Tốt nhất, trẻ em nên được cung cấp chất sắt và các loại vitamin, khoáng chất khác từ một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, một số trẻ có nguy cơ thiếu sắt cao hơn bình thường và có thể cần phải uống bổ sung sắt.
Những điều cha mẹ cần biết khi cho trẻ nhỏ uống bổ sung sắt
Sắt là một khoáng chất rất quan trọng đối với sức khỏe.
Cơ thể con người cần sắt để tạo ra hemoglobin – một loại protein chứa sắt trong hồng cầu (tế bào máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
Nếu không có hemoglobin, cơ thể sẽ ngừng sản xuất hồng cầu khỏe mạnh và nếu không có đủ sắt, các cơ, mô và tế bào của cơ thể sẽ không nhận được lượng oxy cần thiết.
Trẻ bú sữa mẹ có một lượng sắt dự trữ trong cơ thể và thường được cung cấp đủ sắt từ sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, trong khi ở những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ thì sữa công thức là nguồn cung cấp sắt chính.
Tuy nhiên, khi trẻ chuyển sang ăn thức ăn rắn, lượng sắt trong chế độ ăn hàng ngày có thể sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu và dẫn đến nguy cơ thiếu máu thiếu sắt.
Thiếu sắt sẽ cản trở sự tăng trưởng, phát triển của trẻ và còn có thế gây ra các vấn đề khác như:
- Vấn đề về khả năng học hỏi
- Vấn đề về hành vi
- Xa lánh xã hội
- Giảm khả năng vận động
- Yếu cơ
Sắt cũng có vai trò rất quan trọng đối với hệ miễn dịch, vì vậy việc không bổ sung đủ sắt sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh và cúm.
Trẻ nhỏ có cần uống bổ sung sắt không?
Tốt nhất, trẻ em nên được cung cấp chất sắt và các loại vitamin, khoáng chất khác từ một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng.
Nếu như đã ăn đủ lượng thực phẩm giàu sắt hàng ngày thì không cần phải dùng các chế phẩm bổ sung sắt nữa.
Một số loại thực phẩm giàu chất sắt gồm có:
- Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt bê, thịt lợn
- Nội tạng như gan, cật
- Thịt gia cầm
- Cá
- Các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn, bông cải xanh và rau bina
- Các loại đậu
- Quả khô
Tuy nhiên, một số trẻ có nguy cơ thiếu sắt cao hơn bình thường và có thể cần phải uống bổ sung sắt.
Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu sắt:
- Kén ăn, không ăn đủ bữa hoặc chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng
- Theo chế độ ăn chay
- Mắc các bệnh lý gây cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng, gồm có các bệnh đường ruột và nhiễm trùng mãn tính
- Trẻ sơ sinh nhẹ cân và trẻ sinh non
- Trẻ có mẹ bị thiếu sắt
- Trẻ uống quá nhiều sữa bò
- Thường xuyên tiếp xúc với chì
- Vận động viên hoặc thường xuyên tập thể dục cường độ cao
- Những trẻ trải qua sự quá trình phát triển nhanh chóng trong độ tuổi dậy thì
- Trẻ em gái bị mất nhiều máu trong kỳ kinh nguyệt
Trước tiên cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi cho con uống bổ sung sắt.
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và hỏi về các dấu hiệu của tình trạng thiếu sắt, gồm có:
- Các vấn đề về hành vi
- Chán ăn, bỏ ăn
- Suy nhược, yếu ớt
- Thường xuyên ra nhiều mồ hôi
- Thèm ăn những thứ không phải đồ ăn, chẳng hạn như giấy (hội chứng pica)
- Trẻ tăng trưởng chậm so với lứa tuổi
Ngoài ra sẽ cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng hồng cầu. Nếu đúng là bị thiếu sắt, bác sĩ sẽ hướng dẫn sử dụng chế phẩm bổ sung sắt phù hợp.
Trẻ cần bao nhiêu sắt mỗi ngày?
Sắt là một chất dinh dưỡng rất quan trọng, đặc biệt là đối với những trẻ đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng. Nhu cầu sắt hàng ngày thay đổi tùy theo độ tuổi: (1)
- 1 – 3 tuổi: 7 mg mỗi ngày
- 4 – 8 tuổi: 10 mg mỗi ngày
- 9 – 13 tuổi: 8 mg mỗi ngày
Cha mẹ cần lưu ý, bổ sung quá nhiều sắt có thể gây ngộ độc. Trẻ dưới 14 tuổi không nên tiêu thụ quá 40 mg sắt mỗi ngày.
5 loại chế phẩm bổ sung sắt phù hợp với trẻ nhỏ
Các loại chế phẩm bổ sung sắt dành cho người lớn có liều lượng sắt quá cao so với nhu cầu hàng ngày của trẻ nhỏ. Một số sản phẩm chứa tới 100 miligam trong mỗi liều. Việc cho trẻ nhỏ dùng những sản phẩm này sẽ không an toàn.
Hiện nay có rất nhiều loại chế phẩm bổ sung sắt với các dạng khác nhau được sản xuất dành riêng cho trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể lựa chọn một trong 5 loại dưới đây:
1. Dạng lỏng
Các chế phẩm bổ sung sắt dạng lỏng có hiệu quả cao vì cơ thể có thể hấp thụ dễ dàng và là một lựa chọn phù hợp với trẻ nhỏ vì dễ uống hơn so với dạng viên nén.
