Tón bón có thể được điều trị bằng nhiều biện pháp như điều chỉnh chế độ ăn, dùng thuốc, thụt hậu môn và ngoài ra còn có thể giảm táo bón bằng các loại thảo dược.
5 loại thảo dược giúp trị táo bón
Táo bón là tình trạng đại tiện dưới 3 lần một tuần. Tình trạng này có thể là mãn tính hoặc thi thoảng mới xảy ra. Một số dấu hiệu của táo bón gồm có:
- Phân cứng và nhỏ
- Đại tiện khó khăn, phải rặn mỗi khi đại tiện
- Cảm giác đi ngoài không hết phân
- Đau bụng
- Đầy hơi, chướng bụng, bụng căng cứng
- Thường xuyên ợ và xì hơi
- Buồn nôn
Táo bón gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Tón bón có thể được điều trị bằng nhiều biện pháp như điều chỉnh chế độ ăn, dùng thuốc, thụt hậu môn và ngoài ra còn có thể giảm táo bón bằng các loại thảo dược.
Nguyên nhân gây táo bón
Có nhiều nguyên nhân gây táo bón, chẳng hạn như:
- Lối sống ít vận động
- Mới phẫu thuật
- Do dùng thuốc
- Chế độ ăn ít chất xơ
- Uống quá ít nước
- Căng thẳng
- Lạm dụng thuốc nhuận tràng
Sử dụng thảo dược để trị táo bón
Có rất nhiều loại thảo dược có công dụng giảm táo bón. Trên thực tế, nhiều loại thuốc nhuận tràng cũng có chứa các thành phần thảo dược. Hầu hết các loại thảo dược có đặc tính nhuận tràng đều chứa anthraquinon – các chất có tác dụng kích thích ruột. Những chất này đưa chất lỏng đến đại tràng và tăng nhu động ruột. Nhu động ruột là sự co bóp của ruột giúp di chuyển chất thải qua đại tràng đến trực tràng. Bổ sung chất xơ và chất lỏng (uống nhiều nước) là điều rất cần thiết khi bị táo bón.
Dưới đây là 5 biện pháp chữa trị táo bón bằng thảo dược mà bạn có thể thử.
1. Hắc mai (Cascara sagrada)
Hắc mai (Buckthorn hay Cascara sagrada) là một loài cây bụi thuộc họ Táo. Chiết xuất từ vỏ của loài cây này được sử dụng trong một số loại thuốc và thực phẩm chức năng nhuận tràng. Chiết xuất hắc mai giảm táo bón bằng cách kích thích đại tràng để thúc đẩy nhu động ruột. Hắc mai được dung nạp tốt khi sử dụng trong thời gian ngắn nhưng có thể gây đau bụng hoặc mất cân bằng điện giải. Sử dụng về lâu dài có thể gây tổn thương gan từ nhẹ đến nặng, thậm chí là suy gan cấp tính.
2. Psyllium
Psyllium là một loài cây thuộc nhóm chuối cứng (plantain). Psyllium chứa nhiều chất xơ tự nhiên giúp tăng khối lượng phân và nhờ đó tăng tần suất đại tiện. Psyllium thường được sử dụng để điều trị táo bón mãn tính và có thể kết hợp với các loại thuốc nhuận tràng khác, cả tự nhiên và tổng hợp. Psyllium có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Dị ứng
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Nôn mửa
3. Đại hoàng (Rhubarb)
Đại hoàng (rhubard) có công dụng chữa trị nhiều vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, ợ nóng, đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa và cả táo bón. Đại hoàng có tác dụng nhuận tràng nhưng một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Ethnopharmacology đã cho thấy rằng loại thảo dược này cũng có tác dụng trị tiêu chảy vì chứa tannin. (1) Do đó, chỉ nên sử dụng đại hoàng trong thời gian ngắn để trị táo bón.
4. Senna
Senna là một loại thảo dược có nguồn gốc từ lá, hoa và quả của một số loài cây trong họ Đậu. Senna được sử dụng để điều trị táo bón và làm sạch ruột trước một số thủ thuật y tế. Quả của cây có tác dụng nhẹ nhàng hơn so với lá. Tuy nhiên, cũng chỉ nên sử dụng loại thảo dược này trong thời gian ngắn và dùng đúng liều lượng khuyến nghị. Sử dụng liều cao và trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan. Senna là thành phần có trong một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nhuận tràng.
5. Cây du trơn (slippery elm)
Loại thảo dược này từ lâu đã được sử dụng để trị táo bón. Cây du trơn có chứa các chất kích thích dây thần kinh trong đường tiêu hóa, dẫn đến tăng tiết chất nhầy và nhờ đó giúp giảm táo bón. Tuy nhiên, cây du trơn có chứa chất nhầy dính, khi vào trong đường tiêu hóa sẽ tạo một lớp phủ lên niêm mạc và làm giảm sự hấp thu một số loại thuốc nếu dùng cùng lúc. Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng lâu dài của cây du trơn trong điều trị táo bón.
Các phương pháp trị táo bón khác
Một số loại thảo dược khác mặc dù không điều trị trực tiếp táo bón bằng cách kích thích nhu động ruột nhưng có thể giúp làm giảm các triệu chứng táo bón.
Ví dụ, trà bạc hà giúp làm dịu cảm giác buồn nôn và chướng bụng. Cây phỉ (witch hazel) và hoa cúc (chamomile) có thể được bôi bên ngoài hậu môn để giảm đau rát do trĩ và kích ứng trực tràng.
Và ngoài ra còn có một cách hiệu quả để trị và ngăn ngừa táo bón mà không cần dùng bất kỳ loại thuốc hay thảo dược nào, đó là ăn nhiều chất xơ. Ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch và hạt sẽ giúp dễ dàng đáp ứng nhu cầu chất xơ hàng ngày. Ngoài làm giảm hoặc ngăn ngừa táo bòa, chế độ ăn nhiều chất xơ còn đem lại các lợi ích khác cho sức khỏe, chẳng hạn như cải thiện sức khỏe đuòng ruột, giảm cholesterol, kiểm soát mức đường huyết, giảm cân và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Khi nào cần đi khám?
Nếu thi thoảng mới bị táo bón thì cũng không phải vấn đề đáng lo ngại nhưng nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên hoặc đi kèm với các triệu chứng dưới đây thì nên đi khám càng sớm càng tốt:
- Táo bón xảy ra đột ngột, đi kèm với đau quặn bụng dữ dội và không thể xì hơi
- Phân có lẫn máu
- Đau trực tràng
- Đau bụng dữ dội và đầy hơi
- Sụt cân không chủ đích
- Táo bón và tiêu chảy xảy ra xen kẽ
Cũng nên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy thuốc nhuận tràng không hiệu quả sau vài tuần sử dụng.
Nhiều người cho rằng phương pháp điều trị bằng thảo dược an toàn hơn thuốc Tây y vì có nguồn gốc tự nhiên. Điều này không hoàn toàn đúng. Mặc dù một số loại thảo dược là lựa chọn thay thế nhẹ nhàng hơn cho các loại thuốc Tây có cùng công dụng nhưng thảo dược vẫn có thể gây tác dụng phụ tiêu cực và tương tác với các loại thuốc đang dùng.
Do đó, vẫn phải thận trọng khi sử dụng thảo dược để trị táo bón, đặc biệt là khi đang mang thai hoặc cho con bú. Đối với trẻ nhỏ bị táo bón, cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị an toàn chứ không được tự ý cho con dùng bất kỳ loại thảo dược nào.