay và tóc có hình dạng bất thường, vết thương chậm lành và sức đề kháng kém.
Viêm, thiếu máu do thiếu sắt và tăng cân không rõ nguyên nhân cũng có thể là những dấu hiệu của thiếu vitamin C.
Tuy nhiên, đa số các vấn đề này đều sẽ hết sau khi cơ thể được bổ sung đủ vitamin C.