Sắt là một khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều chất dinh dưỡng khác, quá nhiều sắt sẽ gây hại.
Tại sao bổ sung quá nhiều sắt lại gây hại?
Lượng sắt trong cơ thể quá lớn có thể dẫn đến ngộ độc nên sự hấp thụ sắt từ đường tiêu hóa được kiểm soát chặt chẽ. Đây là cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể để giảm nguy cơ thừa sắt.
Tuy nhiên, cơ chế này cũng chỉ kiểm soát được sự hấp thụ sắt ở một mức độ nhất định. Khi lượng sắt nạp vào cơ thể quá lớn, cơ chế an toàn này sẽ không còn tác dụng và lúc này, các vấn đề sức khỏe sẽ phát sinh.
Dưới đây là những tác hại của việ bổ sung quá nhiều chất sắt.
Sắt là gì?
Sắt là một khoáng chất thiết yếu, phần lớn lượng sắt trong cơ thể được sử dụng bởi tế bào hồng cầu.
Sắt là một phần quan trọng của hemoglobin hay còn gọi là huyết sắt tố – một loại protein có trong các tế bào hồng cầu. Hemoglobin có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến tất cả tế bào của cơ thể.
Chất sắt trong thực phẩm được chia làm hai loại:
- Sắt heme: Dạng sắt này chỉ có trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, chủ yếu là các loại thịt đỏ. Sắt heme được hấp thụ dễ hơn sắt không heme.
- Sắt không heme: Phần lớn lượng sắt trong chế độ ăn uống là sắt không heme. Dạng sắt này có trong cả thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và thực vật. Mặc dù sắt không heme được hấp thụ kém hơn sắt heme nhưng có thể tăng cường sự hấp thụ bằng cách ăn các loại thực phẩm chứa axit hữu cơ, chẳng hạn như vitamin C. Mặt khác, sự hấp thụ sẽ bị giảm khi ăn thực phẩm chứa các hợp chất thực vật như axit phytic.
Những người ăn quá ít hoặc không ăn thực phẩm chứa sắt heme, chẳng hạn như người ăn chay và thuần chay, có nguy cơ cao bị thiếu sắt.
Ngoài ra, những nhóm dân số khác cũng có nguy cơ thiếu sắt là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trên thực tế, thiếu sắt là loại thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất trên thế giới.
Tóm tắt: Sắt là một khoáng chất thiết yếu, đóng vai trò quan trọng đối với sự sản xuất hồng cầu – các tế bào máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Thiếu sắt là một vấn đề rất phổ biến.
Cơ chế kiểm soát lượng sắt dự trữ của cơ thể
Có hai lý do tại sao nồng độ sắt lại được kiểm soát chặt chẽ trong cơ thể:
- Sắt là một chất dinh dưỡng thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng cơ bản của cơ thể, vì vậy nên cơ thể cần được cung cấp đủ sắt.
- Lượng sắt quá lớn có thể gây ngộ độc nên không được bổ sung quá nhiều sắt.
Cơ thể kiểm soát nồng độ sắt bằng cách điều chỉnh tốc độ hấp thụ sắt từ đường tiêu hóa.
Hepcidin là một hormone có nhiệm vụ điều hòa lượng sắt trong cơ thể sao cho lượng sắt dự trữ luôn ở mức cân bằng. Chức năng chính của hormone này là ức chế sự hấp thụ sắt.
Về cơ bản, cơ chế điều hòa lượng sắt dự trữ như sau:
- Khi lượng sắt dự trữ ở mức cao, cơ thể sẽ sản xuất nhiều hepcidin hơn để giảm sự hấp thụ sắt.
- Khi lượng sắt dự trữ ở mức thấp, cơ thể giảm sản xuất hepcidin và lúc này, sự hấp thụ sắt lại tăng.
Đa phần thì cơ chế này hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, một số dạng rối loạn gây ức chế sự sản xuất hepcidin có thể dẫn đến tình trạng quá tải sắt.
Mặt khác, các vấn đề kích thích cơ thể tăng sản xuất hepcidin có thể gây ra tình trạng thiếu sắt.