Các sản phẩm này thường đi kèm với một ống nhỏ giọt có vạch chia, giúp cha mẹ xác định được liều lượng chính xác và bơm dung dịch thẳng vào miệng của trẻ.
Tuy nhiên, chế phẩm bổ sung sắt dạng lỏng có thể làm ngả màu răng nên cần cho trẻ súc miệng hoặc đánh răng ngay sau khi uống.
2. Dạng siro
Chế phẩm bổ sung sắt dạng siro cũng có các ưu điểm tương tự như dạng lỏng nhưng thường có kết cấu sệt hơn. Cha mẹ có thể dễ dàng đo lường liều lượng và cho trẻ uống bằng thìa.
Tuy nhiên, các sản phẩm này có thể còn chứa một số thành phần khác mà trẻ không cần nên nếu chỉ có nhu cầu bổ sung chất sắt thì đây sẽ không phải là lựa chọn phù hợp nhất.
3. Dạng viên nhai
Nếu e ngại về việc đo lường liều lượng không chính xác khi dùng các chế phẩm dạng lỏng hoặc dạng siro thì cha mẹ có thể lựa chọn dạng viên nhai để bổ sung sắt cho con.
Các sản phẩm này thường có vị ngọt, dễ ăn và mỗi viên có chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau.
Tuy nhiên, dạng viên nhai thường có liều lượng sắt tương đối thấp so với các thành phần khác.
Cha mẹ cần vặn chặt nắp lọ và để ở nơi xa tầm với của trẻ để tránh trẻ ăn quá nhiều.
4. Dạng viên ngậm
Các sản phẩm này thường có hương vị trái cây giống với kẹo nên trẻ nhỏ rất thích.
Mặc dù các loại kẹo bổ sung vitamin hay khoáng chất đều an toàn nhưng cha mẹ không được để con ăn thoải mái và phải để sản phẩm tránh xa tầm tay của trẻ.
5. Dạng bột
Chế phẩm bổ sung sắt dạng bột có thể hòa với nước hoặc trộn cùng với các món ăn mà trẻ thích, chẳng hạn như sữa chua hay sinh tố trái cây. Các sản phẩm này cũng thường có hương vị thơm ngon và được đóng thành từng gói với liều lượng phù hợp cho trẻ (mỗi gói thường chứa 4 mg sắt).
Tác dụng phụ
Các chế phẩm bổ sung sắt có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, đi ngoài phân nát, tiêu chảy hoặc táo bón.
Mặc dù các sản phẩm này được hấp thụ tốt hơn nếu uống lúc đói trước khi ăn nhưng nếu như trẻ gặp phải các tác dụng phụ thì có thể cho trẻ dùng sau bữa ăn.
Việc bổ sung quá nhiều sắt có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nên không được cho trẻ uống bổ sung sắt mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, vô tình uống các chế phẩm bổ sung sắt là nguyên nhân gây ra gần một phần ba số ca tử vong do ngộ độc ngoài ý muốn ở trẻ em tại Hoa Kỳ từ năm 1983 đến năm 1991.
Các dấu hiệu có thể gặp phải khi bị ngộ độc sắt gồm có:
- Nôn mửa dữ dội
- Tiêu chảy
- Da và móng tay chuyển màu
- Mệt mỏi, suy nhược
Ngộ độc sắt cần được can thiệp khẩn cấp nên nếu như nhận thấy trẻ có các dấu hiệu kể trên hay bất cứ biểu hiện bất thường nào nghi là ngộ độc thì cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Lưu ý khi cho trẻ uống bổ sung sắt
Khi sử dụng các chế phẩm bổ sung sắt, cha mẹ nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho con mình.
Trước tiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi cho trẻ uống bổ sung bất kỳ chất dinh dưỡng nào.
Phải sử dụng các chế phẩm bổ sung theo đúng chỉ dẫn và không được vượt quá liều lượng quy định.
Để sản phẩm ở xa tầm tay của trẻ vì trẻ có thể tưởng nhầm là kẹo và ăn quá nhiều.
Không để trẻ uống bổ sung sắt cùng với sữa hoặc đồ uống có chứa caffeine để tránh làm giảm sự hấp thụ.
Kết hợp sắt với các loại thực phẩm giàu vitamin C như nước cam hoặc dâu tây để tăng khả năng hấp thụ.
Cuối cùng, có thể phải sau vài tháng thì lượng sắt trong cơ thể mới trở lại mức bình thường. Do đó, cần cho trẻ uống bổ sung sắt đều đặn trong khoảng thời gian mà bác sĩ khuyến nghị.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù nguồn cung cấp sắt tốt nhất cho trẻ nhỏ là từ chế độ ăn uống hàng ngày nhưng đôi khi sẽ cần phải cho trẻ dùng các chế phẩm bổ sung sắt để tránh bị thiếu hụt.
Các sản phẩm bổ sung sắt dành cho trẻ nhỏ có nhiều dạng khác nhau như dạng lỏng, dạng siro, dạng viên nhai, viên ngậm và dạng bột.
Cha mẹ nên kết hợp các sản phẩm này với chế độ ăn giàu chất sắt và đưa các loại thực phẩm chứa hàm lượng sắt cao vào chế độ ăn của trẻ càng sớm càng tốt.
Các loại thực phẩm như thịt đỏ, rau lá xanh đậm, trái cây khô và các loại đậu là những nguồn cung cấp chất sắt tuyệt vời, ngoài ra còn chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất thiết yếu khác.