Sự cân bằng sắt trong cơ thể còn bị ảnh hưởng bởi lượng sắt đến từ chế độ ăn uống và thực phẩm chức năng. Theo thời gian, chế độ ăn ít chất sắt sẽ dẫn đến thiếu hụt. Mặt khác, bổ sung quá nhiều sắt sẽ gây thừa sắt và ngộ độc sắt. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra nếu chỉ cung cấp chất sắt cho cơ thể từ các loại thực phẩm. Đa số các trường hợp thừa sắt và ngộ độc sắt đều chủ yếu xảy ra do dùng chế phẩm bổ sung sắt.
Tóm tắt: Tốc độ hấp thụ sắt từ đường tiêu hóa được kiểm soát chặt chẽ bởi hormone hepcidin. Tuy nhiên, một số rối loạn sẽ ảnh hưởng đến sự sản xuất hepcidin và phá vỡ sự cân bằng sắt trong cơ thể.
Ngộ độc sắt
Ngộ độc sắt có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ.
Nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể phát sinh do vô tình dùng chế phẩm bổ sung sắt quá liều, uống bổ sung sắt liều cao trong thời gian dài hoặc bị quá tải sắt mãn tính.
Bình thường có rất ít sắt tự do lưu thông trong máu. Sắt được liên kết với các protein, chẳng hạn như transferrin, để không gây hại.
Tuy nhiên, ngộ độc sắt có thể xảy ra khi nồng độ sắt tự do trong máu tăng quá cao.
Sắt tự do là chất gây ra stress oxy hóa (pro-oxidant) – trái ngược với chất chống oxy hóa – và có thể gây tổn thương tế bào.
Một số vấn đề có thể làm tăng nồng độ sắt tự do gồm có:
- Ngộ độc sắt: Ngộ độc sắt thường xảy ra do dùng quá liều chế phẩm bổ sung sắt. Nguy cơ đặc biệt cao ở trẻ nhỏ.
- Quá tải sắt di truyền: Một rối loạn di truyền khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều sắt từ thực phẩm.
Ngộ độc sắt cấp tính xảy ra khi dùng quá liều chế phẩm bổ sung sắt. Chỉ cần một liều từ 10 – 20mg cho mỗi kg khối lượng cơ thể cũng đã có thể gây ra các triệu chứng bất lợi và liều vượt quá 40mg cho mỗi kg khối lượng cơ thể cần được can thiệp khẩn cấp.
Tương tự, việc uống bổ sung sắt liều cao thường xuyên trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng. Do đó, không được dùng chế phẩm bổ sung sắt vượt quá liều lượng chỉ định của bác sĩ.
Các dấu hiệu ban đầu khi bị ngộ độc sắt là đau bụng, buồn nôn và nôn.
Dần dần, lượng sắt dư thừa sẽ tích tụ trong các cơ quan nội tạng, gây tổn thương não bộ, gan và có thể dẫn đến tử vong.
Việc uống chế phẩm bổ sung sắt liều cao trong thời gian dài có thể gây ra các triệu chứng tương tự như quá tải sắt (vấn đề này sẽ được nói chi tiết ở phần dưới).
Tóm tắt: Ngộ độc sắt có thể xảy ra do uống bổ sung sắt quá liều, dùng chế phẩm bổ sung sắt liều cao trong thời gian dài hoặc bị quá tải sắt mãn tính.
Quá tải sắt
Quá tải sắt hay thừa sắt là tình trạng lượng sắt trong cơ thể quá cao và sắt dư thừa dần dần tích tụ. Nguyên nhân là do cơ chế kiểm soát của cơ thể không giữ được lượng sắt ở mức bình thường.
Ở hầu hết mọi người, quá tải sắt không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề nghiêm trọng ở những người mang gen di truyền khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều sắt từ đường tiêu hóa.
Loại quá tải sắt phổ biến nhất là bệnh ứ sắt di truyền (hereditary hemochromatosis). Ở những người mắc bệnh này, sắt dư thừa tích tụ trong các mô và cơ quan.
Theo thời gian, tình trạng ứ sắt không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ viêm khớp, ung thư, các vấn đề về gan, tiểu đường và suy tim.
Lượng sắt thừa rất khó bị đào thải ra khỏi cơ thể. Cách hiệu quả nhất để loại bỏ lượng sắt này là mất máu.
Do bị mất máu vào kỳ kinh nguyệt hàng tháng nên phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nguy cơ thừa sắt thấp hơn. Tương tự, những người thường xuyên hiến máu cũng ít khi gặp phải vấn đề này.
Những người dễ bị thừa sắt có thể giảm thiểu nguy cơ bằng các cách như:
- Ăn ít thức ăn giàu chất sắt, chẳng hạn như thịt đỏ
- Hiến máu thường xuyên
- Tránh ăn thực phẩm giàu vitamin C với thực phẩm giàu sắt do vitamin C làm tăng sự hấp thụ sắt
- Không sử dụng dụng cụ nấu nướng bằng sắt
Tuy nhiên, chỉ nên giảm lượng sắt trong chế độ ăn uống khi đã được chẩn đoán mắc chứng quá tải sắt. Nếu không bị bệnh này thì vẫn cần phải bổ sung đủ sắt mỗi ngày.
Tóm tắt: Quá tải sắt là tình trạng lượng sắt trong cơ thể tăng quá cao. Loại quá tải sắt phổ biến nhất là bệnh ứ sắt di truyền. Bệnh này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Có nhiều cách để làm giảm nguy cơ quá tải sắt ở những người có nguy cơ cao, chẳng hạn như giảm lượng sắt trong chế độ ăn.
Sắt và nguy cơ ung thư
Thừa sắt có thể dẫn đến ung thư ở con người và động vật. (1)
Có thể làm giảm nguy cơ này bằng cách hiến máu thường xuyên. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cũng có nguy cơ thấp hơn.
Các nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng quá nhiều sắt heme có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Các thử nghiệm lâm sàng ở người cho thấy sắt heme từ chế phẩm bổ sung hoặc thịt đỏ có thể làm tăng sự hình thành N-nitroso – một hợp chất gây ung thư đường tiêu hóa.
Mối liên hệ giữa việc ăn thịt đỏ và nguy cơ ung thư là một chủ đề vẫn đang được tranh luận. Mặc dù đã có một số giả thuyết khá hợp lý giải thích cho mối liên hệ này nhưng hầu hết các bằng chứng đều mới chỉ dựa trên các nghiên cứu quan sát. Do đó, cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác minh tác động của sắt đến nguy cơ ung thư và lý giải nguyên nhân.
Tóm tắt: Thừa sắt có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Các nghiên cứu cho thấy sắt heme có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm để chứng minh điều này.
Sắt và nguy cơ nhiễm trùng
Cả thừa sắt và thiếu sắt đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. (2)
Lý do là bởi:
- Hệ miễn dịch sử dụng sắt để tiêu diệt vi khuẩn có hại nên cơ thể cần có đủ sắt để chống lại nhiễm trùng. Điều này có nghĩa là thiếu sắt sẽ khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Nồng độ sắt tự do tăng cao sẽ kích thích sự phát triển của vi khuẩn và virus. Do đó, thừa sắt cũng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc uống bổ sung sắt có thể làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại không cho thấy tác hại này của chế phẩm bổ sung sắt.
Do lượng sắt trong cơ thể ở mức cao nên những người bị ứ sắt di truyền cũng dễ bị nhiễm trùng hơn.
Những người vốn đã có nguy cơ nhiễm trùng cao cần cân nhắc thật cẩn thận trước khi uống bổ sung sắt. Chỉ uống bổ sung sắt khi có chỉ định của bác sĩ.
Tóm tắt: Thừa sắt và uống bổ sung sắt liều cao có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Tóm tắt bài viết
Lượng sắt quá lớn sẽ gây hại đến sức khỏe.
Tuy nhiên, lượng sắt từ thực phẩm rất khó gây quá tải sắt hay ngộ độc sắt. Nguyên nhân gây ra các vấn đề này đa phần là do dùng chế phẩm bổ sung sắt khi không cần thiết hoặc vượt quá liều lượng cho phép. Do đó, chỉ nên uống bổ sung sắt khi có chỉ định của bác sĩ và phải dùng đúng liều lượng.